Dennis Bergkamp nổi tiếng vì sự tinh tế trong lối chơi và những pha xử lý đầy chất nghệ thuật. Để có được điều đó, ông phải là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo: chuẩn chỉ trong từng buổi tập, từng động tác, từng tích tắc đưa ra quyết định. Ngày hôm nay, Bergkamp bước sang tuổi 52. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi tới các bạn chương 12 trong cuốn tự truyện “Sự tĩnh lặng và tốc độ” nói về chủ nghĩa hoàn hảo của Bergkamp.
“Nếu phải đợi 1 giây để chuyền đường bóng hoàn hảo, Dennis sẽ đợi”
“Dennis nghĩ được những điều mà các cầu thủ khác thậm chí không thể tưởng tượng nổi”, Patrick Viera nói. “Và khi bạn nhìn vào cách ăn mặc cũng như phong cách thi đấu của anh ấy, bạn sẽ hiểu rằng sự sang trọng và hoàn hảo là điều rất quan trọng với anh. Anh ấy ăn mặc đơn giản nhưng vô cùng tinh tế. Và khi thi đấu, anh ấy thực sự là một ‘Dennis tinh tế.’ Chú ý này. Anh ấy là một trong vài cầu thủ mà tôi sẽ trả tiền để theo dõi. Để thực hiện được những đường chuyền như của anh ấy, bạn phải đạt đến cảnh giới của sự hoàn hảo. Tôi sẽ không bất ngờ nếu ở nhà, tủ quần áo của anh ấy được sắp xếp gọn gàng quy củ. Tôi sẽ hoàn toàn không bất ngờ.
Dennis luôn lấy tôi ra làm trò cười khi nói: ‘Tôi là người tạo ra cậu’ vì trong số tất cả bàn thắng tôi ghi được, 95% trong số đó đều đến từ những đường chuyền của anh ấy. Đó là những gì anh ấy nói! Tôi nghĩ là đúng. Tôi không ghi nhiều bàn thắng nhưng hầu hết đều bắt nguồn từ anh ấy. Bạn biết khi nào mình phải chuyền bóng, thấy khoảng trống và chạy chỗ không? Đôi khi bạn nói: ‘Tốt, tôi không chạy vì bóng sẽ không tới.’ Nhưng nếu biết có Dennis ở đó, tôi biết anh ấy sẽ nhìn ra khoảng trống. Tôi biết mình sẽ không di chuyển một cách vô nghĩa. Vì thế tôi chạy về phía trước vì tôi biết bóng sẽ ở đó và tôi sẽ ghi bàn vì tính thời điểm và chất lượng của đường chuyền.
Như bàn thắng vào lưới Leicester là ví dụ. Tôi có bóng trong chân. Tôi không thể nhớ mình đã chuyền bóng cho ai. Thierry à? Thierry hay Dennis? Tôi không nhớ. Nhưnng tôi biết tôi sẽ chuyền bóng ngược lại phía sau. Tôi chuyền bóng cho người sẽ đưa bóng đến chỗ Dennis, anh ấy sẽ nhìn thấy tôi vì tôi đã chạy chỗ và anh ấy hiểu. Tôi biết điều này sẽ xảy ra. Tôi biết Dennis sẽ nhìn ra khoảng trống và chuyền bóng cho tôi. Và điều đó đã đến. Tôi biết chắc chắn sẽ như vậy.”
Arsene Wenger nhận xét: “Dennis là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cho đến tận buổi tập cuối [ở Arsenal], cậu ấy hoàn toàn không bao giờ bỏ qua việc tập khống chế hay chuyền bóng. Và nếu nó không hoàn hảo, cậu ấy sẽ không vui. Nhưng đó là đặc điểm của một cầu thủ đẳng cấp hàng đầu: cậu ấy không vui… hay chính xác hơn là không hài lòng chứ không phải không vui vì khi bạn đã tiệm cận sự hoàn hảo bạn có thể vui, nhưng sẽ không hài lòng. Cậu ấy muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo và đó là điểm chung của những cầu thủ hàng đầu. Họ cần sự hoàn hảo. Và đó là Dennis.”
“Tôi yêu mọi thứ của Dennis,” Thierry Henry nói. “Tất cả mọi thứ! Và anh biết tôi yêu điều gì nhất không? Cách anh ấy tập luyện. Anh ấy là một hình mẫu cho tôi. Nếu anh ấy khống chế trượt – hoặc thậm chí đường bóng không thể khống chế – anh ấy sẽ thấy khó chịu. Mọi thứ phải hoàn hảo. Ngay cả trong lúc tập luyện. Chúng tôi chạy và anh ấy phải là số một. Chúng tôi ở phía trước khung thành và mọi cú dứt điểm phải hoàn hảo. Chúng tôi chuyền bóng và mọi đường chuyền phải hoàn hảo. Nếu trời có gió, bạn sẽ thấy anh ấy tập luyện ở ngoài trời… ‘OK, nếu tôi sút vào đó, gió sẽ đưa quả bóng đến chỗ này chỗ kia…’ Nếu bạn lấy bóng của anh ấy, anh ấy sẽ đuổi theo bạn cho tới khi bạn phải nhả lại bóng cho anh ấy hoặc anh ấy sẽ phạm lỗi với bạn. Đó là trong lúc tập luyện! Tôi chưa từng thấy ai như thế. Mọi thứ luôn ở trạng thái 100%.
Anh ấy là một người rất vui tính. Nhưng khi làm việc thì không có đùa cợt gì cả. ‘Tạt bóng chính xác!’… khống chế phải hoàn hảo. Mọi thứ phải hoàn hảo. Không bao giờ có chuyện ‘Ô vui vẻ, phiên phiến thôi.’ Không bao giờ! Tôi nhìn anh ấy và nghĩ: ‘Mình đoán đó là lý do tại sao anh ấy là Dennis Bergkamp.’ Dù là bất kể điều gì anh ấy đều như thế. ‘Quả bóng này quá mềm – đổi nó đi.’ Anh ấy cũng thay đổi tôi. Anh ấy thay đổi thái độ và cách tập luyện của tôi. Tất nhiên, càng lớn tuổi anh ấy càng thi đấu ít hơn. Nhưng về cách anh ấy tập luyện thì không thể chê được! Anh ấy đã có thể đứng ở đường biên và nói: ‘Tôi là Dennis Bergkamp. Năm nay tôi 35 tuổi. Tại sao tôi phải cố gắng tập luyện chăm chỉ trong khi tôi sẽ không thi đấu ở tuần này?’ Nhưng anh ấy luôn tập luyện hết sức mình!”.
Ian Wright nhớ lại một bàn thắng mà Dennis đã ghi vào lưới Spurs trên sân Highbury [mùa giải 1996/1997]. Từ cánh phải, Wright vặn sườn và đảo bóng, vượt qua người kèm mình sau đó tung một quả tạt tầm cao về phía khung thành. Dennis nhận bóng với chỉ một cú chạm bằng lòng, ngoặt bóng vào trong, đánh bại cả hậu vệ biên và thủ môn trước khi dứt điểm vào góc đối diện. Hơn 15 năm sau, Wright vẫn còn kinh ngạc bởi những gì anh chứng kiến.
“Một chạm! Chỉ cần một chạm! Chúng ta đang nói về một đường bóng bay khoảng 40yd trên không trung và được cậu ấy xử lý gọn gàng. Không chỉ thế, cậu ấy còn loại bỏ hậu vệ và thủ môn… Cú chạm của cậu ấy khiến quả tạt của tôi trông thật đẹp nhưng thành thực mà nói đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Tôi nghĩ: ‘Mình phải đưa bóng vào đúng hướng của cậu ấy.’ Tôi biết Dennis sẽ không đánh đầu đâu nhưng tôi cũng biết nếu tôi đưa bóng đi quá một chút, có khả năng cậu ấy sẽ làm điều gì đó mà tôi thậm chí không thể nghĩ ra.
