Đông Y và Tây Y khác biệt nhau một cách căn bản từ gốc rễ của tư tưởng chủ đạo và phương pháp luận. Bất kể rằng đôi khi kết quả và mục đích có sự giao thoa, sự khác biệt giữa hai hệ thống này cực kỳ sâu sắc, căn bản và gần như không thể hòa hợp.
Bài viết khoa học của Monster Box, Menback chia sẻ tới độc giả cùng tìm hiểu.
Zhang Mingjuan, 25 tuổi, đã kịp thời được cứu sống bởi bệnh viện sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch do dị ứng với thuốc tiêm – một hỗn hợp gồm kháng sinh không rõ nhãn mác được trộn với các loại thảo dược, từ một cơ sở khám chữa bệnh Đông Y ở Trung Quốc. Câu chuyện này không quá hiếm gặp. “Một nữ bệnh nhân men gan cao gấp 20 lần, một cụ bà tổn thương gan, thận rất nặng và một cụ ông bị suy thận nặng chỉ sau khi tự ý điều trị bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc”, là lời tựa từ bài báo của tờ Nhân Dân (tờ báo đại diện “tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”).
Trên thực tế, những vụ việc tương tự có lẽ chỉ phổ biến sau lời đồn truyền miệng “ông bác gần nhà tôi chữa ung thư bệnh viện bó tay bảo trả về, về đi bốc thuốc nam vậy mà khỏi hẳn”. Sự khác biệt nằm ở chỗ những sự kiện có thực ít khi được chú ý đến, trong khi lời đồn kém tin cậy lại được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa nhờ vào sự xuất hiện của internet, với sự xuất hiện dày đặc đáng báo động các quảng cáo thuốc Đông Y không rõ nguồn gốc, kéo theo lo ngại về sự gia tăng các vụ việc đáng tiếc như đã đề cập ở phần mở bài.
Liệu đây đây là vấn nạn của thuốc Đông Y không rõ nguồn gốc, hay chính Đông Y là vấn đề?
Khoan hãy nảy ra bất kỳ cảm xúc cá nhân nào, bất kể đồng tình hay phản đối, cho đến trước khi bạn đọc hết bài viết này.
Đông Y dưới góc nhìn khoa học và vấn đề của hệ thống quan liêu vô tổ chức.
Đông Y và Tây Y khác biệt nhau một cách căn bản từ gốc rễ của tư tưởng chủ đạo và phương pháp luận. Bất kể rằng đôi khi kết quả và mục đích có sự giao thoa, sự khác biệt giữa hai hệ thống này cực kỳ sâu sắc, căn bản và gần như không thể hòa hợp.
Tây Y dựa trên khoa học, tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp luận khoa học và chủ nghĩa thực nghiệm – nếu xét Y học hiện đại. Trước đó, nó cũng tiến hóa dựa trên nền móng của triết học phương Tây, vốn có nhiều khác biệt với triết học phương Đông – nền tảng của Đông Y.
Một cách khái quát, Đông Y chủ yếu xoay quanh lý thuyết Âm-Dương (và đôi lúc có thêm Ngũ Hành). Sức khỏe là sự cân bằng Âm-Dương, còn bệnh tật được cho là do sự mất cân bằng. Sự cân bằng này được xét trên dòng năng lượng gọi là khí, khí lưu thông qua các kênh gọi là kinh lạc. Vì vậy, để chữa bệnh, cần duy trì hoặc điều chỉnh sao dòng năng lượng ở mức cân bằng, một trong số các cách là tác động đến các kinh lạc. Từ Âm Dương Ngũ Hành, Đông Y đi sâu vào phân loại cơ quan, triệu chứng, căn bệnh và bài thuốc, phương pháp cụ thể. Tất cả đều được xếp vào các nhóm. Nền tảng này được dùng để chẩn đoán và đưa ra phương pháp chữa trị.
Lấy ví dụ, đau bụng chia theo chứng hư hay thực, hàn hay nhiệt, từ đó có phương pháp điều trị đối xứng để cân bằng mức năng lượng trở lại. Một cách khái quát, đau bụng có tính hàn sẽ được đề xuất sử dụng những bài thuốc có tính ấm hoặc nhiệt, tránh sử dụng hay tham gia các hoạt động có tính hàn. Một trường hợp bệnh nhân cụ thể sẽ tương đối phức tạp, từ việc chẩn đoán triệu chứng, xác định căn bệnh cho đến đề ra phương pháp điều trị – nhưng về cơ bản đều tuân thủ nghiêm ngặt lý thuyết Âm-Dương.
