Lại một mùa chuyển nhượng cầu thủ bóng đá lại đến. Các thông tin chuyển nhượng của các đội bóng lớn liên tục xuất hiện trên khắp các mặt báo thể thao.
Nhưng chuyển nhượng không chỉ đơn giản là bỏ tiền ra và cầu thủ cầm áo ra mắt đội bóng, mà đó là cả một quá trình. Hãy cùng Menback tìm hiểu quy trình chuyển nhượng cầu thủ diễn ra như thế nào qua bài viết từ Football Facts nhé.
Trinh sát
Trước khi xúc tiến mua bất kỳ cầu thủ nào, các trinh sát viên có vài tháng hoặc cả năm theo dõi cầu thủ đó. Họ có thể xem cầu thủ thi đấu hoặc luyện tập 6 ngày/tuần và 2 ca/ngày. Rất nhiều đội bóng lớn có cả hệ thống tuyển dụng và mạng lưới trinh sát dày đặc để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ tài năng nào trẻ nào, hoặc kiểm chứng khả năng cầu thủ họ muốn mua. Nhiều câu lạc bộ (CLB) còn có hẳn cả 1 hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ với hàng chục nghìn cầu thủ. Vì thế mà các CLB ở tận châu Âu vẫn có thể phát hiện ra các tài năng ở tận Nam Mỹ, châu Á, châu Phi.
Nối tiếng nhất là Giám đốc Monchi của Sevilla với kho dữ liệu khổng lồ đã góp phần giúp Sevilla phát hiện và đem về rất nhiều tài năng.
Mạng lưới trinh sát một khi có phát hiện sẽ báo cáo lên tuyển trạch viên trưởng. Họ sẽ giới thiệu sơ qua về cầu thủ đó với vị tuyển trạch viên trưởng để thẩm định trước. Nếu cảm thấy mục tiêu đó tiềm năng, tuyển trạch viên trưởng sẽ báo cáo lên huấn luyện viên (HLV).
Hoặc cũng có thể ngược lại, HLV đưa ra yêu cầu, chẳng hạn: “Tôi cần tìm 1 hậu vệ cánh chạy nhanh, tạt tốt và 1 tiền vệ qua người khéo, chọc khe hay.”. Các tuyển trạch viên sẽ tra lại trong cơ sở dữ liệu của mình để rút lại những cái tên tiềm năng cho HLV.
HLV trưởng khi đó sẽ quyết định xem có nên đích thân đến “xem giò” cầu thủ tiềm năng này hay không. Bởi vì nhiều khi số liệu thống kê không phản ánh hết được năng lực của cầu thủ, nên nếu các trinh sát viên có năng lực đánh giá chuyên môn ngoài những con số đơn thuần thì sẽ rất đắc lực cho HLV.
Ví dụ như đơn cử Lucas của Liverpool, về mặt thống kê, mỗi trận trung bình anh này có 5 cú tắc bóng, nghe rất cao so với các tiền vệ, nhưng không ai dám chắc rằng anh này đẳng cấp cao, vì nếu ngay sau khi tắc bóng thành công là 1 đường chuyền hỏng, thì giá trị của cú tắc bóng đó bằng 0.
Sau khi chọn lựa được các ứng viên, các đội bóng sẽ xác định khả năng thành công của thương vụ và dự trù chi phí hợp lí qua các tiêu chí:
- Giá trị cầu thủ này như thế nào (chuyên môn, quảng cáo,….);
- Thời hạn hợp đồng còn bao lâu;
- Anh ta muốn mức lương như thế nào;
- Lương hiện tại của anh ta là bao nhiêu;
- Nguyện vọng anh ta thế nào;
- Anh ta và gia đình có cảm thấy thoải mái với môi trường sống không, có hứng thú muốn rời khỏi CLB không.
Đàm phán
Khi đã xác nhận được mục tiêu chuyển nhượng, các cuộc đàm phán bắt đầu diễn ra. Quá trình đàm phán gồm 2 giai đoạn chính và 1 giai đoạn phụ:
- Đàm phán với CLB
- Đàm phán với cầu thủ
- Đàm phán với người môi giới/đại diện
Theo luật, các đội bóng không có quyền tiếp xúc trực tiếp với cầu thủ để đàm phán về việc chuyển nhượng. Mọi yêu cầu đều phải thông qua CLB chủ quản.