Khi bạn xem lại nó một lần nữa sẽ thấy được sự hoàn hảo trong cú chạm bóng là như thế nào. Cậu ấy giăng một cái bẫy, ngoặt bóng trở lại với tốc độ chính xác và tất cả những gì cần làm là đưa bóng vào lưới. Và hãy nhìn pha ăn mừng của cậu ấy sau đó. Cậu ấy quỳ xuống, hay tay co lên. Như một bức tượng vậy: ở đó bạn sẽ thấy cậu ấy không phải ‘The Iceman’ (Người Băng) mà ẩn sâu trong đó là niềm đam mê. Điều đó đẹp diệu vợi. Tôi sẽ luôn nói rằng ngay cả khi có Thierry và tất cả những con người này, Dennis Bergkamp vẫn là bản hợp đồng tốt nhất mà Arsenal đã và sẽ thực hiện được. Những gì cậu ấy làm cho câu lạc bộ thật đáng kinh ngạc…
Khi cậu ấy chuyền bóng cho tôi, ôi Chúa ơi! Nó luôn luôn… chính xác, ở vị trí thuận lợi với tôi và bất lợi cho hậu vệ đối thủ. Nếu không có cậu ấy thì… Ý tôi là bóng sẽ đến chỗ cậu ấy và bằng một chạm, cậu ấy sẽ chuyền bóng cho tôi. Tôi không cần nhiều chạm mỗi khi cậu ấy chuyền bóng. Đó là điều mà tôi thấy chỉ những cầu thủ vĩ đại mới có thể làm được vì họ không phải suy nghĩ về nó. Giống như Zidane vậy. Ngoài ra là cả Gazza và Paul Scholes nữa. Rất chính xác. Tôi nhớ mọi thứ trong quãng thời gian sát cánh cùng Dennis. Khi cậu ấy chuyền bóng cho tôi, hậu vệ không thể làm gì cả, các tiền vệ cũng không thể làm gì… Nó cho tôi thời gian để làm điều gì đó và đó là một món quà. Tôi chỉ việc… sút!”
Ian Wright tiếp tục: “Thậm chí trong buổi tập cậu ấy cũng rất chính xác. Tôi chưa từng thấy cậu ấy phải thốt lên ‘Ôi Chúa ơi, Dennis à, bóng vọt xà ngang!’ Tất cả được thực hiện rất kỹ thuật. Tôi không nhớ có nhiều lần mọi người phải nói: ‘Wow Dennis, pha xử lý thật cẩu thả,’ nhưng tôi chắc chắn rằng có rất nhiều lần mà bạn có thể nói điều đó với tôi khi bóng nẩy, vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi.
Bây giờ tôi không biết liệu việc không để mất bóng có phải điều gì đó đến một cách tự nhiên với Dennis không. Nhưng tôi nhớ rất ít khi cậu ấy chuyền hỏng hay chạm bóng lỗi. Khi cậu ấy mới đến Arsenal, nhiều người đã nghĩ: ‘Đúng, anh ta giỏi nhưng không phải là tất cả vì cậu có thể lấy bóng khỏi chân anh ta.’ Nhưng tôi không thể nhớ quá nhiều lần Dennis chạm bóng lỗi. Điều luôn hấp dẫn tôi là cậu ấy dường như không phải tập luyện quá chăm chỉ với những cú chạm bóng và những đường chuyền của mình. Như thể đó là điều rất tự nhiên với cậu ấy. Đó là điều tôi khá ghen tị vì tôi phải tập luyện rất nhiều để có được điều đó.
Trong buổi tập, cậu ấy cố gắng nâng cao kỹ năng của mình. Nhưng làm thế nào để bạn trau dồi kỹ năng của mình nhằm đảm bảo bạn tính toán được mọi góc độ, biết hậu vệ ở đâu và tiền đạo ở đâu? Làm thế nào để đạt được điều đó? Dennis đã tạo ra rất nhiều bàn thắng của tôi.
