Nhân ngày của cha xin lạm bàn về chủ đề tình cha con trong hội họa, qua hai bức tranh tiêu biểu nhất của hội hoạ quốc tế, chúng vẫn không ngừng gây nên những cuộc tranh cãi, những đánh giá, bình luận trái chiều tùy thuộc vào quan điểm của chính những người xem tranh.
Có lẽ đó chính là thành công đích thực của hoạ sĩ, nếu tác phẩm không phải để nằm phủ bạt trong kho, mà cứ được trưng bày là bao giờ gian triển lãm cũng đông kín người xem, và quan trọng hơn họ thường đứng rất lâu trước những bức tranh này.
“Sự trở về của đứa con trai hoang đàng” – Rembrandt
“Sự trở về của đứa con trai hoang đàng” – (“The return of the prodigal son”- Rembrandt (1666-1669) – có tên nữa là “Đứa con trai đã mất”) là bức tranh lớn nhất của ông về chủ đề tôn giáo.
Nội dung bức tranh là một trong những nội dung phổ biến nhất của nghệ thuật thời Phục hưng, nó dựa theo một dụ ngôn về “người con lầm lạc” của Kinh Thánh.
Một người cha có hai con trai, đứa út xin cha chia nửa gia tài để đi làm ăn xa, nhưng bản tính thích ăn chơi hoang đàng chỉ sau một số năm hắn ta đã tiêu sạch số của cải đó, và khổ sở tới cùng cực, đến gia súc cũng còn được ăn chứ hắn chả ai cho gì.
Người con xin quay lại với cha, chẳng dám nhận là con nữa, chỉ xin làm người ở mà thôi. Nhưng người cha ra lệnh mở tiệc thịnh soạn nhất để đón người con lầm lạc này.
Người anh cả nghe tin lật đật chạy từ ngoài đồng về, than vãn với cha rằng mình một lòng phụng sự suốt bao năm trời mà có bao giờ được cha đối đãi hào phóng đến thế đâu! Thì người cha chỉ an ủi rằng “con có một hạnh phúc rằng được ở cùng cha, mọi thứ của cha là của con” và “hãy vui mừng vì có đứa em đã mất nay đã quay trở về!”.
Trong tôn giáo đó là biểu hiện của lòng khoan dung đối với người đã đánh mất Lòng Tin, nay đã hối cải thực lòng. Chúa Giê-su nói rằng trên Thiên đàng người ta mừng vì một sinh linh đã hối cải còn hơn 99 người mộ đạo…”.
Bức tranh này của Rembrandt có thể là bức “Sự trở về của đứa con trai hoang đàng” trong hàng ngàn bức tranh như vậy, ngay ông cũng có nhiều bức tranh vẽ dựa theo chủ đề này.
Bức tranh được Nữ hoàng Nga ra lệnh cho hầu tước Golitxyn mua và nay nó được trưng bày tại bảo tàng Ermitazh.
Người ta chiêm ngưỡng bức tranh rất lâu, rất kỹ và luôn dằn vặt về câu hỏi: ngoài người cha rộng lượng và đứa con hư đã trở về, thì các nhân vật kia là những ai?
“Đã trở về” – Sergey Grigoriev
“Sự trở về của đứa con trai hoang đàng” có lẽ là bức tranh gợi nguồn cảm hứng cho rất nhiều quyển sách, opera, bài hát và các bức tranh khác, trong đó có một bức tranh cũng vô cùng “gợi vấn đề”. Đó chính là bức “Đã trở về” của họa sĩ Xô viết Sergey Grigoriev.
Hoạ sỹ Sergey Grigoriev đã vẽ mất ba bốn năm trời một bức tranh với tựa đề “Đã trở về” (“Вернулся”) vào đầu những năm 1950.
Khi đó ông đã là hoạ sĩ thành danh ở Kiev (Ucraina) nhưng có tham gia vào chính trị, và vấn đề gia đình trong xã hội có lẽ đã xâm chiếm tâm hồn ông, ông vẽ bức tranh này đặc biệt cẩn thận, thay đổi rất nhiều cho tới tận ngày triển lãm.
Và ở bảo tàng Tretyakovka cho tới ngày nay, các chuyên gia và các “mẹ bỉm sữa” trời tây vẫn không thôi chiêm ngưỡng và bàn cãi về bức tranh này.
Nội dung của bức “Đã trở về” hoàn toàn trái ngược với chủ đề “người con hoang đàng” của tôn giáo, ở đây kẻ đi hoang lại chính là người cha.
Hai năm biền biệt người cha bỏ gia đình nhỏ, không một mẩu tin. Thế rồi một buổi chiều tối, khi người mẹ đang vừa khâu vá vừa kiểm tra xem đứa con trai học hành thế nào, còn con bé út đang chơi đồ chơi thì cửa mở, người bố xuất hiện thật bất ngờ – ông ta nay đã trở thành xa lạ với tất cả thành viên của gia đình.
Hoạ sĩ đã ghi khắc cái khoảnh khắc này: người cha gục đầu hối hận, điếu thuốc vẫn cháy trên tay, ngồi xuống cái ghế của con gái đang chơi, nay chạy ra nấp sau mẹ và anh. Cậu con trai phản ứng rõ rệt, cậu đứng về phía bà mẹ, người mà chỉ qua ánh mắt ta có thể thấy đang lên án và không chấp nhận sự trở về đường đột của người cha đã lầm lỡ. Chỉ có cô bé gái vừa sợ nhưng vừa dò xét, ánh mắt thơ ngây vẫn tỏ ra thương cảm với người cha mà có lẽ cô bé đã quên mất từ lâu, mặc dù tàn thuốc của ông ta đang sắp rơi trên mấy thứ đồ hàng bằng sứ của con…
Hạnh phúc thật mong manh! Cha và các con, hãy ngắm những bức tranh rồi suy nghĩ…
–
MENBACK.COM
Nguồn: Nam Nguyen