Tất nhiên nền tảng lý thuyết này không mang bất kỳ tính khoa học nào. Sự tồn tại của Âm-Dương, của “khí” hay “kinh lạc”… đều vô cùng mù mờ và không thể chứng minh. Bản thân hệ thống Đông Y cũng tự vướng vào vòng xoáy tranh cãi vô tận về việc xác định đâu (tức triệu chứng, căn bệnh, cơ quan và bài thuốc nào) là Âm, đâu là Dương, đâu là vị trí của các kinh lạc… Tuy vậy, xét một cách công bằng, Đông Y ra đời trước khi thế giới tồn tại khoa học, nên việc xét cho rằng lý luận và nền tảng triết học của nó giả khoa học không phải một cách lý trí để xác định tính hiệu quả của nó.
Vì vậy, trên thực tế, các quốc gia phương Tây không đón nhận Đông Y một cách khắt khe bằng cách bắt bẻ bằng chứng khoa học của “khí” hay “năng lượng cân bằng” và nhanh chóng gạt phắt nó đi như nhiều người vẫn nghĩ. Họ thực sự đã bỏ tiền ra để nghiên cứu về các phương pháp và sản phẩm cuối cùng của Đông Y để xem xét tác dụng dựa trên lăng kính khoa học, chẳng hạn như các bài thuốc thảo dược hay phương pháp châm cứu. Vì suy cho cùng, Tây Y vẫn có nhiều thuốc có thành phần chiết xuất từ thảo dược, và Đông Y tỏ ra vô cùng vượt trội trong việc giải quyết các bài toán kinh tế trong việc điều chế thuốc. Tuy vậy, kết quả vẫn không mấy khả quan.
Nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên về các loại thuốc và những liệu pháp của Đông Y đã được thực hiện, tiêu tốn hàng triệu USD nhưng thu được rất ít kết quả. Một trong những đánh giá toàn diện nhất là từ các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Maryland ở Baltimore, sau khi khảo sát 70 nghiên cứu khác về các loại thuốc cổ truyền và châm cứu, đã kết luận rằng không có bất kỳ nghiên cứu nào trong số đó có thể đưa ra được bất kỳ kết luận nào chắc chắn vì bằng chứng quá thưa thớt hoặc nghèo nàn.
Nghĩa là, không phải mọi người dùng các bài thuốc hay liệu pháp Đông Y đều không khỏi bệnh, nhưng khi khảo sát ở mẫu rộng, sự thật là không thể tìm thấy bằng chứng nào đủ tin cậy cho thấy chính phương thuốc/liệu pháp ấy đã tạo ra sự khác biệt ở những người khỏi bệnh, mà không phải những yếu tố khác. Kết quả cho ra gần với sự ngẫu nhiên và các liệu pháp này tỏ ra vô dụng nhiều hơn là thực sự tạo ra tác động đáng chú ý. Khi xem xét mọi thứ dưới con số cụ thể, thay vì cảm nhận cá nhân, những trường hợp không khỏi bệnh cũng hiện ra một cách rõ ràng và chiếm số lượng lớn, tạo ra sự hoài nghi cực lớn với cả những nhà nghiên cứu ủng hộ Đông Y.
Ngược lại, công tác nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhiều bài thuốc Đông Y thậm chí còn gây bệnh và quá nguy hiểm. Vấn đề lớn nhất của những bài thuốc này là tác dụng phụ quá lớn, vì không thể kiểm soát một cách chặt chẽ hàm lượng và sự tương tác của các chất bên trong đó.
Chẳng hạn, thuốc Anshen Bunao Pian trị mất ngủ có chứa thủy ngân gấp 55 lần giới hạn quy định, thuốc Zheng Tian Wan trị đau nửa đầu chứa nhiều aconite có liên quan đến chứng tim đập nhanh và suy thận. 30-35% thuốc Đông Y chứa các loại thuốc thông thường, nhưng liều lượng của chúng không được kiểm soát. Điều này dẫn đến thực tế là có khoảng 60% sản phẩm thuốc Đông Y bị cấm nhập khẩu bởi nhiều quốc gia. Đáng chú ý, Arthur Grollman, nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học Stony Brook ở New York đã công bố công trình chỉ ra cách axit aristolochic, một thành phần có trong nhiều bài thuốc Đông Y, gây ra suy thận và ung thư. Công trình này về sau đã thúc đẩy việc WHO đưa ra thông cáo lưu ý về loại chất này đối với Đông Y (chúng ta sẽ quay lại với WHO sau).
