“Thông minh sẽ đưa con đến cái cổng của chân lý rất nhanh, Nhưng để bước qua cái cổng đấy thì con phải bỏ sự thông minh của mình ở lại!”
Tôi là đứa học nhanh, nhớ nhanh và cực kỳ nhạy cảm. Hồi nhỏ Mẫu thân cứ bảo vui, mày phước phần lắm mới được tái sinh làm con trai của Mẹ đấy, nhất là cái đầu óc thông minh và mặt mũi sáng láng thì mày cũng đã gieo nhiều thiện nghiệp trước đó lắm rồi.
Tôi nghe xong thì cười thôi, rồi dạ dạ cho qua, chứ thời đấy tôi không quan tâm nhiều lắm về vấn đề nghiệp quả và luân hồi lắm, chính xác là không tin. Mà lẽ thường, đứa nào có đầu óc thông minh, học đâu hiểu đó, thì hay kèm theo combo kiêu ngạo và tự cao.
Tôi cũng không ngoại lệ, thời đi học, tôi học nhanh nên đâm ra làm biếng, điểm thì vừa đủ loại khá giỏi, chứ không cố nhiều. Cả sau này ra trường đi làm, mọi thứ trơn tru, thăng tiến liên tục, tôi bước lên vị trí điều hành 1 bệnh viện đa khoa khi còn rất trẻ. Thử hỏi, nếu anh em là tôi, thì anh em có tự mãn và kiêu ngạo không?
Nhưng cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, những bài học đối trị lại bản tính cao ngạo đó cũng đến. Tôi nhớ, tầm đầu 2017, vừa mới cưới vợ được vài tháng thì tôi rơi vào một cơn khủng hoảng rất lớn.
Không phải khủng hoảng sau cưới mà là khủng hoảng về sức khỏe. Tôi xưa giờ thì gần như không có bệnh tật gì đặc biệt, tự nhiên phát 1 cái bệnh rất lạ lùng (hơi tế nhị) vào đúng giai đoạn mọi thứ đang ở phong độ tốt nhất của tôi.
Chỉ trong 8 tháng, tôi đã đi khám hơn 6 cái bệnh viện chuyên khoa lớn nhất ở Sài gòn, gặp hơn 8 ông Bác sĩ / Giáo sư chuyên ngành, làm xét nghiệm đủ kiểu, nhưng không ra bệnh cụ thể, mà triệu chứng vẫn nguyên. Cuối cùng, có vài Bác sĩ cho thuốc mồi, kiểu cứ thử xem sao, tôi cũng không khỏi. Gần 1 năm, vợ tôi cũng mệt mỏi vô cùng với hành trình mò bệnh của tôi, nhưng chắc vì tình thương nên vợ tôi vẫn kiên trì đồng hành với tôi đến cùng.
Song song với giai đoạn đó, là giấy tờ đi Mỹ của tôi cũng gần như sẵn sàng, tôi với vợ ngồi xuống quyết định lần cuối, xem có đi Mỹ định cư không, nếu đi thì cả hai sẽ làm lại từ đầu, dù cuộc sống và công việc của 2 đứa ở VN lúc đó cực kỳ tốt.
Tôi không biết hệ thống y tế bên Mỹ như thế nào, nhưng sau 1 năm đi chẩn đoán mà không ra bệnh cụ thể, thậm chí có Bác Sĩ kêu tôi đi khám về thần kinh hay tâm thần đi, vì có khi tôi stress quá nên sinh ra những triệu chứng lạ lùng đó.
Tôi mất ngủ cũng hơn 4-5 tháng, tối ngủ 2-3 tiếng là giật mình, thấy cảnh mình chết trẻ, rồi rất nhiều vọng tưởng về việc phải bỏ lại sự nghiệp, bỏ lại gia đình, làm tôi càng trầm cảm nghiêm trọng hơn. Đỉnh điểm nhất là lúc tôi quyết định đi Mỹ, thôi bỏ lại tất cả để bắt đầu lại, tôi có bảo vợ, nếu số anh chỉ sống 1-2 năm nữa thì thôi cứ qua Mỹ 2 đứa đi du ngoạn cho đã rồi anh bye bye.
Đó cũng là cột mốc quan trọng mà tôi chính thức bước chân vào hành trình tâm linh của mình, nói chính xác là bắt đầu đặt những câu hỏi mà xưa giờ tôi không bao giờ hỏi, sau cái chết là gì?, tôi có tiếp tục làm người không? có ngon lành như giờ không? tại sao tôi bệnh lúc còn quá trẻ thế, tại sao và tại sao.
Cứ câu hỏi tại sao này lại dẫn đến câu hỏi tại sao khác, 2 năm đầu ở Mỹ, tôi cứ sống hòa bình với các triệu chứng bệnh, song song lúc rãnh thì nghiên cứu tất cả tài liệu về tâm linh, để giải đáp tất cả những câu hỏi trên. Tôi đọc và nhớ rất nhanh, phân tích và kết nối mọi thứ rất lẹ, nên trong thời gian đấy, tôi gần như nắm tương đối hết các khái niệm về tái sinh, luân hồi, nhân quả, nghiệp báo, năng lượng, tần số rung động, vũ trụ quan, v.v…
Mà anh em biết đấy, những người đầu óc thông minh mà khi nghiên cứu gì thì họ ghi nhớ rất tốt và phân tích rất logic… có giai đoạn, tôi nghĩ mình đã ‘tỉnh thức’, đã ‘vô ngã’ rồi, tôi thấy mình hiểu được cả vũ trụ đang vận hành như thế nào, vãi lụa như thế. Tôi có chia sẻ với vài người quen thì họ cũng bất ngờ về những điều tôi đang nói, họ thấy tôi thay đổi nhiều quá… Có người còn tung hô, tôi giác ngộ rồi đấy =)).
Tôi vui mừng như kiểu, aha, mình đã thoát khỏi luân hồi, chết đâu phải là hết đâu, tôi cố tỏ ra ‘không sợ’… nhưng sự thật thì nỗi sợ chết vẫn kèm cặp tôi mỗi ngày.
Nhưng anh em đâu biết, thật ra, những gì tôi vừa trải qua, chỉ là những vọng tưởng của 1 cái bản ngã vi tế hơn, một cái tôi tâm linh thay cho cái tôi cũ ngày xưa thôi.
Càng thấy mình đặc biệt hơn, hoặc thấy mình như được vũ trụ gửi tới làm 1 sứ mệnh cao cả gì đó ở thế gian này thì tôi càng ngụp lặn trong cái ảo tưởng của chính mình. Đó là giai đoạn thử thách mà tôi nghĩ bất kỳ ai đang đi trên con đường tâm linh đều sẽ bước qua, nhất là những ai theo con đường phân tích chân lý hay dùng lý trí thông minh để làm đòn bẩy.
Tôi có 1 Vị Thầy tâm linh luôn theo dõi từng bước chân của tôi, cứ mỗi đến ngõ cụt, bế tắc quá rồi, thì Thầy tôi lại gửi vài thông điệp vào ngay trong tâm trí hỗn loạn đó. Tôi không biết đó có phải là vọng tưởng do chính tôi nghĩ ra hay không, nhưng nó làm sụp đổ gần như hoàn toàn những niềm tin của tôi trước đó.
Thông điệp đầu tiên từ Thầy tôi,
“Thông minh sẽ đưa con đến cái cổng của chân lý rất nhanh,
Nhưng để bước qua cái cổng đấy thì con phải bỏ sự thông minh của mình ở lại!”
Tôi cứ quán tưởng mãi về câu nói đó của Thầy, cũng hơn 1 năm, tôi mới tương đối nắm bắt được 20-30% gì đấy của câu nói đó.
Cụ thể, dù biết nhiều hơn, hiểu rõ hơn về chân lý, thậm chí tôi thuộc lòng cả Kinh Điển, nghiêm túc thực hành, mà sao trong lòng tôi còn nhiều nỗi bất an vi tế lắm.
Lý trí tôi nói A nhưng trực giác thì cảm nhận hoàn toàn khác, có gì đó đang sai sai về hành trình này…
vì sao anh em biết không? Tôi chỉ sờ đến phần vỏ mà thôi, đó là những kiến thức khô khan, như google lưu trữ vậy, ai hỏi thì bắn kiến thức ra, chứ tôi không có trải nghiệm gì thực tế trên nó cả.
Lý trí càng nhiều, kiến thức càng phình ra, đi đâu, thấy ai post gì, nói gì, đúng cái chủ đề tôi đã nghiên cứu lâu, nếu họ nói không đúng thì tôi khó chịu lắm.
Tất nhiên là tôi bay vào thể hiện cái hiểu biết của mình ngay, nói chung giai đoạn đó, ai sai, ai quấy là tôi quất hết. Chiến mọi mặt trận, có thắng có thua, mà lòng tôi vẫn như cũ, những nỗi bất an vẫn còn đó. Đỉnh điểm, tôi rất khó chấp nhận, nếu ai không cùng niềm tin với tôi, không tin vào những cái tôi đang tin, thì tôi sẽ cố dùng lý trí này, thông minh này để bắt họ phải tin vào những niềm tin đấy.
Làm thế thì ai khổ, chính tôi khổ thôi.
Cũng ngay khúc cùng cực đấy, thì thông điệp tiếp theo cũng đến, một tiếng nói nhẹ nhàng lại vang lên,
“Đầu con to, nhưng trái tim con bé quá!”
Câu đó cứ lập đi lập lại liên tục 1 lúc rồi tắt dần.
Tôi còn nhớ, hôm đấy, vừa tan ca ra, đầu tôi cứ miên man mãi với những suy tưởng vu vơ, rồi tôi ngồi lặng yên trên xe một lúc lâu, thì tự nhiên xúc động chảy nước mắt khi nghe được câu nói đó vang lên.
Có lẽ, Thầy tôi nói đúng, trái tim tôi bé quá, nên không thể chấp nhận ai khác mình được, không thể yêu thương những ai khác mình được, không thể tha thứ cho ai đã có lỗi với mình được.
Một trái tim quá bé thì chứa được gì ngoài những sự so đo, đố kỵ và hơn thua với Đời đâu.
Tôi không rõ, điều gì đã thay đổi trong tôi, nhưng từ hôm đó trở đi, khi lướt qua những quan điểm khác mình, tôi thấy mình dễ chấp nhận hơn. Tôi không còn cái kỳ vọng, mọi người phải theo ý mình nữa, tôi tôn trọng cách mọi người chọn lựa, cách mọi người suy nghĩ và cả cách họ sống.
Thậm chí là những người trực tiếp tương tác trong cuộc sống của tôi… tôi tin, gặp nhau là do nhân quả, tôi chỉ quan sát kỹ hơn và yêu thương họ nhiều hơn mà thôi.
Biết nhiều, không bằng biết điều, anh em nhỉ!?
Con đường tâm linh, hay con đường tu thân, anh em gọi tên gì cũng được. Nhưng nếu càng đi, mà chúng ta càng thấy cái tâm mình chống đối với đời hơn, khắt khe với đời hơn, khó chấp nhận mọi thứ diễn ra hơn… thì chắc anh em nên xem lại, như cách tôi đã từng.
Trung thực thì, bản ngã tôi vẫn còn đây, vẫn đang chia sẻ những dòng này. Có phải do bản ngã vi tế viết ra hay không thì để xem đến cuối hành trình này coi thế nào.
Nhưng 1 điều tôi thấy rõ, là mình bắt đầu rộng lượng và yêu thương cuộc đời một cách tự nhiên hơn, chứ không phải cố gắng bằng lý trí hay tỏ vẻ ‘bình thản’ như xưa nữa.
Cởi bỏ dần những điều ấu trĩ của bản thân
Tôi cảm thấy trên đời thực sự có rất ít chuyện đáng để một người phải khăng khăng quả quyết...