Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành 4 trận đấu với 4 đổi thủ được nhận định là khó chơi tại bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 tại khu vực châu Á một cách xuất sắc, với chiến thắng tối thiểu mang về điểm số tối đa trước ĐT UAE. Một trận đấu diễn biến giống với những gì chúng ta luôn tưởng tượng về thứ bóng đá được xây dựng bởi HLV Park Hang-seo, đặc biệt là trước một đối thủ được đánh giá cao hơn.
Sở trường của Park Hang-Seo
ĐỘI HÌNH RA SÂN
Giữ nguyên nhân sự ở hàng thủ, và tạo ra những sự thay đổi có ý đồ ở hàng công có thể được xem là tôn chỉ với ĐT Việt Nam ở giai đoạn này. HLV Park Hang-seo duy trì 6 con người tốt nhất mình có trong tay ở các vị trí thủ môn, trung vệ và hậu vệ biên. Trong khi trên hàng công, Nguyễn Tuấn Anh trở lại với tuyến tiền vệ bên cạnh Hùng Dũng. Nguyễn Tiến Linh tiếp tục được tin tưởng cho vị trí trung phong, hỗ trợ cho cầu thủ của Becamex Bình Dương là hai người đồng đội trẻ có được phong độ ổn định trong thời gian vừa qua, Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Văn Toàn. Đội chủ nhà ra sân với sơ đồ 3-4-2-1 quen thuộc.
Bên phía UAE, sự lựa chọn của HLV Bert van Marwijk là sơ đồ 4-4-1-1 tương đối cơ bản. Ngoài bộ tứ vệ, đội khách kết hợp một tiền vệ có xu hướng thu hồi bóng Al Attas với một tiền vệ có xu hướng điều phối bóng Ramadan ở trung lộ. Hai cầu thủ chạy cánh gồm Yaqoub ở biên trái và Eisa ở biên phải là những người có tốc độ và sẵn sàng tấn công phía sau lưng hàng thủ đối phương. Sự kết hợp trên hàng tấn công cũng tương đối điển hình, số 10 thực thụ Abdulrahman chơi phía dưới trung phong mục tiêu Khalil.
30 PHÚT ĐÓNG BĂNG ĐẦU TRẬN ĐẤU
Không bất ngờ khi UAE là đội ghi nhận tỷ lệ kiểm soát bóng cao hơn, điều đến trực tiếp từ cách tiếp cận trận đấu tương đối cẩn trọng của ĐT Việt Nam.
Ở giai đoạn không có bóng, đội chủ nhà lựa chọn không pressing ở 1/3 sân đối phương, lùi đội hình về khu vực trung lộ và tạo ra một khối pressing tầm trung theo sơ đồ 5-4-1. Điều đáng nói ở khối pressing tầm trung này được HLV Park bố trí là ở cách chọn vị trí của hai tiền vệ tấn công, Văn Toàn và Quang Hải.
Cả hai đều cho thấy ý định không lùi ngang hàng với cặp tiền vệ trung tâm để tạo ra một hàng ngang phẳng 4 cầu thủ. Thay vào đó, hai cầu thủ này tương đối chủ động dâng cao hơn và cũng bó vào trung lộ nhiều hơn khi ĐT Việt Nam không có bóng. Thay vì sơ đồ 5-4-1 có thể dễ dàng hình dung ra, trên thực tế, ĐT Việt Nam đã phòng ngự bằng một hệ thống có thể được xem là 5-2-2-1, với nhóm 5 cầu thủ phía trên cố gắng tạo ra một cách bố trí giúp bản thân họ duy trì mối liên kết tốt nhất có thể với nhau.
Sự liên kết này sẽ đến cả khi ĐT Việt Nam chủ động phòng ngự và khi ĐT Việt Nam muốn chuyển trạng thái ở tốc độ cao. Khi chủ động phòng ngự, ý đồ của HLV Park tỏ ra tương đối rõ ràng, đội chủ nhà sẽ hạn chế tối đa có thể các tình huống triển khai bóng qua khu vực trung lộ, điều mà UAE sẽ dễ dàng thực hiện hơn nếu Quang Hải, Hùng Dũng, Tuấn Anh, Văn Toàn xếp thành một hàng ngang ở giữa sân. Sự so le giữa 4 cầu thủ này không chỉ khiến khoảng trống cho các đường chuyền theo trục dọc được hạn chế, mà còn khiến cô lập tốt hơn hai điểm nhận bóng ở trung lộ của ĐT UAE, là hai tiền vệ trung tâm.
Khi muốn chuyển trạng thái ở tốc độ cao, việc Văn Toàn và Quang Hải đã sẵn sàng có mặt ở các vị trí ở giữa Tiến Linh và cặp đôi tiền vệ trung tâm sẽ giúp ĐT Việt Nam tạo được mối liên kết tốt hơn, có nhiều lựa chọn chuyền bóng hơn ở các tình huống bóng đòi hỏi tốc độ xử lý cao. Tình huống đập nhả của Quang Hải với Tuấn Anh, trước khi tiền vệ mang áo số 21 thực hiện một đường chuyền xẻ nách hướng đến Trọng Hoàng ở phút thứ 9, có thể xem là một điển hình cho ý đồ ấy.
Ý đồ của HLV Park có thể xem là hạn chế tối đa khả năng triển khai bóng qua trung lộ của ĐT UAE, cố gắng đoạt lại bóng, sử dụng các điểm kết nối ở các vị trí thuận lợi là Văn Toàn và Quang Hải, để phản công bằng các tình huống phối hợp nhóm. Định hướng này có thể xem là một sự tinh chỉnh nhỏ của chiến lược gia người Hàn Quốc, nếu biết trước đó ĐT Việt Nam luôn tỏ ra nguy hiểm trong các đợt phản công vốn sử dụng tốc độ của các cá nhân ở hành lang cánh, như Phan Văn Đức trước kia, hay Văn Toàn ở thời điểm gần đây.
Cách bố trí đội hình của ĐT Việt Nam đặt ra cho UAE một bài toán tương đối khó để giải, khi họ không có một điểm nhận bóng đủ chất lượng để phát triển bóng lên phía trước.
HLV Bert van Marwijk cũng có ý đồ của riêng mình, một ý đồ khá thú vị. Hai tiền vệ cánh của UAE là Yaquob và Eisa gần như không tham gia vào việc triển khai bóng, nhiệm vụ của họ sẽ là chọn các vị trí rất cao ở từng biên, với mục đích ghim hai cầu thủ chạy cánh của đối phương lại với hàng ngang phòng ngự 5 người. Ý đồ này của ĐT UAE nhằm hạn chế khả năng bao quát hành lang cánh ấn tượng của cả Văn Hậu và Trọng Hoàng, và giúp tuyến dưới có nhiều không gian hơn để nhận bóng và triển khai.
Chính vì việc Văn Hậu và Trọng Hoàng không thể dâng quá cao, nên hình ảnh chúng ta thường xuyên được chứng kiến nhất trong hiệp 1 của trận đấu, là nhóm 6 cầu thủ của UAE gồm 4 hậu vệ và 2 tiền vệ trung tâm, đối đầu với nhóm 5 cầu thủ chơi cao nhất của ĐT Việt Nam. Mà cụ thể hơn, là việc hậu vệ biên trái Jaber của đội khách là người thường xuyên nhận được bóng.
Chính bởi việc Văn Toàn hoặc Quang Hải ở biên phải thường có xu hướng bó vào trung lộ nhiều hơn, nên Jaber có thời gian, không gian để nhận các đường chuyền có hướng xuôi xuống biên từ trung vệ hoặc tiền vệ trung tâm lệch trái. UAE có một phương án đưa bóng đến 1/3 sân cuối cùng khá dễ dàng.
Khi bóng đã được đưa tới 1/3 sân cuối cùng, là thời điểm các cầu thủ tấn công của UAE có những sự hoán đổi vị trí thú vị. Nếu như tiền vệ trái Yaqoub tiếp tục tạo ra các pha di chuyển sau lưng hàng thủ ĐT Việt Nam nhằm cố gắng kéo hàng ngang 5 người phải lùi sâu hơn, thì trung phong Khalil sẽ khai thác khoảng trống trước mặt hàng ngang 5 người vừa được tạo ra ấy, nhận bóng và tiếp tục tìm kiếm sự liên kết ở trung lộ, nơi số 10 Abdulrahman và tiền vệ phải Eisa là những điểm liên kết khả dĩ.
