Hòa âm là một bộ môn không dễ chút nào, là một con đường nghệ thuật không được trải đầy hoa như nhiều người nghĩ.
Hòa âm, theo nghĩa chung của tiếng Việt là âm thanh hòa hợp; nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến ý nghĩa hòa âm trong phạm vi âm nhạc. Tôi không có tham vọng để nói về lịch sử dày dặn của bộ môn hòa âm, nhưng chỉ xin được góp vài dòng suy nghĩ, mô tả một vài khái niệm cơ bản, để giúp cho người đọc hiểu hơn về giá trị thật của môn học này, môn học mà tôi đã phải trải qua rất nhiều thời gian và công sức mới có thể lĩnh hội được.
Cũng nhiều năm rồi, khi thấy mình hiểu được nó, lúc đó tôi mới nhận ra được rằng, đây chính là con đường duy nhất dẫn ta vào âm nhạc; và bản thân có thể quả quyết rằng cho dù bạn có là một nhạc sĩ hay đàn sĩ nổi tiếng trên thế giới này, nếu ngày nào bạn chưa được học hòa âm, chưa hiểu thấu về hòa âm thì thực sự bạn vẫn là người ngoại đạo với âm nhạc. Nhưng hòa âm là một môn học không dễ chút nào, là một con đường nghệ thuật không được trải đầy hoa như nhiều người nghĩ.
Sự hoà điệu của thanh âm
Trong âm nhạc, có thể nói nôm na hòa âm nghĩa là một công việc tô son điểm phấn trên một nhạc đề hay ca khúc nào đó, bằng cách thêm vào những dấu nhạc dành cho những bè hát hoặc những tiếng đàn địch kèn sáo trống phách các loại… sao cho hòa hợp. Chính vì sự hoà hợp tuyệt diệu này, mà bộ môn trong tiếng Anh là chữ Harmony, Pháp: Harmonie và Ý là Armonia.
Trước hết, xin nói về sự biến hóa phong phú của hòa âm.
Thoạt trông có vẻ đơn giản, thế nhưng hoà âm có rất nhiều thể dạng tuỳ theo mục đích sử dụng của người thực hiện. Đơn cử như để hòa âm cho một dấu nhạc, ta có thể có đến ba bốn chục hợp âm dùng để hòa âm, ba bốn chục tình trạng để tô son điểm phấn cho chỉ một dấu nhạc đó mà thôi. Và như bạn cũng biết, một nhạc đề có nhiều dấu nhạc, thì chúng ta cũng có từng đó bè hoà âm để luân chuyển và hoà phối.
Cũng xin nói thêm, nếu chúng ta viết thêm bè hòa âm vào một ca khúc nào đó, mà những bè hòa âm này dành cho giọng hát thì ta gọi là hòa âm cho hợp xướng, nhưng nếu những bè hòa âm được viết thêm vào mà để cho một hoặc nhiều thứ nhạc cụ chơi thì ta gọi là viết hòa âm cho bản đệm đàn, hoặc viết bè hòa âm cho nhiều thứ đàn địch kèn trống thì ta gọi là phối khí – một khái niệm khá phổ biến với những người yêu môn học này. Phối khí cũng là một kĩ thuật thật sự thú vị, và dĩ nhiên chúng ta cũng cần một số nền tảng cơ bản để có thể khám phá đến tận cùng.
Nói dễ hiểu, bản phối khí chẳng qua là bản đệm đàn mà tiếng Anh gọi chung là accopaniment, tiếng Pháp kêu là accompagnement hay người Ý gọi là accompagnare, nghĩa của nó là tháp tùng hay hộ tống, chức năng của nó như là trải thảm, dòng ca của ca khúc như những con ong con bướm bay lượn bên trên.
Thế nhưng, người Đức lại gọi bản đệm đàn là bekleidung, nghĩa là mặc áo. Tôi tâm đắc từ này hơn vì trong chuyên môn, nó không những hội tụ đủ các ý nghĩa ở chữ accompagnare, mà còn ẩn chứa sự tinh tế.
Bởi lẽ hình ảnh chiếc áo thường chỉ được may đo cho từng cá nhân, nếu được thêu dệt công phu bằng kỹ thuật khéo léo và tinh thần riêng biệt thì sẽ càng mang đến vẻ lộng lẫy và quý phái cho người mặc.
Quý vị sẽ cảm nhận rõ điều này nếu có thì giờ để xem và nghe những tác phẩm của các bậc thầy như Verdi, J.S.Bach, Mozart … Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm một nhận thức khác rằng, bản đệm đàn chính là một thành tố không thể thiếu trong một tác phẩm.