Tuy nhiên trên thực tế, các CLB thường bí mật liên lạc với cầu thủ trước để tìm hiểu xem có nguyện vọng chuyển đến đội bóng hay không và dò hỏi yêu cầu về lương bổng. Nếu được cầu thủ “bật đèn xanh”, CLB sẽ gửi đề nghị chuyển nhượng đến đội bóng chủ quản.
Nhưng với các CLB quyết không nhả người, nếu để họ biết được vụ “đi đêm” với cầu thủ mà không thông qua họ, và kiện lên các liên đoàn, ủy ban, đội mua cầu thủ có thể bị phạt, thậm chí bị cấm chuyển nhượng.
Ví dụ Liverpool mùa chuyển nhượng trước đã bí mật “đi đêm” với Van Dijk, nhưng chẳng may bị Southampton phát hiện, dọa kiện lên ủy ban, buộc Liverpool phải ra thông cáo xin lỗi, tránh bị làm lớn chuyện, có thể dẫn đến án cấm chuyển nhượng.
Đàm phán với CLB
Khi chuyển nhượng, chúng ta thông thường hay gọi là “mua” cầu thủ, nhưng thực chất, giải thích ra thì như thế này:
1. Nếu cầu thủ hết hạn hợp đồng, có thể đàm phán trực tiếp và kí hợp đồng mới luôn, vì khi ấy về mặt pháp lý cầu thủ không còn chủ quản nữa.
2. Khi cầu thủ vẫn còn thời hạn hợp đồng với 1 CLB, muốn kí hợp đồng với cầu thủ đó thì có 2 cách:
- 2a. Đội “mua” sẽ dùng số tiền để “thuyết phục” đội chủ quản đồng ý kết thúc hợp đồng với cầu thủ đó.
Đôi khi, nhiều đội bóng không muốn giữ cầu thủ đó nữa thì chủ động kết thúc hợp đồng với cầu thủ đó, để họ trở thành diện 1, và các đội bóng muốn kí với cầu thủ đó không mất phí, thông thường chúng ta hay gọi là “Thanh lý hợp đồng”.
- 2b. Đội “mua” sẽ chuyển số tiền giải phóng cho cầu thủ đó. Cầu thủ đó dùng tiền để mua lại hợp đồng của mình để trở thành diện 1. Sau đó thì đội muốn sở hữu cầu thủ đó sẽ tiếp tục đàm phán với chính cầu thủ đó.
Thường thì nếu được cầu thủ “bắn tín hiệu”, các đội “mua” sẽ thương thảo với các đội bóng sẽ dùng cách 2a. Đội ngũ nhân viên của 2 bên mua và bán sẽ cùng ngồi lại và thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng. Bao giờ cũng có sự chênh lệch về giá cả giữa 2 bên khi bên bán muốn thu được nhiều lợi nhuận nhất và bên mua muốn mức giá hợp lý. Những tay môi giới chuyển nhượng có vai trò “làm mịn” quá trình này, giúp 2 bên có được tiếng nói chung một cách nhanh nhất.
Đôi khi nhiều cầu thủ “làm loạn” để các đội chủ quản buộc phải “hạ giá” giúp thương vụ nhanh chóng hoàn thành hơn.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp các CLB quá “cứng”, hoặc nhất quyết không chịu giảm giá thì các đội sẽ tiến hành theo cách 2b, như Bayern đã làm với Javi Martinez hay MU với Herrera.
Nhưng với những cầu thủ quan trọng bậc nhất, các CLB chủ quản không muốn để mất cầu thủ theo cách 2b, nên khi gia hạn hợp đồng với cầu thủ, họ sẽ cài thêm điều khoản giải phóng hợp đồng hàng trăm triệu như Barcelona hay làm, hoặc thậm chí lên cả tỷ đô như Real làm với Ronaldo. Điều này buộc các đội bóng khác muốn kí hợp đồng, nếu không bỏ ra 1 số tiền “trên trời”, đừng mong thực hiện được theo cách 2b, mà chỉ có thể theo cách 2a, mà họ là phía lợi thế trong đàm phán hơn.