UAE phải nói là có một ý tưởng khá rõ ràng về việc sẽ tiếp cận khu vực tấn công ra sao, nhưng họ gặp một vài vấn đề nhất định:
– Hai tiền vệ trung tâm thiếu hoàn toàn sự cơ động, nhằm mục đích lôi kéo cầu thủ đối phương ra khỏi vị trí, cũng như việc tạo ra sự liên kết cho các cầu thủ tấn công.
– Chất lượng kiểm soát bóng và chuyền bóng của điểm nhận thường xuyên nhất Jaber không tốt.
– Cầu thủ có thể tạo ra khác biệt tốt nhất của họ, Abdulrahman không được cung cấp bóng đủ nhiều để có thể tạo ra những khác biệt như kỳ vọng ấy.
Abdulrahman phải nói là đã có một hiệp thi đấu thứ nhất chật vật trong định hướng khóa hoàn toàn trung lộ của ĐT Việt Nam. Số 10 của UAE dành khoảng 15 phút đầu tiên rất kiên định di chuyển sau lưng của Hùng Dũng và Tuấn Anh, và chờ đợi các đường chuyền xuyên tuyến, nhưng không nhận được bất cứ đường bóng nào sáng tạo từ đồng đội.
Khi trận đấu dần trôi đi, sự kiên nhẫn của Abdulrahman cũng dần giảm đi, tiền vệ này lùi về hàng tiền vệ nhiều hơn, muốn có bóng nhiều hơn. Và trên thực tế, những khoảnh khắc đáng nhắc đến nhất của UAE trong hiệp một đều có dấu ấn lớn của Abdulrahman, với những đường chuyền dài sau lưng hàng thủ đối phương, và một vài nhịp di chuyển kéo Hùng Dũng ra khỏi vị trí, để tạo khoảng trống cho đồng đội băng lên.
Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở mức khoảnh khắc, ĐT Việt Nam phải nói là đã thành công trong ý đồ của mình ở 30 phút đầu tiên, không cho đối thủ triển khai bóng qua cầu thủ sáng tạo nhất, không cho đối thủ triển khai bóng qua khu vực trung lộ, và duy trì sự tập trung trong việc bọc lót của ba trung vệ. Điều đáng nói là, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế.
Phải thừa nhận hệ thống chơi khi không có bóng của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo luôn đảm bảo được sự ổn định, tập trung và chắc chắn. Nhưng trước một đối thủ gần như không pressing tầm cao, phòng ngự khu vực ở nửa sân nhà với sơ đồ 4-4-2 cơ bản, thì ĐT Việt Nam với hệ thống 3-4-2-1 có thể làm tốt hơn trong giai đoạn kiểm soát bóng.
Đội bóng của HLV Park không tạo ra sự đa dạng trong các phương án đưa trái bóng lên phía trước, điều có thể bị ảnh hưởng bởi sự cẩn trọng của chiến lược gia người Hàn Quốc. Về bản chất, Quang Hải và Văn Toàn với các vị trí tấn công của mình luôn sẵn sàng chiếm lĩnh khoảng trống và tạo sự liên kết. Xin nhắc lại, là Quang Hải được yêu cầu duy trì vị trí của mình ở bên trong hệ thống phòng ngự đối thủ, khai thác khoảng trống, hơn là lùi lại để nhận bóng và phát triển lên phía trên. Chúng ta có hai tiền vệ trung tâm có thể kiểm soát tình hình rất tốt và sở hữu khả năng phát triển bóng ấn tượng, chưa kể tới một trung vệ chính giữa rất biết cách để tạo ra đột biến trong các đường chuyền tầm thấp của mình. Thế nhưng, lựa chọn gần như duy nhất của đội chủ nhà khi kiểm soát bóng là tổ hợp chuyền bóng Duy Mạnh – Trọng Hoàng, một tổ hợp chuyền bóng vừa dễ đoán và vừa không gây quá nhiều sát thương.
30 phút đầu tiên của trận đấu chứng kiến 3 pha dứt điểm tổng cộng của đôi bên, trong đó, số lần uy hiếp khung thành đối thủ của ĐT Việt Nam là 0. Pha dứt điểm đầu tiên của đội chủ nhà đến cũng bởi tổ hợp chuyền bóng Duy Mạnh – Trọng Hoàng, tình huống mà cầu thủ chạy cánh phải của ĐT Việt Nam lần đầu đột phá thành công, và đưa trái bóng tới Tiến Linh trong vòng cấm.
Trận đấu gần như đóng băng, với sự bế tắc, hay nói cách khác là sự cẩn trọng quá mức của đôi bên. Cho đến khi tình huống mang tính bước ngoặt diễn ra. Chiếc thẻ đỏ của Al Mammadi.
TÌNH HUỐNG BƯỚC NGOẶT
Bước ngoặt của trận đấu, đương nhiên, vẫn là hệ quả của những ý đồ chơi trước đó của cả đôi bên.
ĐT UAE thêm một lần có một tình huống triển khai bóng dọc biên trái không thực sự chất lượng. Yaqoub di chuyển sau lưng hàng thủ đối phương để nhận đường chuyền theo trục dọc, tình huống không làm khó được Duy Mạnh khi trung vệ lệch phải của ĐT Việt Nam có thể cắt được bóng.
Đó là thời điểm ĐT Việt Nam muốn chuyển trạng thái với đúng ý đồ của mình, khi Trọng Hoàng, Tuấn Anh, Hùng Dũng và Quang Hải đã có được một cấu trúc vị trí gần nhau để sẵn sàng đưa trái bóng lên phía trước bằng khả năng phối hợp nhóm của các cầu thủ. Tuấn Anh thu hút sức ép và kéo đối thủ lên cao nhất có thể, Quang Hải sẵn sàng nhận bóng, còn Hùng Dũng là người khai thác khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ UAE. Và khi Hùng Dũng có thể thực hiện một đường chuyền dọc sân để Tiến Linh và Văn Toàn bứt tốc, thì hẳn ở ngoài đường piste, HLV Park Hang-seo có thể nở một nụ cười thầm trong lòng.
Đó là sở trường của Park Hang-seo.
Bàn thắng của Tiến Linh đến gần như trong tình huống chủ động triển khai bóng đầu tiên của ĐT Việt Nam khi được chơi hơn người. UAE buộc phải chơi với sơ đồ 4-4-1 khi không có bóng, điều khiến hàng ngang phòng ngự đầu tiên của họ chỉ gồm một mình tiền đạo Khalil, và tỏ ra vô hại ở góc độ sức ép. Một đường chuyền xuyên tuyến xuất sắc ngay lập tức được thực hiện, Quang Hải chứng tỏ sự nhạy cảm không gian của mình trong tình huống tạo điều kiện để Tiến Linh nhận bóng một cách trống trải. Chắc chắn đường chuyền của Hùng Dũng sẽ không được thực hiện nếu UAE có đủ nhân sự, bởi Hùng Dũng đã nhận bóng ở đúng vị trí mà Abdulrahman thường có mặt trong cách bố trí đội hình với sơ đồ 4-4-2 của ĐT UAE.
Đội bóng của HLV Park Hang-seo vươn lên dẫn trước, với lợi thế chơi hơn một người.
THAY ĐỔI MẠO HIỂM CỦA HLV PARK
Dẫn trước một bàn, chơi hơn người, đó là lý do để khiến tất cả chờ đợi một sự thay đổi chiến thuật rất đặc trưng của HLV Park trong hiệp thi đấu thứ hai. Nói là câu chuyện không mới có lẽ không thực sự xác đáng, mà chính xác hơn, đó là câu chuyện diễn ra ở gần như tất cả các trận đấu của ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park.
Sau giờ nghỉ, đội chủ nhà không thay người, nhưng thay đổi sơ đồ. Ngay ở thời điểm bóng vừa lăn trở lại, Quang Hải đã có mặt ngay phía trước của trung vệ lệch trái Tiến Dũng để nhận bóng, nhận bóng một cách liên tiếp. Một hình ảnh theo kiểu thả hổ về rừng. ĐT Việt Nam sẽ chơi với sơ đồ 3-5-2, với Tuấn Anh chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ, Quang Hải và Hùng Dũng là những tiền vệ trung tâm có xu hướng tấn công, phải nhấn mạnh là tấn công, như cách chơi của họ tại CLB Hà Nội. Văn Toàn và Tiến Linh trở thành cặp tiền đạo, với mục đích tạo ra sức ép lớn hơn.
Sự thay đổi đậm chất Park Hang-seo.
ĐT Việt Nam đúng là đã làm được nhiều thứ với sự thay đổi ấy, sự thay đổi cũng đồng thời giải phóng Văn Hậu và Trọng Hoàng ở hai hành lang cánh. Chúng ta đơn giản là triển khai mạc lạch hơn, trước chỉ 10 người của đối thủ, sử dụng liên tiếp các nhóm phối hợp bộ ba ở từng biên, điều Văn Hậu – Quang Hải – Tiến Linh và Văn Toàn – Hùng Dũng – Trọng Hoàng đã làm xuất sắc. Tín hiệu lạc quan cho người hâm mộ, về một định hướng hoàn toàn mới lạ, cơ bản, nhưng tạo sức ép lớn trong một trận đấu cụ thể khi ĐT Việt Nam có thế chủ động.
Nhưng mạo hiểm hơn thì cũng có nghĩa là rủi ro hơn. Và HLV Park dường như đã vô tình giao cho Tuấn Anh một bài test hạng nặng.
Quang Hải và Hùng Dũng dâng cao hơn, đồng nghĩa với việc Tuấn Anh là người duy nhất ở phía sau làm nhiệm vụ thu hồi bóng. Trong bối cảnh ĐT UAE cần bàn thắng, họ vẫn chủ động triển khai bóng một cách mạch lạc, và thậm chí là mạch lạc hơn cả hiệp một với sự có mặt thường trực hơn của Abdulrahman ở trung lộ, người đã được kéo xuống chơi ở vai trò tiền vệ trung tâm. Sự có mặt sau đó của tiền vệ Mubarak số 21, một người dám kiểm soát bóng và dám thực hiện những quyết định xử lý táo bạo càng khiến cho bài test của Tuấn Anh gia tăng độ khó. UAE đã có ít nhất 2 cơ hội đưa bóng tới vòng cấm, cho một tình huống căng ngang có sức nặng, điều họ thậm chí không làm được trong hiệp một, với đầy đủ nhân sự.
May cho Tuấn Anh là bài test chỉ kéo dài khoảng 20 phút, và bản thân tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai có lẽ cũng cần cảm ơn bài test ấy để có được một màn trình diễn làm trầm trồ tất cả mọi người.
Khoảnh khắc đạo diễn hình bắt được gương mặt nhăn nhó của HLV Park, những bước chân vội vã vượt xa khỏi phạm vi huấn luyện của HLV Park, cũng là lúc bài test kết thúc. Cầu thủ vào sân thay người Công Phượng được yêu cầu chơi ở hành lang cánh phải, và ĐT Việt Nam thay đổi sơ đồ chiến thuật. Từ 3-5-2 đẹp mắt nhưng rủi ro sang 3-4-2-1/5-4-1 xù xì và an toàn.
Đó là lý do tại sao, tâm điểm của trận đấu sau phút 70 là Nguyễn Công Phượng, phương án gần như duy nhất của đội chủ nhà ở các tình huống chuyển trạng thái.
ĐT Việt Nam có thêm một trận đấu thành công nữa, khi duy trì được sự chắc chắn đã trở thành thương hiệu ở hàng thủ, tận dụng từng khoảnh khắc nhỏ nhất để tạo ra lợi thế cho mình, dù không tạo ra số lượng cơ hội ăn bàn ấn tượng.
Diễn biến của hiệp hai cho thấy không phải ĐT Việt Nam không đủ sức tạo ra sức ép với cường độ cao ở phạm vi tấn công và tiếp cận khu vực cấm địa với các vị trí đủ tốt, mà câu chuyện với HLV Park sẽ luôn là để đổi lấy thế trận ấy, ĐT Việt Nam sẽ phải trả giá bao nhiêu? Một con người luôn tiềm tàng trong tư duy những toan tính nhỏ nhặt và chi li nhất, một con người luôn sẵn sàng tạo ra những thay đổi chỉ trong những khoảng 15 phút của trận đấu nhằm đạt được mục đích của mình.
Đó là sở trường của HLV Park Hang-seo.
—
Nguồn: Baller
Nội dung: Raumdeuter 13
Ảnh: Khoa Nguyen