Gen Z đang dần trưởng thành chứng tỏ mình trong lĩnh vực nghệ thuật.
Mai Ta từ Sài Gòn, Shakil Solanki từ Cape Town đến Monserrat Palacios ở Mexico, Artsy vừa giới thiệu 10 nghệ sĩ gen Z có những thực hành xuyên suốt và độc đáo trên thế giới.
1. Shakil Solanki (1997, sinh sống và làm việc tại Cape Town)
Nghệ sĩ Nam Phi Shakil Solanki sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ di sản và bản sắc Nam Á của chính mình. Những bức tranh và bản in màu xanh da trời mang đậm dấu ấn trải nghiệm cá nhân anh về mất mát, đau khổ và dễ bị tổn thương.
Solanki chia sẻ: “Công việc của tôi tập trung khám phá chủ đề đồng tính thân mật trong không gian của một khu vườn bí mật, như một cuộc phiêu lưu trực quan vào tính hai mặt của nét đẹp dịu dàng cùng đó là sự ham muốn lẫn bạo lực.”
Những nhân vật ẩn danh này thường xuất hiện trong những khu vườn, trôi nổi xung quanh nhau hay lang thang trong sự yên tĩnh cô quạnh. Như nam nghệ sĩ giải thích, vẻ đẹp vừa thực vừa mơ ấy giúp các cá nhân hòa mình vào môi trường khác và tìm thấy niềm an ủi từ bên trong họ.
Thông qua thực hành của mình, Solanki mong muốn đưa ra một cuộc thảo luận mở về giới tính, chủng tộc và tình dục. Anh có cái nhìn tích cực về nghệ thuật đương đại, đặc biệt ở cộng đồng Cape Town nhỏ bé nhưng sôi động của mình.
2. Beatrice Dahllof (1998, sống và làm việc tại Melbourne và Geelong, Úc)
Được nuôi nấng trong một gia đình Ba Lan, Beatrice Dahllof coi trọng cách kể chuyện và kết hợp thần thoại, truyền thống và nghi lễ vào hoạt động nghệ thuật của mình. Sáng tác của cô nghiêng về tượng hình, các chủ thể được đặt trong bối cảnh tĩnh lặng (hầu hết là nhà ở) đồng thời thể hiện sự tự phản chiếu: cảm xúc bên trong nổi lên bề mặt, truyền tải mối quan hệ gia đình, bản chất con người được phô diễn qua thế giới nội tâm phức tạp.
Khi còn là thiếu niên, Dahllof bắt đầu vẽ tranh minh họa, và một cuộc dạo thăm tại triển lãm Degas vài năm về trước khiến cô quyết định chuyển sang phong cách ấn tượng hiện tại. “Tôi không phải là người hân mộ lớn của Degas, nhưng đó là lần đầu tiên tôi chiêm ngưỡng tranh Degas mà bị cảm động một cách khó tả.” – nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Cô cho rằng không nghệ sĩ nào có thể tạo ra tác phẩm nếu không tồn tại một cộng đồng mà họ có thể chia sẻ ý tưởng và công việc. Chính vì lẽ đó, những đồng nghiệp của Beatrice Dahllof nghiễm nhiên trở thành nguồn cảm hứng và ảnh hưởng lớn nhất trong công việc của cô.
Dahllof cho rằng một trong những thách thức đối với nghệ sĩ Gen Z là áp lực trở thành “người sáng tạo nội dung” liên tục sản xuất ảnh/video/… cho người theo dõi trên các trang truyền thông xã hội. Những nghệ sĩ trong lịch sử không thường tạo ra tác phẩm để làm hài lòng cộng đồng bằng những lượt thích và chia sẻ trên mạng như bây giờ. Họ đã sáng tạo, thử nghiệm, phát triển và học hỏi. Nghệ sĩ gen Z sẽ gặp khó khăn nếu họ bị dính mắc vào các nền tảng công nghệ này.
3. Cielo Félix-Hernández (1998, Sống và làm việc tại thành phố New York)
Sinh ra tại Puerto Rico, Cielo Félix-Hernández đã trải qua nhiều sự thay đổi do quá trình nhập cư cũng như điều kiện kinh tế khó khăn mà mẹ cô phải đối mặt với tư cách là một bà mẹ đơn thân đang nuôi dạy ba đứa con. Thường xuyên di chuyển trên chiếc Honda Civic của mẹ với lá cờ Puerto Rico kiêu hãnh treo lơ lửng trên chiếc gương chiếu hậu, những khoảnh khắc ấy đã truyền cảm hứng cho nghệ thuật của cô.
Cielo Félix-Hernández lo ngại rằng những nghệ sĩ thuộc thế hệ mình không được coi trọng, một phần đến từ tuổi tác quá trẻ để có thể nắm giữ bất cứ kiến thức hay đóng góp nào cho những cuộc đối thoại đang diễn ra. Tuy nhiên, cô cũng đồng thời nhấn mạnh cộng đồng gen Z là nguồn động lực mạnh mẽ giúp cô cảm thấy công việc của mình hữu ích. Hội họa của cô thường chú tâm vào những trải nghiệm cá nhân qua góc nhìn tích cực.
4. Monserrat Palacios (1999, sinh ra và làm việc tại thành phố Mexico)
Sáng tạo của Monserrat Palacios mô tả về những thế giới khác với chi tiết kỳ cục nhưng giàu thẩm mỹ, như người máy, sinh vật biển, đời sống thực vật, sinh vật lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Các bản vẽ và tranh vẽ bằng bút chì màu của cô nổi bật với vô vàn chi tiết, chủ yếu xuất ra từ trí nhớ. Với cô, trí nhớ không cố định, mà luôn linh hoạt. Chất liệu cô chọn bao gồm bút chì, sơn dầu truyền thống cũng như nghệ thuật kỹ thuật số và nghệ thuật sinh học (bio art).
Theo cô, những thách thức mà thế hệ này phải đối mặt là sinh thái và kinh tế. Những hệ thống phức tạp đòi hỏi tư duy phức tạp, và yêu cầu bức thiết được đặt ra với một nghệ sĩ như cô, là không đánh mất chính mình khi đối mặt với sự quá tải của những hoạt động đang diễn ra bên ngoài.
“Tôi tin rằng sự sáng tạo không bao giờ được sinh ra từ vùng an toàn. Nó không bao giờ được sinh ra nếu không có sự đấu tranh trước đó.” – Palacios chia sẻ.
5. Signe Ralkov (1997 sinh ra và làm việc tại Copenhagen)
Tự nhận mình là một nhà thu thập hình ảnh, Signe Ralkov lấy cảm hứng sáng tác từ chúng. Tác phẩm của cô hầu chỉ chỉ được thực hiện bằng màu xanh lam.
Signe Ralkov hiện đang theo học tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch. Cô đã duy trì sáng tạo bằng màu xanh lam trong hơn 6 năm qua, và chủ yếu sử dụng bút chì màu để tạo ra những tác phẩm với đề tài con người và thiên nhiên. Trong quan niệm của cô, những thứ như hồ, đá, thực vật và các địa điểm là sự sống và đôi khi được cho là một cơ thể. Cô bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những câu chuyện dân gian và thần thoại – những câu chuyện trong lịch sử giúp chúng ta hiểu về những hiện tượng chẳng thể lý giải.
Gần đây, cô rất thích hình dung dữ liệu, đặc biệt liên quan đến môi trường tự nhiên của chính cô ấy. Signe Ralkov làm việc từ những bức ảnh được lưu trữ trực tuyến trên máy tính của mình và lấy nước làm chủ đề lặp đi lặp lại trong công việc.
“Tôi thích thành phố được bao quanh bởi nước. Vào những ngày ấm áp, tôi có thể làm việc trong studio của trường và đi bộ năm, mười phút tới bến cảng để bơi.” Signe Ralkov chia sẻ.
Cô sống ở ngoại ô Copenhagen, nơi có một công viên lớn với các hồ nước và đầm lầy mang đén thời gian thư giãn sau những ồn ào hàng ngày của cuộc sống.
6. Megan Dominescu (1997, sinh ra tại Maastricht, Hà Lan. Sống và làm việc ở Bucharest)
Megan Dominescu từng học hội họa tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Bucharest nhưng sau đó đã chuyển sang dệt may. Từ những nhân vật được đan móc với kích thước như người thật đến những cảnh móc thảm gồm nhiều chủ thể kỳ quái và người ngoài hành tinh, tác phẩm của Dominescu kết hợp những chủ đề khó hiểu qua hình ảnh vui nhộn. Cô sử dụng sự hài hước để truyền tải những khó khăn mà mọi người đang phải đối mặt với sự “vô lý” mà thế giới chúng ta sống.
Công việc của Megan Dominescu thể hiện một cách trực quan và cô không tự vấn chính mình quá nhiều trước khi tạo ra một thứ gì đó. Sống ở Bucharest giúp cô tiếp xúc với một nền nghệ thuật nhỏ nhưng sôi động, mà như cô nhấn mạnh, chất lượng tốt hơn số lượng. Cô tin rằng giao lưu văn hóa là chìa khóa để các nghệ sĩ biết đến nhau và kết nối, học hỏi lẫn nhau.
Dominescu tin rằng các nghệ sĩ gen Z có tinh thần trách nhiệm và ý thức bản thân cao hơn các thế hệ trước. Họ tìm kiếm những phương tiện truyền thông mới và hướng tới tương lai chứ không phải quá khứ.
7. Omar Gabr (1999, sinh ra và làm việc ở Cairo)
Trong series Funny Effects của Omar Gabr, sự hài hước và vô lý đã được đưa ra để thể hiện những phẩm chất phức tạp của con người. Nam nghệ sĩ đặt mục tiêu làm nghệ thuật tập trung vào con người, chính trị và các vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, đặc biệt là ở thành phố Cairo, quê hương anh.
Với Gabr, thế hệ Z ở Ai Cập là một thế hệ khá “bối rối”, bởi họ đã và đang trải qua một số cuộc cách mạng và những bất ổn về mặt chính trị và kinh tế. Anh chỉ trích nền giáo dục công cộng dành cho người dân ở Ai Cập và sự kiểm duyệt gắt gao mà người nghệ sĩ phải đương đầu. Các phòng trưng bày và triển lãm do chính phủ hậu thuẫn không muốn chấp nhận những tác phẩm đương đại, điều đó là đi ngược lại các chuẩn mực. Nhưng Gabr tin rằng khó khăn này là động lực giúp thúc đẩy tính chân thực của tác phẩm.
8. Mai Ta (1997, sinh ra và làm việc tại Sài Gòn)
Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Thị giác ở New York vào năm 2019, Mai Ta trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật. Ở trường, cô bị ảnh hưởng nhiều bởi các giáo sư giảng dạy, đặc biệt là tầm nhìn cụ thể của họ về một tác phẩm, nhưng sau khi tốt nghiệp, mọi thứ đã thay đổi.
Giờ đây, sáng tác của cô dựa trên cách mà cô muốn mọi người nhìn nhận và nghĩ như thế nào về mình. Nhìn vào sáng tác của Mai, ta thấy một thế giới thiền định sâu sắc trong bối cảnh tối giản, thể hiện nội tâm của cá nhân cô. Có nhiều bức tranh cô chú tâm vào chủ thể nữ duy nhất, đại diện cho chính mình. Gần như, mọi thứ đều là một bức chân dung tự họa.
Tóc là một họa tiết mà Mai Ta thường xuyên sử dụng. Khi cô tìm hiểu về phụ nữ Việt Nam, cô nhận ra mái tóc chứa đựng nhiều sức mạnh tinh thần. Đã có thời kỳ, cô dùng mô típ cắt tóc để tượng trưng hco sự thay đổi. Trong những tác phẩm gần đây, cô miêu tả những mái tóc đen dài nhằm khơi gợi sự bí ẩn và mạnh mẽ.
9. David Uzochukwu (1998, sinh ra tại Innsbruck, Áo. Sống và làm việc tại Berlin)
Trong triển lãm gần đây mang tên “Mare Monstrum / Drown In My Magic” tại Galerie Number 8 ở Brussels, David khám phá ối quan hệ giữa người châu Phi và nước, sự quan tâm của các cá nhân đến cộng đồng người da màu, chính trị di cư thời hiện tại…
Chủ thể mang tinh thần thần thoại xuất hiện tràn ngập các tác phẩm của David Uzochukwu. Anh đã phát triển một ngôn ngữ hình ảnh làm mờ ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế.
David Uzochukwu bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh vào năm 13 tuổi và tạo ra nhiều bức ảnh siêu thực trong vài năm qua. Anh cũng nghiên cứu sâu vào công việc sáng tạo video và đồng đạo diễn phim ngắn đầu tiên mang tên Götterdämmerung (2021) với Faraz Shariat.
10. Trenity Thomas (1999, sinh ra và làm việc tại New Orleans)
Mặc dù khởi đầu là một nghệ sĩ nhưng sau đó, Trenity Thomas đã phát triển sự nghiệp của mình như một nhiếp ảnh gia. Anh lấy cảm hứng từ bạn bè và gia đình, cũng như các bộ phim, đặc biệt từ các bộ phim của Roger Deakins.
Xem thêm:
- 10 nữ nghệ sĩ tiêu biểu của trường phái nghệ thuật tối giản
- 11 tựa sách hay dành cho người yêu nghệ thuật
- “Tiếng thét” của Edvard Munch và tiếng thét trong thế giới của chúng ta
–
MENBACK.COM