Rất nhiều người trong chúng ta đã và đang dạy dỗ con cái bằng những hình thức giáo dục hết sức lạc hậu và tàn nhẫn không kém gì những người huấn luyện thú.
Những điều sẽ nói trong bài viết này đối với động vật vốn đã là hết sức tàn nhẫn, nếu đối với con người thì càng tệ hại hơn thế gấp nhiều lần. Chúng ta không ít thì nhiều cũng đã từng là nạn nhân của một nền giáo dục lạc hậu vì thành tích và điểm số. Hãy suy nghĩ lại và dừng ngay điều này đối với con cái chúng ta vì chúng ta cần nuôi dạy những đứa trẻ có tư duy để trở thành những con người tự do chứ không phải huấn luyện những con thú làm xiếc.
Sự vô nhân đạo của xiếc thú
Hồi nhỏ tôi rất thích xem xiếc thú nhất là những trò chó làm toán, khỉ đá banh hay gấu đạp xích lô. Lúc đó tôi chỉ thấy các con thú thật thông minh, hiểu tiếng người và biết làm những gì người dạy thú sai khiến. Nhưng khi lớn lên và hiểu biết nhiều, tôi cảm thấy rất ghét xiếc thú bởi vì nó hoàn toàn trái với quy luật tự nhiên và vô cùng tàn nhẫn. Con người dùng bạo lực để ép những con vật làm trò mua vui cho họ. Dù nhìn ở bất cứ một góc độ nào thì xiếc thú cũng không có một chút gì gọi là nhân văn nhân đạo cả.
1. Những con thú được trời sinh ra vốn dĩ không phải để làm trò mua vui cho con người mà để sống ở môi trường tự nhiên vốn có của chúng. Chúng chưa từng cảm thấy thích thú khi làm trò, cũng chưa từng có ước muốn trở thành những diễn viên thú nổi tiếng, lại càng không hiểu tại sao chúng phải làm trò biểu diễn. Tất cả là do con người ép chúng và hành hạ chúng để mua vui cho họ mà thôi.
2. Những trò con người dạy thú làm hoàn toàn không giúp ích gì cho những con vật này mà thậm chí còn tước đi bản năng sinh tồn của chúng ngoài tự nhiên. Để làm xiếc, những con thú non bị tách ra khỏi mẹ từ bé, và thay vì được mẹ chúng dạy những kỹ năng của giống nòi, chúng bị con người dùng vũ lực để dạy những trò mua vui. Nếu thả chúng ra ngoài môi trường tự nhiên, chúng sẽ chết vì mất hết bản năng sinh tồn.
3. Để có thể biểu diễn thuần thục được những động tác trái tự nhiên đó, những con thú tội nghiệp kia phải trải qua một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt: bị cách ly với mẹ và đồng loại, bị đánh đập, bị đe dọa, bị bỏ đói để khuất phục ý chí. Những con chịu không nổi đều chết trước khi có thể lên sân khấu biểu diễn. Điều này những khán giả đến xem xiếc không hề biết và cũng chẳng quan tâm.
4. Khi biểu diễn, những con thú này không hề cảm thấy hãnh diện trước những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Chúng không hề cảm nhận được thế nào là vinh quang và lại càng không biểu diễn vì chúng cần tiền. Tất cả những gì chúng có thể cảm nhận được sự căng thẳng tột cùng khi phải đứng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn và và tiếng cười nói ồn ào của khán giả. Như một cái máy, những con vật này phải làm cho đúng những gì người dạy thú sai khiến để không phải bị trừng phạt.
5. Khi về già không còn khả năng biểu diễn, những con thú này sẽ bị bỏ rơi cho tới chết hoặc giết chết để nhường chỗ cho lớp thú sau còn trẻ khỏe. Không ai quan tâm đến những con thú già sẽ đi về đâu hoặc được đối xử thế nào.
Đừng nuôi dạy con cái như huấn luyện thú làm xiếc
Điều đáng nói là rất nhiều người trong chúng ta đã và đang dạy con em chúng ta bằng những hình thức giáo dục hết sức lạc hậu và tàn nhẫn không kém gì những người huấn luyện thú với mục đích biến con mình thành những đứa trẻ siêu việt theo chuẩn mực của xã hội để cho người khác nhìn vào và trầm trồ khen ngợi.
1. Những đứa trẻ bị ép học đủ thứ từ bé tới lớn, ngoài chương trình học trong trường vốn đã rất nặng chúng còn phải học những lớp học thêm, học ngoại khóa, năng khiếu, ngoại ngữ…. Hầu như chẳng ai quan tâm rằng lũ trẻ có thích những gì chúng phải học không hoặc chúng có cảm thấy vui khi đi học không.
2. Con em chúng ta bị ép học vì những mục tiêu của cha mẹ chúng định sẵn ra cho chúng:vào trường đại học mà cha mẹ chọn sẵn, theo ngành nghề cha mẹ mong muốn, làm rạng rỡ tông môn, cho cha mẹ hãnh diện với bà con dòng họ, với hàng xóm láng giềng.
Hầu như chẳng ai đưa ra một lời giải thích hợp với lứa tuổi của các bé cho câu hỏi “vì sao con phải học?”. Có rất nhiều bạn trẻ cảm thấy chán ghét thậm chí thù sự học vì chúng cảm thấy việc học hoàn toàn không mang lại một lợi ích gì cho chúng ngoài việc đạt được thành tích để vừa lòng người lớn.
3. Con em chúng ta phải nhồi vào đầu hàng đống kiến thức hoàn toàn vô bổ và vô dụng. Tất cả là vì điểm số, vì thành tích học sinh giỏi. Những em có chút năng khiếu thì bị ép vào trường chuyên lớp chọn, đi thi học sinh giỏi. Rất hiếm các bậc cha mẹ quan tâm đến việc dạy con mình những kỹ năng hoặc kiến thức thực sự hữu dụng sau này.
Để rồi các bạn trẻ tốt nghiệp ra đời với hàng đống bằng cấp nhưng hoàn toàn ngu ngơ trước thực tế cuộc sống. Điều này không khác gì việc tước đoạt những kỹ năng sinh tồn cần thiết từ những con thú để tập cho chúng những trò xiếc vốn không giúp ích được gì cho chúng.
4. Việc học thuộc lòng những bài học dài lê thê và khô khan mà không hiểu gì hết cũng giống như việc một con thú dưới áp lực của đòn roi lặp đi lặp lại những động tác mà người huấn luyện thú bắt chúng phải thực hiện bằng được. Hầu như chẳng ai quan tâm những bài học thuộc lòng đó có giúp ích gì được cho sự phát triển trí não của con em mình hay không hay những điều đó thực sự giết chết đầu óc của chúng.
Đừng tin những lời nói vớ vẩn rẳng “chúng ta chỉ mới sử dụng có 2% bộ não của mình.” để rồi mặc sức nhồi nhét vào đầu trẻ con những thứ không cần thiết. Sức chứa của bộ não của con người là có giới hạn và nếu bị sử dụng sai cách, bộ não chẳng những không thể phát huy được tiềm năng của nó mà còn dễ bị thoái hóa nhanh chóng. Việc học thuộc bài mà không hiểu là một trong những điều gây tổn hại và làm mai một tư duy của con người nhanh nhất.
5. Không hiếm các bậc cha mẹ dùng roi đòn thúc ép, dùng lời chửi mắng nhục mạ con cái, so sánh chúng với bạn bè cùng trang lứa hoặc kể lể công ơn nuôi dưỡng để làm áp lực với con cái thay vì trò chuyện và chia sẻ, gây áp lực về tâm lý thay vì tìm cách giúp con giảm tải áp lực trong học tập chỉ vì một mục đích: đạt được học sinh giỏi. Cho dù có nhân danh tình thương yêu, kiểu dạy con cho roi cho vọt này này sẽ để lại những vết thương tâm lý không bao giờ có thể xóa nhòa được.
Người phương Đông chúng ta vẫn còn rất nặng tâm lý “thương cho roi cho vọt”, muốn con nên người thì phải đánh. Mỗi lần tôi viết bài phản đối hành vi bạo lực đối với con cái, thế nào cũng có nhiều người vào comment đúng một kiểu: “Ngày xưa nhờ ba mẹ tôi dữ đòn nên tôi mới nên người.” Vậy câu hỏi tôi muốn đặt ngược lại là bạn có biết rất nhiều người bị ăn đòn từ nhỏ tới lớn nhưng càng đánh càng lì lợm khó dạy và không nên người không? Và bạn có biết bao nhiêu người không cần phải dùng tới đòn roi để dạy con nhưng vẫn có thể đào tạo ra những đứa con thành đạt và hạnh phúc không? Dạy con cần phải có kỷ luật nhưng kỷ luật không đồng nghĩa với roi đòn hoặc nhục mạ.
Những điều vừa nói ở trên đối với động vật vốn đã là hết sức tàn nhẫn, nếu đối với con người thì càng tệ hại hơn thế gấp nhiều lần. Chúng ta không ít thì nhiều cũng đã từng là nạn nhân của một nền giáo dục lạc hậu vì thành tích và điểm số. Hãy suy nghĩ lại và dừng ngay điều này đối với con cái chúng ta vì chúng ta cần nuôi dạy những đứa trẻ có tư duy để trở thành những con người tự do chứ không phải huấn luyện những con thú làm xiếc.
Xem thêm:
- 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
- Những điều cha mẹ nên và không nên làm với con cái
- Cách để trở thành một người bố hoàn hảo