Cũng cần nói cho đủ rằng khi chúng ta viết thêm bè mà ta gọi là viết hòa âm, thì trong đó nếu ta có sử dụng các kỹ thuật của bộ môn hòa âm (armonia) hay đối âm (contrario puncto) hay tẩu pháp (fuga) thì cũng đều gọi chung là hòa âm tác phẩm đó.
Và khi trở thành một môn đệ của hoà âm nghĩa là chúng ta sẽ học các kỹ thuật của bộ môn hòa âm, đối âm, phối khí cho dàn nhạc lớn nhỏ, hình thể âm nhạc … cuối cùng mới là kỹ thuật tẩu pháp. Một điều chắc chắn rằng sau khi hoàn tất môn tẩu pháp, con đường trở thành nhạc sĩ chân chính đã gần như được chinh phục thành công.
Như vậy, giá trị và chức năng của công việc hòa âm rõ ràng là để làm cho dòng ca là nhạc đề được đánh nổi, được đánh nổi như thế nào thì còn tùy thuộc vào kiến thức và tài nghệ cũng như kinh nghiệm của nhạc sĩ. Và nói đến đây, có lẽ chúng ta đã nhận ra rằng công việc hòa âm không hề đơn giản.
Tất cả các dấu nhạc của những bè hòa âm một nhạc đề nào đó đều được nhạc sĩ cân nhắc suy tính cẩn thận, để sắp đặt chúng theo một trật tự dựa trên các quy luật chính thống của nghệ thuật – những tinh tuý được đúc kết từ nhiều thế hệ trên thế giới và được công nhận trong các chương trình giảng dạy giáo khoa âm nhạc.
Điểm thú vị có thể thấy ở bộ môn hoà âm chính là đi tìm kiếm sự lôgic và chính xác của toán học trong vẻ đẹp thẩm mỹ bay bổng của nghệ thuật. Cũng chính vì đặc thù này, trong khi học, chúng ta sẽ thấy có những qui tắc ở giai đoạn đầu không cho phép nhưng về sau lại được dùng, có những điều không nên nhưng không phải là sai, có những cái đúng nhưng không phải phải lúc nào cũng tốt, và có những điều phải học qua nhưng có thể suốt đời không bao giờ dùng đến…
Vì lẽ này, vai trò của công tác giảng dạy bộ môn hoà âm là vô cùng cần thiết, bởi những người hướng dẫn sẽ giúp chúng ta nhận ra, đâu là những kiến thức cần và đủ, đôi khi còn tạo sức ảnh hướng khá lớn đến định hướng sáng tác của học viên cũng như cảm thụ của họ dành cho môn học. Một thực tế chứng minh cho điều này chính là trường hợp của Mozart, khi thiên tài âm nhạc vẫn cần sự giáo dưỡng từ người cha và người chị – những người thầy nghiêm khắc đầu đời. Và sau này khi đã thành danh, ta cũng dễ thấy có những giai đoạn mà các tác phẩm của ông bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Johann Christian Bach và của Joseph Haydn – hai người thầy chính thức của thần đồng lừng lẫy.
Học hoà âm: Để làm gì?
Đây là một câu hỏi mà rất nhiều học viên đã thắc mắc với tôi, cũng như tự hỏi chính bản thân họ. Thật vậy, theo như kinh nghiệm bản thân, môn học này không khó và cũng chẳng có gì là bí mật, nó cũng chẳng đòi hỏi người ta phải có chỉ số thông minh cao, nhưng mọi sự thành công đều thuộc về hai yếu tố: tư duy bền bỉ liên tục và cảm xúc tinh tế.
Vậy thì làm sao để có được hai điều này?
Chúng ta có thể tập nuôi dưỡng những cảm xúc, với định nghĩa tinh tế từ chính mỗi người. Tập chơi đàn nhiều tác phẩm, chơi đến mức thuộc long càng tốt, nghe thật nhiều những tác phẩm kinh điển, và càng tốt hơn khi được người thầy có kinh nghiệm hướng dẫn cho ta nghe. Sự kiên trì cũng là cách chúng ta đạt được mọi thành công, chứ không chỉ trong việc học hoà âm đơn thuần.
Và quan trọng hơn, để có thể theo đuổi bộ môn này thì sự tập trung nghiêm túc gần như là thiết yếu, bởi hành trình thu nạp kiến thức âm nhạc cổ điển hiệu quả không có cách nào khác ngoài việc học từ gốc đến ngọn. Chỉ có kiến thức đầy đủ, thì chúng ta mới có thể nhận diện hình thể âm nhạc (forma) của từng loại nhạc, như hình thể sonata có kiểu viết hòa âm của nó, serenade có cách giải quyết của nó, opera có đường lối riêng của nó…, và mỗi hình thể đều có cách hòa âm và một cấu trúc nhất định. Nếu không hiểu một cách tinh tường thì ta không thể làm đúng, chứ chưa bàn luận đến việc làm hay.
