Biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hong Kong khiến các thương hiệu thời trang phải điều chỉnh lại kì vọng về doanh số tại thị trường này, dự kiến doanh số tiêu thụ có thể giảm đến 2 chữ số nếu tình hình chính trị tại vùng lãnh thổ này tiếp tục căng thẳng.
Các thương hiệu thời trang bất lực nhìn biểu tình leo thang ở Hong Kong
Chanel đang xem xét lại về show diễn ra mắt BST Cruise dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11 ở đây. Trong khi đó, Nike hủy phát hành BST hợp tác cùng Undercover tại Trung Quốc khi nhà thiết kế Jun Takahashi lên tiếng ủng hộ cho người biểu tình Hong Kong trên mạng Instagram.
Vào ngày 26/7, vào thời điểm Calvin Klein thông báo mở cửa hàng mới tại sân bay Hong Kong, hàng ngàn người biểu tình đã mở rộng đấu tranh tại khu vực này khiến hoạt động bay bị đình trệ. Và không chỉ có sân bay, các cửa hàng bán lẻ của các thương hiệu thời trang trên phố và trung tâm thương mại cũng bị ảnh hưởng từ những cuộc biểu tình của người Hong Kong trong thời gian qua.
Cục Thống kê cho biết doanh số bán lẻ tại Hong Kong đã giảm 1,8% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 7 và tháng 8 vốn là thời điểm để tăng doanh số, tuy nhiên hiện tại, với tình trạng bất ổn đang dần leo thang, các nhà bán lẻ và nhà phân tích đã hạ thấp triển vọng của thị trường Hong Kong từ đây cho đến hết năm.
- Xem thêm: Phong cách thời trang thập niên 70’s của Leonardo và Brad Pitt trong Chuyện ngày xưa ở… Hollywood
Các thương hiệu thời trang xa xỉ cảm nhận rõ rệt những tác động của tình hình chính trị Hong Kong
Các thương hiệu xa xỉ đang cảm nhận rõ rệt sự tác động do tình hình chính trị tại vùng lãnh thổ này mang lại. Thương hiệu đến từ Thụy Sĩ Richemont cho biết việc cửa hàng tạm thời đóng cửa và lượng khách du lịch giảm đã làm giảm doanh số bán hàng. Các thương hiệu khác cũng chứng kiến sự chậm chạp của doanh số tại Hong Kong và Ma Cau trong tháng vừa qua.
Chanel chưa ra thông báo chính thức về việc show diễn ra mắt BST Cruise 2019/20 tại sân bay Kai Tak Cruise Terminal ở Hong Kong dự kiến vào ngày 6/11 có tiếp tục diễn ra hay không. Đại diện của thương hiệu cho biết: “Như những thương hiệu khác có mặt tại Hong Kong, chúng tôi vẫn đang xem xét tình hình và chưa đưa ra được quyết định vào thời điểm này”.
Giá cổ phiếu của công ty Giordano International & Bonjour Holdings đã giảm khoảng 27%, trong khi giá cổ phiếu của Aeon Stores Hong Kong, nơi điều hành các cửa hàng bán lẻ và trung tâm mua sắm, đã giảm khoảng 9%. Dự kiến giá cho thuê các cửa hàng tại các khu thương mại tại Hong Kong, vốn dĩ đắt đỏ hàng đầu thế giới, sẽ giảm nhẹ 1-5% trong thời gian tới.
Sự nhạy cảm về mặt chính trị cũng khiến các thương hiệu lo lắng. Tháng Sáu vừa qua, Nike đã hủy việc ra mắt bộ sưu tập hợp tác cùng Undercover tại thị trường Trung Quốc sau khi nhà thiết kế Jun Takahashi lên tiếng ủng hộ người biểu tình Hong Kong trên Instagram.
Ngày 24/7, một nhân viên H&M tại Hong Kong bị chụp ảnh đang khi đang đội mũ bảo hộ – được xem là biểu tượng của việc biểu tình ngầm chống lại chính quyền Trung Quốc. Rất nhanh sau đó, H&M đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trên mạng xã hội Weibo, thương hiệu cho biết ủng hộ “Một đất nước, hai chế độ” của Bắc Kinh. Hiện tại, H&M có 500 cửa hàng tại Trung Quốc với doanh thu 1.3 tỉ đô la trong năm vừa qua.
Trong khi một số ý kiến cho rằng việc biểu tình đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh tại Hong Kong và gây thiệt hại kinh tế, thì những người khác lại cho rằng quyền tự chủ của Hong Kong vốn là điểm thu hút đầu tư và kinh doanh tại vùng lãnh thổ này. Theo chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới của Viện Fraser, thì Hong Kong là nền kinh tế tự do nhất trên thế giới. Trong khi đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được xếp hạng 100.