Tôi nhớ một bàn đến trong trận đấu với Everton, đó là một trong những trận đấu đầu tiên của cậu ấy. Cậu ấy có bóng. Tôi bắt đầu chạy. Cậu ấy chuyền bóng vào khoảng trống và tôi chạm bóng… vượt qua hậu vệ và tiếp theo chính xác là… ghi bàn. Tôi chỉ chạy theo bóng thôi. Đó là quãng đường của tôi. Giống một bàn thắng mà tôi đã ghi vào lưới Aston Villa trước khi tôi phá kỷ lục cũng thế [kỷ lục ghi bàn của Cliff Bastin]. Tôi thậm chí không cần chạm bóng mà chỉ việc sẵn sàng chạy…
Với những cầu thủ khác, bạn phải kiểm soát nó. Nhưng với Dennis, tôi chưa bao giờ phải lo lắng xem quả bóng ở cổ tôi hay tôi phải tranh chấp với hậu vệ để giành được nó. Cậu ấy chuyền bóng cho tôi rất đúng thời điểm, không hề lệch đi đâu. Không hề có chuyện đó. Cậu ấy biết tôi thực sự không muốn dính vào việc giữ bóng hay tất cả những thứ đại loại như thế. Tôi nghĩ đó không phải điểm mạnh của mình. Vì thế cậu ấy chuyền bóng rất nhanh vào khoảng trống và tôi sẽ có mặt ở đó. Tôi phải tập luyện chăm chỉ và việc chơi bóng cùng Dennis Bergkamp đã chứng minh bằng việc tôi đã lên đến đỉnh cao của nơi mà tôi sẽ tới. Cậu ấy đã làm tăng khả năng của tôi lên khoảng 30 – 40%.”
Thierry Henry cũng là một người đã nhận được rất nhiều đường chuyền hoàn hảo của Dennis. “Dennis coi trọng trận đấu và bất cứ điều gì trận đấu yêu cầu anh ấy làm thì anh ấy sẽ thực hiện. Nếu anh ấy phải đợi thêm một giây nữa để chuyền cho tôi đường bóng hoàn hảo thì anh ấy sẽ chờ. Nếu anh ấy phải chuyền bóng vào chân trái của tôi vì đó là cách duy nhất tôi không thể mất bóng thì anh ấy sẽ chuyền vào chân trái. Nếu anh ấy phải chuyền bóng lên trên đầu bạn thì bóng sẽ ở trên đầu của bạn. Nếu anh ấy phải chơi một chạm ngay lập tức thì anh ấy sẽ một chạm ngay lập tức. Tất cả mọi thứ anh ấy làm đều tuyệt vời.”
– Nhà văn David Winner (người chấp bút cuốn sách): Một vài đường kiến tạo của anh ấy rất ngoạn mục, ví dụ như trong trận đấu với Celta Vigo năm 2004: bị vây quanh bởi các hậu vệ, Dennis đã xoay đúng 360 độ trước khi kiến tạo một bàn thắng bằng một cú vẩy má ngoài chân phải. Đó có phải pha kiến tạo yêu thích của anh không, Thierry?
– Thierry Henry: Không, không phải pha đó. Tôi thích tình huống kiến tạo cho Freddie Ljungberg trong trận gặp Juventus bởi nó có một khoảng cách. Pha bóng với Celta Vigo rất tuyệt nhưng nhờ chuyển động của anh ấy, bạn có thể thấy động tác. Nhưng trước Juve, Dennis xoay khắp nơi! Nhưng anh ấy vẫn thấy Freddie. Anh ấy đang chờ Freddie di chuyển. Anh ấy đang đùa giỡn các hậu vệ nhưng vẫn biết Freddie ở đâu. Và anh ấy vẫn biết làm sao để thực hiện đường chuyền đúng đắn. Nếu anh ấy chuyền bóng trên mặt đất, một hậu vệ có thể cản nó lại. Vì thế anh ấy hất nó lên ngang eo. Với một hậu vệ, đó là điều tệ nhất. Bạn không thể giơ chân lên để lấy bóng và bạn không thể cúi đầu xuống… thật hoàn hảo. Với tôi đó là pha kiến tạo xuất sắc nhất.”
– Freddie có vẻ nhận ra hơi chậm. Dennis phải chờ khoảng ba giây để Freddie bắt đầu chạy.
– Đó là ý của tôi đấy. Dennis đã chờ. Thế mới là Dennis Bergkamp. Cầu thủ khác có thể thực hiện pha chạm bóng đầu tiên và sau đó hét lên: ‘Này! Anh không di chuyển à!’ Nhưng Dennis thấy đồng đội đang không di chuyển nên anh ấy sẽ đợi và đùa giỡn với tất cả hậu vệ xung quanh, kiểu như: ‘Đi nào, Freddie…’ Aaaaaa, thật đẹp…!
– Và đây là trước những hậu vệ của Juventus…
Thật hài hước vì cách mọi người nhìn điều này như thế nhưng với tôi anh ấy có thể thực hiện pha bóng tương tự trước Yeovil và tôi vẫn sẽ nói đó là đường chuyền xuất sắc nhất của anh ấy. Vấn đề không phải là vì đối đầu với Juve mà là sự kiên nhẫn anh ấy thể hiện để chuyền một đường bóng hoàn hảo cho Freddie. Một kỹ năng tuyệt vời. Không phải việc đùa giỡn với các hậu vệ gây ấn tượng với tôi mà là cách anh ấy phải đợi ba giây nên anh ấy đợi đúng ba giây. Nếu anh ấy phải đợi một giây, anh ấy sẽ đợi một giây. Đó là thứ tạo nên vẻ đẹp của đường chuyền.
“Tôi luôn vẽ ra bức tranh trong đầu”
Dennis cũng không ngần ngại ca ngợi khả năng di chuyển, sự thông minh và kỹ năng của các đồng đội đã khiến các pha chuyền bóng của anh trở thành các pha kiến tạo.
– Anh nói gì về pha kiến tạo cho bàn thắng của Freddie Ljungberg trước Juventus? Có phải là đường kiến tạo xuất sắc nhất của anh không?
– Dennis Bergkamp: Đúng, đó là một trong những tình huống tôi yêu thích nhất. Tôi tạo ra một sự kết nối vững chắc với các đồng đội. Trên sân, họ biết tôi muốn làm gì với trái bóng và tôi biết chính xác họ sẽ làm gì. Đó là điều mà theo suy nghĩ của tôi chính là vẻ đẹp của bóng đá: có thể chỉ là một cái nhìn với nhau hoặc tôi chỉ cần kiểm soát bóng và ngôn ngữ cơ thể thể hiện rằng “Nào Freddie, chạy đi! CHẠY!” Và sau đó cậu ấy di chuyển vì cậu ấy hiểu. Không cần phải hét lên, chỉ cần ngôn ngữ cơ thể thôi. Tôi giữ bóng nghĩa là: “Nào nào! Cậu đang làm gì thế?” Sau đó cậu ấy di chuyển và tôi chuyền bóng. Tôi có rất nhiều khoảnh khắc như thế cùng Freddie và cả Marc Overmars. Bạn chỉ cần hiểu nhau. Họ biết: “OK, Dennis luôn tìm kiếm những đường chuyền nên tôi phải đến đó, tôi phải làm cái đó.” Và khi đó nó khiến các hậu vệ trông thật ngớ ngẩn.
– Vì pha bóng như thế không thể nào phòng ngự nổi?
– Không thể phòng ngự được vì cậu ấy di chuyển với tốc độ cao còn các hậu vệ vẫn đứng đó, tất cả đối mặt với tiền đạo và khi đường chuyền được tung ra thì cậu ấy không phải ở thế việt vị, không phải quá xa, cậu ấy kiểm soát bóng 5 hay 6yd phía sau các hậu vệ nên cậu ấy có nhiều thời gian để làm điều gì đó… Và pha dứt điểm cũng rất đẹp. Freddie, một cầu thủ tuyệt vời! Rất mạnh mẽ. Rất nhanh. Và những thứ cậu ấy làm rất hay! Mỗi cầu thủ có một phong cách nhất định, một kiểu di chuyển nhất định. Với cậu ấy, nó trông hơi vụng về – tôi nói điều này với tất cả sự tôn trọng – nhưng cậu ấy làm thế có mục đích. Cậu ấy biết chính xác mình sẽ làm gì! Cậu ấy ghi rất nhiều bàn thắng như thế. Mọi người đánh giá thấp cậu ấy. Nhưng cậu ấy không bao giờ đánh thấp bản thân mình!
Thật sự tôi luôn yêu cầu bản thân phải thực hiện những đường chuyền tốt nhất để giúp các tiền đạo nhận bóng dễ dàng. Tại sao? Với bản thân tôi, vì tôi muốn làm một cách trọn vẹn. Tôi luôn đặt bản thân mình vào vị trí chuyền bóng tốt nhất có thể. Và đôi khi có những sai lầm khủng khiếp nhưng tôi học hỏi được từ đó và làm lại. Cuối cùng với tôi nó trở thành một thứ xảy ra tự động, hết sức bình thường. Có lẽ mọi cầu thủ đều làm thế, tôi không chắc nữa.
Ở Hà Lan, tôi bị cho là một cầu thủ theo kiểu “được ăn cả ngã về không.” Mọi người nói: “Anh ta chỉ muốn làm những điều đẹp đẽ.” Đặc biệt khi tôi còn trẻ, cái kiểu “được ăn cả ngã về không” đó là một sai lầm. Bạn phải đặt một chút mạo hiểm vào trong trận đấu. Trong suy nghĩ của tôi thì là: “Tung một đường chuyền khác biệt.” Nhưng đường chuyền tốt nhất là gì? Với nhiều người đó là đi qua hậu vệ và tiền đạo có thể nhận được bóng. Với tôi, như thế là không đủ tốt. Không, tôi phải đánh bại hậu vệ và khiến thủ môn nghĩ anh ta có thể xử lý được nên anh ta sẽ chạy lên và bỏ lại khoảng trống. Và tôi đưa bóng đến trước mặt hoặc trên đầu tiền đạo để anh ta có thể dứt điểm đưa bóng vào góc…
Đó là sự khác biệt trong suy nghĩ. Nhưng nó cũng đòi hỏi mọi người phải giao tiếp và hiểu nhau. Khi tôi bắt đầu đá ở Arsenal, các cầu thủ khác không hiểu tôi. Họ phải hiểu rằng tôi sẽ chuyền bóng ra sao để có thể mạo hiểm hơn một chút. Họ phải suy nghĩ: ‘Mình biết chắc Dennis sẽ chuyền bóng đến đó,’ vì thế họ có thể thoát khỏi các hậu vệ…
– Chúng ta từng nói về cách anh có thể nhìn thấy tương lai giống như cô gái có khả năng thấu thị trong phim “Bản báo cáo thiểu số” [Minority Report]. Tom Cruise và Samantha Morton đang cố gắng thoát khỏi một khu mua sắm. Không có nơi nào để lẩn trốn và cảnh sát đang ở rất gần. Nhưng cô ấy đã nhìn thấy một ông già với những trái bóng bay. Cô ấy liền nói ‘CHỜ ĐÃ!’ Tom Cruise không hiểu tại sao vì họ đang ở giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng khi cảnh sát đến, những trái bóng bay đã chuyển động nên họ bị chắn tầm nhìn. Tom và Samantha trốn thoát. Nó giống những gì anh đã làm. Anh thấy những đường chuyền mà không ai có thể nhìn ra và đưa trái bóng đi qua những khoảng trống dường như là không tồn tại. Anh làm cách nào?
– Tôi luôn vẽ ra một bức tranh trong đầu về cách nó sẽ được thực hiện trong vòng 3 hoặc 2 giây. Tôi có thể tính toán hoặc cảm nhận nó. Tôi nghĩ: ‘Anh ta di chuyển theo cách này, và cậu ấy di chuyển theo cách kia nên nếu tôi chuyền bóng nhanh, cả hai bọn họ đều không thể chạm bóng vì họ đang di chuyển khỏi hàng ngang của tôi. Khi đúng tốc độ và đúng cầu thủ đang đến… tuyệt! Giống như đường chuyền cho Patrick trước Leicester trên sân Highbury. Tôi nghĩ đó là trận đấu bất bại cuối cùng của chúng tôi. Tỷ số 1-1 hay 2-1 gì đó, tôi không nhớ. [Viera ghi bàn ấn định tỷ số lên 2-1]. Có rất đông cầu thủ trong vòng cấm nhưng cậu ấy chỉ vừa mới chạy và tôi có thể chuyền bóng vào giữa… Tôi rất tự hào! Tôi có thể tận hưởng nó thực sự! Và niềm vui thậm chí còn lớn hơn vì đó cũng là một bàn thắng có ý nghĩa.
– Nhưng bằng cách nào anh có thể nhìn thấy trước hai hoặc ba bước trước khi hầu hết mọi người có thể nhìn ra?
– Liên quan rất nhiều đến sự đo lường. Cruyff từng nói với các cầu thủ trẻ ở Ajax hiện tại về điều đó. Đo lường khi tấn công và cả phòng ngự. Tất cả là nằm ở khoảng cách. Tôi biết khoảng trống ở đâu, tôi biết tốc độ của Patrick. Nên tôi biết khoảng trống sẽ xuất hiện ở đâu trong hai hoặc ba giây. Nhưng cậu ấy phải tiếp tục chạy… hoặc trông nó sẽ giống một đường chuyền ngớ ngẩn!
