Chúng ta thường nghe đến cụm từ cầu thủ home-grown khi theo dõi các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh. Trong bài viết này, hãy cùng Menback tìm hiểu luật home-grown là gì và những ảnh hưởng của nó tới các đội bóng cũng như giá chuyển nhượng cầu thủ ở Premier League như thế nào.
Home-grown là gì?
Do thành tích không được như ý của đội tuyển Anh trong một khoảng thời gian dài, cộng với việc các CLB mua cầu thủ quá nhiều, nên để kích thích các CLB chú trọng hơn vào đào tạo trẻ, FA từ mùa bóng 2010/11 đã ra luật Home-grown.
Home-grown là một điều luật của Hiệp hội bóng đá Anh (FA) áp dụng đối với các đội bóng chơi ở giải Ngoại hạng Anh (EPL) về số lượng cầu thủ “cây nhà lá vườn” nhằm nuôi dưỡng và phát triển các tài năng bóng đá trong nước.
Luật Home-grown của FA quy định mỗi đội bóng chỉ được phép đăng ký tối đa 25 cầu thủ trên 21 tuổi, trong số đó, chỉ cho phép tối đa 17 người không phải là dạng “home-grown”, và không giới hạn số lượng cầu thủ dưới 21 tuổi. Một cầu thủ trên 21 tuổi được tính là Home-grown nếu thỏa mãn điều kiện:
- Cầu thủ đó thuộc biên chế của bất kỳ đội bóng nào đang thi đấu trong hệ thống giải đấu của Liên đoàn bóng đá Anh hoặc Liên đoàn bóng đá Wales trong thời gian tối thiểu là 3 mùa bóng hoặc 36 tháng (khoảng thời gian này không bắt buộc phải liên tục) trước sinh nhật lần thứ 21 (hoặc tính đến thời điểm tròn 21 tuổi vào cuối mùa giải).
- Tuy nhiên, những cầu thủ này không phân biệt quốc tịch (nghĩa là các cầu thủ không phải người Anh hay Wales), và khoảng thời gian yêu cầu ở trên không tính thời gian cho mượn ở nước ngoài.
Ví dụ: Fabregas được đào tạo ở Barcelona nhưng sang Arsenal năm 16 tuổi, và chơi bóng ở đây đủ 3 năm trước năm 21 tuổi nên khi về lại Chelsea vẫn được tính là Home-grown.
Trường hợp Eric Dier dù là người Anh nhưng không được tính là Home-grown vì được đào tạo và thi đấu ở Sporting Lisbon đến năm 20 tuổi.
Tuy nhiên, với UEFA khi thi đấu châu Âu, luật sẽ khắt khe hơn.
Trong danh sách dăng ký 25 người, phải có ít nhất 8 người thuộc diện đào tạo bản địa, tức là như luật Home-grown, nhưng trong số 8 người phải có ít nhất 4 người được đào tạo tại chính CLB.
Nếu không đủ số cầu thủ được đào tạo bản địa, thì điều đó đồng nghĩa với việc số lượng cầu thủ đăng ký cũng sẽ nhỏ hơn 25.
Luật Home-grown ảnh hưởng đến các đội bóng như thế nào?
Vì giới hạn như vậy, nên để lực lượng dồi dào hơn thì khi mua cầu thủ các đội bóng phải chú ý:
- Nếu các cầu thủ mua về từ 21 tuổi trở xuống, thì đăng kí họ vào danh sách các cầu thủ dưới 21 tuổi khi đăng ký danh sách thi đấu đầu mùa giải vào ngày 1/9 (Như việc MU có thể làm khi đưa Martial về năm 2015). Điều này sẽ tránh việc mất slot trong số tối đa 17 người không phải Home-grown.
- Mua các cầu thủ Home-grown thì kể cả trường hợp hơn 21 tuổi thì vẫn không ảnh hưởng đến số tối đa 17 người không phải Home-grown, trừ khi số Home-grown của đội bóng lớn hơn 8 (do chỉ được đăng ký tối đa 25 cầu thủ, 25 – 8 = 17).
Vì giới hạn này mà mùa 2016/17, Chelsea do chỉ có 6 cầu thủ Home-grown nên chỉ họ buộc lòng phải điền tên 2 người dưới 21 tuổi vào danh sách đăng ký chính thức, thay vì có thể đăng ký những cầu thủ này vào danh sách dưới 21 tuổi để tăng slot cho các cầu thủ ngoài Home-grown.
Nếu tham dự cúp châu Âu năm ngoái thì Chelsea cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.
Do luật giới hạn như trên, khi đội bóng đã đủ 17 người trên 21 tuổi không phải Home-grown, khi mua thêm 1 cầu thủ hàng ngoại địa, thì phải cho 1 người khác ra đi tương ứng, bán hoặc cho mượn.
Ảnh hưởng như vậy, nên 1 cầu thủ Home-grown sẽ giá cao hơn những cầu thủ khác.
Như hè 2015, Schneiderlin về MU với giá 30 triệu bảng, đắt hơn Vidal về Bayern chỉ với 28 triệu.
Nếu sang nước ngoài thi đấu, các cầu thủ Home-grown sẽ không có cái giá cao như thế. Và với chính các CLB, cũng phải có thêm ưu đãi giữ chân họ hơn so với những cầu thủ ngoại địa tài năng tương đương.
Ngoài ra, luật Home-grown cũng ảnh hưởng đến chính sách cho mượn của các đội bóng.
Do khoảng thời gian 3 năm không tính thời gian cho mượn ở nước ngoài, các đội bóng sẽ ưu tiên cho các CLB nội địa mượn cầu thủ trẻ nếu các cầu thủ này chưa đủ 3 năm “nội địa”. Và thường thì họ chọn các đội bóng yếu, thậm chí hạng dưới, vừa là để các cầu thủ có cơ hội ra sân nhiều, vừa không muốn làm mạnh cho các đối thủ trực tiếp. Nếu không có luật Home-grown, có lẽ họ sẽ cân nhắc việc cho các đội mạnh hơn ở nước ngoài.
Xem thêm: Harry Maguire: hành trình trở thành trụ cột không thể thiếu của tuyển Anh
–
MENBACK.COM