Riêng bản thân tôi, ngày đi học cũng đã được thầy nghiêm túc dặn dò phải cam đoan rằng, ngoài việc học nhạc ra tôi không được học một môn học nào khác, và ngoài việc học nhạc ra tôi cũng không được làm việc gì khác kể cả những việc liên quan đến âm nhạc! Tại các trường nhạc danh tiếng thế giới như Nhạc viện Hoàng gia Luân-đôn Anh, việc cấm sinh viên không tham gia biểu diễn có công chúng trong thời gian đi học cũng được tôn trọng tuyệt đối. Bởi lẽ tự nhiên, một nghệ sĩ chân chính sẽ không chọn biểu diễn nếu cảm thấy anh ta vẫn còn đang trong thời kì rèn luyện, vì tác phẩm gửi đến khán giả sẽ không thể hoàn thiện.
Thế nhưng, một điều khá đáng buồn là tại ngay đất nước chúng ta, việc tuân thủ nguyên tắc này vẫn còn khá lỏng lẻo và từ đó, việc dạy và học những bộ môn như âm nhạc cổ điển vẫn gặp nhiều khó khăn, giữa thị trường âm nhạc đa dạng và có vẻ “ăn liền” như hiện tại.
Có một số người hiểu công việc hòa âm cũng khá đơn giản, với một bản nhạc ca khúc có sẵn trên giấy, người ta viết vài dấu nhạc đầu cho một nhạc cụ nào đó để gọi là Intro, rồi trên mỗi measure người ta điền tên những hợp âm vào như Am, Csus, Ddim … rồi có vài chỗ đánh dấu Fill in hay là Variation (thường gọi là giang tấu), hay là Coda (để kết thúc)…
Thế là hoàn tất bản phối khí viết tay, sau đó các nhạc công cứ theo như thế mà tùy khả năng của mình mà tự do ứng biến nóng bỏng theo trí tưởng tượng, và người ta thường gọi như vậy là hòa âm phối khí xong một bản nhạc rồi!
Hoặc có thể viết những hợp âm và các ký hiệu trên các dấu nhạc của ca khúc xong, người ta có thể dùng cây đàn Organ điện tử tân kỳ để thao tác các nút chức năng hoặc nhấn vài phím đàn cho chúng đệm tự động bằng những hợp âm rập dấu hay trải dấu đã được cài đặt sẵn, chỗ nào cần pha tiếng này tiếng kia cho sắc tiếng mới lạ thì thay đổi dễ dàng như trở bàn tay!…
Hiện tượng này tôi quan sát khá phổ biến ở một số phòng thâu âm cá nhân lẫn cả chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, với kỹ thuật tân tiến hiện nay cùng với sự can thiệp của máy điện toán, người ta lại có thể hòa âm phối khí tự động hóa tất cả bằng những chương trình phần mềm chuyên dùng. Tôi vội nghĩ, nếu gọi việc làm này là hòa âm, là phối khí, thì trong khoảng một khắc tôi có thể hoàn tất được bản hòa âm phối khí một ca khúc với đầy đủ tất cả những gì cần cho nó.
Thế nhưng, sản phẩm này sẽ mãi mãi không thể là một điều gì đó khiến chúng ta trân trọng, tự hào. Học môn học nào cũng vậy, cái cùng đích của nó là dạy ta làm người, cái đích điểm của cái Nhân cần phải có là chân – thiện – mỹ.
Tôi không dám quảng diễn xa hơn, nhưng nếu là trong môn học hòa âm, tôi có thể khẳng định, những qui tắc, những luật lệ khách quan do người xưa để lại đã trở thành mô phạm giáo khoa hoàn hảo. Và chỉ khi học đầy đủ để thực hành những qui tắc và luật lệ đó, những học viên mới dần cảm nghiệm được cái gọi là thị hiếu thẩm mỹ khách quan từ tiêu chuẩn mực thước, để khám phá và sáng tạo nên những giá trị thuộc về mình.
Và cũng chính những tiêu chuẩn trông có vẻ khô khan đó sẽ giúp người học hoà âm dần hình thành cái lương tri của người nghệ sĩ chân chính, điều mà một sớm một chiều không thể xây dựng được. Đó lại là điều cần thiết nhất để đường hoàng trở thành nghệ sĩ, bất kể theo đuổi âm nhạc cổ điển hay tân thời.
Văn là người, âm nhạc cũng là người
Người ta thường nói xem văn biết người.
