Số lượng người giàu Việt đang không ngừng tăng lên mỗi năm cùng hàng trăm ngàn người nước ngoài sinh sống, nhu cầu đối với quản gia tại Việt Nam hiện nay là rất lớn.
Có lẽ, hình ảnh những người quản gia đã không còn lạ lẫm với chúng ta qua những bộ phim nổi tiếng. Đó là anh quản gia Passepartout trong 80 ngày vòng quanh thế giới hay ông quản gia già Alfred trong phim Người dơi. Tuy nhiên, vai diễn hầu gái trưởng Anna, người hầu bá tước Bates hay nhân vật quản gia Carson trong loạt phim dài tập Downton Abbey của Anh mới làm bùng lên mối quan tâm lẫn sự tò mò về nghề làm dâu trăm họ này. Và cũng chính bộ phim này đã góp phần kích hoạt nhu cầu về quản gia tại một số nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nga và Trung Đông.
Quản gia là ai? Làm những gì?
Quản gia (butler) có nguồn gốc từ buteler trong tiếng Anh-Normandie, nghĩa là “người phụ trách rượu của vua” (một biến thể của từ boteille “bottle” – chai rượu). Trong nhiều thế kỷ, quản gia là người quản lý chính của một gia đình, là người phục vụ có trách nhiệm chăm sóc và phục vụ rượu vang và đồ uống đóng chai khác – những thứ mà trong thời cổ đại được xem là một phần đáng kể trong tài sản gia đình.
Ngày nay, một quản gia chuyên nghiệp không chỉ phục vụ các món ăn và rượu vang, mà còn phải có khả năng quản lý một loạt hoạt động đối nội và đối ngoại của gia tộc, từ việc phục vụ bữa ăn truyền thống, quản lý chi tiêu, cho đến quản lý các hệ thống công nghệ cao của nhiều căn nhà hay quản lý đội ngũ nhân sự dưới quyền.
Theo truyền thống xưa nay, quản gia thường là nam giới. Tuy nhiên, tại một số quốc gia phương Đông như Trung và Viễn Đông, các gia tộc lại chuộng sử dụng quản gia nữ vì lý do nhạy cảm về tôn giáo và văn hoá. Nhiều gia đình giàu có, nơi các bà vợ nắm quyền quản lý gia đình, hay các ngôi sao nữ ở phương Tây cũng chuộng quản gia nữ. Các số liệu của Học viện quản gia Charles MacPherson Academy cho thấy rằng có tới 40% hồ sơ tuyển sinh là nữ, và dù thị trường lao động ưa chuộng quản gia nam hơn, nhưng số lượng học viên nữ tại các học viện đào tạo quản gia vẫn không ngừng tăng lên.
Hiệu ứng Downton Abbey tại Trung Quốc và Trung Đông
Các chính trị gia người Nga, các ông trùm kinh doanh dầu mỏ Trung Đông và các nhà đầu cơ châu Á chuyên mua bán bất động sản cao cấp Luân Đôn cũng đang góp phần “nhập khẩu” phong cách quý tộc châu Âu trở về quê nhà. Ba thập niên trước đây, chỉ có khoảng một vài trăm quản gia ở Anh, giờ đây, con số này là khoảng 10.000, chưa kể hàng ngàn người làm công việc này ở nước ngoài, bao gồm cả thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách các quốc gia có nhiều tỷ phú USD nhất thế giới, chiếm một nửa trong tổng số 2.257 tỷ phú năm 2017. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở Trung Quốc kéo theo sự gia tăng của tầng lớp tỷ phú và triệu phú ở Trung Quốc. Nước này hiện có hơn 609 tỷ phú, hơn 1 triệu triệu phú, vì thế, nhu cầu tuyển dụng quản gia ở Trung Quốc là rất lớn sau khi bộ phim Downton Abbey được công chiếu. Chương trình truyền hình này đã khiến hàng chục triệu người Trung Quốc say mê và thích thú.
Họ say mê bộ phim không chỉ vì nội dung hay nhân vật, mà bởi những quy ước lễ nghĩa của thế giới quý tộc cũng như thế giới của những người quản gia, người hầu trong một xã hội phân tầng. Vì thế, giới thượng lưu thì háo hức muốn tìm kiếm cho mình một quản gia đẳng cấp, còn những người lao động thì sẵn sàng đánh đổi cho một cuộc hành trình mới đến nước Anh và phương Tây, nơi nhu cầu đối với quản gia luôn ở mức cao, để kiếm mức lương khoảng từ 40-60 ngàn USD/năm.
Một quản gia lành nghề ở những thị trường này có thể kiếm được mức lương sáu con số trong vòng năm đến sáu năm hoặc sớm hơn nếu anh ta “rơi” đúng “chĩnh gạo” của các tỉ phú. Tại Anh, mức lương trung bình cho mỗi quản gia dao động từ 57.000 -71.000 USD/năm, còn ở các nước vùng Vịnh, mức lương này khoảng 93.000 USD/năm. Với những “siêu quản gia”, những người đã từng làm việc cho các gia tộc nước ngoài nổi tiếng giàu có thì mức lương này có thể lên đến 143.000 USD đến 157.000 USD/năm.
Hơn một thập kỷ qua, các trường đào tạo quản gia đã xuất hiện ở Trung Quốc với số lượng học viên không ngừng tăng nhanh. Trong số các trường đào tạo này phải kể đến Học viện Quản gia Quốc tế Trung Quốc có trụ sở tại Thành Đô. Chủ nhân của học viện này là Robert Wennekes, quản gia lừng danh người Hà Lan từng có thời gian làm việc cho một trong những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ và từng phục vụ với tư cách quản gia trưởng cho Đại sứ Mỹ tại Đức.
Người giàu Trung Quốc và Trung Đông rất chuộng quản gia Anh, đặc biệt là những người tốt nghiệp từ Học viện Quản gia Anh – một trong những trường đào tạo nghiệp vụ quản gia nổi tiếng nhất thế giới. Khoảng 30% quản gia người Anh hiện đang làm việc ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và A Rập Saudi.
Tuy nhiên, để sống được với nghề này, các quản gia phải trả một cái giá không nhỏ. Mỗi khóa học tại Học viện Quản gia Quốc tế Trung Quốc kéo dài 8 tuần với mức học phí lên tới 18.145 USD. Trong 8 tuần đó, học viên học cách đánh bóng giày, cách bày bàn ăn và cách rót rượu như trong các gia đình quý tộc phương Tây. Họ phải học cách chăm sóc tỉ mỉ thói quen của ông chủ, từ việc lau dấu vân tay trên điện thoại cho đến khâu chọn ra loại sô-cô-la mà ông chủ yêu thích từ hàng chồng kẹo khác nhau.
Một quản gia giỏi phải đảm bảo rằng không còn một vết nước nào đọng lại trên bề mặt thủy tinh của ly rượu cũng như mọi vết son môi đều phải được lau chùi sạch bóng. Họ không được phép đưa tay mình cho người khác để được bắt tay, không được phép ngồi trước mặt ông chủ, không được phép nói “chào đón ông/bà” đối với khách, mà phải nói “rất hân hạnh” bởi câu “chào đón ông/bà” nghe rất “khách sạn”. Và với quản gia chuyên nghiệp cho giới quý tộc, không có chỗ cho những câu từ “rất khách sạn”, hay “rất nhà hàng”. Đó là chưa kể đến quy tắc cứng nhắc về sự bảo mật thông tin, theo đó, quản gia không được phép tiết lộ bất cứ thông tin nào về ông chủ hay gia đình ông chủ với bất kỳ ai.
Quản gia và giúp việc cao cấp tại Việt Nam: cầu cao, cung thiếu
Vài năm gần đây, thị trường lao động chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu đối với quản gia, đặc biệt là quản gia cao cấp cho các gia đình giàu có hoặc người nước ngoài. Với số lượng người giàu Việt đang không ngừng tăng lên mỗi năm cùng khoảng 120 ngàn người nước ngoài sinh sống tại TP.HCM, chắc chắn nhu cầu đối với quản gia là rất lớn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, không giống với các thị trường khác, nghề này ở Việt Nam không được đào tạo bài bản do tâm lý “ô-sin thì cần gì phải học” cũng như xu hướng của số đông là chuộng những công việc “ăn trắng mặc trơn”.
Vì thế, dù một số trường ĐH-CĐ mở các chuyên ngành đào tạo nghề này với tên gọi “Kinh tế gia đình” như Trường CĐ Sư phạm Trung ương, song đến nay vẫn không thu hút được học viên. Việc cung cấp quản gia cho thị trường chủ yếu do các công ty tư nhân, trung tâm dạy nghề, các công ty du lịch hoặc cung ứng lao động phổ thông đảm trách… Hẳn nhiên, với mức lương từ 7-15 triệu đồng/tháng, thậm chí tới 23 triệu/tháng như dịch vụ mà cá công ty cung cấp, đây không phải đơn thuần là công việc đơn giản của một người giúp việc thông thường.
Đơn cử, quản gia được cung cấp là những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học các trường kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm với kinh nghiệm giúp việc lâu năm, có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh giao tiếp tốt, có bằng lái xe để đưa đón con em đi học, đưa gia chủ đi làm, đi chơi, có kỹ năng quản trị tài chính, kỹ năng nấu nướng hương vị 3 miền, kỹ năng tổ chức bữa ăn, kỹ năng chăm sóc sức khỏe…
Xem thêm:
Trà chiều Anh Quốc và sự khác biệt giữa High Tea và Low Tea
Trà chiều tiếng Anh là 'afternoon tea' là một nghi thức tiệc trà của Anh quốc, thường được bắt đầu...
Read more