Bên cạnh những luồng ý kiến trái chiều về nội dung phim Em và Trịnh, thì chủ đề “Khánh Ly” Bùi Lan Hương là một yếu tố nổi bật, bởi đa số khán giả đều cảm thấy thích thú với sự xuất hiện của cô trong phim.
“Khánh Ly” tuy là vai diễn đầu tiên trên màn ảnh rộng của Bùi Lan Hương, song, diễn xuất của cô đã giành được nhiều lời khen ngợi bởi sự chân thật đến từ ánh mắt biết nói và khả năng “đài từ” ổn định.
Bùi Lan Hương và khả năng đài từ ổn định
Đài từ là một trong những kỹ thuật sử dụng giọng nói của diễn viên để hóa thân vào vai diễn thông qua cách phát âm, nhả chữ, cách nhấn nhá, ngữ điệu sao cho phù hợp với tính cách và cảm xúc của nhân vật.
Khả năng đài từ ổn định là thế mạnh trong diễn xuất của Bùi Lan Hương. Với chất giọng Hà Nội trầm buồn và ma mị đặc trưng, cùng với cách thức nhả chữ, nhấn nhá tròn trịa, khả năng làm chủ hơi thở tốt đã khiến Bùi Lan Hương hoàn thành trọn vẹn vai diễn Khánh Ly.
Kỹ năng đài từ và chất giọng của nữ ca sỹ cũng gợi khán giả nhớ đến những nữ diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt Nam: NSND Như Quỳnh, NSND Lê Khanh, NSƯT Chiều Xuân,…. Với đặc điểm chung là những câu thoại được nói ra một cách tự nhiên, thoải mái, xuất phát từ tận đáy lòng của nhân vật chứ không bị “đặt vào miệng” diễn viên một cách gượng ép như cách làm của nhiều bộ phim Việt bây giờ.
Cảm xúc của nhân vật Khánh Ly, thông qua kỹ thuật diễn xuất của Bùi Lan Hương, trở nên nhiều màu sắc, liên tục thay đổi sao cho phù hợp với từng câu chuyện.
“Tôi giúp gì được cho hai anh?” – câu nói có chút gì bẽ bàng từ một người phụ nữ đã nhận lấy nhiều cái lắc đầu của các nhạc sỹ thời đó, bởi họ xem cô chỉ là một “con” ca sĩ xấu xí và đen đúa – thể hiện được sự buồn bã ẩn sau nụ cười xã giao của Khánh Ly khi gặp Trịnh Công Sơn và Định Công tại hộp đêm.
Hay trong những phân đoạn Khánh Ly bông đùa cùng Trịnh Công Sơn: “Hay quá! Lời hay. Nhạc hay. Anh thó của ông Văn Cao đấy à?”, hay “Không, tụi mình đẹp đôi hơn chứ.” lại được nhận xét là dí dỏm một cách duyên dáng.
Có lẽ Bùi Lan Hương cũng đã có sự am hiểu nhất định về tính cách thật của cô Khánh Ly ngoài đời – người nghệ sỹ luôn hài hước một cách nhẹ nhàng và thông minh – vốn giúp cho chemistry giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn trở nên gần gũi và dễ chịu hơn rất nhiều.
Đôi mắt biết nói của Bùi Lan Hương
“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, vì qua đôi mắt, khán giả có thể biết người diễn viên có đang thực sự nhập vai hay không.
Trong phân đoạn Trịnh Công Sơn nhận được thư khi đang cùng Khánh Ly ngồi viết nhạc trên B’Lao, ánh mắt của Bùi Lan Hương lúc này đã biến tất cả lời thoại gần như trở thành vô nghĩa.
Khi biết bức thư Trịnh cầm trên tay là giấy quân dịch và thư tình của Dao Ánh, trong đôi mắt Lan Hương thể hiện rõ một nỗi khao khát Trịnh Công Sơn sẽ ở lại B’Lao với mình, nhưng với những mặc cảm về thân phận nghèo hèn vẫn còn đó, so với sự tài hoa của Trịnh và mối tình đậm sâu của Dao Ánh, Khánh Ly dù không muốn cũng đành trách móc rằng:
“Anh về Huế đi. Ánh là tình yêu của đời anh, còn em chỉ như một thằng đàn ông bên cạnh anh mà thôi.”
Nhân vật Khánh Ly dường như không bao giờ cần nói thẳng ra cảm xúc của mình, bởi những cảm xúc lẫn lộn như thế thật khó để diễn đạt bằng lời, vậy mà, khán giả vẫn hiểu hết những tâm tư của nhân vật, tất cả chỉ thông qua đôi mắt biết nói của Bùi Lan Hương.
Kỹ thuật diễn xuất tự nhiên trở thành vũ khí “lợi hại” qua từng phân đoạn có sự xuất hiện của Bùi Lan Hương. Kỳ thực, khả năng diễn xuất chân thực của cô trong “Em và Trịnh” là một màu sắc rất cần được “bổ sung” vào bức tranh phim Việt trong thời gian sắp tới.
Theo: In The Mood For Film.
Diễn viên Lan Thy vai Bích Diễm trong phim Em và Trịnh là ai?
Nữ diễn viên Lan Thy vào vai Diễm trong phim về Trịnh Công Sơn, được đạo diễn nhận xét có...