Ăn mặc thì cũng phải có kỹ năng.
Chẳng là trong bài viết trước về Mắt Thẩm Mỹ thì tôi có nói rằng: “… lý thuyết đơn thuần chỉ là một màu xám xịt mà cây đời thì mãi xanh tươi; bạn không cần quá nhiều kiến thức để có thể mặc đẹp, quan trọng là áp dụng được kiến thức…”. Cũng trong bài viết đó, tôi đã nêu ra 4 yếu tố cấu thành nên khả năng mặc đẹp, và một trong số đó là kỹ năng. Đương nhiên rồi, vận động cũng là kỹ năng, mà tư duy cũng là kỹ năng; và để tiếp nối series “quan trọng hóa vấn đề” trong ăn mặc, hôm nay tôi sẽ chia sẻ với các bạn về chủ đề này, rằng thì là “nghiện” cũng phải có nghiện lành nghề, nghiện chuyên môn hóa!
Kỹ năng (technique) theo định nghĩa của từ điển Oxford là phương pháp thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là nghệ thuật hoặc khoa học.
Qua đó, ta thấy rằng việc luyện tập bất kỳ bộ môn nào cũng sẽ hình thành nên các kỹ năng riêng biệt, để giải quyết từng mục tiêu nhỏ trong một bức tranh tổng thể. Các kỹ năng quan trọng trong ăn mặc có thể kể đến phối màu, phối họa tiết, phối chất liệu, thắt cà vạt, thắt dây giày, là ủi vân vân. Nhưng bài này không phải để cung cấp một list kỹ năng và cách tăng điểm kỹ năng đâu anh em ạ.
– Kỹ năng có quan hệ mật thiết đến kiến thức và kinh nghiệm. Tất nhiên rồi, trước tiên bạn phải biết cách làm đúng, rồi mới thực hành nó nhiều lần, rút ra kinh nghiệm thực tế để hoàn thiện kỹ năng. Việc thiếu kiến thức cơ bản mà lệ thuộc vào mắt thẩm mỹ có thể làm điều kiện phát triển kỹ năng bị hạn chế. Ngược lại, nếu bạn học được một kỹ năng cụ thể, ví dụ thắt tie, nhưng không bao giờ thực hành nó thì nó chỉ nằm ở kiến thức lý thuyết. Trong đó có bao gồm cả basic rule, bởi vì bạn không biết luật chơi thì tức là bạn không biết cách để thắng. “To break the rules you must first master them” – Audemars Piguet, thành thục kỹ năng chính là cách đưa bạn vượt khỏi những giới hạn cơ bản.
– Vậy giả sử có những kỹ năng bạn cảm thấy hầu như không cần dùng đến, thì có cần tập luyện không? Câu trả lời là không, nhưng nên thử qua. Cũng như những loại kỹ năng khác, kỹ năng ăn mặc có tính chuyên biệt. Ví dụ tôi là một người không thích nơ, cũng chẳng bao giờ có cơ hội mặc black tie để mà đeo nơ, nhưng tập đeo nơ vài lần thì đến lúc cần đeo cũng sẽ đỡ lóng ngóng hơn nhờ vào muscle memory. Tương tự, đối với những mảng mà bạn không quan tâm, việc có tiếp xúc tầm nông không đủ để hình thành kỹ năng, nhưng ít nhất nó giúp bạn biết thứ mà mình không biết. Suy rộng ra, một người chơi nổi bật trong style ăn mặc này sẽ chỉ là cá nhân tầm trung trong một style khác (theo dòng thời sự sôi sục, hãy xem cách mà Jake Paul – gương mặt mới toanh của làng Boxing, đánh bại Ben Askren – võ sỹ MMA tên tuổi, trong một trận đấu quyền Anh).
– Nguồn lực là một cơ sở để phát triển kỹ năng. Bạn cần có đủ đồ để học cách phối đồ, việc mượn/ học từ người khác vẫn sẽ có nhiều hạn chế (nhưng tất nhiên vẫn hơn là không có). Việc này cũng tương tự như bạn muốn tập piano thì bạn cần có đàn piano, đi mượn thì khá bất tiện.