Tất nhiên, một điều nữa là đường chuyền trước pha kiến tạo. Tôi không biết có một cái tên cho nó hay không nhưng nên có. Thỉnh thoảng người ta thể hiện một thông số đó trên Match of the Day. Họ nói “Hãy nhìn vào bàn thắng, và nhìn vào pha kiến tạo nhưng quan trọng nhất là nhìn xem pha tấn công được bắt đầu từ đâu.” Thật thú vị. Một pha tấn công được bắt đầu từ đâu? Điều gì khiến tình huống kết thúc trở nên khác biệt?
– Nhiều lão tướng của Arsenal nói rằng nhiều pha xử lý của anh đã bị biến mất hoặc gần như không thể nhìn thấy trước máy quay và các cổ động viên. Những cú chạm bóng nhỏ nhất, cách anh xoay bóng…
– Có thể. Nhưng khi bạn đang xem bóng, bạn phải độc lập trong suy nghĩ. Tôi không thích bàn thắng hay thậm chí là pha kiến tạo, tôi muốn tạo ra sự khác biệt với đường chuyền trước đó. Người yêu bóng đá thực sự sẽ nhìn thấy – chứ không phải tôi chơi vì những thứ đó. Nhưng nó được đánh giá cao, đặc biệt từ chính bản thân tôi. Tôi nghĩ: ‘OK! Đó là một đường chuyền tốt. Nó tạo ra sự khác biệt ngay cả khi không ai nhìn ra.’
– Zidane ở tứ kết World Cup 2006 đã hủy diệt Brazil bằng những thứ khá khác biệt. Đó là một trong những trận đấu đã định nghĩa anh ấy và khi xem lại, tôi nhận ra rằng thường khi anh ấy tâng bóng hoặc đẩy bóng vượt qua đầu của một cầu thủ Brazil, anh ấy thực hiện một đường chuyền hơi ngang sân một chút. Nó không đóng góp vào trận đấu như cách anh đang nói. Nhưng anh ấy đã hủy diệt Brazil. Anh ấy thể hiện rằng: “Đây là sở trưởng của bạn nhưng tôi làm nó tốt hơn.” Anh ấy khiến tâm lý của đối thủ vỡ vụn. Anh không bao giờ làm điều đó.
– Điều đó đúng và vì tôi là một cầu thủ đồng đội. Tôi có kỹ thuật cá nhân nhưng những kỹ năng đó dựa trên suy nghĩ rằng nó phải tạo thành bàn thắng. Ai đó phải là người cuối cùng nhận đường chuyền của tôi, tình huống di chuyển của tôi hoặc đập nhả một-hai hoặc bất cứ điều gì. Đó là những gì tôi suy nghĩ. Nhưng tôi chưa bao giờ là một người lạm dụng những tình huống một đối một hoặc kỹ thuật cá nhân. Không bao giờ.
– Cũng không phải là người rê bóng từ phần sân nhà giống như Maradona phải không?
– Tôi không tin điều đó. Trong suy nghĩ của tôi, một cầu thủ xuất sắc là người sẽ tạo ra điều gì đó đặc biệt cho đội bóng. Anh ta có thể là một hậu vệ, một tiền vệ. Hoặc anh ta có thể ở vị trí của tôi. Tôi là một cầu thủ tạo những điều đặc biệt cho đội bóng bằng những pha kiến tạo hay đặt các cầu thủ khác vào thế tự do trống trải. Tôi ghi nhiều bàn thắng nhưng khi kết thúc sự nghiệp, tôi có nhiều pha kiến tạo hơn. Và không chỉ kiến tạo đơn thuần mà còn là những pha kiến tạo hoàn hảo.
“Dennis là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Đến tận buổi tập cuối, cậu ấy vẫn không bỏ qua việc tập khống chế và chuyền bóng.” – Arsene Wenger
– Thierry nói anh ấy yêu thích việc kiến tạo dù biết mình có thể tự ghi bàn – và khi đồng đội của anh ấy lập công, anh ấy thấy niềm vui trên gương mặt đồng đội mình và biết là đã làm ai đó hạnh phúc. Anh ấy nói: “Với tôi, ghi một bàn thắng là điều tuyệt vời nhưng không có gì hơn việc làm người khác vui vẻ hạnh phúc.” Tôi đoán anh cũng thấy thế?
