Cách cải thiện trí nhớ hiệu quả nhất được chia sẻ từ nhà vô địch trí nhớ Mỹ Nelson Charles Dellis, đặc biệt phương pháp cải thiện trí nhớ này đơn giản vì chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi thói quen hàng ngày của mỗi người.
Các CEO, tỷ phú sẵn sàng bỏ ra 250 USD một giờ để tham gia vào lớp học do Dellis giảng dạy, đặc biệt phải kể đến tỷ phú Mark Cuban hay nữ doanh nhân tỷ phú Sara Blakely cũng góp mặt.
Cách cải thiện trí nhớ hiệu quả
Nelson Charles Dellis – 36 tuổi – hiện đang là người 4 lần nắm giữ danh hiệu nhà vô địch về trí nhớ ở Mỹ. Dellis còn là một nhà leo núi, một diễn giả và là tác giả của cuốn sách mang tên “Tìm cách ghi nhớ”. Không những thế, anh cũng là một huấn luyện viên về trí nhớ tại một tổ chức có trụ sở tại Miami, Florida. Các CEO, tỷ phú sẵn sàng bỏ ra 250 USD một giờ để tham gia vào lớp học do Dellis giảng dạy, đặc biệt phải kể đến tỷ phú Mark Cuban hay nữ doanh nhân tỷ phú Sara Blakely cũng góp mặt.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Dellis nói: “Tôi từng là một học sinh giỏi nhưng trí nhớ thì lại ở mức trung bình”. Mọi chuyện thay đổi vào năm 2009 khi bà nội của anh qua đời vì bệnh Alzheimer (một căn bệnh mất trí phổ biến và có yếu tố di truyền), lúc này anh quyết định phải giữ cho bộ não của mình khỏe mạnh và nhạy bén.
Làm thế nào để cải thiện trí nhớ, đặc biệt là những người hay quên
Dellis nhanh chóng tìm kiếm các mẹo để cải thiện trí nhớ của mình và tham gia một vài diễn đàn nơi các vận động viên trí nhớ chuyên nghiệp trò chuyện về các kỹ thuật ghi nhớ khác nhau. Anh còn dành thời gian tìm hiểu về sách giúp ghi nhớ của Dominic O’Brien – người 7 lần dành chức vô địch về trí nhớ thế giới. Dưới đây là ba lời khuyên hàng đầu của Dellis giúp bạn cải thiện trí nhớ:
1. Tránh xa khỏi công nghệ
Dellis cho biết, một trong những mẹo đơn giản giúp cải thiện trí nhớ mà anh học được trong nhiều năm qua đó là dành thời gian tránh xa khỏi công nghệ. Mỗi ngày bạn nên dành ra ít nhất 1 giờ đồng hồ ngắt kết nối với các thiết bị công nghệ – bao gồm cả điện thoại thông minh của mình.
Mỗi ngày bạn nên dành ra ít nhất 1 giờ đồng hồ ngắt kết nối với các thiết bị công nghệ – bao gồm cả điện thoại thông minh của mình.
“Bộ não của bạn là một đơn vị xử lý. Nếu bạn bị phân tâm và không chú ý, bộ não sẽ không thể tiếp nhận được thông tin. Điều đó đồng nghĩa với việc não bộ sẽ không thể ghi nhớ được. Nếu chúng ta chăm chỉ, cố gắng chú ý duy trì luyện tập trí nhớ mỗi ngày, bạn sẽ ngạc nhiên về trí nhớ tự nhiên của mình mạnh đến nhường nào.”, Dellis chia sẻ.
Nghiên cứu của trường Kinh doanh McCombs tại Đại học Texas, Austin năm 2017 cũng nhận định sự có mặt của điện thoại thông minh là một nguyên nhân làm giảm khả năng nhận thức, ảnh hưởng đến một bộ não trong việc ghi nhớ và xử lý dữ liệu.
2. Tư duy bằng hình ảnh
“Mục tiêu của tôi là bất cứ khi nào ghi nhớ một cái gì sẽ tìm cách biến nó thành một bức tranh tưởng tượng in sâu trong tâm trí của mình. Tất cả dữ kiện mà bạn muốn ghi nhớ, hãy sử dụng càng nhiều giác quan nhất càng tốt. Từ âm thanh, cảm giác đến hình ảnh hãy kết nối chúng thành một thứ có ý nghĩa đối với bạn.”, nhà vô địch người Mỹ chia sẻ bí quyết.
Điều này giúp cho bạn dễ dàng ghi nhớ hơn, giờ đây từ những từ ngữ mới lạ, khó hiểu đã được mã hóa thành hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống.
Dellis lấy ví dụ về cách anh ghi nhớ tên cây ngò Tây – Chervil khi đi mua sắm ở cửa hàng tạp hóa: “Hầu hết mọi người thậm chí còn không biết đó là rau gì. Vì vậy, tôi chia từ đó thành các âm tiết theo cách đọc: “Sure – vill”. Hai âm tiết này được tôi mã hóa thành “sure” (chắc chắn) và “villain” (nhân vật phản diện). Sau đó tôi cố gắng tạo nên một câu chuyện càng nhiều bối cảnh càng tốt. Tôi sẽ nói “sure” (chắc chắn rồi) với “villain” (kẻ phản diện kia) bởi nếu không, hắn sẽ lấy cây Chervil kia đi, bí mật cho vào tất cả món ăn trên thế giới và phá hỏng hương vị của mọi thứ.”
Mặc dù câu chuyện nghe có vẻ hài hước hoặc kỳ quặc nhưng Dellis cho rằng: “Hình ảnh bạn tưởng tượng ra càng kỳ quặc, càng kỳ dị, càng lạ lùng thì càng tốt cho việc ghi nhớ.”
Khi bạn gặp ai đó lần đầu tiên, hãy tìm cách biến tên của họ thành hình ảnh tưởng tượng nào đó, giống như anh ấy đã làm với Chervil. “Bằng cách này bạn có thể ghi nhớ tên người khác tốt hơn đồng thời huấn luyện cho bộ não tư duy bằng hình ảnh tốt hơn và nhanh hơn.”, anh chia sẻ.
3. Khám phá “cung điện ký ức”
Khi bạn suy nghĩ bằng hình ảnh, bạn cần một nơi để lưu trữ những hình ảnh đó. Vì vậy, hầu hết các vận động viên trí nhớ sử dụng một kỹ thuật được gọi là cung điện ký ức. Kỹ thuật này được bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại với mục đích ghi nhớ những thứ dựa trên vị trí.
Theo Dellis, một cung điện bộ nhớ hoạt động như sau: Hãy nghĩ về một nơi quen thuộc (như ngôi nhà, căn hộ, văn phòng) của bạn và tưởng tượng một con đường tinh thần xuyên qua nó. Để lưu trữ hình ảnh của bạn, chỉ cần tưởng tượng và gắn từng hình ảnh trên một vị trí, cột mốc dọc theo lối đi. Sau này khi bạn muốn lấy thông tin, tất cả những gì bạn phải làm là nghĩ về cung điện ký ức của mình, quay trở lại và nhặt những hình ảnh bạn đã gắn ở đó.
Dellis chia sẻ: “Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nó hiệu quả. Nó cho phép các vận động viên ghi nhớ lưu trữ được hàng ngàn thông tin.”
Để thực hành, Dellis gợi ý bạn nên chọn ba địa điểm quen thuộc và chọn 10 dấu mốc dọc theo con đường dẫn vào mỗi địa điểm. Bạn có thể luyện tập bằng cách bắt đầu lưu trữ danh sách việc cần làm hàng ngày hay danh sách các thực phẩm mà mình cần phải mua.
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: CNBC