Theo số liệu vào năm 2012, việc tiêm các thuốc Đông Y đã gây ra hơn 170.000 ca phản ứng tiêu cực, theo số liệu của chính quyền Trung Quốc. Tổng quan, trung bình tại quốc gia này, các loại thuốc Đông Y nói chung gây ra khoảng 230.000 ca tác dụng phụ nghiêm trọng mỗi năm. Thuốc Đông Y được gắn liền với tính “tự nhiên”, để đối nghịch lại với “hóa chất” của thuốc Tây Y, nhưng trên thực tế, thuốc Đông Y lại dễ bị nhiễm các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, vi sinh vật gây hại và dễ bị nhầm lẫn thành phần trong khâu đóng gói, kéo theo hàng loạt tác dụng phụ không thể kiểm soát. Những vấn đề này được kiểm soát rất chặt chẽ ở Tây Y.
Sự thiếu hụt phương pháp khoa học đã dẫn đến hàng loạt vấn đề, mà nghiêm trọng nhất là khó khăn trong quản lý từ trên xuống dưới. Phải dùng căn cứ nào để cấm một loại thuốc lưu thông trong thị trường, nhưng vẫn chừa đường sống cho các loại thuốc khác? Vì nếu dựa trên lý luận Đông Y, vậy bất kỳ ai cũng có thể nói rằng thuốc của họ giúp cân bằng Âm-Dương, và không thể chứng minh được điều ngược lại. Nếu dựa trên căn cứ khoa học, dùng các phương pháp định lượng, vậy tất yếu phải dẫn đến quyết định cấm toàn bộ, vì hầu như toàn bộ đều không đáp ứng yêu cầu này. Để có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt khoa học, vậy Đông Y sẽ đối mặt với việc từ bỏ nền tảng lý luận cốt lõi của mình. Vì vậy, để Đông Y được tồn tại, vùng xám trong điều chế thuốc Đông Y được chấp nhận ở mức tương đối nguy hiểm, và nó còn lan ra khắp các khía cạnh khác của ngành này, tạo ra nhiều bê bối khó kiểm soát.
Hu Wanlin là một tội phạm nổi tiếng đã bị kết án tù 15 năm vì có liên quan đến cái chết của 146 người, do sử dụng bài thuốc Đông Y có nồng độ natri sulfat ở mức nguy hiểm để chữa trị cho họ. Và đây chỉ là một câu chuyện điển hình trong nhiều câu chuyện lừa đảo liên quan đến lợi dụng thuốc Đông Y. Trên thực tế, thực hành Đông Y không chỉ bao gồm thảo dược hay châm cứu, mà còn bị nhuốm nặng màu sắc tâm linh với các thế lực ma ám, cũng như có nhiều bài thuốc ngâm xác động vật, sử dụng máu tươi hay các liệu pháp bạo lực tổn hại đến thân thể, hay thậm chí là những lời khuyên dân gian độc hại. Chẳng hạn, thực hành kiêng khem ở phụ nữ sau sinh, như hạn chế ra gió, hạn chế tắm hay hạn chế vận động sau 40 ngày sau sinh, vốn sẽ gây ra tình trạng ngưng huyết do thiếu vận động, rất nguy hiểm – theo y học phương Tây.
Tất cả chúng được sinh ra từ vùng xám quá rộng lớn mà người ta đã chấp nhận để giữ lại sự tôn trọng dành cho Đông Y chính thống. Việc từ chối sử dụng lăng kính khoa học đã gián tiếp tạo ra sự thật rằng xã hội thiếu đi công cụ để có thể xem xét các tập quán thuần túy kinh nghiệm vàng thau lẫn lộn, khiến những lời khuyên độc hại có nhiều đất sống, và những kẻ lừa đảo tha hồ vùng vẫy.
Với Y học hiện đại, nếu một bệnh nhân gặp vấn đề do hệ thống y tế, hệ thống này sẽ đảm bảo việc truy xuất trở lại để tìm xem trách nhiệm thuộc về ai. Nếu vấn đề nằm ở liệu pháp, vậy bác sĩ nào đã đưa ra phác đồ điều trị, ai đã mắc lỗi trong toàn bộ quá trình và bệnh viện nào đã để sự cố ấy xảy ra. Nếu một liều thuốc được chỉ ra là gây tác dụng phụ nghiêm trọng, vậy nó được bán bởi ai, cung cấp bởi tập đoàn nào và ai đã cấp phép cho chúng. Xa hơn, liệu nền móng lý thuyết và thực nghiệm nào đã được dùng để tạo ra loại thuốc ấy? Nguồn gốc của một vấn đề sẽ được truy ngược trở lại, và việc truy ngược này đảm bảo rằng sẽ giúp ích cho các tình huống trong tương lai. Ngay cả khi thực tế không được như thế, nó vẫn đúng về mặt lý thuyết. Đông Y không đáp ứng được điều ngay cả khi chúng ta rất muốn, vì vốn chúng đã loại bỏ khả năng này từ lý thuyết.
