Đôn Chề là gì? Phong cách Đôn Chề xuất hiện ở Việt Nam như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về câu chuyện thú vị này qua bài viết từ blogger Trí Minh Lê.
Đôn Chề – đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Phong cách Đôn Chề đã nổi đình nổi đám xuyên suốt Việt Nam (Phổ biến ở miền Bắc – không phân biệt vùng miền nhé, mình cũng là dân Hà Nội, các tỉnh miền Tây) và được gắn mác cho những chàng trai tuổi choai choai có máu trượng nghĩa, thuộc lòng câu đối: “Cầm thing trên hands con cứu brothers, xin lỗi mom”. Đùa đấy, thực sự bên cạnh nhiều memes/câu chế hài hước về phong cách Đôn Chề này. Mình thực sự cảm thấy thú vị và muốn tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình của nó. Sau đây là suy nghĩ của mình và theo một cách nào đó – từ một thứ mà chúng ta chế giễu thì mọi người sẽ hiểu hơn về thời trang.
Đôn Chề là gì?
Nhiều người cũng biết, Đôn Chề là một phiên bản tiếng Việt của thương hiệu thời trang nổi tiếng Dolce & Gabbana. Vậy có liên quan gì với phong cách Đôn Chề? Thực ra mình cũng tìm hiểu sơ qua nhưng mối liên kết là không rõ ràng với những gì mà các thanh niên hiện nay mặc. Có chăng sẽ chỉ là đôi giày lười của Dolce.
Dolce là hãng luxury fashion của Ý được thành lập năm 1985 – giống như Versace, Dolce thích đưa lên cái graphic, hình in/thêu của giới quý tộc lên sản phẩm của mình. Có nét vàng và ánh kim, tượng trưng cho sự sang trọng. À, thế nó lại đi vào đúng tâm lý của người Á Đông rồi, thích khoe với tính sĩ diện cao. Cộng thêm nguồn hàng Fake từ Trung Quốc từ các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái tràn ngập vào khiến các anh dễ dàng mua, chọn và có được cái sự sang trọng “Rép Li Ca” này. Từ một người, 2 người và nó tạo thành xu hướng. Và một cái nếp xài Gucci, LV phake phake cũng từ đó mà đi ra.
Nếu hình ảnh từ Dolce & Gabbana thì hãy xem qua mùa Xuân/Hạ 2012 với niềm cảm hứng từ điện ảnh của Ý. Xin nhắc lại là Ý là một nước khá truyền thống và cổ điển – đặc biệt là trong thời trang. Nhìn vào lookbook D&G S/S2012 thì mình có thấy được một nét nào đó của phong cách Đôn Chề phảng phất qua đôi giày lười. Nhưng thế cũng chưa rõ ràng.
Phong cách Đôn Chề tại Việt Nam
Mình suy nghĩ về việc tại sao phong cách Đôn Chề lại du nhập vào Việt Nam được? Từ một nước phong kiến đến một giai đoạn mới, phải có một điểm nhấn nào đó. À, có thể văn hóa đó đã du nhập từ trước khi mà thực dân Pháp và đế quốc Mĩ vào Việt Nam. Hay giai đoạn thập niên trước, văn hóa của Soviet/ Liên Xô hay rộng hơn là kiểu mặc của Tây/Đông Âu thâm nhập vào miền Bắc khi mà rất nhiều các bác, các chú được gửi đi du học Liên Xô và mang phong cách đó về miền Bắc.
Thật vậy, khi kiểm tra lại những hình ảnh outfit của các thanh niên Nga Ngố vào thập niên 70s/80s – mình thấy có nhiều điểm tương đồng với việc sử dụng quần jeans màu xanh suông, áo bó và giày casual trainer. Bên cạnh đó, một iconic của phong cách Đôn Chề đó là việc mang thắt lưng có logo bản to cũng được các cậu choai choai Soviet yêu thích mặc vào thời điểm đó. Một nút thắt! (Nếu các bạn tìm hiểu thêm về Soviet Punks hay Russia Punk style thì cũng hay lắm đó).
Chưa hết, vào giai đoạn 70s – phong trào phản chiến tranh tại Việt Nam bùng nổ tại Mĩ, kéo theo văn hóa hippie, bohemian fashion bùng nổ khắp thế giới. Song song là nhạc Rock đang thống trị, điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới miền Nam Việt Nam khi cơ hội tiếp xúc với các văn hóa mới này. Kiểu quần jeans ống loe với áo bó unisex được nam thanh niên Việt Nam ưa chuộng và mặc đi rất nhiều tại đường phố Gia Định. Một nếp nhớ tiếp theo.
Trải qua hơn 50 năm, việc các văn hóa đó được người Việt thu nhận một cách “Vô thức” và cho đó là mặc theo “Tây”, “thời thượng” lúc đó đã sinh ra một khái niệm về “Thời trang”, là thể hiện khả năng của mình để “Mặc sang, mặc xịn, mặc giống nước ngoài”. Miệng truyền miệng, tai truyền tai – thế là chúng ta có 1 Đôn chề, dị bản của những thứ trên – một cách rất riêng của Việt Nam.
Đó là góc nhìn riêng của mình, theo các nguồn chia sẻ của các anh chị đi trước. Trong những năm 2000 ở Việt Nam, một nền kinh tế mở cửa và bắt đầu có những bước biến triển mạnh. Tất nhiên nó sẽ mang tới những tầng lớp, giai cấp mới trong xã hội. Vâng, mình đang nói về sự giàu và nghèo. Giàu cũng có giàu this và giàu that. Giàu có kiểu giàu có căn, giàu có cơ, giàu từ nhiều thế hệ. Giàu cũng tự dưng gặp thời mà giàu. Giàu cũng có dạng do một sự may mắn đột ngột mà giàu, mà mình hay gọi là trọc phú. Và tất nhiên khi người ta giàu thì sao? Đó là thể hiện bản thân mình, bằng những thứ vật chất dễ nhận thấy bên ngoài (Xe cộ, nhà cửa và thời trang là một trong những thứ hay được thể hiện ra nhất).
Thời gian đó những chiếc áo quần hàng hiệu, những thương hiệu thời trang cao cấp bắt đầu cập bến tới Việt Nam. Bên cạnh những chiếc xe SH, Dylan, @ sóng sánh sẽ cùng các thương hiệu lần lượt là Moschino, Just Cavalli và tới D&G (Dolce and Gabbana), Milano phân bổ đều ở Hà Nội và Sài Gòn. Thời đó, chưa có các kênh phân phối chính thống nhiều như hiện nay – đa phần là xách tay hoặc thông qua đường tiểu thương. Cho nên số lượng ít và giá trị bán khá cao. Chính điều này đã đôn giá trị của những sản phẩm được xem là “hiếm” lúc đó là D&G, Moschino.
Dĩ nhiên, thời trang lúc đó chưa đa dạng và nhiều phong cách chưa du nhập về Việt Nam nhiều như ngày nay. Dù gì như mình nói D&G mang tinh thần của nước Ý nên form dáng sẽ sang, chất liệu đủ tinh tế và tạo được sự chín như những businesman tiêu biểu đến từ đất nước hình chiếc Ủng. Chính điều này đã thu hút một lượng lớn những người đàn ông thành đạt lúc đó tại Việt Nam hay đơn giản chỉ là có tiền. Mà có tiền thì có nhiều phương diện (Kinh doanh, buôn bán, chợ đen…) – mà thương trường là chiến trường, việc hình ảnh các mafia Ý cũng ảnh hưởng 1 phần tới lượng khách hàng sử dụng tại Việt Nam. Một gì rất sang, rất đen tối. D&G lúc đó trở thành biểu tượng của những “ông trùm” đất Bắc.
Tất nhiên, họ không phải là những con sói đơn độc. Dưói trướng họ còn có 1 lực lượng nhân viên, đàn em hay cả 1 thế hệ trẻ kế cận. Rõ ràng những thanh niên đó không thể nào có số tiền và địa vị như các “đàn anh” nhưng vẫn muốn thể hiện mình “thành đạt” theo một kiểu nào đó. Dù thiết kế hơi “Nhừ” nhưng họ lấy đó làm tiêu chuẩn để chọn và theo đuổi – để minh chứng cho sự “Giàu” của mình. Nếu chúng ta lật lại hình ảnh của 1 thế hệ lắm tiền nhiều của đất Bắc ngày xưa, không thể thiếu được đồ Dolce. Từ đô thị rồi lan tới ven đô thị, rồi tới tỉnh nhỏ..ảnh hưởng sâu đó còn tiếp tục tới ngày hôm nay thì ai cũng hiểu.
Nhưng không phải ai cũng có tiền nên các tỉnh biên giới Trung Quốc – thiên đường của hàng nhái, hàng fake. Được cái là giới trọc phú Trung Quốc và Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng nên nhiều tiểu thương đã lấy về để bán cho các thanh niên không có nhiều tiền mà vẫn muốn mặc đồ sang. Và thế là phong cách Đôn Chề bắt đầu từ đó và phổ rộng hơn.
Phong cách Đôn Chề và điều thú vị của văn hóa
Một trong những biểu tượng mới của Phong cách Đôn Chề đó chính là Khá Bảnh. Muốn hiểu người ta thích mặc gì, cảm hứng từ đâu chúng ta phải hiểu được là họ thích thứ gì. Các “Tân Giang Hồ” thời 4.0 sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi các bộ phim nghĩa hiệp, có mang mùi xã hội đen của TVB/Hong Kong hồi xưa.
Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mà ai cũng biết đó chính là “Người trong Giang Hồ” với ngôi sao Trịnh Y Kiện. Và xem outfit của các ngôi sao Hong Kong đó xem, anh Bảnh hẳn cũng ảnh hưởng ít nhiều với quần jeans bó, áo bó lộ cơ bắp và tattoo. Chỉ tội là anh em Việt Nam không đẹp trai và đồ các anh mặc chất lượng Quảng Châu nên không sang, xịn và mịn như các tài tử Hồng Công thui. (Mà nên nhớ Hong Kong từng là thuộc địa của Anh Quốc, thời trang của xứ Anh/Âu ảnh hưởng tới Hong Kong khá nhiều nha các bạn).
Vậy – Phong cách Đôn Chề đối với mình là một món xào thập cẩm từ văn hóa, thời trang và lịch sử thêm gia vị của những chàng trai Việt Nam. Cũng khá thú vị.
Xem thêm:
- Các phong cách thời trang cổ điển tại Việt Nam
- Phong cách thời trang Hồng Kông: vẻ đẹp hoài niệm của quá khứ
- Sartorial – hơn cả thời trang, đó là một phong cách sống
- Classic Menswear: thế nào là một bộ đồ đẹp?
- Phong cách Smart Casual: hãy mặc theo cách của bạn