– Tôi thấy rất nhiều niềm vui từ việc đó! Thật không thể tin được những gì diễn ra. Tất nhiên, đầu tiên vẫn là năng lực của bạn. Nhưng bạn cũng cần thấu hiểu các cầu thủ khác. Họ có hiểu những gì tôi đang cố gắng thực hiện không? Ở Arsenal, chúng tôi không có được điều này trong mùa giải đầu tiên nhưng dần dần họ đã hiểu tôi. Điều đó nâng tầm lối chơi của họ lên. Họ nghĩ: ‘Ồ đợi chút, điều này mang lại nhiều lợi ích hơn cho trận đấu. Anh ấy có thể làm nhiều thứ.’ Nhưng tôi cũng phải điều chỉnh bản thân mình và đó là một quá trình tuyệt vời.
Một điều nữa mà bạn cần là sự tưởng tượng. Điều đó rất quan trọng. Không chỉ là sự tưởng tượng của tôi mà còn là từ các cầu thủ quanh tôi. Bạn có thể so sánh nó với vị trí receiver và quarterback trong bóng bầu dục. Đôi khi máy quay từ phía sau không quay gì ở đó cả. Sau đó quarterback ném bóng và dần dần bạn có thể thấy bức tranh mở rộng ra. Như thể một câu đố. Cuối cùng, anh ta ném bóng đi đâu, bạn sẽ thấy người chụp nó di chuyển để bắt lấy. Điều này hơi giống với những gì tôi thực hiện.
Bạn cần tốc độ của bóng và cả hai phải có nhãn quan. Trong bóng bầu dục, tất nhiên mọi thứ trở thành khuôn mẫu và bạn luyện tập nó ngày này qua ngày khác. Nhưng trong bóng đá bạn không thể tập luyện được. Không giống như việc huấn luyện viên nói: ‘OK Dennis, chúng ta sẽ làm theo mẫu này và Patrick sẽ chạy đến theo cách này…’ Nó sẽ xảy ra trong trận đấu. Bạn cũng không biết hậu vệ sẽ làm gì. Nhưng bạn thấy hai hay ba hậu vệ và bạn biết họ sẽ làm gì trong hai hay ba giây. Bạn phải biết Patrick đang di chuyển và sau đó chắc chắn rằng quả bóng đi đúng tốc độ và cậu ấy không việt vị. Và thời điểm phải chính xác, và bạn phải tính toán đúng mọi góc độ… Nhưng tôi luôn thích những sự chính xác như thế. Nó giống như việc giải được một câu đố vậy.
– Khi còn bé anh đã bị mê hoặc bởi hình học. Mẹ của anh kể với chúng tôi rằng anh dành hàng giờ đồng hồ rất vui vẻ để đo các góc, độ dài và vẽ các hình tam giác bé, hình bán cầu và hình bình hành một cách chính xác. Anh có nghĩ rằng mình vẫn còn những cuốn bài tập ở trường cũ không?
– Tôi không nghĩ vậy. Tại sao anh lại hỏi thế?
– Có thể chúng ta sẽ nhìn thấy trong những bản vẽ đó là khởi đầu cho sự thấu thị trên sân cỏ của anh sau này chăng?
– Tôi không nghĩ thế. Và dù sao đi nữa thì nó chỉ là một phần nhỏ trong số đó. Hình học là điều tôi thích, tất nhiên. Đó chắc chắn là một niềm đam mê, có lẽ là niềm đam mê lớn nhất của tôi. Nhưng còn rất nhiều thứ khác nữa: tốc độ của bóng, cú chạm bóng. Vấn đền không chỉ là việc tính toán. Trong bóng đá, nó bổ trợ rất tốt cho tôi, nhưng có phải chỉ là hình học không? Ngoài ra còn là niềm vui khi biết những gì người khác có thể làm và sẽ làm gì.
– Vậy nó là thần giao cách cảm hơn là hình học?
– Anh đã đọc được suy nghĩ của tôi rồi đấy.
–
TẠP CHÍ MENBACK