Chúng ta không thể nhìn thẳng vào Mặt trời bằng mắt thường, nhưng chụp ngôi sao mà loài người tôn thờ, vì nó đem sự sống đến với chúng ta, thì hoàn toàn có thể. Và nhiều nhiếp ảnh gia thiên văn đã làm điều ấy, cho ra những bức ảnh thật choáng ngợp.
Wang Letian, nhiếp ảnh gia thiên văn người Trung Quốc, là một ví dụ. Từ Bắc Kinh, anh đã chụp 2 bức ảnh này vào tháng 6 vừa rồi, sau khi mất rất nhiều công sức. Trong những bức ảnh ấy, ta thấy những vật thể nhỏ bay qua Mặt trời, tô điểm một cách nhẹ nhàng cho cái nền màu vàng sậm đang phát sáng. Ở bức phía trên, như một chấm nhỏ, là trạm không gian Thiên Cung do Trung Quốc phóng lên tháng 4 vừa qua. Ở bức ảnh dưới, cái chấm to hơn một chút, bởi nó to gấp 5 lần Thiên Cung, là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bay ngang qua Mặt trời.
Chụp được những bức ảnh này quả là một kì công, bởi Thiên Cung bay trên quỹ đạo 450 km phía trên Trái đất, trong khi ISS bay trên độ cao hơn 400 km. Chúng lướt qua Mặt trời, cách chúng ta xấp xỉ 150 triệu km, chỉ trong một tích tắc. Nhưng những bức ảnh cho thấy cả bề mặt của Mặt trời, trông như đang bùng cháy với những tia lửa khổng lồ trong màu vàng cam ấn tượng của nó.
Các nhà khoa học cho rằng, Mặt trời chỉ còn sống chừng 7 đến 8 tỉ năm nữa, trước khi hết năng lượng và trở thành một sao kềnh đỏ (sao khổng lồ đỏ). Các lớp ngoài của Mặt trời sẽ phình lên và dần dần nuốt trọn các hành tinh gần nó nhất, là sao Thuỷ (Mercury), sao Kim (Venus) và cả Trái đất. Đấy là một quá trình không thể cưỡng được của tự nhiên, khi Mặt trời cũng có cuộc sống như bất cứ ngôi sao nào khác. Nó được sinh ra, sống một cuộc đời toả sáng rực rỡ và rồi cuối cùng hấp hối và chết.
Nhưng 4,5 tỷ năm kể từ đây, dải Ngân hà có hệ Mặt trời mà Trái đất là một thành viên, sẽ đâm vào thiên hà Andromeda, đang ở cách chúng ta hơn 2 triệu năm ánh sáng. Ngân hà và Andromeda đang lao vào nhau với tốc độ 110 km/giây. Ngay cả sự va chạm này cũng nằm trong một quy luật không thể cưỡng được của tự nhiên. Nhưng khi điều ấy xảy ra, sự sống đã không còn tồn tại trên Trái đất nữa, do Mặt trời, đang trong quá trình hấp hối, đã nở ra, toả một lượng nhiệt cao hơn 35-40% so với lúc này, khiến bề mặt Trái đất nóng không thể chịu nổi.
Liệu trước đó, loài người đã tìm được một nơi nào đó để sống, ngoài dải Ngân hà?
Xem thêm: Eugene Shoemaker: người duy nhất được chôn cất trên mặt trăng
–
MENBACK.COM