Ít người trong số chúng ta biết rằng, người tạo nên diện mạo của Tử Cấm Thành Bắc Kinh là một người Việt Nam.
Trên kênh Asia Discovery có chương trình giới thiệu về kiến trúc Tử Cấm Thành và cách xây dựng Bắc Kinh trong loạt serie “Kỳ quan nhân tạo Trung Quốc”. Sẽ không có gì đáng nói nếu như trong chúng ta, lại không có được nhiều người biết một sự thật rằng kiến trúc sư trưởng của công trình – Nguyễn An chính là người Việt Nam. Ông là một trong hàng ngàn người Việt đã bị nhà Minh giải về Trung Hoa, sau khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ và cướp nước ta.
Menback gửi tới các độc giả bài viết từ tác giả Dũng Phan (tác giả cuốn sách Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca) để cùng tìm hiểu.
Nguyễn An là ai?
Nguyễn An (1381-1453, tên khác: A Lưu)* là một kiến trúc sư người Việt, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành Bắc Kinh và tham gia vào quá trình trị thủy sông Hoàng Hà.
Sinh ra tại Hà Nội, Nguyễn An mang trong mình thứ tài hoa trời phú. Không chỉ là một kiến trúc sư, ông còn là một nhà thư pháp, toán gia, họa sĩ. Nhưng cái tài hoa này của ông đã bị vận nước ly loạn đẩy sang ngã rẽ khác. Không thể phụng mệnh quê hương Việt Nam, mà chỉ có thể phát tiết tinh hoa nơi xứ người. 700 năm sau, những gì ông làm được, vẫn sừng sững cùng tuế nguyệt và nổi bật lên trí tuệ thiên tài ấy.
Những người của triều đại Đại Ngu mất nước bị giải về phương Bắc đều chịu số phận làm nô lệ. Nguyễn An cũng không ngoại lệ, ông bị thiến, xung vào làm thái giám trong cung. Nhưng được phát hiện cái tài hoa, và khi Minh Thành Tổ muốn xây dựng Tử Cấm Thành, ông đã được lựa chọn sau khi người kiến trúc sư đầu tiên thất bại trong việc thuyết phục Minh Thành Tổ.
Tổng công trình sư của Tử Cấm Thành Bắc Kinh
Nguyễn An được coi như là một trong những tổng công trình sư của dự án. Nhưng theo những gì mà Asia Discovery giới thiệu, thì có thể nói ông mới là nhân vật chính tạo nên diện mạo của Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Có thể nói nôm na dễ hiểu thì Nguyễn An là giám đốc dự án Tử Cấm Thành, bên cạnh đó trực tiếp chỉ huy thi công một vài hạng mục khác trong vai trò một chỉ huy trưởng. Chẳng hạn như xây dựng chín tháp cổng của Bắc Kinh. Số 9 luôn có ý nghĩa lớn với người Trung Quốc.
Chỉ trong vòng 14 năm, Tử Cấm Thành được xây dựng nên, và tồn tại suốt triều đại Minh-Thanh, cho đến tận hôm nay.
Luận về kỹ thuật xây dựng, Nguyễn An áp dụng kỹ thuật Đấu Củng đã được phát minh từ thời chiến quốc. Bạn có thể hiểu là các dầm-giằng gỗ lắp ghép vào nhau bằng các khớp nối đã được ăn rơ với nhau theo khuôn. Đây là kỹ thuật nổi tiếng dùng để lắp đặt các khớp của công trình mà không cần dùng chiếc đinh nào. Nhưng hiệu quả thì vô cùng đáng kinh ngạc. Cố Cung chịu 200 trận động đất trong 600 năm.
Luận về vật liệu xây dựng. Tử Cấm Thành được làm từ gỗ. Nhưng Nguyễn An có một yêu cầu đặc biệt dành cho nó, đấy phải là loại gỗ sụ Nam Mộc từ cách đó 2000km ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Những người Trung Quốc ngày đó đã sáng tạo bằng cách mượn dòng nước sông Hoàng Hà, để dẫn những súc gỗ này đi dần về phía Bắc để giảm thiểu sức người, sức của. Một thí nghiệm đã chỉ ra, gỗ sụ Nam Mộc chịu được ứng suất chỉ bằng 1/10 so với bê tông, nhưng giá trị của gỗ sụ Nam Mộc là chống mối mọt, và là thứ vật liệu thượng hạng tượng trưng cho sức mạnh của thiên tử. Những cột đỏ tươi của cung điện mà bạn thấy trên hình ảnh Tử Cấm Thành chính là loại gỗ này. Với các bước sấy khô, chống nước, sơn đỏ.
Luận về kiến trúc, Nguyễn An nhận lệnh từ Minh Thành Tổ rất rõ ràng “Xây nên một kinh đô hơn hẳn Nam Kinh, và xứng tầm với ngôi vị hoàng đế Trung Hoa”. Với trung tâm là một cung điện nguy nga, 5 khoảng sân lớn, 980 công trình cùng sử dụng lớp ngói màu vàng – màu của hoàng đế, các dãy dài linh vật kế nối nhau, kiến trúc 3 toà liền kề, khiến người khác phải kính sợ trước uy lực vương quyền. Kiến trúc sư đời sau của Trung Quốc nhận xét “Nguyễn An có một khả năng cảm thụ không gian tuyệt vời, khiến người ta bị ngợp khi bước vào đó. Có lẽ ông đã thiết kế cho nhà của chúa trời.”
Luận về bản đồ quy hoạch xây dựng. Đây chính là giá trị lớn nhất mà tổng công trình sư Nguyễn An mang lại bên cạnh công trình Tử Cấm Thành là trái tim của dự án. Quan điểm của người Trung Quốc tin vào sự cân bằng của trời và đất, âm và dương. Các đàn tế được Nguyễn An xây dựng theo hướng đối xứng nhau là Thiên đàn, Địa đàn, Nhật đàn và Nguyệt đàn. 40km vòng thành được xây dựng xung quanh khu vực. Một đường kinh tuyến Bắc Kinh đi xuyên vào giữa tâm của đô thị. Tất cả đối xứng và cân bằng. 700 năm sau, khi xây dựng sân vận động tổ chim để phục vụ Olympic, những kiến trúc sư, kỹ sư Trung Quốc vẫn phải đi theo đồ án mà Nguyễn An đã vạch ra này.
Trong những năm tiếp theo, Nguyễn An tiếp tục chủ trì việc tái thiết ba cung điện của hoàng cung, cũng như thực hiện một số dự án thủy lợi như nạo vét một số con sông lớn, gia cố bờ kè và trị thủy. Đặc biệt, dự án tái thiết tường thành Bắc Kinh bằng gạch, vừa làm đẹp, vừa làm vững chắc thêm sự vĩ đại của công trình này. 700 năm sau, những nhà khoa học phương Tây bằng những máy móc hiện đại khi phân tích tàn tích tường thành Bắc Kinh đã tính ra số lượng đất để xây nên bức tường thành Bắc Kinh. Nếu quy ra cho dễ hiểu thì có thể chất lên 1,5 triệu chiếc xe ben. Còn nếu trải dài số gạch để xây bức tường này, thì có thể đi được 2 vòng rưỡi trái đất. Một nhà khoa học phương tây đã gọi đây là: “chiến công tuyệt vời của kỹ thuật xây dựng”
Nguyễn An có một tài năng trời phú, đây là thứ biệt tài mà những ai làm xây dựng đều mong ước có mà không phải ai cũng được trời ban. Theo như sử sách Trung Hoa miêu tả lại “Là một kiến trúc sư xuất sắc, Nguyễn An thường không cần tham khảo số liệu. Ông chỉ cần đứng quan sát tại chỗ và suy nghĩ, phương án xây dựng lập tức được vẽ ra. Bản vẽ đó hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về mọi mặt. Phần còn lại, những người chủ trì xây dựng chỉ cần làm theo nó.”
14 năm miệt mài xây dựng đã tạo nên cung điện lớn nhất thế giới thời điểm đó. 500 năm tiếp theo, đó vẫn là trung tâm của Trung Quốc. Với sự nguy nga của các cung điện, công trình kiến trúc, quy mô vĩ đại của dân số, những đường nét chấm phá của thành phố bên những con đường vuông góc có tính phong thủy.
Hôm nay, Trung Quốc vẫn vừa làm hiện đại hóa Bắc Kinh, nhưng vẫn cải tạo di tích Bắc Kinh. Khi xây dựng hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới, họ từng phải ngừng thi công để tìm biện pháp bảo vệ móng cho Tử Cấm Thành. Trên nền móng cũ, họ tái hiện vạn phật tự nhìn về đường chân trời. Quan điểm của người Trung Quốc rất rõ ràng: một thành phố không có lịch sử sẽ là một thành phố không có tương lai!
Chỉ là trèo lên đỉnh cao vạn trượng đó, bao nhiêu người biết để khen ngợi Nguyễn An về tài năng và tinh thần tận tâm? Và bao nhiêu người biết, ông là người Việt Nam?
Khám phá: 3 phẩm chất lãnh đạo giúp Lưu Bang có được thiên hạ.
–
MENBACK.COM
*chưa xác thực.