Có thể bạn không biết Keith Haring là ai nhưng chắc chắn bạn đã từng ít nhất một lần nhìn thấy các tác phẩm của Haring.
Nghệ thuật của Keith Haring hiện hữu ở khắp mọi nơi. Từ những chiếc áo T-shirt cho đến ván trượt hay đồ trang trí nội thất đều có thể được in những tác phẩm của ông.
Hãy cùng Menback tìm hiểu về Keith Haring, người được mệnh danh là ông hoàng nghệ thuật đường phố trong bài viết này nhé.
Keith Haring là ai?
Keith Haring (4/5/1958 – 16/2/1990) là một nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ. Các tác phẩm của ông phản ánh văn hóa đường phố của Thành phố New York những năm 1980.
Keith Haring sinh ra tại Reading, Pennsylvania, và lớn lên ở Kutztown, Pennsylvania gần đó. Niềm đam mê vẽ của ông bắt đầu từ rất sớm. Ông tự học các kỹ năng vẽ tranh cơ bản từ cha mình và lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình thời đó của Walt Disney và những bức họa từ sách của Dr. Suess.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1976, Haring đi theo đam mê của mình và lựa chọn học tiếp ở Trường Chuyên về Nghệ thuật Ivy ở Pittsburgh. Nhưng không lâu sau đó, Keith nhanh chóng nhận ra rằng ông ấy không muốn trở thành một nghệ sĩ đồ họa thương mại. Chỉ qua hai học kỳ, ông ấy đã bỏ học.
Haring tiếp tục tự học và rèn dũa nét vẽ của mình khi vẫn còn ở Pittsburgh. Đến năm 1978 thì ông đã có một triển lãm cá nhân dành cho những tác phẩm của mình tại Trung tâm Thủ công và Nghệ thuật Pittsburgh.
Cuối năm đó, Haring chuyển đến sống ở thành phố New York và ghi danh vào Trường Nghệ thuật Thị giác (SVA). Tại New York, Haring tìm thấy một cộng đồng nghệ thuật ngầm đang phát triển bên ngoài những phòng trưng bày và bảo tàng. Nơi trưng bày tác phẩm của bọn họ trên các đường phố lớn, tàu điện ngầm và trên tường các câu lạc bộ và vũ trường cũ.
Tại đây, ông kết bạn cùng hai nghệ sĩ nổi bật của phong trào Neo Expressionism (dịch thô là Tân Biểu Hiện) Kenny Scharf và Jean-Michel Basquiat, cũng như nhạc sĩ, nghệ sĩ Graffiti khác. Haring bị cuốn vào năng lượng và tinh thần của cộng đồng này và cũng bắt đầu tổ chức và tham gia các cuộc triển lãm tại Câu lạc bộ 57 và các địa điểm khác.
Khi còn là sinh viên tại SVA, Haring đã thử nghiệm với nghệ thuật biểu diễn, sắp đặt và cắt dán, nhưng niềm đam mê với hội họa của ông vẫn luôn được ưu ái nhất.
Năm 1980, Keith tìm ra một biện pháp tối ưu và mang hiệu quả cao để giúp ông kết nối với nhiều đối tượng hơn, và tăng sức lan tỏa của những tác phẩm của ông.
Một hôm, Keith nhận thấy những tấm biển quảng cáo không được sử dụng, được phủ giấy đen mờ trong một ga tàu điện ngầm. Rồi ông bắt đầu tạo ra những bức vẽ bằng phấn trắng trên những tấm giấy này trong toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm.
Trong khoảng thời gian 5 năm, từ 1980 đến 1985, Keith Haring đã tạo ra hàng trăm bức vẽ công cộng với những đường nét nhịp nhàng, có hôm còn phải đến 40 bức vẽ như vậy.
Những ga tàu điện ngầm đã trở thành một “phòng thí nghiệm” để đưa ra những ý tưởng và thử nghiệm với những đường nét đơn giản và dễ nhận ra của ông.
Ông đã sản xuất hơn 50 tác phẩm nghệ thuật công cộng từ năm 1982 đến năm 1989, tại hàng chục thành phố trên khắp thế giới, nhiều tác phẩm trong số đó được tạo ra cho các tổ chức từ thiện, bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ em và trại trẻ mồ côi.
Xuyên suốt cuộc đời của mình, Keith Haring dành phần lớn thời gian để tạo nên các tác phẩm công cộng, thường mang trong mình những thông điệp xã hội, tạo ra hình ảnh cho nhiều chương trình xóa mù chữ và các chiến dịch nâng cao đời sống của cộng đồng khác.
Sau khi bị chẩn đoán với căn bệnh thế kỷ vào năm 1988. Thì 1 năm sau đó, ông thành lập Quỹ Keith Haring, nhiệm vụ của tổ chức này là tài trợ cho các tổ chức phòng chống AIDS và các chương trình dành cho trẻ em.
Haring còn tổ chức các cuộc triển lãm, xuất bản và cấp phép hình ảnh cho những ấn phẩm của mình về căn bệnh AIDS để giúp nâng cao nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này.
Những gì Keith Haring để lại không chỉ là một kho tàng nghệ thuật đồ sộ và thú vị, mà nó còn mang trong mình những giá trị về sự nhận thức thế giới xung quanh, cổ động, chống lại sự cực đoan và lan truyền năng lượng tích cực với tất cả mọi người.
Bằng cách thể hiện các khái niệm phổ quát về sinh, tử, tình yêu, tình dục và chiến tranh qua những nét vẽ đậm chất riêng, Keith Haring sẽ còn được nhớ mãi là một trong những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20.
- 10 bức tranh đắt nhất thế giới
- Graffiti – Từ mỹ thuật tội lỗi đến hội họa hiện đại
- Review sách “The story of Art – Câu chuyện nghệ thuật”: hơn cả một cuốn sách
- Xăm hình và nghệ thuật đường phố: Cái Tôi kiêu hãnh từ rào cản định kiến
- 10 nghệ sĩ gen Z có những thực hành sáng tạo nổi bật trên thế giới