Được phát minh vào cuối thế kỷ 17 để báo giờ buổi đêm – những chiếc đồng hồ điểm chuông – đại diện cho một cơ chế đồng hồ phức tạp, đồng thời đem lại sự thân thiết với cảm xúc mãnh liệt mà nó khơi dậy, lại cũng vừa thơ mộng bởi khúc điệu du dương của thời gian.
Một điểm nhấn khác của đồng hồ điểm chuông, đó là trong trường hợp không đi cùng các chức năng bổ sung, chúng hầu như không thể phân biệt được về mặt ngoại hình với những chiếc đồng hồ hai hoặc ba kim cổ điển, dù chứa đựng một bộ máy phức tạp hơn nhiều lần. Hãy cùng Menback tìm hiểu xem đồng hồ điểm chuông là gì, nguồn gốc và cơ chế của những tuyệt tác kết hợp giữa cơ khí và nhạc cụ này, qua tài liệu của Vacheron Constantin – nhà chế tác đồng hồ lâu đời nhất Thế giới.
Đồng hồ điểm chuông là gì?
Đồng hồ điểm chuông là một chiếc đồng hồ có chức năng phát ra tiếng chuông hoặc những giai điệu ngắn trên bộ chuông theo các khoảng thời gian để đánh dấu thời gian đã trôi qua.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là chức năng phức tạp có lịch sử lâu đời nhất trong lĩnh vực chế tác đồng hồ, đại diện cho một cơ chế đồng hồ mang tính di sản, trường tồn với thời gian.
Nguồn gốc của đồng hồ điểm chuông
Trong thế giới của nghệ thuật chế tác đồng hồ, những tạo tác điểm chuông thường được nhìn nhận như những kiệt tác kết hợp khoa học cơ khí với chất lượng âm học của nhạc cụ để cô đọng thời gian thành âm thanh, hay hơn nữa, giai điệu.
Quay ngược thời gian lại những ngày mà điện còn là một điều gì đó xa lạ, những chiếc đồng hồ điểm chuông đã xuất hiện với một lý do thực tế: nắm bắt thời gian trong bóng tối. Trong số những chiếc đồng hồ điểm chuông lâu đời nhất, chiếc đầu tiên sở hữu một bộ lặp khắc, xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ 17. Tiếng chuông đầu tiên này vang lên nhờ phát minh năm 1675 về lò xo cân bằng, giúp đảm bảo độ chính xác cao hơn, cũng như sự ra đời của kim phút.
Đồng hồ không còn chỉ giờ, mà còn chỉ phút – hoặc ít nhất là chỉ khắc. Do đó, các nhà sản xuất có thể nghĩ đến việc sử dụng chúng trong bóng tối, một thử thách mà Vacheron Constantin đã chinh phục vào năm 1819 với một chiếc chiếc đồng hồ với bộ lặp khắc cũng như cơ chế kim giây giật độc lập.
Mặc dù những chiếc đồng hồ với bộ lặp phút đầu tiên đã ra đời ở Đức vào khoảng năm 1710, nhưng chúng chỉ được hoàn thiện vào cuối thế kỷ đó với sự thay thế những chiếc chuông không quả lắc bằng cồng lò xo. Việc sử dụng những lưỡi xoắn này, vẫn được sử dụng trong đồng hồ điểm chuông ngày nay, giúp giảm đáng kể độ dày của vỏ, cũng như thu được âm thanh rõ ràng hơn. Kỹ thuật này đã được Vacheron Constantin nắm giữ hoàn hảo, và cho ra đời chiếc đồng hồ với bộ lặp phút đầu tiên vào năm 1806.
Đồng hồ Grande Sonnerie – được coi là vị vua của những cơ chế báo âm – ra đời sau đó hai thập kỷ. Vào năm 1827, thương hiệu giới thiệu chiếc đồng hồ đầu tiên với cơ chế Grande và Petite Sonnerie. Nghệ thuật chế tác đồng hồ đã chạm đến một đỉnh cao mới với những chiếc đồng hồ này – được đánh giá rất cao trong giới quý tộc và tư sản, nhưng cũng đồng thời rất hiếm vì sự khó chế tạo của chúng. Việc phát minh ra diêm vào năm 1845 (và những đóng góp vào khả năng nhìn trong đêm) đã làm cho việc sản xuất những chiếc đồng hồ này trở nên hiếm hơn, củng cố hào quang của chúng như những huyền thoại thực sự.
Cơ chế của đồng hồ điểm chuông
Một chiếc đồng hồ có bộ lặp phút sở hữu cơ chế cho biết thời gian theo yêu cầu. Điều này trái ngược với khái niệm “điểm chuông theo giờ”, được tự động kích hoạt khi tới giờ hoặc các khắc như trên đồng hồ. Trong một bộ lặp phút truyền thống, hai búa sẽ gõ vào hai cồng với các âm sắc khác nhau, cho biết giờ với âm trầm, khắc với chùm đôi âm cao và âm trầm, cuối cùng báo phút với âm cao.
Một cơ chế như vậy bao gồm một miếng bu lông trượt chuyên dụng, một trống và một hệ điều tiết, thường là độc lập với cơ chế chỉ giờ. Kích hoạt bu lông trượt sẽ kéo theo hệ giá đỡ trống lò xo của cơ chế báo âm, đưa vào trạng thái sẵn sàng. Sau khi được giải phóng, năng lượng được truyền qua một hệ bánh răng, điều chỉnh bởi một bánh đà để duy trì nhịp điệu liên tục.
Bộ gõ được cấu tạo từ một hệ nhớ cơ học, với búa và cồng. Khi xoay quanh trống cót của bộ gõ, bu lông trượt đồng thời giải phóng ba trục xoay để nhận thông tin từ các bánh cam giờ, khắc và phút. Các bánh cam “ốc” xoáy hình xoắn ốc này được dùng để điều chỉnh số lần đánh mà búa phải thực hiện. Bánh cam đầu tiên cho giờ có mười hai “bước”, cam thứ hai có bốn bước cho bốn khắc, và chiếc cuối cùng, hình ngôi sao, có 14 bước trên mỗi nhánh trong bốn phần cho số phút giữa mỗi khắc. Đồng thời khi chúng lấy thông tin, vị trí các trục xoay sẽ định vị giá đỡ hoặc đầu kéo ở phía kia của tay đòn ở khoảng cách sao cho khi được nhả ra, chúng sẽ kích hoạt búa theo trật tự tương ứng với số răng, với tần suất quy định.
Grande Sonnerie – cơ chế và bài toán năng lượng
Grande Sonnerie là một trong những cơ chế đồng hồ phức tạp nhất phải chinh phục. Sự khác biệt về mặt tính năng của nó nằm ở khả năng điểm báo giờ và các khắc, với việc nhắc lại giờ ở đầu mỗi khắc. Hầu hết những chiếc đồng hồ này cũng sẽ đi cùng cơ chế Petite Sonnerie, bỏ đi âm nhắc giờ ở mỗi khắc, cũng như cơ chế im lặng để tạm dừng vũ điệu cơ học của những chiếc búa.
Chuông Westminster, cơ chế phức tạp nhất trong số các cơ chế Grande Sonnerie, tái tạo giai điệu của chuông Big Ben – tháp đồng hồ ở đầu cánh trái toà nhà Quốc hội Anh ở London – bao gồm bốn khuông với bốn nốt mỗi khuông, được chơi ở các tần số khác nhau. Thiết kế này, do đó, đòi hỏi số lượng cồng và búa lớn – bốn, thậm chí năm – ở những thiết kế giàu âm điệu nhất.
Nguyên lý cơ học của Grande Sonnerie, về cơ bản, cũng giống nguyên lý của bộ lặp phút. Thường thì bộ lặp phút sẽ đi cùng để bổ sung cho cơ chế Grande và Petite Sonnerie. Sự khác biệt chính nằm ở cách quản lý năng lượng. Không như các cơ chế bộ lặp, với chốt trượt để cuộn lò xo theo yêu cầu, các mẫu Grande Sonnerie phải dùng lực chuyển động để báo thời gian 96 lần một ngày.
Đáp ứng này càng đòi hỏi tinh vi hơn khi nó liên quan đến việc kích hoạt búa đánh vào cồng sao cho tác động vừa đủ để làm cho hoạt động này – lặp đi lặp lại 366 lần một ngày – có thể nghe rõ ràng nhất có thể. Vì lý do đó, những chiếc đồng hồ sở hữu cơ chế này thường đi cùng hai trống cót, một dành cho bộ chuyển động, một dành riêng cho cơ chế điểm chuông.
Chất lượng âm học của một chiếc đồng hồ điểm chuông phụ thuộc vào vô số yếu tố, từ hình dạng và hướng của búa, chất liệu, chiều dài và hình dạng của cồng, cũng như điểm gắn của chúng trong đồng hồ. Các yếu tố quyết định khác cần được xem xét đến là vật liệu và cấu trúc của vỏ, có thể chứa một buồng cộng hưởng, thậm chí có các lỗ hở ở mặt sau, hoặc một lưới kim loại được thiết kế để tăng cường khả năng truyền âm.
Cuối cùng, chính sự thành thạo của người nghệ nhân và kiến thức thực nghiệm của anh ta sẽ tạo nên sự khác biệt. Chịu trách nhiệm điều chỉnh các bộ phận cấu thành của bộ chuyển động, điều chỉnh cơ cấu âm học, chi tiết trang trí riêng từng bộ phận và lắp ráp bộ chuyển động nhiều lần để đạt tới kết quả hoàn hảo – chuyên môn của người nghệ nhân là một điều không thể thay thế.
Cho rằng chất lượng âm thanh là một phần giúp xác định cá tính của một chiếc đồng hồ, vào năm 2019, Vacheron Constantin đã giao cho Abbey Road Studios thực hiện một bản ghi âm độc đáo cho từng mẫu thiết kế của bộ sưu tập “La Musique du Temps®”. Lần đầu tiên, những chiếc đồng hồ với bộ lặp sở hữu một bản nhạc của riêng mình, được ghi lại và chứng nhận bởi Abbey Road Studios.
Những chiếc đồng hồ điểm chuông của Vacheron Constantin
Được thành lập năm 1755, Vacheron Constantin là Nhà chế tác đồng hồ lâu đời nhất Thế giới với hơn 265 năm hoạt động không ngừng nghỉ, luôn trung thành với bí quyết thủ công tinh xảo và phong cách thẩm mỹ giàu tính nghệ thuật được lưu truyền qua các thế hệ nghệ nhân bậc thầy.
Những chiếc đồng hồ điểm chuông đã là một phần di sản của Vacheron Constantin ngay từ những ngày đầu thành lập. Khi kết thúc quá trình học việc của mình – bắt đầu vào năm 1744 – Jean-Marc Vacheron được yêu cầu chế tạo một chiếc đồng hồ báo thức có thể mang theo như một phần của bài thi tốt nghiệp, điều kiện tiên quyết để được gia nhập vào cộng đồng chế tác đồng hồ vào thời điểm đó.
Đó có lẽ là một trong những lý do khiến Maison nghiêng nhiều về những chiếc đồng hồ có chỉ báo âm thanh, bao gồm các bộ lặp, các mẫu Grande Sonnerie, cũng như đồng hồ báo thức? Dù vì lý do nào, trong suốt 266 năm của mình, Vacheron Constantin đã phát triển niềm đam mê và tiếp nạp chuyên môn trong việc tạo ra những cơ chế phức tạp này – vốn được coi là thành tựu đỉnh cao của nghệ thuật chế tác đồng hồ.
Để phù hợp với ưu tiên về độ sang trọng, Maison đã hướng chuyên môn chế tác đồng hồ của mình vào những bộ máy siêu mỏng, một thách thức kỹ thuật bổ sung cho thử thách vốn đã phức tạp của cơ chế điểm chuông, và – dĩ nhiên – cũng không bỏ qua những chiếc đồng hồ đặc biệt với những cơ chế phức tạp tinh tế phi thường.
Các xưởng của Maison, do vậy, đã tham gia vào lịch sử chế tác của những thế hệ đồng hồ có bộ lặp đầu tiên, với ghi chép đầu tiên của công ty về mẫu tham chiếu có niên đại từ 1806. Biên niên sử của Charles Constantin (1887 – 1954) cho thấy, vào năm 1811, họ đã gửi đến Pháp “một chiếc đồng hồ với bộ lặp âm nhạc tuyệt đẹp” sở hữu “kỹ năng thủ công đỉnh cao, chơi hai giai điệu theo yêu cầu và vào thời điểm xác định”.
Kể từ thời điểm đó, danh tiếng của Vacheron Constantin về việc chế tác những mẫu tương tự đã được khẳng định. Những thư từ trong kho lưu trữ đã tiết lộ, Maison thường xuyên được liên hệ vào nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với những đơn đặt hàng đồng hồ điểm chuông cho các khách hàng danh giá như Nữ hoàng Romania và Trưởng Công chúa Isabel Clara Eugenia. Những sáng tạo này cũng bao gồm các mẫu Grande Sonnerie, chẳng hạn như tạo tác năm 1827 trong bộ sưu tập riêng của Vacheron Constantin.
Xem thêm:
- Những mẫu đồng hồ cơ tinh vi với thiết kế siêu phức tạp
- 10 đồng hồ nam là biểu tượng của mọi thời đại
- Top 10 đồng hồ đẹp nhất nửa đầu năm 2021
–
MENBACK.COM