Hiếm có bộ phim nào lại làm tôi có nhiều cảm xúc đến thế. Bộ phim Hàn Quốc “Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân” (2003) tuy là phim Phật giáo, nhưng nó cũng mang tính đại chúng.
Diễn biến bộ phim xảy ra bên trong và xung quanh một ngôi nhà nổi trên một chiếc bè trong một cái hồ nhỏ, và bên trong không gian xinh xắn này nó chứa đựng sự sống, niềm tin, sự trưởng thành, các cảm xúc tình yêu, ghen tị, căm ghét, độc ác; sự bí ẩn, sự cứu rỗi… và thiên nhiên. Thêm vài nhân vật: chó, gà trống, mèo, chim, rắn, rùa, cá và ếch.
Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân
Ngôi nhà một phòng trong phim có thể là một phòng tu tập của một nhà sư. Bộ phim bắt đầu với hình ảnh một nhà sư và một cậu bé chú tiểu. Nhà sư thức dậy, đánh thức cậu bé, cúi đầu đọc kinh trước một tượng Phật, và gõ mõ tạo ra một âm thanh vang vọng. Thói quen hàng ngày này hiếm khi thay đổi.
Hồ được những bức tường rừng hoặc đá dốc đứng bao quanh tứ phía, có vài chỗ được mở ra nhờ các khe núi. Có thể đến chùa thông qua hai cánh cửa lớn bằng gỗ sơn, được mở ra để giới thiệu từng mùa của bộ phim và đóng khung ngôi nhà nổi. Những cánh cửa này không ngăn cản bất kỳ ai, bởi vì người ta sẽ chỉ phải đi bộ vòng qua chúng và thấy phần còn lại của mép hồ rộng mở và tự do. Nhưng những cánh cửa này luôn được tôn trọng.
Bên trong ngôi nhà cũng vậy. Nhà sư và cậu bé ngủ trên những tấm ván ở hai bên phòng. Dưới chân mỗi chỗ ngủ là một cánh cửa. Mặt khác, cánh cửa này luôn mở trong căn phòng và luôn có thể nhìn thấy được. Nhưng khi nhà sư đánh thức cậu bé, ông phải cẩn thận mở cửa và bước vào, thay vì chỉ gọi cậu hoặc bước quanh cửa. Một số người sẽ chiếm những chỗ ngủ này trong suốt bộ phim, và họ sẽ luôn coi cánh cửa như thể nó có một chức năng cửa trong thực tế… ngoại trừ vài lần trong bộ phim.
Chúng ta học được gì từ những cánh cửa không đóng mở này? Tôi nghĩ chúng không phải là biểu tượng mà là những bài học. Chúng dạy mọi người rằng điều quan trọng là phải tuân theo phong tục và truyền thống, đi theo con đường mà những người khác đã đi, tôn trọng những gì đã để lại cho họ.
Những ý tưởng văn hóa được lồng vào làm cho hình ảnh này có sức thuyết phục đối với chúng ta. Chúng ta có một quan niệm được lý tưởng hóa và lãng mạn hóa về trí tuệ cổ xưa của Phương Đông. Chúng ta chấp nhận việc một nhà sư sống ẩn dật trong nhiều thập kỷ – chẳng hạn như thiền định trong một hang động trên núi Tam Cốc hoặc Yên Tử. Nếu một con người hiện đại bây giờ mà sống cô độc trên một chiếc bè trong hồ với một đứa con nhỏ, và anh ta mong con mình sẽ tiếp tục ở đó sau khi anh ta chết, điều đó sẽ có vẻ bất thiện đối với chúng ta.
Nhưng kiểu suy nghĩ đó không bao giờ xâm chiếm tâm trí chúng ta khi xem bộ phim này. Chúng ta dễ dàng rơi vào chủ đề của bộ phim: câu chuyện về sự vượt thời gian, về sự siêu việt của vĩnh cửu của nó làm tâm hồn chúng ta rung động. Sống trên một chiếc bè trên hồ qua một mùa đông lạnh giá sẽ không dễ chịu chút nào. Trong bộ phim này, đó là vòng luân hồi của các mùa trong năm. Vẻ đẹp và sự thanh bình của bộ phim trở nên quyến rũ và hấp dẫn. Chúng ta chấp nhận hồ nước là trung tâm của sự tồn tại.
