Thổ cẩm hay dệt thổ cẩm là một trong những kĩ thuật may mặc hiếm hoi còn giữ được một số giá trị tinh túy tại thời điểm hiện tại.
Tiềm năng nhưng cũng rất nhiều thách thức, các local brands Việt Nam cần phải làm gì để ứng dụng thổ cẩm trong các sản phẩm thời trang của mình. Mời các bạn đến với những chia sẻ của tác giả Trí Minh Lê về chủ đề này để hiểu rõ thổ cẩm là gì? Vì sao thổ cẩm tiềm năng để ứng dụng trong thời trang, những khó khăn và bài toán ứng dụng thổ cẩm của các local brands tại Việt Nam.
Đầu tiên, mình cũng sẽ nói luôn việc ứng dụng các kĩ thuật, chất liệu truyền thống lên ngành thời trang đương đại không phải là một điều mới mẻ.
Khá nhiều các thương hiệu thời trang (đặc biệt là Nhật Bản – đó là cái mình thích ở các fashion designer người Nhật) như Kapital, CDG, Visvim, Undercover sử dụng niềm cảm hứng từ vật liệu và kĩ thuật may truyền thống như kĩ thuật nhuộm Shibori, hay Boro. Hay những chiếc váy truyền thống của người đàn ông Scotland, chiếc khăn choàng và họa tiết của người da đỏ Anh-điêng, của nền văn hóa Americana đặc sắc (Navajo cũng vậy).
Vậy, nước ta có một thứ vải/chất liệu/ kĩ thuật may đậm chất Việt Nam – mà có rất nhiều diễn giả nước ngoài viết về nó. Đó chính là Thổ Cẩm.
Thổ cẩm là gì?
Không nói tới các loại vải thổ cẩm công nghiệp bán cho khách hàng du lịch đầy rẫy ngày nay, thổ cẩm truyền thống là một loại vải được dệt thủ công với các hoa văn, họa tiết đầy màu sắc đầy nổi bật trên bề mặt vải.
Thổ cẩm hay dệt thổ cẩm là một trong những kĩ thuật may mặc hiếm hoi còn giữ được một số giá trị tinh túy tại thời điểm hiện tại.
Xuất hiện ở Việt Nam rất lâu đời, thổ cẩm là một nét đặc trưng của những dân tộc thiểu số ít người. Hoa văn/ Họa tiết xuất hiên trên thổ cẩm thường thể hiện nét văn hóa và góc nhìn của các dân tộc đó – như bao cộng đồng khác trên thế giới – cây cối, mặt trời, chim muông và con người cách điệu.
Vì sao thổ cẩm lại giá trị cao?
Quy trình làm vải hay dệt thổ cẩm khá tỉ mỉ và phức tạp – yêu cầu sự khéo léo của người làm ra nó (ở đây thường là các mẹ). Và hơn hết, thổ cẩm là thủ công (handcraft) hoàn toàn.
Từ khâu sản xuất, nguyên liệu chính là các sợi lanh, sợi bông được lấy trong vỏ cây đay, vỏ cây gừng – nhuộm màu tự nhiên trong các vật liệu cũng đến từ thiên nhiên (mủ cây, lá cây,.v.v…) để tạo ra các màu sắc thổ cẩm đặc trưng và khó nhầm lẫn với các chất vải khác.
Chưa hết, làm ra được chất liệu (material) rồi thì sản xuất thổ cẩm cũng công phu không kém. Những người phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ phải thực hiện bằng cảm quan của mình – với khung dệt gỗ đơn sơ và thuê bằng chỉ tay.
Kĩ thuật dệt, sự tinh tế và sắp xếp bố cục bằng phương pháp tự nhiên (mắt người) đã tạo ra các sản phẩm hay vải thổ cẩm đầy tinh tế và xao xuyến tất cả ai có thể theo dõi được quá trình đó.
Không may rằng, với nhịp sống hiện đại và nhu cầu ăn mặc khá “hiện đại” của thị trường đại chúng. Thổ cẩm đã ít được nhiều người biết tới lại càng khó khăn được “di truyền” tới thế hệ ngày nay.
Ở một điều nữa là hầu hết thiết kế (design) của sản phẩm thổ cẩm thường bị đóng y 1 màu (vì đó là truyền thống của những người dân tộc mà) nên nếu may mắn, thổ cẩm sẽ chỉ là 1 thứ mang tính “kỉ niệm/đồ lưu niệm” chứ không thể nào mang tính thời trang (fashionable) lên được.
Ứng dụng Thổ cẩm trong thời trang
Tại sao mình lại viết bài viết này? Vì mình cảm thấy sự tiềm năng trong đó.
Thị trường thời trang Việt Nam ngày nay, đặc biệt là Gen Z (những bạn trẻ sinh năm 1996 trở lên) đang phân khúc dần và ngày càng học hỏi. Sự nhận thức của họ về các ứng dụng văn hóa truyền thống (đặc biệt cảm hứng từ các thương hiệu Nhật Bản như mình kể ở trên) kèm theo tính thời trang đã được nhân rộng khá là nhiều. Bằng chứng là những chiếc shirt, chiếc áo tee kiểu patchwork hay full pattern bandana / JP culture và cả cộng đồng Indigo đều đang phát triển.
Thị trường có, dù nhu cầu không nhiều – nhưng cần phải có những người tiên phong, đầu tiên để làm niềm cảm hứng cho các bạn đi theo. Vậy nếu những chiếc áo do local brand Việt làm – ứng dụng chi tiết thổ cẩm hay vải dệt thổ cẩm một cách khéo léo – đó cũng sẽ là 1 thứ thay thế cho việc các bạn phải tìm mua những chiếc mang văn hóa nước ngoài kia (ao ta thì ta lại về tắm ao ta chứ). Ủng hộ local brands – thì cũng nên ủng hộ tinh thần/linh hồn của văn hóa Việt chứ nhỉ.
Điều này thực ra không phải là quá bất khả thi. Chỉ cần có thị trường, có những người thực sự ủng hộ và muốn mua. Mình tin rằng ứng dụng thổ cẩm một cách tinh tế sẽ được thị trường đón nhận và các local brands sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với văn hóa truyền thống của người Việt.
Bán được sẽ có nhiều người quan tâm – và mình sẽ sẵn sàng ủng hộ những câu chuyện như vậy. Chứ nếu không, không chỉ thổ cẩm mà những kĩ thuật may mặc truyền thống của người Việt sẽ mãi mãi chìm sâu và không được mang ra ánh sáng mất.
Những khó khăn của các Local brands Việt
Rất nhiều thử thách – nó tạo thành 1 vòng tròn luẩn quẩn mà chưa có một phương thức hay cách giải quyết nào triệt để. Muốn người ta yêu và sử dụng thì người ta phải biết trước. Vì thổ cẩm hay nói đại đa số là những đồ hand-crafted (thủ công) đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, lựa chọn chất liệu và khoảng thời gian lâu để hoàn thành sản phẩm nên giá trị thường cao.
Mà giá bán cao thì lại không dễ dàng tiếp cận với người trẻ khi tiềm lực tài chính của họ chưa đủ mạnh cũng như rằng sẽ có những phép thử, phép so sánh với các sản phẩm đang theo xu hướng được yêu thích bởi cộng đồng thời trang hiện tại với mức giá ngang bằng hoặc rẻ hơn.
Vậy nếu tiếp cận theo một phương án đại trà hơn, rộng hơn thì ngoài việc phải tính toán tới chi phí thì phương thức truyền tải văn hóa cũng gặp nhiều vấn đề trong việc là có đang “chiếm đoạt văn hóa” (cultural appropriation) hay không.
Về bản thân mình, văn hóa phát triển và được truyền đi tới các thế hệ cần phải có những con người kể chuyện – và trong cả lúc kể chuyện thì nó sẽ có 1 số sự nâng cấp và thay đổi sao cho phù hợp với câu chuyện đó.
Quan trọng rằng là nó không thay đổi quá lố hay đánh tráo khái niệm xương sống của văn hóa. Đó là cách mà nền văn minh con người luôn phát triển từ trước tới giờ.
Việc tiếp nhận di sản của thế hệ trước cũng gặp nhiều vấn đề với các nghệ nhân, những người nắm giữ các kĩ thuật cũng như cách thức làm sao để tạo nên chúng. Thông thường họ sẽ theo motive “cha truyền con nối” nên sẽ khó để một người lạ vào xin chia sẻ được những kiến thức đó. Nó cần sự mở lòng đến từ cả hai thế hệ để những di sản đó không mất đi.
Và khó là đến từ những người thế hệ trẻ chúng ta – từ những người nổi tiếng, sao, idol đến cả thị trường đại chúng. Chúng ta đón nhận các sản phẩm truyền thống Việt Nam có như cách chúng ta đón nhận các văn hóa ngoại bang du nhập vào hay không? Cái này mọi người đều có thể suy nghĩ.
Theo tác giả: Trí Minh Lê.
Chợ đồ cũ Dongmyo: thế giới của những người cao tuổi sành điệu
Nhiếp ảnh gia Kim Dong-hyun đã ghi lại khoảnh khắc những người cao tuổi ăn mặc sành điệu ở khu...