– Kỹ năng bị ảnh hưởng nhiều bởi tố chất. Ví dụ như khi một người đẹp trai, body đẹp thì việc mặc đẹp dễ hơn rất nhiều. Trên thực tế, nhiều người có xu hướng đánh giá thấp kỹ năng của những người có lợi thế về ngoại hình vì cho rằng họ mặc gì chả đẹp. Tất nhiên tố chất bẩm sinh là không công bằng, nhưng trong nhiều trường hợp, ngoại hình đẹp cũng đòi hỏi sự đầu tư và rất nhiều kỹ năng (ở đây tôi không cổ súy kỹ năng biến hình nhờ photoshop). Tương tự, trong võ thuật, kỹ năng (technique) được định nghĩa là cách sử dụng sức mạnh (strength). Một tư tưởng phổ biến cho rằng những người có sức mạnh vượt trội (ví dụ powerlifter, sức mạnh từ các compound exercises được transfer rất tốt vào chiến đấu) sẽ có lợi thế bất bình đẳng khi tập luyện kỹ năng võ thuật, mà quên rằng sức mạnh cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ở chiều ngược lại, việc dạy võ cho một người có sức mạnh vượt trội đôi khi rất khó khăn (tưởng tượng như bạn là trẻ con đi dạy võ cho người lớn); và dạy kỹ năng ăn mặc cho một người có lợi thế ngoại hình cũng vậy.
Và sự thực là kỹ năng đòi hỏi tố chất nhất định để thực hiện; có những cách mặc đồ mà chỉ có người đẹp mới mặc được, hoặc khi tố chất của bạn quá kém ở mặt nào đó thì phương án hiệu quả hơn cả vẫn là cải thiện mặt đó trước, ví dụ bạn quá quá béo thì kỹ năng giời cũng không cứu nổi, cách hay nhất là giảm béo trước. Trong võ thuật có khẩu quyết “bốn lạng đẩy ngàn cân”, nghe thì cũng hay đấy, nhưng ít nhất bạn phải có bốn lạng đã.
– Kỹ năng là một thứ rất thực tế, trong khi kiến thức và kinh nghiệm hoàn toàn có thể là ảo ảnh. “Văn vô đệ nhất” – bạn có thể chém gió cả ngày về những kiến thức bạn không hiểu, những kinh nghiệm học lỏm từ người khác, nhưng kỹ năng thì không. “Võ vô đệ nhị” – Cá nhân tôi quan niệm việc theo đuổi ăn mặc cũng nên thực tế như theo đuổi võ thuật, nếu kỹ năng của bạn không đủ tốt, may mắn sẽ hiếm khi mỉm cười với bạn. Thỉnh thoảng bạn có thể gặp may phối ra được outfit đẹp nhưng phần lớn là sẽ fail, còn nếu bạn thấy ai khác mặc đẹp nhiều thì rất có thể không phải họ may mắn đâu, chỉ đơn giản là họ đang làm tốt một bộ kỹ năng hơn bạn thôi.
May mắn trên đời có hai loại: loại thứ nhất ẩn trong gió, đôi khi nó thổi đến chỗ bạn, nhưng phần lớn thời gian nó quanh quẩn bên những người khác; loại thứ hai ẩn trong đất, bạn tìm thấy nó sau khi đào bới nhiều ngày đêm. Ajarn Gae – Muay Thai coach nổi tiếng từng nói “Fight not easy, fight not lie” (Ông này là người Thái và dốt tiếng Anh, nhưng chắc bạn hiểu ý của ông).
– Và cuối cùng, kỹ năng là cơ sở quan trọng nhất của taste. Như đã nói ở trên, thành thục kỹ năng giúp bạn break the basic rules, và tạo ra bản sắc riêng. Bạn cần biết cách làm một việc cho tốt rồi mới có thể làm nó theo ý mình. Personal taste chỉ có ý nghĩa khi bạn đã mặc tốt rồi; việc thiếu / từ chối kỹ năng ăn mặc cụ thể và gọi đó là personal taste chỉ là ngụy biện, và sẽ không giúp bạn đi xa được. Nếu bạn bảo tôi rằng Khabib Numagomedov chỉ dùng 1 lối đánh duy nhất (dựa hoàn toàn vào grappling) để trở thành huyền thoại bất khả chiến bại ở UFC; thì ok thứ nhất là bạn không phải Khabib, thứ hai là thực ra Khabib đánh striking khá tốt đấy, không tốt bằng các top fighter thiên về striking khác nhưng đủ tốt để tận dụng lợi thế của grappling. Tương tự, giả sử bạn có kỹ năng vượt trội về phối chất liệu, thì kỹ năng liên quan ví dụ như phối màu bạn cũng cần ở mức khá để có thể phát huy thế mạnh và mặc thực sự đẹp theo taste riêng.
Xem thêm:
- Nâng cấp tư duy ăn mặc, điều quan trọng để mặc đẹp ở đẳng cấp cao hơn
- 7 bí quyết giúp bạn trở thành người biết cách ăn mặc mà không tốn tiền
- 6 thói quen đơn giản giúp cải thiện phong cách cá nhân của bạn