Hệ thống quản lý thiếu hụt các công cụ đo lường chính xác của Đông Y đã khiến việc truy ngược và truy tố trách nhiệm của những người có liên quan trong rất khó khăn. Hu Wanlin chỉ bị 15 năm tù dù có liên quan đến 146 cái chết và có tiền án từ trước đó. Chưa kể, một bài thuốc không hiệu quả có thể sẽ dẫn đến các kiểu lý luận mơ hồ phổ biến như “không hợp thầy”, “chưa gặp đúng thầy”, “cơ địa không phù hợp”, “do không tin”… Người Trung Quốc thậm chí còn có câu nói nổi tiếng để biện hộ cho sự phủ nhận của phương Tây về hiệu quả của Đông Y, là “do bạn không phải người Trung Quốc”.
Nhưng lịch sử của chính Đông Y, ngay tại chính Trung Quốc, cũng trải qua nhiều máu và nước mắt.
Lịch sử của Đông Y ngay tại cái nôi của chính nó.
Đông Y hiện là ngành công nghiệp tỷ USD ở Trung Quốc, đã được thể chế hóa bởi chính quyền, được xếp vào hệ thống y tế quốc gia, được giảng dạy tại các trường đại học và được quản lý bởi nhà nước. Năm 2012, các cơ sở Y học cổ truyền được nhận khoản ngân sách 1 tỷ USD từ chính phủ, tài trợ cho nhiều hoạt động. Ngành công nghiệp được định giá khoảng 60 tỷ USD tại riêng Trung Quốc Đại Lục và Hong Kong. Khoảng 12% dịch vụ y tế quốc gia được cung cấp bởi các cơ sở Đông Y, bệnh viện và trường đại học ở các thành phố lớn đều có điều trị/đào tạo lĩnh vực này. Ngày nay, nó là mũi nhọn cho ngành du lịch trị liệu của quốc gia này, với một loạt các thành phố được quy hoạch dành riêng cho sự phát triển của Y học cổ truyền, và còn được định hướng để xuất khẩu ra toàn cầu. Trên thực tế, Đông Y đã bắt đầu lan rộng ở các quốc gia thân Trung Quốc, ngoài khối đồng văn.
Tiến trình này bắt đầu từ sự ủng hộ từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, và được kế thừa bởi Chủ tịch Tập Cận Bình. Đông Y cũng được lòng người dân Trung Quốc trong suốt lịch sử, tuy vậy, sự ủng hộ của giới tinh hoa và giai cấp cầm quyền lại bị ngắt quãng ở khoảng giữa thế kỷ 19-20. Vào khoảng thời gian này, số phận của Đông Y rơi vào nguy kịch, tưởng chừng như phải chấm dứt và trở thành một phần của lịch sử.
Cho đến đầu thế kỷ 19, không hề có thuật ngữ “chinese medicine”, vì lúc bấy giờ đây chính là loại “medicine” duy nhất ở Trung Quốc. Con đường tơ lụa đã kết nối quan điểm của hai nền văn hóa Đông-Tây, nên về cơ bản, cho đến trước thế kỷ 19, y học cổ đại của Trung Quốc và phương Tây đều có điểm chung là dựa trên kinh nghiệm, phụ thuộc vào các bài thuốc thực vật có sẵn trong tự nhiên và các liệu pháp kiêng khem dân gian. Sự giống nhau về lời khuyên “ở một chỗ” dành cho phụ nữ sau sinh là một ví dụ (đó là lý do về sau y học hiện đại phương Tây đã tìm thấy khuyết điểm ở lời khuyên này, họ đang giải quyết vấn đề của chính mình).
Thậm chí, vào khoảng thời gian này, các thầy thuốc Trung Quốc sau khi tiếp cận kiến thức y học của phương Tây, mặc dù đồng ý với một số phát hiện mới mẻ, nhìn chung họ cho rằng các phương pháp điều trị và hệ thống niềm tin đã quá tụt hậu so với thực hành của Trung Quốc. Họ đã đúng, nhìn chung là hai nền y học lạc hậu như nhau và Đông Y nhỉnh hơn một chút. Chưa kể rằng xu hướng can thiệp thân thể bằng các phương pháp phẫu thuật phương Tây lúc bấy giờ chứa đựng nhiều nguy hiểm, hiệu quả và hiệu ứng tâm lý lại thua kém hẳn Đông Y. Do vậy, người dân Trung Quốc hiển nhiên sẽ lựa chọn Đông Y.