Đàm phán với cầu thủ
Sau khi đàm phán với CLB xong, là đàm phán với cầu thủ, giai đoạn này thường là giai đoạn báo chí hay gọi “Cầu thủ A đã rất gần với đội B”.
Đây là lúc những tay môi giới chuyển nhượng và đại diện cầu thủ thể hiện vai trò của mình. Cầu thủ thường không tham gia vào quá trình đàm phán này và giao toàn quyền cho người đại diện. Đây là lúc những tay “cò” cầu thủ này sẽ đưa ra các yêu cầu về lương bổng hay điều kiện thi đấu có lợi nhất cho thân chủ, người đại diện càng tạo được nhiều lợi ích cho cầu thủ, người đó sẽ càng nổi và uy tín.
Khi không thống nhất được các điều khoản cá nhân, khả năng bị các đội bóng khác “hớt tay trên” là rất cao với những ưu đãi hơn. Như Willian suýt nữa trở thành người của Tottenham trước khi Chelsea vào cuộc.
Thủ tục
Các đội bóng “mua” sẽ gửi email/fax/giấy tờ đến các đội chủ quản với các yêu cầu và giá.
Sau khi trả lời qua lại “mặc cả”, khi chốt được mức giá, các CLB tổ chức trao đổi trực tiếp để thỏa thuận.
Đồng ý mức giá và lập giấy tờ
Sau khi thỏa thuận các điều khoản cá nhân, các CLB sẽ phải trải qua thêm 1 quá trình “nho nhỏ” là đàm phán phí “lót tay” cho người đại diện. Với những vụ thông thường số tiền không lớn lắm thì rất êm ru, nhưng những vụ lớn như Pogba về MU, khoản tiền dành cho Raiola là rất lớn
Khi đó mức giá 2 CLB thỏa thuận với nhau không phải là mức phí cuối cùng của thương vụ chuyển nhượng đó.
Khi vấn đề tiền bạc xong xuôi thì giấy tờ là chuyện tiếp theo phải giải quyết. Nó không đơn giản như việc mua đồ bình thường, mà khá phức tạp như mua và đăng ký một chiếc ô tô.
- Đầu tiên, đội bóng chủ quản xác nhận lại tình trạng hợp đồng của cầu thủ trên hệ thống quản lý chuyển nhượng của FIFA là ITMS.
Khi được FIFA xác nhận, quá trình chuyển nhượng sẽ diễn ra.
- Đội chủ quản sẽ upload tài liệu lên hệ thống ITMS thông báo sự thay đổi tình trạng hợp đồng của cầu thủ nếu vụ chuyển nhượng diễn ra.
- Đội bóng mua sẽ upload tài liệu lên hệ thống ITMS.
Nếu tài liệu 2 bên hợp lệ và thống nhất, vụ chuyển nhượng được xác nhận.
Vụ chuyển nhượng De Gea năm 2015 từ Manchester United sang Real Madird thật ra không thành không phải vì chiếc “máy fax” như báo chí vẫn viết 1 cách hài hước, mà là phía MU thực hiện upload tài liệu sát giờ đóng cửa thị trường chuyển nhượng. Khi phía Real nhận được đủ giấy tờ và upload lên thì đã quá hạn đóng cửa nên thành ra không hợp lệ. Hãy tưởng tượng MU upload tài liệu lúc 23h59 thì Real tài thánh mới upload kịp lên trước khi qua 0h ngày mới.
- Các bên tiến hành kí hợp đồng
Một hợp đồng theo tiêu chuẩn dài tới 20 trang.
Hợp đồng sẽ được thảo làm 4 bản, cho Liên đoàn, cầu thủ, CLB mua và ban tổ chức giải. Trong hợp đồng có hàng chục điều khoản ràng buộc về pháp lý và các luật sư của 2 bên phải vào cuộc.
Các bản thảo cũng phải soạn đi soạn lại nhiều lần mới đạt được sự thống nhất chung giữa 2 bên. Sự sai lệch vì ngữ nghĩa hay khác biệt ngôn ngữ, một điều khoản cài cắm khôn khéo sẽ dẫn tới thiệt hại cho một bên nào đó. Từng từ trong hợp đồng sẽ được xem xét kĩ để tránh bị “hớ”.