Âm nhạc cũng là một thứ ngôn ngữ kết nối thế giới, và như vậy, một tác phẩm vẫn có thể giúp chúng ta nhìn thấu tính cách, cảm xúc cho đến chuyên môn của tác giả. Theo tôi được biết, tất cả các trường nhạc trên thế giới đều thừa nhận rằng, các qui tắc và luật lệ của khoa hòa âm cổ điển luôn là mực thước để đo lường khả năng chuyên môn về âm nhạc của học trò dù bạn có ở ngành nào.
Như thế cũng có thể suy ra rằng, ta phải thông thạo và am tường các qui tắc luật lệ của kỹ thuật hòa âm cổ điển cũng như cấu trúc hình thể âm nhạc, thì mới có thể từ đó mà hiểu được thế nào là nhạc Jazz, thế nào là nhạc Blue, thế nào là Rock và thế nào là nhạc tân thời hiện đại.
Nghĩa là cho dù là hình thể nào đi nữa thì cũng phải có cách thức riêng, có lề lối riêng, có câu chuyện riêng, chứ không thể liều lĩnh sáng tác rồi gán cho nó cái tên tân thời phá cách.
Đúng là công việc hòa âm không bao giờ là đơn giản, học hòa âm thì càng không đơn giản, bởi lẽ khi mình viết thêm bè trên một bài nhạc có sẵn, thì có nghĩa là ta đang sáng tác vậy, đó là sáng tác lần thứ hai dựa trên những gì đã được sáng tác. Và đối với tôi, mỗi học trò chính là một người đồng hành không chỉ trên trường lớp mà còn là suốt quá trình trưởng thành trong âm nhạc của họ, không hề gián đoạn. Việc học sẽ thường trải qua ba giai đoạn, giai đoạn đầu là học và bắt chước, giai đoạn kế đến là bắt chước và biểu lộ cá tính, cuối cùng là chỉ biểu lộ cá tính mà thôi. Nghĩa là, kiến thức hấp thụ xong chính là lúc cá nhân toả sáng, không thể nhanh, cũng không thể chậm, chỉ là đúng lúc.
Một sứ vụ thiêng liêng, có thể gọi là như vậy, đó là tôi vẫn đang tiếp bước và nối dài cánh tay của thầy mình (1) trong việc giảng dạy bộ môn này. Thực ra mà nói, với những gian khó vất vả, công sức và thời gian của cả thầy lẫn trò mà môn học này đòi hỏi, đã làm cho biết bao người e dè ngại ngùng khi phải nói đến chuyện đi học, hơn thế nữa, nó cũng là yếu tố khiến cho bao học trò phải bỏ gánh giữa đường… như đã nói, nếu ai kiên tâm bền bỉ thì sẽ thành công, bạn sẽ nếm hưởng được cái vẻ đẹp toàn diện của ngành nghệ thuật này.
Có một chuyện khiến bản thân cảm thấy vững tâm hơn.
Tôi có một anh học trò mà cách đây vài năm, sau khi được chịu chức linh mục thì anh này được sang trời tây du học về âm nhạc. Sang Pháp, cha được vào học ngành Thánh nhạc ở Học viện Công Giáo (Institut Catholique), vì cha có năng khiếu và siêng năng nên được Học viện cho ra ngoài để học thêm về chuyên môn âm nhạc tại Consevatoire de Paris, nơi mà họ chỉ nhận những sinh viên ưu tú của cả nước và của khối Âu châu.
Môn học đầu tiên và cũng là môn duy nhất bắt buộc là môn hòa âm. Sau khoảng một năm học, người gọi điện thoại về và nói chuyện với tôi một cách phấn khởi vui mừng, vì nhờ có kiến thức trong những thời gian học hòa âm tại nước nhà đã giúp cha vượt qua khá nhanh những học phần của bộ môn này, cha đã nói rằng: “không ngờ thầy ở một nơi xó xỉnh trên nước Việt Nam lại đang làm một việc mà thế giới người ta đang làm”, theo như người nói, các luật lệ và qui tắc của hòa âm vẫn thế không thay đổi, chỉ khác một điều là khi làm bài hòa âm, giáo sư bắt buộc mỗi bè mỗi giọng phải được viết riêng biệt độc lập trên một dòng kẻ (staff) mà không được viết hai hoặc ba bè… Thế là tôi không cảm thấy cô đơn nữa, một cảm giác mà thỉnh thoảng vẫn có trong sứ vụ của mình!
Xem thêm:
- Cách dùng dao nĩa và napkin đúng nghi thức văn hóa phương Tây
- Quản gia – xu hướng mới của gia đình thượng lưu
- Những môn thể thao yêu thích của giới siêu giàu