Cha mẹ nào cũng đều yêu thương con mình, lo cho sức khỏe và tính mạng của chúng hơn cả bản thân mình. Nhưng nếu chúng ta làm không đúng cách, đó có thể sẽ là dấu hiệu tiềm ẩn cho mối “đại họa” trong tương lai…
Con trai tôi 8 tuổi, 6 tháng qua hầu như ở trong nhà cùng anh trai 17 tuổi. 2 đứa trẻ phải loanh quanh ở nhà cả ngày, tự trông nhau. Chúng hầu như không tiếp xúc với bạn bè cùng lứa.
Thực tế, do sự chênh lệch về tuổi, hai đứa trẻ cũng rất ít khi chuyện trò với nhau suốt cả ngày, thậm chí cả lúc ăn cơm trưa. Mỗi đứa đều tự tạo ra một cách sinh hoạt riêng để giết thời gian suốt cả ngày dài khi bố mẹ vắng nhà.
Mỗi sáng, dù không có việc gì, nhưng đứa bé đều thức dậy vào lúc 7 giờ chỉ để được ôm mẹ và đưa mẹ ra cửa, tiễn bố mẹ đi làm. Nó là một đứa trẻ ngoan, không kêu ca, không phàn nàn, tự tìm cách giải khuây cho bản thân và hoàn thành đầy đủ bài tập cô giao, ăn và ngủ đúng giờ rồi đợi tiếng chuông cửa khi bố mẹ đi làm về…
Đứa bé thích nghi rất nhanh với cái máy tính, với chiếc smartphone, với việc học online. Nó nhoay nhoáy làm bài rồi chụp ảnh, gửi qua zalo cho cô giáo, thậm chí tự tham dự các cuộc thi Violympic toán mà cô giáo gợi ý…
Nó tự ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, tắm đúng giờ theo cái đồng hồ treo trên tường mà không hề phụ thuộc vào lịch sinh hoạt của bất cứ ai, kể cả bố mẹ. Đã có lúc, vợ chồng tôi cảm thấy thật may mắn khi có một đứa con hết sức “ngoan”.
Thời gian đầu giãn cách xã hội, nó nằng nặc đòi ra đường gặp bạn, đòi xuống sân chơi mỗi buổi chiều, đòi đi học thêm tiếng Anh để được gặp bạn, đoài sang ông bà nội để chơi với các em… Tất nhiên, điều đó là không thể khi cả Hà Nội đang thu mình hết mức sau cánh cửa, mọi hoạt động ngoài trời đều bị phạt, hoặc nhẹ nhàng hơn là bị đuổi về.
Kết thúc giãn cách, lũ trẻ đã được phép ra ngoài chơi dù vẫn chưa được tới trường. Tôi đã thực sự ngạc nhiên khi thấy con mình từ chối ra ngoài để ở nhà đọc truyện. Nó thậm chí đã chán cả việc chuyện trò với bạn bè qua zalo, thú vui duy nhất là bật tivi bất kể kênh gì cho màn hình tự nói 1 mình rồi nằm đọc truyện, sau đó là tìm đồ ăn trong tủ lạnh… mỗi ngày đều như vậy.
Hôm qua, tôi đã bị shock khi BQl tòa nhà up lên đoạn camera ghi lại đoạn con tôi một mình đi lên thang máy, thay vì ấn số lên nhà như mọi khi, nó bấm liên hồi vào mọi phím trước mặt, nhảy tới nhảy lui bấm phím để cái thang không thể chạy lên được tầng sảnh, nơi bố đang đứng đợi.
Có thể đó là một cách đùa nghịch, nhưng có lẽ, đó là cách mà nó muốn làm để giải tỏa sự bức bí không thể chia sẻ với ai sau nhiều tháng trời bị nhốt trong nhà. Đó là một tín hiệu tồi…
Tôi nhận ra, đối với trẻ con, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do không được đến trường không hề nhỏ hơn nguy cơ mắc Covid.
Các con thực sự cần bạn, những đứa trẻ không thể cứ bị nhốt mãi trong nhà với máy tính hoặc điện thoại, phải đợi tới tối để giao tiếp với bố mẹ. Chúng cần có thế giới của chúng. Đó là nơi chúng học tập, tương tác, phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn.
Các lĩnh vực đời sống xã hội dần bình thường trở lại, nhưng trường học vẫn đóng. Có lẽ, đại dịch đã làm tổn thương sâu sắc đến trẻ em. Gần hai năm trời, hàng triệu đứa trẻ mất cơ hội học tập và phát triển tuổi thơ theo cách thông thường.
Cha mẹ nào cũng đều yêu thương con mình, lo cho sức khỏe và tính mạng của chúng hơn cả bản thân mình. Nhưng nếu chúng ta làm không đúng cách, đó có thể sẽ là dấu hiệu tiềm ẩn cho mối “đại họa” trong tương lai…
Xem thêm:
- Cha mẹ không hoàn hảo nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất
- Làm thế nào để cai nghiện game và điện thoại?
- 4 lý do không nên giao con cho ông bà nuôi dạy