Chiếc thuyền chèo cũ kỹ nhưng được sơn đẹp đẽ đã đưa hai người đến bờ bên kia. Cậu bé thường lên bờ để thu thập các loại thảo mộc mà nhà sư đã dạy cho cậu. Một ngày nọ, cậu bé chèo thuyền vào bờ và chơi trong một cái ao nhỏ. Cậu nghịch ngợm buộc một sợi dây xung quanh một con cá và một viên đá nhỏ vào đầu kia để khiến con cá khó bơi, sau đó bật cười. Cậu tiếp tục giở thủ đoạn độc ác này đối với một con ếch và một con rắn, mà không biết rằng nhà sư đã bí mật theo dõi cậu.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cậu bé thấy một hòn đá bị buộc vào lưng mình. Nhà sư ra lệnh cho cậu phải quay trở lại bờ và thả các con vật hôm qua cậu đã buộc lại với hòn đá. “Nếu một trong số chúng đã chết, con sẽ phải luôn mang viên đá đó trong tim.”
Cuối mùa xuân. Tôi sẽ không kể chi tiết diễn biến tiếp theo của bộ phim, ngoài việc rằng khi một cô gái đến chùa để được chữa khỏi, cô ấy và cậu bé (bây giờ là một chàng trai trẻ) yêu nhau. Nhà sư cho rằng tình dục có thể là một phần trong cách chữa trị cho cô gái, nhưng cảnh báo về sự tức giận: “Sắc dục đánh thức ham muốn chiếm hữu. Và điều đó tạo ra ý định giết người”.
Review phim
Phim này của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk, với vai diễn trong phim đóng cậu bé khi ở tuổi trung niên, quay lại chùa và tiếp tục tu tập. Ông có xu hướng tập trung vào các cảnh quay bạo lực và tình dục mãnh liệt, mặc dù cảnh quay dạng này là quay một lần duy nhất từ xa, thay vì gồm nhiều cận cảnh như các phim phương Tây. Các cảnh khỏa thân và tình dục trong phim “Xuân hạ thu đông” là bối cảnh, chứ không phải mục tiêu chính.
Điểm cộng của phim này là thay vì tuyên truyền về Phật pháp và làm người xem chán ngán, thông điệp của phim rất nhẹ nhàng. Phim hầu như không có hội thoại, không có giải thích, không có lý luận dài dòng. Chỉ có những số phận con người.
Đời người là nhân vật chính diện, còn thời gian và sự thay đổi là các nhân vật phản diện của phim này. Để có thể sống ở đời, chúng ta bắt buộc phải đối mặt với các nhân vật phản diện này và tìm cách vượt qua chúng.
Phim Xuân Hạ Thu Đông... Rồi Lại Xuân dành 1 giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Chunsa 2003, giải phim hay nhất của Giải thưởng phim Blue Jong (Hàn Quốc-2003), giải phim hay nhất Liên hoan Dae Jong lần 41 (Grand Bell Awards) năm 2004, giải thưởng của khán giả Liên hoan phim quốc tế ở San Sebastian (2003), bốn giải thưởng tại Liên hoan phim Locarno (trong đó có giải Young Critics Award), phim nổi bật nhất tại Liên hoan phim quốc tế Vladivostok của các nước châu Á - Thái Bình Dương, đoạt giải thưởng phim nước ngoài hay nhất tại giải thưởng điện ảnh Golden Fleece của Nga năm 2004, được đề cử nhiều giải thưởng khác, đoạt danh thu hơn 9,5 triệu USD. Tờ The New York Times đã viết về bộ phim "Chủ đề của Spring là tinh thần kỷ luật, mà vị sư phụ đã chắt lọc tập hợp thành các bài học, cũng như phim, tự bản thân đã rõ ràng và khó hiểu. Nó cũng phản ánh các khía cạnh của Phật giáo luôn luôn không được đánh giá đầy đủ ở phương Tây, thường dí dỏm và đôi khi khắc nghiệt".
Tác giả: Cù Tuấn
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK