Vốn gắn liền với giới thượng lưu, chiếc đồng hồ Hublot đắt đỏ nhất có giá 5 triệu USD, rẻ hơn cũng chục nghìn USD, thu hút người dùng từ chất lượng bộ máy đến kiểu dáng sáng tạo. Điểm đáng chú ý là thương hiệu tuổi đời non trẻ này dù đi sau nhưng đã vươn lên ngang hàng với các “anh lớn” trong ngành đồng hồ thế giới.
Siêu sao nổi tiếng của Mỹ – Beyonce Knowles, cầu thủ James Rodriguez, Pele, Jose Mourinho,… đều chọn Hublot trong bộ sưu tập đồng hồ xa xỉ của mình. Sau khi về tay tập đoàn LVMH, Hublot như hổ mọc thêm cánh.
Hublot không phải là một “lão đại” nhưng chiến lược tiếp thị thông minh đã thúc đẩy hãng trở thành một trong những thương hiệu giá trị nhất thế giới. Sau đây là lịch sử phát triển của Hublot, thương hiệu gây dựng từ ông chủ con nhà nghề, dám đi ngược truyền thống để bứt phá.
Lịch sử thương hiệu Hublot
Người đặt nền tảng cho sự thành công như ngày hôm nay của Hublot chính là nhà sáng lập Carlo Crocco. Ông được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình chuyên chế tạo đồng hồ, nên từ nhỏ Carlo đã được làm quen, học hỏi và tìm tòi ngành công nghiệp đầy thách thức này.
Trước đây, Crocco từng là thành viên của tập đoàn Binda (Ý), một công ty đồng hồ gia đình nổi tiếng với việc sản xuất đồng hồ Breil. Đến năm 1976, ông tách ra và muốn tự mình sáng tạo nên những giá trị khác hẳn với truyền thống.
Vốn có điều kiện gia đình khá giả, ông biết mùa hè nào giới thượng lưu châu Âu cũng dong du thuyền nghỉ ngơi trên Địa Trung Hải, biểu tượng cửa sổ du thuyền rất quen thuộc với họ. Carlo Crocco quyết định làm một chiếc đồng hồ lấy cảm hứng từ biểu tượng này, với dáng tròn, các đinh ốc, bản lề được cách điệu đưa lên đồng hồ đeo tay và đặt tên là Hublot, theo tiếng Pháp có nghĩa là ” cửa sổ “.
Thời điểm đó, đồng hồ Thuỵ Sĩ đang trong thời kỳ vực lại sau khủng hoảng đồng hồ điện tử, Carlo Crocco chọn một hướng đi khác: Chế tác đồng hồ thể thao. Đặc biệt, Hublot đã phá vỡ mọi nguyên tắc trước đó, sử dụng dây đeo cao su tự nhiên chưa từng có trong lịch sử và đạt được thành công ngoài mong đợi. Ưu điểm của dây cao su là rất nhẹ, mềm dẻo, linh hoạt, dễ vệ sinh, ôm cổ tay nhưng không làm mất đi sự sang trọng của những cỗ máy thời gian.
Đến năm 1977, Crocco đã sáng chế ra chiếc đồng hồ đầu tiên dành cho mình. Ông đã đầu tư khoảng 1 triệu USD và mất hơn 3 năm để tối ưu những chiếc đồng hồ này. Đây là đồng hồ có có dây đeo bằng cao su tự nhiên đầu tiên trong lịch sử.
Thương hiệu Hublot hình thành từ một xưởng nhỏ
Năm 1980, Carlo Crocco thành lập công ty Hublot, tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Cơ ngơi ban đầu là xưởng nhỏ chỉ có giá trị khoảng 4 triệu USD.
Mặc dù không thu hút được một khách hàng tiềm năng nào trong ngày đầu tiên ra mắt tại Hội chợ Đồng hồ Basel 1980 , chiếc đồng hồ này đã nhanh chóng chứng tỏ thành công về mặt thương mại với doanh số bán hàng vượt quá 2 triệu đô la trong năm đầu tiên ra mắt.
Chiếc Hublot đầu tiên còn sử dụng dây đeo cao su – một loại dây đeo chưa từng có trong lịch sử ngành đồng hồ thế giới. Mặc cho giới chuyên môn cho rằng đây là một điều kì dị, những chiếc Hublot lại rất thành công vì mang lại cảm giác thoải mái và tinh thần phù hợp khi đi biển. Chúng nhẹ hơn, mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn nhưng vẫn không làm mất đi sự sang trọng. Sức ảnh hưởng đồng hồ dây cao su ngày càng được rộng rãi hơn. Tới ngày nay, nhiều thương hiệu cao cấp khác cũng sử dụng chất liệu cao cấp này.
Không chỉ phá vỡ mọi khuôn khổ sáng tạo, Hublot còn là thương hiệu đầu tiên đồng hành cùng bóng đá, cầu nối giữa môn thể thao vua và nghệ thuật chế tác đồng hồ cao cấp.