- Các bên nộp lại giấy tờ lên Liên đoàn, các bản sao giấy tờ lên FIFA.
Đã từng có thông tin FIFA sẽ sờ gáy MU và Juve về vụ chuyển nhượng Pogba có điều gì không rõ ràng. Nhưng với việc MU đã nộp đủ tất cả các giấy tờ hợp lệ theo quy trình, nên phía lo lắng nhất chỉ còn là Juve.
Kiểm tra y tế
Rào cản cuối cùng trong mỗi thương vụ chuyển nhượng là kiểm tra y tế. CLB bên mua sẽ kiểm tra kỹ càng cầu thủ để tránh việc rước phải một “thương binh”. Máy quét MRI được sử dụng và chi phí cho mỗi lần quét lên tới hàng nghìn bảng. Kiểm tra tâm lý cầu thủ không phải là bắt buộc nhưng nó ngày càng phổ biến để tránh các trường hợp trầm cảm đáng tiếc từng xảy ra trong giới cầu thủ.
Các hóa đơn cho việc kiểm tra y tế thường lên tới hàng chục nghìn bảng ở những đội bóng hàng đầu. Trong trường hợp cần kíp mà cầu thủ không thể có mặt ở đại bản doanh của CLB để kiểm tra y tế, họ có thể thực hiện việc này ở bất kỳ bệnh viện nào đủ tiêu chuẩn trên thế giới. Một số trường hợp không vượt qua kiểm tra y tế nhưng HLV bên mua quá thích cầu thủ đó, họ sẽ giữ kín bí mật của việc kiểm tra.
Kiểm tra y tế ở các đội bóng có các tiêu chuẩn khác nhau, điều này dẫn tới có những thương vụ chắc như đinh đóng cột nhưng lại bị đổ bể vào phút chót vì kiểm tra y tế.
Ví dụ như vụ chuyển nhượng Demba Ba sang Stoke không thành vì không vượt qua kiểm tra y tế.
Hoặc do sự khác biệt về tiêu chuẩn kiểm tra y tế, lẽ ra Cissokho đã sang Milan từ Porto. Nhưng khi kiểm tra ở Milan, anh này bị đánh giá “răng có vấn đề, có khả năng sẽ gặp các rắc rối đến từ xương và cột sống”. Nhưng rốt lại anh này qua Lyon, Valencia, Liverpool đá ầm ầm mà chẳng sao cả.
Nhưng ở chiều ngược lại, chính Milan cũng từng “qua mặt” được Real trong vụ bán Kaka, vì sau đó Kaka về Real không thể chữa trị được dứt điểm các chấn thương liên miên.
Xin giấy phép lao động
Quan trọng không kém về kiểm tra sức khỏe, đó là giấy phép lao động.
Cầu thủ cũng là người lao động hợp pháp, nên cần phải đáp ứng tiêu chuẩn theo hiệp hội lao động của ngành nghề đó (tức Liên đoàn).
Nhiều trường hợp, việc xin giấy phép quá khắt khe, khiến các thủ tục xong xuôi rồi nhưng cầu thủ chưa thể thi đấu ngay ở CLB mới.
Vì thế mà mới có các trường hợp như Vitesse làm “sân sau” để Chelsea đưa các cầu thủ chưa xin được giấy phép lao động về thi đấu tạm thời, trước khi đủ tiêu chuẩn xin giấy phép ở Anh.
Ở Bồ Đào Nha, việc xin giấy phép lao động cho các cầu thủ Nam Mỹ dễ dàng hơn, cộng với sự tương đồng văn hóa, nên các đội bóng ở đây luôn là “mỏ vàng” cung cấp nguồn tài năng Nam Mỹ dồi dào cho châu Âu.
Chỉ khi nào tất cả các giai đoạn trên được thực hiện trót lọt, vụ chuyển nhượng mới hoàn tất.
Và hình ảnh cuối cùng là cầu thủ tươi cười rạng rỡ trong ngày cầm chiếc áo đấu ra mắt đội bóng mới và người hâm mộ.
Xem thêm
Những mùa giải La Liga ly kỳ nhất lịch sử giải đấu
La Liga 2020-2021 có thể là một trong những mùa giải ly kỳ và kịch tính nhất lịch sử giải...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK