“Chúng ta luôn nói cần có giải pháp cao hơn khuyến cáo, nhưng không cần quá mức. Số ca nhiễm hàng ngày của ta còn thấp, nếu phong tỏa là bất hợp lý”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội với Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh khác đến 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình thực tế. 12 địa phương này được nhận định nằm trong nhóm có nguy cơ cao về dịch Covid-19 nên cần tiếp tục thực hiện cách ly xã hội để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Nhiều quan điểm đồng tình với quyết định điều chỉnh thời gian cách ly xã hội với từng nhóm địa phương của người đứng đầu Chính phủ.
Chưa cần thiết phong tỏa Hà Nội
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đánh giá những thông tin liên quan đến dịch Covid-19 thời gian qua được Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương cung cấp khá minh bạch, cho thấy Việt Nam kiểm soát dịch tốt, không theo mô hình để dịch lên đỉnh như một số nước.
Vì Việt Nam đang làm chủ tình hình nên cũng làm chủ được các giải pháp và chính sách đưa ra.
Phân tích bối cảnh trước đó khi có nguy cơ dịch lây nhiễm ra cộng đồng, không biết ai trong xã hội có thể là F0, ông Dũng cho rằng giải pháp duy nhất là cách ly toàn xã hội, để người nào được phát hiện nhiễm bệnh cũng chỉ ở trong phạm vi hẹp, có thể kiểm soát.
Nhưng đến nay, qua cả 14 ngày cách ly xã hội và tính cả giai đoạn từ đầu mùa dịch, có những địa phương hoàn toàn không có ca nhiễm. Vì vậy, việc điều chỉnh không áp dụng cách ly xã hội trên toàn quốc mà nới lỏng cho những địa phương không có dịch là hoàn toàn hợp lý.
“Thiệt hại về kinh tế sẽ là rất lớn khi cách ly xã hội, và cái giá phải trả cho kinh tế khiến chúng ta phải cân nhắc thận trọng”, ông Dũng nói.
Theo ông, chống dịch mà để gây ra thiệt hại kinh tế lớn thì sẽ mất cân đối nên cần có giải pháp phù hợp, tương xứng với thực tế và phải cân đối giữa chống dịch với cứu vãn kinh tế, vì cứu vãn kinh tế chính là cứu vãn cuộc sống. Đó là mục tiêu kép, là định hướng mà nhiều lần Thủ tướng đã nhấn mạnh.
“Mỗi phương án đều có rủi ro, giờ đòi hỏi một chính sách tốt cho tất cả mọi mặt là không có nên ta phải lựa chọn phương án tối ưu”, ông Dũng nêu quan điểm.
Ông phân tích nếu kéo dài thời gian cách ly xã hội trên cả nước thì có vẻ chắc chắn hơn về chống dịch, nhưng rõ ràng kinh tế phải trả giá trong 2 tuần đó rất lớn. “Có nhất thiết phải như vậy hay không?”, ông đặt vấn đề.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, ở những nơi kéo dài cách ly xã hội phải thực hiện kiên quyết và nghiêm khắc hơn, để 2 tuần vừa qua không bị lãng phí.
“Kéo dài cách ly phải có cách làm chặt chẽ, còn để xảy ra vi phạm thì tất cả đều về con số 0. Chỉ cần vài người vô ý thức thì tất cả sự cố gắng, nỗ lực và công sức của cả hệ thống chính trị và hàng chục triệu người dân trong suốt thời gian qua là vô nghĩa”, ông Dũng khuyến cáo. Ông cho rằng ý thức của mỗi người dân có ý nghĩa rất quan trọng.
Với Hà Nội – nơi đang có nhiều ca nhiễm nhất và cũng đang có dịch diễn biến phức tạp nhất, một số ý kiến cho rằng nên phong tỏa toàn thành phố, song dưới góc nhìn của một nhà quan sát, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định số liệu về số ca nhiễm cho thấy tình hình chưa nghiêm trọng đến mức đó.
Theo ông, phong tỏa cả Hà Nội là giải pháp không tương xứng với tình thế, chỉ nên phong tỏa đối với các ổ dịch được phát hiện ở Hà Nội, như Bệnh viện Bạch Mai trước đây và bây giờ là thôn Hạ Lôi.
“Chúng ta luôn nói cần có giải pháp cao hơn khuyến cáo, nhưng không cần quá mức. Số ca nhiễm hàng ngày của ta còn thấp, nếu phong tỏa là bất hợp lý, chỉ cần thực hiện nghiêm ngặt cách ly xã hội, đi ra đường đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách 2 m…”, ông Dũng nêu quan điểm.
Ông nhận định với dân số khoảng 8 triệu người và với số ca nhiễm như đã công bố, nếu phong tỏa Hà Nội sẽ gây tác động rất lớn, cái giá mà từng người dân phải trả cũng là rất lớn.
Nêu quan điểm virus gây dịch Covid-19 ở Việt Nam còn nhiều điểm khác lạ, những thông tin và hiểu biết của ta về virus này còn nhiều điểm mờ, ông Dũng cho rằng vì thế nên rủi ro lúc nào cũng tồn tại.
Song một lần nữa, ông khẳng định so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã có những giải pháp chống dịch hiệu quả và kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trong nước.
Phải đảm bảo mục tiêu kép
Ủng hộ quyết định của Thủ tướng, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho rằng nếu sau 15/4 tiếp tục thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc sẽ gây tác động rất lớn đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước. Nhấn mạnh mục tiêu Việt Nam đưa ra là mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ông Lợi ghi nhận sự điều chỉnh trong thực hiện yêu cầu cách ly xã hội là hợp lý.
Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng ở những nơi không có dịch, nếu vẫn có thể hoạt động bình thường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hóa thì cũng sẽ sẵn sàng có điều kiện hỗ trợ cho những nơi đang phải thực hiện cách ly.
“Nhưng ở tất cả mọi nơi, dù không thực hiện cách ly xã hội vẫn phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc chống dịch mà chúng ta đã đưa ra từ đầu, đó là không tụ tập đông người, không tập trung hội hè, đi ra đường luôn phải đeo khẩu trang, đảm bảo giữ khoảng cách 2 m…”, ông Lợi nhấn mạnh.
Nêu thực tế số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam những ngày gần đây giảm nhưng tình hình dịch ở các nước đang bùng phát và gia tăng nhanh chóng, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đồng tình chưa nên nới lỏng các chính sách về nhập cảnh; phải kiểm soát chặt hàng không, cửa khẩu và biên giới để ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Với Hà Nội, ngoài việc cách ly tuyệt đối ổ dịch tại Hạ Lôi, ông Lợi cho rằng người dân nên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội chứ không nên phong tỏa theo hướng “nhà nào ở nhà đó” sau 15/4.
“Ai có việc cần thiết vẫn có thể ra đường, đi làm, nhưng khi ra ngoài phải đảm bảo các nguyên tắc như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giãn cách 2 m. Các cơ quan cũng có thể điều chỉnh theo hướng cho 50% làm việc trực truyến…”, ông Lợi góp ý.
Đánh giá cách thức kiểm soát dịch của Việt Nam là tốt, song ông Lợi nhấn mạnh không được chủ quan. Và đặc biệt, toàn dân luôn phải có ý thức tự bảo vệ mình.
Ở những nơi kéo dài thời gian cách ly xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận định sẽ có rất nhiều tác động. Trước hết là xã hội không phát triển theo quy luật tự nhiên. Khi con người không làm việc, không phát triển sản xuất, kinh tế cũng sẽ suy sụp.
“Nếu chỉ chống dịch mà không đảm bảo nhiệm vụ sản xuất, kinh tế thì làm sao có tăng trưởng, làm sao tạo thu nhập cho người dân đảm bảo cuộc sống. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ từ Nhà nước, bởi ngân sách cũng chỉ có hạn thôi”, ông Lợi nói.
Đó là chưa kể đến tác động về mặt xã hội khi trẻ em không được đến trường học hành, con người không được tiếp xúc, giao lưu với nhau sẽ tạo ra những bức bối nhất định, gây xáo trộn và thay đổi nhiều thứ…
—
Nguồn: Zingnews