Nhưng khi Tây Y trải qua cách mạng nhờ vào lý thuyết vi trùng, thuốc gây mê và vấn đề vệ sinh, hiệu quả chữa trị (đặc biệt là phẫu thuật) của họ tăng rõ rệt, khoảng cách giữa họ và Đông Y bắt đầu được nới rộng với tốc độ không kiểm soát. Lý thuyết “cân bằng Âm-Dương” hàng chục thế kỷ chắc chắn không thể so được với những hiểu biết mới mẻ về thế giới vi trùng. Người Trung Quốc bắt đầu đối mặt với sự thật rằng vị thế của mình đang bị lung lay. Nhưng Đông Y chỉ là một lĩnh vực nhỏ, bên cạnh nhiều lĩnh vực khác vốn cũng đã thể hiện sự kém cỏi trước tốc độ phát triển nhanh chóng của văn minh phương Tây hậu cách mạng công nghiệp. Trên thực tế, vấn đề tụt hậu của Đông Y là quá nhỏ nhặt, nếu so với việc Trung Quốc thua một loạt các cuộc chiến quan trọng và đứng trước nguy cơ bị chia năm xẻ bảy bởi các đế quốc Tây phương.
Tại thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị này, người Trung Quốc ngày càng bất an về vị thế của mình trên thế giới, nhìn thấy đe dọa đang tràn vào từ bên ngoài và hàng loạt vấn đề phát sinh từ bên trong. Giới trí thức Trung Quốc bắt đầu bận rộn, gánh vác trọng trách to lớn trong việc định hình tương lai của quốc gia mình. Đối diện với áp lực của thời đại, nhìn chung các nhóm trí thức bị phân cực ra làm hai luồng quan điểm chính: phục cổ (khôi phục lại vị thế và những giá trị đã mất) hay canh tân (từ bỏ cái cũ để nhập khẩu những phương pháp ưu việt và các tiến bộ từ bên ngoài).
Ban đầu, tình hình thực tế ủng hộ phe canh tân và hệ thống chính trị vì vậy cũng nương theo xu thế ấy. Câu hỏi “Chứng minh một cách chi tiết rằng các phương pháp của phương Tây đều bắt nguồn từ Trung Quốc” trong bài thi công chức cũ, đầu thế kỷ 20 đã đổi thành “Giải thích tại sao các nghiên cứu khoa học của phương Tây ngày càng hoàn thiện và chính xác”. Năm 1890, học giả Yu Yue cũng đã nổ phát súng đầu tiên khi xuất bản một bài viết về việc yêu cầu bãi bỏ y học cổ truyền, sau khi mất vợ và con vì bệnh tật. Nổi tiếng hơn cả là Lỗ Tấn, nhà văn hiện đại vĩ đại nhất của Trung Quốc, đã viết tác phẩm “Medicine” (Thuốc) đầy tính phê phán, về một gia đình tuyệt vọng dùng bánh bao tẩm máu tử tù như một phương pháp để chữa bệnh lao cho con trai của mình. Mặc dù nổi tiếng như một nhà văn, Lỗ Tấn thực ra là một bác sĩ Tây Y được đào tạo ở Nhật, và động lực đi học của ông xuất phát từ việc nhìn thấy cha của mình tiêu tốn rất nhiều tài sản cho y học cổ truyền nhưng cuối cùng vẫn qua đời vì bệnh tật.
Những phát súng lẻ tẻ táo bạo đi ngược truyền thống này báo hiệu một cuộc cách mạng. Năm 1920, Quốc Dân Đảng muốn loại bỏ định kiến “Đông Á bệnh phu”, nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe cộng đồng, vì vậy cần tổ chức và điều chỉnh lại hệ thống quan liêu y tế. Các tổ chức, hiệp hội bắt đầu được thành lập, tách riêng Y học cổ truyền và Tây Y. Sức mạnh về mặt tổ chức của việc tuân theo hệ thống lý thuyết khoa học đã nhanh chóng hiện rõ. Năm 1929, Bộ Y Tế Trung Quốc mặc dù có tuổi đời non trẻ, đã thẳng thắn hướng tới việc chống lại truyền thống có bề dày hàng chục thể kỷ, thông qua đề xuất bãi bỏ hoàn toàn Y học cổ truyền. Các thầy thuốc Đông Y đã phản ứng bằng cách đình công, đóng cửa toàn bộ phòng khám và hiệu thuốc trên toàn quốc. Vì vậy, bất chấp ý chí của chính phủ, nỗ lực dẹp bỏ y học cổ truyền đã thất bại vì tình hình thực tế không cho phép. Đến năm 1935, Quốc Dân Đảng đã nhượng bộ bằng cách thông qua nghị quyết “Đối xử bình đẳng giữa Tây Y và Đông Y”.
Quá trình thể chế hóa đã giúp Đông Y sống sót một cách kỳ diệu qua Đại Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông, bất kể rằng những yếu tố liên quan đều bị cuốn vào bão lửa. Mê tín dị đoan, các di sản văn hóa từ xã hội phong kiến cũ, các di sản tôn giáo… bị quét sạch, nhưng Đông Y đã may mắn sống sót bất kể rằng nền móng của nó liên quan chặt chẽ đến những thứ trên. Các trường Đại học bị đóng cửa, sách vở bị đốt không thương tiếc, tất nhiên Đông Y cũng chịu ảnh hưởng. Tuy vậy, vì đã được bảo trợ bởi chính sách từ năm 1935, cũng như tình hình thực tế hậu chiến thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng, các thầy thuốc Đông Y lúc này trở thành một nguồn lực giá trị để đảm bảo sức khỏe cho quốc gia đông dân này. Nhưng đứng trước áp lực từ thời đại, Đông Y lúc này bắt đầu khoa học hóa, tự cắt bỏ các yếu tố mê tín dị đoan để phù hợp hơn với giai đoạn mới.
Cách mạng văn hóa đã xé ngang truyền thống Trung Quốc, tạo ra một khoảng trống khó chịu về mặt nhận thức dân tộc, điều này đã thúc đẩy khao khát phục cổ của quốc gia này ở giai đoạn sau, khi họ lại lấy được vị thế của mình. Đông Y, một lần nữa, lại hưởng lợi từ xu thế phục cổ này. Thực ra chính sự tồn tại của Đông Y còn phần nào góp công vào sự phục hồi của những giá trị tín ngưỡng, tôn giáo đã bị bỏ đi, và đồng thời, sự bành trướng trở lại của những giá trị ấy giúp Đông Y gần như không thể xóa bỏ. Vì chúng đã liên kết lẫn nhau và bám sâu vào đời sống tinh thần và văn hóa của Trung Quốc.
Đông Y gánh vác một trọng trách lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa của Trung Quốc, gắn liền với hệ thống tư tưởng của quốc gia này (và những quốc gia khác trong khối đồng văn), vì vậy, sự tụt hậu về mặt tác dụng chính là chữa bệnh của nó không đủ để khiến nó bị mất đi. Ngược lại, nó còn thể hiện khả năng trở thành điểm tựa cho Trung Quốc trong những biến chuyển của thời đại mới.
Công nghiệp hóa và toàn cầu hóa nhanh chóng đã tạo ra nhiều trở lực chống lại chính xu thế này, sinh ra xu hướng đối nghịch là bản địa hóa và thuận tự nhiên về sau này. Mối quan hệ đối nghịch này chúng ta cũng đã bắt gặp ở trên, khi canh tân dẫn đến phục cổ, và cách mạng văn hóa lại thúc đẩy khát khao phục hồi truyền thống dân tộc. Người Trung Quốc có lẽ khi xem xét toàn bộ mọi chuyện sẽ nhắc lại rằng: “oh, chẳng phải đây chính là triết lý Âm-Dương hay sao”. Có thể, có thể không. Nhưng điều chắc chắn là Đông Y đã nhanh chóng tìm thấy được vị thế mới của mình trong thời đại mới, ít nhất ở Trung Quốc, sau tất cả mọi chuyện.
Đông Y ở thời hiện đại và động thái của WHO.
Cách mạng công nghiệp đã dấy lên nỗi lo mới về hóa chất, và nỗi lo này là chính đáng, khi hàm lượng chất độc hại gia tăng ở khắp mọi nơi, ngay cả không khí, nước mưa, thực phẩm hay sữa mẹ. Khi ghé thăm bất kỳ quốc gia châu Á nào, bạn sẽ thấy họ nhìn nhận những thứ gắn liền với “hóa chất” và “công nghiệp” với sắc thái tiêu cực. Thuốc Tây cũng không ngoại lệ. Vì vậy, xu thế hiện tại đang hướng về những thứ có nguồn gốc “tự nhiên”, “thảo dược” và tương tự vậy. Tuy nhiên, trớ trêu rằng chính thuốc Đông Y mới là nhóm dễ bị nhiễm độc hóa chất nhất, như đã đề cập ở phía trên, và chính khoa học là người đi đo đạc để cảnh báo về sự nguy hại của hóa chất. Nhưng việc suy xét mọi thứ một cách lý tính chính xác không phải kỹ năng được thuần thục bởi đa số đại chúng, nên “thảo dược” tất yếu sẽ được ưu ái hơn một viên thuốc được tổng hợp từ các chất hóa học chính xác, dù kết quả có thể ngược lại.
Công bằng mà nói, chính hệ thống y tế công (Tây Y) ở Trung Quốc cũng chứa đầy vấn đề: từ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho đến chất lượng y bác sĩ. Bài toán y tế công cho một quốc gia đông dân ở thế kỷ 21 sau khi vừa giải quyết nhiều bài toán chính trị phức tạp chắc chắn không đơn giản, đặc biệt khi chi phí dành cho Tây Y luôn rất nặng. Bỏ qua những yếu tố kỹ thuật, vấn đề tham nhũng và mối quan hệ giữa bệnh viện – bệnh nhân cũng vô cùng nhức nhối.
James Palmer, tác giả của nhiều cuốn sách phân tích về Trung Quốc, đang sống tại Bắc Kinh, cũng là người chúng tôi dẫn lại nhiều luận điểm được sử dụng trong bài viết này, đã mô tả rằng nạn tham nhũng ở các bệnh viện công quả thực làm chùn bước bất kỳ bệnh nhân nào. Họ phải chờ đợi cả ngày, bỏ tiền khi lấy phiếu, bỏ thêm tiền khi làm xét nghiệm máu, bỏ thêm tiền khi được khám bệnh (vốn chỉ kéo dài khoảng 2 phút), bỏ thêm tiền khi xếp hàng mua thuốc và có thể lại trở thành nạn nhân trong mối quan hệ tham nhũng giữa bệnh viện và bên thứ ba nào đó (và giữa các nhân viên y tế và bên thứ ba nào đó). Theo WHO, dịch vụ y tế công cộng của Trung Quốc vào năm 2000 chỉ xếp thứ 144 trên toàn thế giới. Scandal của hệ thống y tế công tại đây cũng không ít hơn các vụ bê bối của Đông Y.
Vấn nạn “phong bì” cùng nhiều đặc điểm khác mô tả ở trên vốn cũng từng nhức nhối ở một quốc gia có nhiều điểm tương đồng khác là Việt Nam – đến mức trở thành chủ đề châm biếm trên các bản tin thời sự và tiểu phẩm hài trên kênh truyền hình quốc gia.
Trong khi đó, việc ghé thăm các bác sĩ Đông Y lại thường đem đến những trải nghiệm tuyệt vời, với những buổi tư vấn nhanh gọn, tiếp xúc một-một ân cần và đưa ra các phương pháp chữa trị đơn giản dễ thực hiện tại nhà. Ngay cả cách chẩn đoán của các thầy thuốc Đông Y cũng nghe “thơ” hơn và họ hiếm khi nói về những điều tiêu cực – ngay cả khi đó là sự thật và ngay cả khi đó là điều cần nói ra. Quan trọng nhất, chúng rẻ hơn rất nhiều so với Tây Y, thân thiện với đại đa số người nghèo tại quốc gia đông dân và có mức bất bình đẳng thu nhập rất cao này. Chẳng hạn với ung thư, chắc chắn phần lớn không có đủ chi phí để điều trị tại bệnh viện, nhưng họ có thể đi bốc thuốc Đông Y với giá rất rẻ. Mà theo như James Palmer, việc uống thứ chất lỏng chiết suất từ nồi thuốc bắc đun trên bếp không thể chữa khỏi bệnh ung thư bạch cầu hay thay thế chạy thận nhân tạo, nhưng nó mang lại một chút thoải mái vì ít nhất họ đã làm điều gì đó.
Dưới góc độ kinh tế, Đông Y sống tốt vì đã khai thác được phân khúc khách hàng tiềm năng đông đúc vốn được sinh ra một cách tất yếu từ xã hội chưa phát triển hoàn hảo. Vì vậy, trừ khi hệ thống y tế công thực sự thân thiện với đại chúng, các bài thuốc không rõ nguồn gốc vẫn luôn còn đất sống, và tất cả những gì người bán nó cần làm là tiếp cận đến đúng đối tượng thông qua quảng cáo, không cần cải thiện chất lượng sản phẩm – điều này trên thực tế đang xảy ra ở Trung Quốc và cả Việt Nam, hay cụ thể hơn là sự xuất hiện dày đặc của các quảng cáo “ba đời nhà tôi”.
Thực vậy, ở đâu Tây Y đứng lên, Đông Y ngã xuống ở đó. Sau khi viagra được phát triển và bán rộng rãi ở Trung Quốc, các bài thuốc “cường dương” ngâm cỏ cây động vật cũng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Để giảm đi sự tác động của Đông Y, có lẽ không nên xoay quanh việc nói đi nói lại rằng chúng không khoa học và không hiệu quả, vấn đề tiếp theo là giải quyết bài toán chi phí của nền y tế công, vì đôi lúc lý do một ai đó lựa chọn Đông Y không phải vì họ không tin Tây Y, mà vì họ không có bất kỳ lựa chọn nào khác.