Hiện nay Hublot là nhà tài trợ chính thức của World Cup, Champion League, EuroCup, đồng hành cùng Vua bóng đá Pele, huyền thoại Maradona, người đàn ông nhanh nhất thế giới Usain Bolt, đối tác chiến lược của Ferrari và có hơn 850 điểm bán hàng trên toàn thế giới.
Không ngừng tìm kiếm chất liệu sáng tạo
“Hublot’s strength resides in its very clear identity – the art of fusion – this unique ability to create timepieces which combine tradition and innovation”.
Dịch nghĩa: “Sức mạnh của Hublot thể hiện ở bản chất rõ ràng – áp dụng khôn khéo – phong cách độc đáo để tạo ra những chiếc đồng hồ pha trộn giữa giá trị truyền thống và hiện đại”.
Đây chính là câu châm ngôn của thương hiệu trong hơn 40 năm qua. Nguyên tắc cho mỗi thiết kế của đồng hồ Hublot là đơn giản, không có bất kỳ một chi tiết thừa nào trên sản phẩm. Bên cạnh đó, thương hiệu Hublot luôn luôn đau đáu phá vỡ quan niệm truyền thống về đồng hồ sang trọng bằng việc dốc sức tìm ra chất liệu mới thay vì sử dụng dây đeo bằng thép không gỉ như thông thường.
Hublot khéo léo trong việc sử dụng các chất liệu khác nhau như cap su, carbon, gốm, thép cho đến vàng,… Đồng hồ Hublot có một đặc điểm riêng biệt xuyên suốt trong tất cả dòng đồng hồ mà chúng ta có thể dùng để phân biệt đồng hồ Hublot đó chính là ốc vít Titanium hình chữ H.
Đồng hồ Hublot là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ khi kết hợp những kinh nghiệm chế tác của Thụy Sĩ và phong cách của Italia. Điều này giúp cho thương hiệu ngày càng đạt đến mức hoàn hảo về hình thức và chất lượng, “mê hoặc” hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới.
Ngay từ đầu, nhà sáng lập Carlo Crocco đã rất chú trọng đến việc chế tác những chiếc đồng hồ “Hàng Hải”, để các vị khách có thể sử dụng sản phẩm này ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù đó là một bữa tiệc sang trọng hay một buổi tập luyện thể thao, lặn biển. Sản phẩm thông thường của Hublot có khả năng chịu áp lực nước ở độ sâu 165 feet, phiên bản lặn biển là 1000 feet.
Một điểm đặc biệt khác của Hublot là sự xuất hiện của những viên đá quý sang trọng, lịch lãm, tạo nên một diện mạo vô cùng xa hoa cho những chiếc đồng hồ được sản xuất với số lượng hữu hạn.
Những cột mốc lịch sử đáng nhớ của Hublot
Năm 1980: Hublot bắt đầu được những vị Vua, Hoàng tử chú ý đến nhiều hơn và cái tên “Đồng hồ của Hoàng gia Châu Âu” ra đời. Những mẫu thiết kế classic đã duy trì sự thành công cho Hublot suốt 20 năm.
Công ty MDM Geneve được thành lập với sứ mệnh đưa dòng đồng hồ thể thao, thanh lịch, đầy cuốn hút ra thị trường thế giới. Sau đó, Carlo Crocco nhanh chóng ra mắt bộ sưu tập mới của Hublot và được giới hâm mộ xem như một món phụ kiện siêu quý hiếm.
Không chỉ đỉnh cao về chất lượng, các dòng sản phẩm đồng hồ Hublot còn có độ bền cao, trung bình tới 100 năm cùng khả năng chống nước và chống va đập siêu hạng.
Năm 2003: Hublot lâm vào khủng hoảng vì đứng trước nguy cơ phá sản. Carlo Crocco đã tìm đến Jean-Claude Biver – chủ thương hiệu Omega để nhờ sự hỗ trợ.
Năm 2004: Jean Claude Biver trở thành CEO của Hublot và đưa thương hiệu này trở thành một ông lớn trong ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ.
Huyền thoại chiến lược Jean-Claude Biver vừa là CEO, cũng là thành viên hội đồng quản trị đồng thời là cổ đông của Hublot. Jean-Claude Biver chính là người đã khởi xướng phong trào phục hưng các nhãn đồng hồ truyền thống, vực dậy Blancpain và Omega. Dưới sự quản lý mới, Hublot đã có một sự trở lại mạnh mẽ và thành công hơn bao giờ hết.
Jean Claude Biver tiếp tục phát triển ý tưởng của Carlo Crocco thành nguyên lý Art of Fusion – nghệ thuật kết nối truyền thống chế tác đồng hồ cơ khí và những phát minh hướng tới tương lai, phục vụ khách hàng chơi đồng hồ xa xỉ thế hệ mới, đồng thời vẫn giữ vững quan điểm ban đầu: sang trọng và thể thao.
Năm 2005: sự ra đời của “Big Bang” và bùng nổ doanh thu chưa từng có
Bằng cách tập trung nghiên cứu các vật liệu không tưởng khi sản xuất đồng hồ cao cấp, Big Bang được sinh ra vào năm 2005, trở thành món phụ kiện xa hoa. Ngay lập tức, sản phẩm này thắng giải “Thiết kế đẹp nhất” tại lễ Geneva Watchmaking Grand Prix 2005. Bộ sưu tập Big Bang nhanh chóng trở thành một cơn sốt trên thị trường đồng hồ thế giới.
Sự ra đời của Hublot Big bang đẩy doanh thu của Hublot lên mức kỷ lục, nhiều khách hàng phải chờ cả tháng trời để có thể mua được đồng hồ. Về sau, công ty tiếp tục ra mắt các phiên bản mới của Big Bang, bao gồm All Black, One Million, Diver và Mag Bang. Mỗi biến thể đều có sự nâng cấp và thiết lập riêng góp phần làm đa dạng hoá gia đình Big Bang.
Năm 2006: Dòng sản phẩm Classic Fusion mang tới doanh thu khổng lồ cho Hublot, tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Năm 2007: Hublot tiếp tục tung ra thị trường dòng đồng hồ nam Big Bang Mag Bang, được làm từ chất liệu Hublonium độc quyền của hãng. Cỗ máy thời gian này chỉ có trọng lượng 78g.
Năm 2008: Tập đoàn LVMH mua lại Hublot với giá trị chuyển nhượng lên tới 500 triệu USD, Hublot về chung một mái nhà với các thương hiệu như Louis Vuitton, Christian Dior, Moet Hennessy, thuộc tập đoàn xa xỉ hàng đầu nước Pháp LVMH. Để đạt được giá trị này, phần lớn công lao đều do những sáng tạo của Jean Claude Biver.
Hublot đầu tư vào nhà máy sản xuất khép kín cỗ máy UNICO, xưởng chế tác các cỗ máy siêu phức tạp và liên tục cống hiến cho ngành đồng hồ nhiều phát minh mới như chất liệu Magic Gold – loại vàng không xước, phát triển các màu Ceramic hay giúp Sapphire trở nên thông dụng hơn.
Năm 2011: Hublot ra mắt bộ sưu tập độc đáo MP Key of Time, với chức năng làm chậm hoặc tăng tốc thời gian dựa theo ý muốn chủ quan của người đeo.
Năm 2012: Hublot ra mắt dòng sản phẩm Classic Fusion Fuente nhằm đánh dấu sự hợp tác giữa hãng với Arturo Fuente. Thiết kế này được chế tác vô cùng công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang vẻ đẹp và đẳng cấp của quý tộc.
Năm 2013: Phiên bản MP-02 được ra mắt và thường được gọi bằng một cái tên đầy quyền lực “Chìa khóa của thời đại”.
Năm 2018: Trong buổi triển lãm BaselWorld, hãng giới thiệu dòng sản phẩm Hublot Big Bang Unico kích thước 42mm sở hữu bộ máy Hub 1280.
Năm 2019: Hublot hợp tác với một nhà thêu vô cùng nổi tiếng của Thụy Sĩ là Bischoff để cho ra mắt bộ sưu tập dây thêu xuân hè, được chế tạo bằng những loại vải chất lượng cao, quý hiếm.
Năm 2020: Tại tuần lễ LVMH Watch Week được tổ chức tại Dubai, Hublot đã trình làng một loạt thiết kế mới lạ thể hiện sự đẳng cấp và sáng tạo không giới hạn.
Những dòng sản phẩm nổi tiếng của Hublot
Dù đã cho ra mắt rất nhiều bộ sưu tập đình đám, nhưng những cái tên dưới đây vẫn để lại dấu ấn khó phai mờ trong giới hâm mộ đồng hồ đeo tay xa xỉ.
Bộ sưu tập Hublot Novelties: Màu sắc chủ đạo của bộ sưu tập này là tone màu tươi sáng, thiết kế độc, lạ phù hợp với những người có cá tính, yêu thích thể thao và sự năng động.
Bộ sưu tập Hublot Big Bang: Là bộ sưu tập đình đám nhất của thương hiệu, tạo nên một cơn sốt đồng hồ và mang lại tên tuổi cho Hublot. Đặc biệt, phải kể đến phiên bản Bigger Bang Diamond Tourbillon giới hạn cực kỳ đắt đỏ.
Bộ sưu tập Hublot Spirit of Big Bang: Thay vì thiết kế vỏ tròn truyền thống, ở bộ sưu tập này Hublot đã sử dụng hình tonneau, kích thước 51 x 45 mm. Vật liệu chủ yếu được sử dụng là titan, vàng, gốm đen,…
Bộ sưu tập Hublot Classic Fusion: Những thiết kế trang nhã của bộ sưu tập này được lấy ý tưởng từ chiếc đồng hồ ra đời năm 1980, hãng vẫn giữ nguyên lớp vỏ truyền thống và viền được gắn bởi ốc vít và dây cao su. Điều đặc biệt là Hublot bổ sung thêm các vật liệu quý giá như titan, vàng, thép không gỉ, gốm,…
Bộ sưu tập Hublot MP Collection: Là một niềm kiêu hãnh của Hublot, kết hợp giữa những thiết kế tinh xảo với kỹ thuật cơ khí hàng đầu thế giới, tiêu biểu là phiên bản MP-05 LaFerrari có khả năng trữ cót lên đến 50 ngày.