Trên con đường rèn luyện tâm linh, để có được phúc lạc nội tại, một người phải dần từ bỏ những khoái lạc, từng chút từng chút một, cho đến khi tự do khỏi mọi ham muốn, chỉ còn đó những nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Từ bỏ khoái lạc là khó, thực sự là khó. Đây là một quá trình cần kiên trì.
Đổi lại, một khi đã càng bám rễ sâu vào bên trong, và tĩnh tại ở đó, thì niềm vui dễ tới hơn. Niềm vui của bạn rất đơn giản, và nó càng ngày càng ít phụ thuộc vào người khác và những điều kiện bên ngoài . Những thứ nhỏ nhặt cũng sẽ khiến bạn vui, chỉ cần một quyển sách, hoặc một cơn gió chiều, một tách trà, một buổi trò chuyện thân mật. Và cuộc sống của bạn dần trở nên đơn giản hơn, không cần quá cầu kỳ, không cần quá sôi động, hay đặc sắc, vì bản thân cuộc sống đó đã là sự phong phú, phong phú một cách đơn giản.
Tuy vậy, không hẳn là sẽ không có nỗi đau. Nỗi đau và niềm vui cũng giống như bốn mùa, luân chuyển tuần hoàn, nóng và lạnh, hè và đông. Đó là cách tự nhiên vận hành. Nhưng khi bạn càng tiến sâu hơn vào cái nội tại, trụ vững ở đó, bạn dần có khả năng vượt lên trên nỗi đau.
Đức Phật nói đời là bể khổ, và người đã giải thoát là thoát khỏi khổ. Tuy vậy, thế giới luôn vận hành theo cách làm chúng ta đau, nỗi đau của người mẹ sinh con, nỗi đau của thân xác, nỗi đau của sự phát triển. Thoát khổ không có nghĩa là không còn đau, mà là vượt lên trên nỗi đau, và nhận ra ngay cả bên trong nỗi đau cũng chứa đựng phúc lạc. Phúc lạc trong nỗi đau của người mẹ sinh ra người con, phúc lạc trong khổ cực của người cha tần tảo vì gia đình, phúc lạc trong nỗi đau của sự hy sinh vì tình yêu, sứ mệnh.
“Đau (pain) là một hiện tượng vật lý; khổ (suffering) là sự phản kháng tâm lý của chúng ta đối với những gì xảy ra. Các sự kiện có thể tạo ra cái đau thể xác, nhưng bản thân chúng không tạo ra cái khổ. Sự chống cự tạo ra cái khổ. Căng thẳng xảy ra khi tâm trí bạn chống lại cái đang xảy ra… Vấn đề duy nhất trong cuộc đời bạn là sự chống cự của tâm trí bạn đối với cuộc sống khi nó diễn ra.”
– Dan Millman –
Những người tìm kiếm tâm linh là những người khôn ngoan. Họ từ bỏ những thứ kích thích ngắn hạn bên ngoài để tìm lấy niềm vui dài hạn bên trong. Đa số chúng ta bị trói buộc bởi khoái lạc, thường là những điều vô thường, khởi đầu bằng vui thú, kết thúc bằng chán nản, và hao kiệt sinh lực lẫn sức khỏe.
Nhưng tìm về tâm linh sẽ không dễ. Có vô số tổn thương đang chờ được khoét sâu, có vô số góc tối cần được chạm vào, có vô số những xấu xa cần được đối diện và ở đó chực chờ nỗi cô độc đến tột cùng. Đó là lý do đa số thà trốn tránh và đánh lạc hướng mình bằng những điều khác còn hơn là đâm đầu vào đó. Con đường tâm linh là con đường khó đi nhất. Và người đi con đường này phải có sự dũng cảm nhất định. Nó không dành cho những trái tim yếu đuối.
Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó, có ánh sáng cuối đường hầm, và bạn sẽ nhận được những gì bạn xứng đáng được nhận.
“Cái hang bạn sợ bước vào đang cất giữ kho báu mà bạn kiếm tìm.”
– Joseph Campbell –
Một khi bạn đã thấy ánh sáng, bạn sẽ không còn sợ bóng tối, hay chí ít thì bạn cũng có đủ dũng cảm và vững vàng để đối diện với bóng tối. Bạn sẽ bước trên thế gian này với một trái tim rộng mở và đón nhận, nhưng cũng đủ cứng cỏi và sắc bén. Nhưng nó chỉ dành cho người kiên trì. Kiên trì và dũng cảm, bạn tôi.
Tác giả: Bá Kỳ
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK