Đây là một số điều những bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ cân nhắc nên hoặc không nên làm với con cái mình.
Làm cha làm mẹ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng ngược lại, nó cũng không phải là một bổn phận đầy mệt mỏi và căng thẳng. Người làm cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng và không được phép phạm sai lầm. Sẽ không bao giờ có một cách dạy con duy nhất có thể áp dụng cho mọi bậc cha mẹ và mọi đứa trẻ. Ngay cả khi đó là những cách mà cha mẹ bạn đã áp dụng thành công với bạn trước kia thì điều đó cũng không có nghĩa là nó sẽ thành công khi bạn áp dụng chúng với con bạn vì bạn và con bạn không giống nhau. Và ngay cả những đứa trẻ ngoan nhất cũng sẽ có những lúc cứng đầu bướng bỉnh. Con cái ở mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có những sự thay đổi về tâm sinh lý khác nhau và sẽ có những vấn đề khác nhau, đòi hỏi người làm cha làm mẹ phải liên tục học hỏi và thay đổi cho phù hợp.
Người làm cha mẹ thành công là người luôn quan tâm để hiểu con mình và làm một người bạn lớn khiến con tin tưởng và tôn trọng. Tuy nhiên, sau đây là một số điều những bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ cân nhắc nên hoặc không nên làm với con cái mình. Bạn có thể tham khảo và áp dụng trong việc nuôi dạy con của bản thân. Điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn và bao dung dành cho con cái.
Bạn nên đọc trước bài 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng để hiểu hơn về tình trạng hiện tại của mình trước khi có những điều chỉnh phù hợp trong cách nuôi dạy con.
1. Đối với những vấn đề cá nhân của con
Một đứa trẻ ngoan là một đứa trẻ biết tự chăm sóc cho bản thân mình mà không dựa dẫm vào người lớn. Hãy tập cho con tự làm dần dần từ những việc cá nhân đơn giản tới phức tạp như đánh răng, rửa mặt, ăn uống cho tới dọn dẹp phòng ngủ, đồ chơi và sách vở.
Thay vì quyết định hết mọi việc của con cái và bắt chúng phải theo ý mình, hãy tập cho con cách đưa ra những quyết định cho cá nhân bằng việc đưa ra những lựa chọn và phân tích lợi hại của từng lựa chọn.
Khi con cái đến tuổi dậy thì, hãy tôn trọng những chỗ riêng tư của con cái như phòng ngủ, bàn học, cặp sách. Việc xâm phạm và tùy ý lục lọi đồ đạc của con cái sẽ khiến con bạn bị tổn thương và mất lòng tin ở cha mẹ mình.
2. Đối với những vấn đề chung của gia đình
Nhiều gia đình có quan niệm con cái, nhất là con trai, chỉ cần học cho giỏi là đủ không cần làm gì hết, tất cả mọi chuyện đều để cha mẹ lo liệu. Đây là một lối nuôi dạy con sai lầm vì cách nuôi con này sẽ tạo ra những đứa trẻ vừa vô tâm ích kỷ vừa không biết làm việc nhà.
Thay vì làm hết mọi việc cho con, hãy tập cho con cái chia sẻ những trách nhiệm chung của gia đình bằng cách phân công những việc nhà phù hợp với độ tuổi. Nếu trong gia đình có những vấn đề quan trọng như dọn nhà, bố mẹ sắp có thêm em bé, chuyển chỗ làm hoặc bị thất nghiệp, hãy tìm cách giải thích cho con cái hiểu và tiếp thu ý kiến của con cái. Có thể con bạn sẽ không thực sự giúp được gì nhưng đó là cách thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ đối với con cái và tập cho con tinh thần trách nhiệm, biết quan tâm và chia sẻ những vấn đề chung của gia đình.
Tuy nhiên, có những chuyện tuyệt đối không được lôi kéo con cái vào cuộc: đó là những chuyện cãi vã của cha mẹ. Hãy tập cách hạn chế tối đa việc tranh cãi to tiếng trước mặt con cái vì điều này sẽ gây ra những vết thương tâm lý khó phai trong lòng các con. Đồng thời tuyệt đối không được lôi kéo con cái về phe mình, bằng cách nói xấu người kia và bắt con phải phán xét về cha hoặc mẹ của mình. Đừng bất ngờ hay tức giận nếu một ngày nào đó bạn sẽ bị con bạn phán xét ngược lại.
3. Đối với những việc muốn con làm
Cách dạy con đúng đắn không phải là “ra lệnh” và “ép buộc” mà là “giải thích” và “làm gương”. Nếu muốn con bạn làm điều gì mà bạn cho là tốt thì hãy giải thích rõ ràng cho con hiểu về lợi ích của việc đó, đồng thời làm mẫu cho con xem. Đừng bắt con bạn phải tập thể dục mỗi buổi sáng khi bạn lười biếng chỉ nằm nhà xem tivi hoặc chơi game. Đồng thời để đảm bảo con bạn làm tốt điều bạn muốn con làm, hãy thường xuyên quan tâm theo dõi để động viên khích lệ hoặc nhắc nhở con bạn cố gắng hơn.
Phần thưởng là cần thiết nhưng nếu thưởng một cách vô tội vạ sẽ khiến cho con bạn ỷ lại hoặc mất đi nỗ lực của bản thân. Đồng thời hãy nhớ, con bạn rất ghét bị so sánh với “con nhà người ta”. Nếu muốn động viên con bạn, đừng đem “con nhà người ta” ra để làm mục tiêu cho con bạn phấn đấu.
4. Đối với những việc không muốn con làm
Cha mẹ Việt Nam có một tật xấu rất lớn là “không quản được thì cấm” mà đã cấm thì cấm một cách cực đoan nhưng hiếm khi giải thích cho con hiểu tại sao như thế. Điều này gây ra những ức chế không nhỏ về mặt tâm lý của con cái và càng khiến chúng lén lút làm điều bị cấm sau lưng cha mẹ.
Đối với những việc không muốn con làm, cha mẹ cũng phải giải thích rõ ràng tác hại của nó, đồng thời làm gương cho con mình. Nếu con cái đã phạm sai lầm, hãy cho con mình một cơ hội giải thích trước khi trách phạt đồng thời vạch ra kế hoạch để giúp con hạn chế dần việc này cho tới khi bỏ hẳn.
Đừng bắt con bạn trong một ngày một bữa có thể đoạn tuyệt với một thói quen xấu nào đó (hãy nhìn lại mình, bạn đã làm được điều đó chưa?) mà hãy kiên nhẫn quan tâm nhắc nhở con. Việc trừng phạt chỉ được áp dụng khi con bạn liên tục phạm lỗi hoặc phớt lờ những cảnh báo của bạn.
5. Đối với việc khen thưởng
Không có đứa trẻ nào lớn lên mà chưa từng được thưởng hoặc bị phạt. Tuy nhiên việc thưởng hoặc phạt nếu không thực hiện đúng cách cũng sẽ gây tác dụng ngược thay vì động viên khuyến khích chuyện tốt và hạn chế những hành vi xấu. Để thưởng một cách có hiệu quả, các bậc cha mẹ cần hiểu những nguyên tắc sau:
Chỉ thưởng cho con cái đối với những nỗ lực vượt bậc hoặc mang tính thử thách, không thưởng cho những chuyện thuộc về trách nhiệm của con phải làm hoặc những điều con bạn không cần nỗ lực vẫn phải đạt được.
Phần thưởng phải ý nghĩa giáo dục hoặc là thứ con bạn thực sự cần, đồng thời giá trị phần thưởng phải tương xứng với độ khó của thử thách.
Đừng thưởng cho con những thứ theo sở thích hoặc quá đắt tiền nhưng có thể gây hại cho con bạn. Một sai lầm khác cần phải tránh là hứa thưởng nhưng sau đó lại nuốt lời vì điều này khiến cho con bạn cảm thấy bị gạt và dần dần không còn coi trọng lời hứa của cha mẹ mình.
6. Đối với việc trách phạt
Việc phạt thậm chí còn khó hơn thưởng vì phạt sẽ gây tâm lý tiêu cực cho con bạn cho dù con bạn là người phạm lỗi. Trước khi phạt, hãy nói rõ với con những lỗi lầm nào sẽ khiến con bạn bị phạt đồng thời nêu rõ mức hình phạt mà con bạn phải nhận. Tuyệt đối không phạt một cách vô tội vạ và mức độ hình phạt thất thường tùy theo tâm trạng của bạn chứ không phải theo mức độ nghiêm trọng của lỗi mà con bạn phạm phải.
Trước khi phạt, hãy cho con bạn một cơ hội giải trình về sai phạm mà con đã phạm phải. Hãy cân nhắc nếu con bạn có lý do chính đáng hoặc những điều buộc bé phải phạm sai lầm. Nếu phải phạt con, hãy chọn hình phạt mang tính giáo dục để giúp con sửa sai như bắt con bạn dọn dẹp sạch sẽ nếu bé bày bừa, đừng chọn những cách đã quá lạc hậu và phản giáo dục như đánh, chửi, nhốt trong toilet….
Cho dù giận cỡ nào, bạn tuyệt đối không được phạt con bằng cách bêu riếu lỗi lầm của chúng trước mặt người khác, nhất là những người không liên quan.
Nhiều cha mẹ Việt Nam có thói quen rất xấu là mỗi lần phạt con đều phạt con trước mặt những người khác trong gia đình hoặc bạn bè chúng để chứng tỏ rằng mình biết dạy con. Đây là một việc làm phản giáo dục có thể gây tổn hại lớn đến tâm lý của trẻ đặc biệt là đối với các bé ở tuổi dậy thì khi cái tôi đang được hình thành. Nếu muốn phạt con, hãy xử phạt một cách riêng tư vì cho dù con bạn có phạm lỗi lầm gì, thể diện của con vẫn phải được coi trọng.
Cuối cùng, hãy tuân thủ nguyên tắc “chuyện nào ra chuyện đó”. Nếu con bạn đã bị phạt và đã sửa chữa, tuyệt đối không nhắc lại lỗi lầm cũ của con mình trong lần phạt sau. Việc nhai lại những lỗi lầm mà con bạn đã mắc phải và đã bị trừng phạt khiến con bạn cảm thấy việc nỗ lực sửa chữa là vô nghĩa vì có cố gắng thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ nhắc đi nhắc lại những lỗi lầm cũ của chúng và cảm thấy mình bị đối xử không công bằng.
Tiếp theo sẽ là Cách để trở thành một người bố hoàn hảo.
Xem thêm:
- 4 lý do không nên giao con cho ông bà nuôi dạy
- Cha mẹ không hoàn hảo nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất
- Những câu nói hay cha mẹ dạy con trai về tình yêu và phụ nữ