Đôi Adidas huyền thoại Stan Smith xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Qua thời gian, đôi giày không trở nên lỗi thời trước công nghệ mới mà trở thành biểu tượng bất tử.
34 năm trước, Stan Smith nói lời chia tay làng banh nỉ.
Ông là một huyền thoại đích thực trong giới quần vợt. Smith chiến thắng ở U.S Open năm 1971 và Wimbledon vào năm 1972. Tới năm 1987, cái tên Stanley “Stan” Smith được vinh danh ở “Đài Danh vọng Quần vợt Thế giới”. Năm 2005, tạp chí TENNIS tiếp tục điền tên Smith vào danh sách “40 tay vợt vĩ đại nhất”.
Tuy nhiên, Stan Smith có lẽ chỉ đơn giản là Stanley “Stan” Smith nếu Adidas không gõ cửa nhà ông. Sự hợp tác giữa huyền thoại làng quần vợt và gã khổng lồ trong ngành thời trang thể thao đã tạo ra một đôi giày mang tính biểu tượng toàn cầu – Adidas Stan Smith.
Khởi nguồn lịch sử hình thành lên đôi giày Adidas Stan Smith
Vào đầu những năm 1960, Adidas lấn sân sang làng banh nỉ. Horst Dassler, con trai của nhà sáng lập Adidas, Adolph “Adi” Dassler, là người nảy ra ý tưởng về một sản phẩm mang tính cách mạng. Ông muốn các tay vợt đổi sang sử dụng giày da trong thời đại mà vải bạt đang thống trị khắp các mặt sân. Dassler dự kiến làm đế mặt ngoài với chất liệu cao su còn phần trong sử dụng vật liệu tổng hợp.
Adidas chọn Robert Haillet, một trong hai tay vợt chuyên nghiệp của Pháp thời bấy giờ, làm gương mặt đại diện. Do đó, khởi thủy của Adidas Stan Smith có tên “Adidas Haillet”.
Tên tuổi của Robert Haillet khiến đôi giày phất nhanh như diều gặp gió. Đa số các tay vợt thời đó đều ca ngợi đây là đôi giày tennis số một. Cùng lúc ấy, ở thị trường bóng rổ, Adidas Superstar cũng khiến giới cầu thủ mê mệt với nhiều tính năng giảm thiểu chấn thương.
Năm 1968, Wimbledon quyết định thay đổi thể thức, cho phép các tay vợt chuyên nghiệp cùng tham dự. Mảnh đất màu mỡ khiến các hãng thời trang như Adidas không thể bỏ qua. Tuy nhiên, vào năm 1971, Robert Haillet tuyên bố nghỉ hưu và trở thành đại diện bán hàng cho Adidas. Horst Dassler đứng trước cơn đau đầu mang tên người kế thừa Haillet.
Hơn cả sự kỳ vọng
Ông buộc phải tìm ra một gương mặt tầm cỡ để thay thế người tiền nhiệm. Đây cũng là thời điểm Dassler chuẩn bị tung ra phiên bản mới cho đôi giày. Donald Dell, một trong những tay cò nổi tiếng nhất làng quần vợt, gợi ý Dassler cái tên Stan Smith. Đó là một ngôi sao hàng đầu trong giới banh nỉ. Smith hoàn toàn có thể trở thành cái tên hái ra tiền nếu hợp tác cùng Adidas.
Đến năm 2019, người ta nhận ra lời gợi ý của Donald Dell xứng đáng nhận được nhiều tiền hơn hết thảy những gì Adidas đã trả cho ông ta vào thời điểm đó. Đôi giày mang tên Stan Smith không còn được các tay vợt ưa chuộng vì công nghệ đã lỗi thời. Tuy nhiên, nó lại trở thành một biểu tượng thời trang vượt xa ngoài dự tính của Horst Dassler hay bất kỳ ai.
Thực tế, Adidas ban đầu chỉ ký hợp đồng ngắn hạn (5 năm) với Smith. Điều này chứng tỏ giới thượng tầng của công ty không có niềm tin vào một sản phẩm mang tính thời đại khi hợp tác với tay vợt người Mỹ.
Bằng những đồng USD dày cộp, Adidas dễ dàng thuyết phục Smith từ bỏ đối tác cũ. Trước khi gã khổng lồ nước Đức gõ cửa, Smith sử dụng giày vải của Converse và Uniroyal như một phần thỏa thuận với toàn đội. Đặt lên bàn cân, giá trị bản hợp đồng với Adidas hứa hẹn đem đến cho tay vợt người Mỹ những cơ hội không tưởng, nhất là khi thị trường quần vợt ở xứ cờ hoa đang trong giai đoạn bùng nổ.
Chiếc giày có thiết kế đơn giản, màu trắng, được làm bằng da. Điểm nhấn duy nhất là chút màu xanh ở gót giày. Phiên bản cổ điển của chiếc giày này còn có cả chân dung kèm chữ ký của Stan Smith. Phần gót màu xanh lá cây được in logo của adias trefoil (3 lá) và dòng chữ Stan Smith bên dưới.
Một điểm đặc biệt khác của dòng giày này là hoàn toàn không có biểu tượng 3 sọc điển hình của Adidas. Nếu để ý, bạn có thể nhận ra những đôi sneaker dòng trefoil như Superstar, NMD… vẫn đều mang dấu 3 sọc ở phần thân.
Stan Smith chính thức hợp tác với Adidas từ năm 1971. Tuy nhiên, phải đến 7 năm sau, đôi giày mới chính thức đổi sang tên ông. Dường như, gã khổng lồ nước Đức đã đắn đo rất nhiều trước khi đi đến quyết định này. Do đó, vào thập niên 70, người ta vẫn gọi nó Adidas Haillet nhiều hơn.
Quyết định đưa Stan Smith trở thành tên gọi chính thức của đôi giày đã đem đến hiệu quả không ngờ. Kể từ sau khi hình ảnh tay vợt người Mỹ cùng bộ ria mép nổi tiếng của ông xuất hiện trên lưỡi giày, doanh số bán hàng đã tăng vùn vụt. Người người sắm Stan Smith, nhà nhà đi Stan Smith. Ngay cả đối thủ của Stan Smith trên sân quần vợt cũng ưa thích đôi giày này.
“Tôi cảm thấy khó chịu khi thua một người đi giày của mình”, Stan Smith chia sẻ với Sneaker Wars.
Vào những năm 1980, công nghệ giày thi đấu được cải tiến đáng kể. Stan Smith trở nên lỗi thời trên các sân tennis. Tuy nhiên, đôi giày này lại trở thành mặt hàng hot với giới thời trang. Tới năm 1988, khoảng 22 triệu đôi Stan Smith đã được bán ra. Con số này đạt đến 23,7 triệu vào năm 1994. Một số báo cáo khẳng định Adidas đã bán được 40 triệu đôi Stan Smith vào năm 2005 và xấp xỉ 50 triệu đôi vào năm 2016.
Cho tới năm 2019, Stan Smith vẫn là một trong những đôi giày bán chạy nhất của gã khổng lồ nước Đức. Vậy, điều gì đã khiến người ta mê mệt đôi giày của thập niên 70 này?
Đằng sau ánh hào quang của Adidas Stan Smith
Adidas Stan Smith không còn được xét vào dòng giày tennis sử dụng trong thi đấu vì công nghệ đã quá lỗi thời. Dù vậy, thiết kế đơn giản và thanh lịch của dòng giày này giúp nó nhận được sự yêu mến từ nhiều thành phần. Bạn có thể sử dụng đôi giày này trong hầu hết công việc hàng ngày.
“Tôi nghĩ đây là một đôi giày thực sự tuyệt vời. Stan Smith hợp với phụ nữ mặc short jean hoặc nam diện đồ công sở. Quần áo thể thao hay polo các kiểu cũng đều ổn cả. Bạn cũng có thể mix với một chiếc denim. Nói chung, đôi giày này có tính linh hoạt rất cao. Mọi người trông thật ngầu khi đi chúng”, cây viết Calum Marsh của tờ National Post nhận xét.
Bên cạnh thiết kế cổ điển, có tính ứng dụng cao, phương pháp truyền thông của Adidas cũng giúp Stan Smith trở thành huyền thoại. Nước Mỹ có thể xem như một trong những cái nôi của thời trang thế giới. Việc lựa chọn một tay vợt Mỹ nổi tiếng cùng cách tiếp cận thị trường khôn ngoan giúp đôi giày được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Với các tín đồ của Stan Smith, sự kiện “khai tử” năm 2012 có lẽ là một cú sốc lớn mà Adidas mang đến. Bất chấp tình yêu mà lượng fan đông đảo dành cho Stan Smith, gã khổng lồ nước Đức vẫn quyết định ngừng sản xuất dòng giày này. Đó là một nước đi khôn ngoan nhưng cực kỳ liều lĩnh từ hãng thời trang này.
Họ đánh đúng tâm lý của người dùng – muốn săn lùng những thứ không còn nữa. Stan Smith bỗng chốc trở thành một đôi giày được săn đón. Ai cũng muốn sở hữu một đôi giày da trơn, có in hình tay vợt kỳ cựu cùng bộ râu nổi tiếng trong tủ. Khi thông tin Stan Smith được phát hành trở lại vào năm 2014, tất cả đã phải đếm từng giờ để chờ khoảnh khắc “nhà vua” lên kệ.
“Chúng tôi muốn đôi giày nhận được sự tôn trọng xứng đáng. Đó là một ván cược táo bạo trước ngày trở lại”, Torben Schumacher, Phó chủ tịch Adidas, chia sẻ với The Cut.
14/1/2014, Adidas chính thức đưa Stan Smith trở lại thị trường theo cách không thể phô trương hơn. Họ gửi tặng một số đôi giày đến những ngôi sao danh tiếng như Pharrell hay Ell en DeGeneres nhằm tạo sự chú ý. Trên trang bìa tạp chí Vogue, số tháng 11/2013, Gisele Bundchen xuất hiện cùng một đôi Stan Smith. “Đó là một trong những màn tái xuất ấn tượng nhất trong lịch sử ngành marketing”, tờ Bloomberg nhận xét.
Nói về thành công của đôi giày mang tên mình, Stan Smith hài hước: “Tôi thường bảo vợ mình 95% người trên thế giới không biết tôi có thật. Cô ấy bảo con số phải ở mức 99% mới đúng”.
>> Xem thêm: 11 đôi giày Adidas và Nike chính hãng đang được bán rẻ hơn giá gốc
—
Tạp chí Đàn ông Menback