Tập Cận Bình khi nhìn thấy thực tế này đã thực hiện một bước đi táo bạo: thay vì đổ tiền vào y tế công, ông đã tăng thêm ngân sách để phát triển y học cổ truyền, như chúng tôi đã đề cập ở đầu phần hai. Điều quan trọng hơn, WHO đang cho thấy động thái đứng về phía của Trung Quốc. Họ giúp Trung Quốc trong việc hệ thống hóa các công cụ đo lường, dự kiến một bản hướng dẫn sẽ được ban hành vào năm 2022, với mục đích “cung cấp các hướng dẫn cho các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác”, giúp các tổ chức như tập đoàn bảo hiểm hay cơ quan chức năng dễ tham gia hơn vào lĩnh vực này.
Sau đợt bùng phát COVID, mà vốn được cho là xuất phát từ Vũ Hán, WHO đã bị đả kích là “thân Trung Quốc” sau các phát ngôn và động thái khó hiểu của mình, nhưng cáo buộc này đã có lịch sử lâu đời và sự kiện gần nhất không phải khởi phát của nó. WHO đã bị nghi hoặc ngay từ khi bày tỏ thái độ ủng hộ Đông Y, dưới nhiệm kỳ của Margaret Chan.
Nature, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, đã xuất bản nhiều bài báo của nhiều nhà khoa học và chuyên gia bày tỏ ý kiến phản đối WHO về thái độ của tổ chức này với Đông Y. Hàng loạt các tờ báo khác trên thế giới cũng tham gia vào (và rất dễ để tìm đọc về chúng). Nhiều chuyên gia cho rằng các tuyên bố, bản hướng dẫn của WHO là nhập nhằng, rối rắm, không chỉ rõ phương pháp chẩn đoán nào của Đông Y được chứng minh là có công hiệu – điều này hoàn toàn trái ngược với những lời khuyên cụ thể của tổ chức này với các vấn đề khác như vaccine hoặc thực phẩm. Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn xuất khẩu Đông Y, việc được công nhận một cách chính thức sẽ giúp các tập đoàn bảo hiểm tham gia (các tập đoàn này trước nay vốn luôn hứng thú với việc trả tiền cho các loại thuốc rẻ tiền), và đây là một bước tiến cực lớn về mặt chính trị – kinh tế.
Nhìn chung, sau khi đã song hành cùng nghiên cứu về Đông Y, thậm chí tự bỏ tiền ra, giới khoa học phương Tây vẫn giữ nguyên thái độ ngờ vực với lĩnh vực này. Donald Marcus, nhà miễn dịch học và giáo sư danh dự tại Đại học Y khoa Baylor (Texas), nhà phê bình Đông Y nổi tiếng, đã nói rằng “Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ hỏi rằng tại sao WHO lại để cho con người bị bệnh?”. Singh và Ernst (2008) cũng nhận định: “Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm thấy bất kỳ một chút bằng chứng nào về sự tồn tại của kinh lạc hay khí. Các điểm châm cứu và kinh lạc không phải sự thật, đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của triết học cổ đại Trung Hoa”.
Các nhà nghiên cứu ủng hộ Đông Y cũng liên tục vướng vào nhiều bê bối làm giả số liệu, làm giả kết quả nghiên cứu nổi tiếng. Họ cũng bị chỉ trích là cố tình bỏ qua tác động của giả dược trong nghiên cứu. Tổng quát hơn, nhiều chuyên gia cho rằng động thái đổ tiền của chính phủ đã thúc đẩy sự xuất hiện của hàng loạt các nghiên cứu, nhưng là nhằm mục đích lấy tiền từ ngân sách, thay vì thực sự tạo ra được bất kỳ điều gì đột phá. Zhang Gongyao, học giả chống y học cổ truyền tiêu biểu, đã nói rằng “cái gọi là khoa học hóa Đông Y đã diễn ra trong 80 năm và chưa có bất kỳ kết quả nào khả quan. Một số nhà nghiên cứu muốn có cơ hội nhận được nhiều tiền hơn từ chính phủ và các hoạt động khoa học làm rất tốt việc giúp họ đạt được mục đích này”.
Yu Hsien (1933), đã nói rằng: “Ngày Y học cổ truyền được khoa học hóa là ngày nó trở nên phổ biến trên toàn thế giới”. Đó không phải ngày hôm nay, vì Đông Y chưa được công nhận là khoa học, cũng chưa phổ biến trên thế giới.
Nhưng đó cũng là ngày không còn y học cổ truyền nữa, vì nó đã trở thành một phần của nền y học dựa trên bằng chứng.
Đó là ngày tất cả mọi người đều mong chờ.
Xem thêm
Đi “tắm rừng” để chữa lành những tâm hồn tổn thương
“Tắm rừng” (Forest Bathing) hay còn gọi là Shinrin-yoku, là một hình thức y học của Nhật Bản giúp con...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK