Tôi nghĩ 100% những người đang đọc bài viết này đều từng trải qua cảm giác chán, thậm chí đang cảm thấy ngay lúc này. Điều này là hợp lý, vì không biết niềm vui có dễ xảy đến hay không, nhưng có quá nhiều nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống buồn chán và tẻ nhạt.
Cũng đã được rất lâu kể từ lần đầu tôi nhận ra mình mãi không còn có thể háo hức như ngày xưa.
Mọi thứ bỗng dưng chán đến kỳ lạ. Cảm giác chán xuất hiện ngay cả khi đang giữa ván game với bạn bè khiến tôi chẳng buồn chơi nữa, và việc không chơi game cũng thật chán. Những bộ phim được đánh giá cao, video nhiều triệu lượt xem trên YouTube cũng chỉ thu hút được sự tập trung trong vài phút đầu, và cảm giác nhàm chán quen thuộc lại xuất hiện rất nhanh chóng khi màn hình vẫn còn đang ồn ào hình ảnh và đủ thứ loại âm thanh.
Tôi không thể kết thúc được những câu chuyện còn dang dở mình từng bắt đầu, vì trong trí nhớ của tôi, tình tiết đã bắt đầu trở nên nhàm chán kể từ lần cuối tôi gấp những cuốn sách ấy lại và thở dài đi tìm việc khác.
Sau một thời gian, rốt cục tôi cũng đã chán việc cảm thấy chán, và tôi nghĩ đã đến lúc để ngồi xuống, nghiêm túc tìm hiểu thứ cảm giác luôn giỏi việc len lỏi và làm mục ruỗng tinh thần ấy là gì, vì sao chúng lại tồn tại, và vì sao mọi thứ đang ngày diễn biến theo chiều hướng tệ hơn.
Và tôi sẽ viết lại chúng, bằng một nỗ lực của một kẻ vốn đã quá chán sự nhàm chán, sao cho câu chữ không dần trở nên quá nhạt nhẽo, để các bạn có thể đi hết hàng nghìn chữ mà không bỏ dở vì quá chán.
Bài viết này sẽ giải đáp căn nguyên của nhàm chán dưới góc độ tâm lý học và tiến hóa, đồng thời tiết lộ cho các bạn biết sự buồn chán dường như chỉ mới xuất hiện gần đây.
Chúng ta được thiết kế để cảm thấy chán
Chúng ta rồi sẽ chán tất cả mọi thứ, nếu sống đủ lâu và được trải nghiệm đủ nhiều, trên lý thuyết là vậy. Vũ trụ này có xu hướng “khá” tiêu cực, với bản chất tự nhiên luôn thuận theo chiều hướng tự hủy. Mọi hành tinh, thiên thạch, sao, thiên hà, tinh vân, lỗ đen… và cả vũ trụ này, đều được dự đoán rằng sẽ biến đổi và trở thành trạng thái cuối cùng vào một ngày nào đó. Một trong các kịch bản phổ biến là chúng sẽ tự diệt (?). Theo các định luật vật lý, cụ thể là entropy, mọi thứ trong vũ trụ tuân theo một quy luật rõ ràng và trung thành với việc suy đồi, phân rã và mất trật tự.
Con người đang sống trong một thế giới khắc nghiệt như thế, và tất nhiên cũng hoàn toàn tuân theo quy luật đã được đặt ra. Tuy vậy, quá trình tự hủy của những thứ vĩ mô quá dài so với những thứ vi mô (là chúng ta đây). Vì vậy, ta vẫn an toàn sống trong những thời đại hòa bình lâu dài được chứa đựng trong một cái chớp mắt của vũ trụ. Cũng giống như việc Trái Đất hình cầu và có bề mặt cong, nhưng con người quá nhỏ bé nên vẫn có thể thấy bản thân đang sống trên những khoảng rộng lớn bằng phẳng.
Nhưng cư dân của một hệ thống vận động theo chiều hướng hủy diệt tất nhiên cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ của chúng. Và tâm trí của chúng ta, ở khía cạnh nào đó, cũng hoạt động theo chiều hướng này. Những ký ức rồi sẽ dần mờ nhạt, mức độ lờn với kích thích ngày càng tăng và mọi thứ sẽ trở nên vô vị sau tất cả. Nhưng chính quá trình tưởng chừng như tiêu cực này, lại là động lực tích cực để thúc đẩy mọi thứ thay đổi. Và chúng ta trải nghiệm quá trình thay đổi đó, còn được gọi là sự phát triển, hay thỉnh thoảng có tên gọi khác là “cuộc đời”.
Ở bài viết về trí nhớ, chúng ta được tiếp cận với lời giải thích đang được chấp nhận phổ biến rằng việc lãng quên chính là động lực và cơ sở cho trí nhớ. Vậy, sự buồn chán, theo như những gì tôi tìm hiểu được, cũng chính là động lực để con người tìm kiếm cảm giác vui thú bằng cách tiếp cận hoặc tạo ra những thứ mới mẻ thú vị hơn.
Đầu tiên, hãy tìm hiểu khái niệm “độ lờn” (habituation), một khái niệm cơ bản và có thể hiểu thông qua câu chuyện cậu bé chăn cừu: một câu đùa được lặp đi lặp lại sẽ không còn vui nữa. Đây là một cơ chế thần kinh có mặt phổ biến, từ những sinh vật đơn bào cho đến con người, và được xem là cơ chế giúp chúng ta có thể học tập một cách thụ động không cần nỗ lực.
Khi chúng ta tiếp xúc với những thứ mới mẻ, cơ thể sẽ phát tín hiệu kích thích và thu hút sự chú ý đến chúng. Nhưng sau một thời gian, những tác nhân này sẽ trở nên “cũ” và không còn tạo được kích thích nữa. Ta gọi việc không còn nhận kích thích là “lờn”. Chẳng hạn như đeo đồng hồ một thời gian sẽ không còn cảm thấy khó chịu ở cổ tay nữa, ăn quá nhiều cùng một loại thức ăn sẽ cảm thấy ngán, đổi đến căn hộ mới một thời gian sẽ dần quen mắt hay nghe những tiếng ồn quá lâu cũng không bị thu hút sự chú ý.
Cơ chế này gồm hai phần: kích thích khi gặp cái mới và lờn với những cái đã cũ. Cả hai đều vô cùng thông minh và cần thiết cho sự sống còn.
Đầu tiên, việc bị thu hút bởi những cái nổi bật so với khung cảnh bình thường giúp chúng ta ngay lập tức cảnh giác hoặc chú ý đến mối nguy hiểm và/hoặc cơ hội. Chẳng hạn như tiếng ồn giữa không gian tĩnh mịch, bụi cây đang rung hay quả táo đỏ giữa tán lá xanh um… Nó giúp chúng ta chú ý hơn đến những thứ nổi bật, tăng khả năng sống sót khi đối mặt với kẻ thù và lúc đi kiếm ăn.
Nhưng đây là một quá trình tốn kém năng lượng, cũng như ảnh hưởng đến những hoạt động còn lại của não bộ. Bạn sẽ thấy rằng khi chúng ta bị thu hút sự chú ý vào thứ gì đó, đồng thời cũng ít để ý hơn đến những thứ khác. Do vậy, sự chú ý được bật lên sẽ cần phải được tắt đi, nhất là với những kích thích vô hại/vô dụng.
Do đó, những thứ nổi bật nếu được não bộ đánh giá là vô hại sẽ nhanh chóng chìm vào background, giống như lời cảnh báo của chú bé chăn cừu dần bị dân làng lơ đi vì mãi không thấy chó sói đâu. Đây là một chiến lược hiệu quả để sống, vì việc ngừng nhận kích thích từ cái cũ cũng tạo cơ hội để chúng ta chú ý đến cái mới một cách liên tục. Chẳng hạn sự bỡ ngỡ khi vừa lên thành phố là cần thiết, nhưng sau đó chúng ta cần làm quen với sự ồn ào, náo nhiệt và đông đúc ấy, để tâm trí có thể nhạy cảm hơn và chú ý đến những thứ cần thiết khác ẩn sâu trong background lộn xộn của thành phố thay vì mãi bị choáng ngợp.
Và cơ chế sinh tồn thông minh này đã gián tiếp khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán.
Biết rằng cảm xúc là một hệ thống quan trọng điều khiển hành vi, chẳng hạn sự hứng thú thúc đẩy ta làm gì đó, hay sự sợ hãi ngăn ta không làm gì đó, việc ta cảm thấy “lờn” và thôi chú ý đến các kích thích thực chất cũng vì không còn cảm thấy hứng thú đến các kích thích ấy nữa. Khi không còn nhận được bất kỳ kích thích cảm xúc nào từ đối tượng, nhưng ta vẫn buộc phải chú ý đến chúng một cách miễn cưỡng, chúng ta sẽ cảm thấy chán. Đây là phản ứng tự nhiên của bộ não để bắt ta ngưng tác vụ hiện tại và chuyển sang những tác vụ khác chúng cho là “hiệu quả hơn”.
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng người ta có xu hướng sẵn sàng bị giật điện chỉ để không cảm thấy chán khi bị nhốt trong một căn phòng không có gì để làm (ngoài nút bấm giật điện). Ít nhất ⅔ nam giới và ¼ nữ giới đã bấm nút để giải tỏa sự tẻ nhạt họ đang phải chịu đựng. Một số giả thuyết đã được đưa ra, chúng ta cảm thấy chán vì cơ thể muốn ta “phải làm gì đó” trong một bối cảnh tẻ nhạt, vì sự tẻ nhạt ấy có thể liên quan đến sự cô đơn (vốn là một cảnh báo nguy hiểm), môi trường bất lợi hay sự không phát triển.
Hãy tưởng tượng thế giới không còn sự buồn chán, tức là mọi người cảm thấy hứng thú với tất cả mọi thứ, có thể sẽ rất tẻ nhạt. Chúng ta sẽ luôn cảm thấy hứng thú với ánh sáng mặt trời, những bông hoa, mưa, mặt trăng, hòn đá ven đường… và không còn nỗ lực để tạo ra bất kỳ thứ gì giải tỏa cho sự chán nản của bản thân. Mọi thứ thông thường đều đem đến cảm giác lâng lâng như ma túy, và có thể con người còn nhanh chóng kiệt sức vì không lo đi kiếm ăn.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề trên, và làm một thí nghiệm để xem liệu cảm giác chán nản có thể giúp gì cho con người. Kết quả tương đối bất ngờ: những người dễ chán dường như sáng tạo tốt hơn người khác, và sự nhàm chán trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo. Họ đã thiết kế một chuỗi các nhiệm vụ nhàm chán (như chép danh bạ, đọc to số điện thoại…) cùng một nhiệm vụ sáng tạo. Nhiệm vụ chính càng chán, người tham gia càng sáng tạo hơn ở nhiệm vụ phụ.
Từ đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng cảm giác buồn chán chính là động lực để chúng ta sáng tạo hơn và kiến tạo ra thế giới như ngày hôm nay. Dễ nhận thấy trên thực tế, việc liên tục phải làm những thứ mới mẻ chẳng phải chủ yếu do chúng ta đã quá chán những thứ cũ kỹ hay sao?
Triết gia hiện sinh Nietzsche cũng từng cho rằng: Nhàm chán là động lực để ta đạt lấy những vinh quang.
Nhưng không phải lúc nào nhàm chán cũng tích cực đến thế. Trong bối cảnh hiện tại, thực ra cảm giác nhàm chán tương đối tiêu cực và đáng để chú ý.
101 nguyên nhân gây chán và hệ lụy của nó
Thực ra nhàm chán khá nghiêm trọng đấy. Từ thời xưa, các cụ đã tóm gọn rằng “nhàn cư vi bất thiện”. Hay như quan điểm của nhà xã hội học Erich Fromm và các nhà tư tưởng khác của trường phái phê bình xã hội (critical theory), xem sự buồn chán như một phản ứng tâm lý phổ biến đối với xã hội công nghiệp, nơi mọi người buộc phải tham gia vào những hoạt động tha hóa. Theo Fromm, buồn chán “có lẽ là nguồn gốc chính yếu của sự hung hăng và phá hoại tại thời kỳ này”. Đối với Fromm, việc tìm kiếm cảm giác mạnh và sự mới lạ – đặc trưng của văn hóa tiêu dùng – không phải là giải pháp cho sự nhàm chán, mà chỉ là sự xao lãng khỏi sự buồn chán, trong khi sự buồn chán vẫn luôn tồn tại và tiếp tục một cách vô thức.
Thật vậy, sự nhàm chán cho thấy có mối liên hệ mật thiết đến chứng nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích, lái xe ẩu và cờ bạc… Mọi người dường như sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để không cảm thấy chán. Một điều nữa cần lưu ý, nhàm chán cũng được xem là cửa ngõ cho những chứng bệnh tâm lý khác như lãnh cảm (apathy) và trầm cảm (depression).
Tôi nghĩ 100% những người đang đọc bài viết này đều từng trải qua cảm giác chán, thậm chí đang cảm thấy ngay lúc này (vì bài viết chán quá). Điều này là hợp lý, vì không biết niềm vui có dễ xảy đến hay không, nhưng có quá nhiều nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy tẻ nhạt:
– Thứ gì đó quá dễ, hoặc thứ gì đó quá khó: quá dễ không tạo ra hứng thú, quá khó khiến chúng ta không thể đồng cảm để có thể hứng thú.
– Những nhiệm vụ vô nghĩa, lặp đi lặp lại nhưng đòi hỏi sự chú ý liên tục: xếp hàng, chờ giờ bay, ở tù…
– Bẩm sinh: một vài người khao khát cái mới, giải trí và rủi ro hơn những người khác. Vì vậy họ cũng dễ chán hơn những người khác.
– Không thể tập trung: đây là một trong những nguyên nhân chính. Đôi lúc chúng ta biết rõ rằng bộ phim nào đó rất hay, nhưng rồi không thể tập trung nổi và cảm thấy thật nhàm chán.
– Cảm thấy không gắn kết: thiếu nhận thức về bản thân (những điều mình đang tìm kiếm, thứ mình trông đợi) cũng có thể tạo ra cảm giác chán do mọi hoạt động đều không thể thỏa mãn.
– Không giỏi việc tự giải trí: một con người tẻ nhạt bản thân họ cũng thường xuyên cảm thấy tẻ nhạt, vì thế giới bên ngoài sẽ luôn không thể cung cấp đủ sự hứng thú cho một người vốn đã luôn chán ghét bản thân.
– Thiếu quyền tự chủ: sự nhàm chán có liên quan trực tiếp đến cảm giác mắc kẹt. Vì thế, tù nhân, hoặc trẻ vị thành niên thường xuyên cảm thấy chán hơn, vì họ có nhiều ý tưởng và khát khao, nhưng lại luôn bị bó hẹp trong một phạm vị bị kiểm soát nhất định.
– Văn hóa: sự nhàm chán là một thứ cảm giác xa xỉ của người hiện đại. Và vì bạn đang sống trong thời đại này, nên bạn sẽ cảm thấy chán. Cuộc sống này đang vận động dựa trên việc tạo ra, và khai thác nỗi buồn chán của bạn.
Chúng ta chán vì phải sống trong thời đại này. Và đó là phần thú vị nhất.
Xem thêm:
Tâm sự của một người đàn ông bị trầm cảm
Bệnh trầm cảm không chỉ có ở nữ giới mà ngay cả nam giới cũng dễ mắc phải chứng bệnh này. Dù là người trưởng thành hay trẻ nhỏ thì cũng không ngoại lệ với...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
Xã hội này được thiết kế để chúng ta thấy chán
Thế giới trong quá khứ là một bí ẩn. Không video, không hình ảnh, không phim tài liệu… chúng ta chỉ có thể hình dung về thế giới cách đây từ vài trăm năm trở lên thông qua văn bản, hình vẽ và những di chỉ văn hóa khác – phần còn lại được lấp đầy bởi trí tưởng tượng và những mô thức tác động đến trí tưởng tượng ấy. Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi thấy nhiều người dường như thường xuyên bị ảo về việc mình biết rõ Trái Đất trong quá khứ như thế nào chỉ bằng cách xem những bộ phim giả tưởng hoặc xuyên tạc lịch sử.
Các nhà nghiên cứu khi chú ý đến sự buồn chán, đã tìm hiểu các văn bản cũ và nhận ra một điều kỳ lạ là “buồn chán” và những từ có nghĩa tương tự chỉ mới xuất hiện trong khoảng thế kỷ 18, trùng khớp với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp. Đồng thời, những cuộc tranh luận về sự buồn chán, nếu có, cũng tập trung trong giới triết học hiện sinh và tri thức giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – bình minh của chủ nghĩa tư bản tiêu thụ.
Liệu đây có phải sự trùng hợp?
Trong những ngày đầu phổ biến trong văn hóa đại chúng, sự buồn chán chủ yếu được dùng cho giới quý tộc. Ở Nga, có một thuật ngữ là “superfluous man”, đề cập đến một cá nhân (có thể) có năng lực, nhưng sinh ra nhầm thời. Những người này thường được sinh ra trong giàu có và thuộc tầng lớp trên, mang theo những đặc điểm như: coi thường các giá trị xã hội, chán nản, thích cờ bạc rượu chè hút thuốc, thích đánh nhau và tham gia các hoạt động tình dục…
Quả thực, lúc bấy giờ, tầng lớp bình dân có nhiều thứ phải lo hơn sự nhàm chán. Một số giả thuyết cũng cho rằng con người ở trước thế kỷ 18 sống trong một thế giới chặt chẽ và được lấp đầy bởi nhiều hoạt động tốn công nhọc sức nhưng chỉ đủ để duy trì cuộc sống ngày qua ngày, nên cảm thấy chán không phải một lựa chọn.
Tuy nhiên, kể từ sau cách mạng công nghiệp và sự bành trướng của tư bản chủ nghĩa, xã hội bắt đầu dư thừa của cải và tạo ra hàng loạt ngành nghề mới – và nhiều trong số chúng hoặc vô nghĩa, hoặc áp lực và tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người lao động.
Trong xã hội công nghiệp, lao động bắt đầu được chuyên môn hóa và phải thực hiện những tác vụ nhỏ, không liên quan đến bất kỳ mục đích cao cả nào và dường như khó có thể tìm ra lý do chính đáng để làm chúng ngoài việc “được trả tiền để làm”. Với những độc giả đang còn đi học, nếu bạn cảm thấy cuộc sống quá khổ sở trong mỗi tiết học bạn chẳng hiểu gì cũng như chẳng tìm thấy bất kỳ sự liên quan nào giữa môn học ấy với bản thân, hãy biết rằng rất nhiều người khác đang phải sống với cảm giác ấy ngày qua ngày và gần như không thể tự thoát ra được.
Chẳng hạn như việc mỗi người được ngồi trong một ô vuông nhỏ chỉ để xử lý giấy tờ, chứng từ; ngồi gọi điện thoại cả ngày chỉ để nghe than phiền hoặc tiếp thị sản phẩm (telesale); lái xe cả ngày; đứng yên một chỗ cả ngày; ngồi yên một chỗ cả ngày… Thậm chí, người ta còn phát minh ra “phòng nhàm chán” với mục đích thuyên chuyển những cá nhân không được lòng công ty vào những vị trí thực hiện các công việc vô vị, để họ tự cảm thấy chán và bắt đầu nghỉ việc.
Một điều quan trọng khác, thời đại công nghiệp cần những công dân công nghiệp, và từ đó những đứa trẻ cũng được đào tạo một cách “công nghiệp” có quy trình rõ ràng và cụ thể. Trường mẫu giáo là một phát minh gần đây (cùng thời điểm với cách mạng công nghiệp), chủ yếu đảm bảo trẻ con vẫn an toàn trong lúc bố mẹ dành cả ngày để làm đi làm lại một công việc nhàm chán ở đâu đó, hệ thống giáo dục bắt buộc với hàng loạt kiến thức phức tạp xa lạ cũng lan ra toàn cầu trong cùng thời điểm – và sự xa lạ giữa kiến thức và người học như đã nói ở trên, là một trong những nguyên nhân tạo ra sự nhàm chán.
Thực ra, ngay cả những khái niệm về tuổi trẻ phải trải nghiệm, mua sắm, ăn chơi; thanh niên phải cống hiến, xông pha, khởi nghiệp, kiếm tiền; người lớn phải chăm sóc cơ thể, làm đẹp, đi du lịch, cho con học ở nơi tốn kém nhất… đều là những khuôn mẫu mới xuất hiện gần đây. Bộ máy marketing toàn cầu đã làm việc một cách hiệu quả, dù dường như những agency đơn lẻ trông khá vô hại. Chúng ta đã bị mắc kẹt trong hàng loạt công thức được định sẵn mang tính hệ thống, và bị ám ảnh bởi nó như thể đó chính là Thánh Kinh thực sự – một bản hướng dẫn làm người chưa chắc đã đúng đắn.
Chủ nghĩa tư bản phát triển đồng thời cũng mở ra thời kỳ công nghiệp giải trí cực thịnh, phần nào đó tiếp tục khai thác tiềm năng tiêu thụ của xã hội, phần khác đảm bảo rằng mọi người vẫn cảm thấy ổn thỏa trong hệ thống khắc nghiệt này. Tuy vậy, sự giải trí dường như đang ngày càng quá mức đến mức dần mất đi tác dụng (hay thậm chí phản tác dụng).
Chúng ta đang sống trong giai đoạn giải trí dễ dàng nhất trong suốt lịch sử thế giới từ trước đến nay. Sau một ngày đi làm mệt mỏi, không còn sức lực để làm bất kỳ điều gì có ý nghĩa cần đến sự nỗ lực, nhiều người được phục vụ tận mắt, tận tay hàng loạt những sản phẩm giải trí đa dạng. YouTube, Netflix, Tik Tok, pon húp, các thần tượng, sự xinh đẹp, sự đáng yêu, sự hài hước… tất cả những gì khiến chúng ta cảm thấy tích cực ngay lập tức đều có thể nhanh chóng truy cập chỉ thông qua việc lướt lướt màn hình ngay trước mặt.
Nhưng rồi mọi thứ, như đã đề cập ở phần 1, bắt đầu trở nên quen thuộc, và chúng ta đã bị lờn. Mạng xã hội và các văn hóa phẩm giải trí tràn lan bản thân nó đã được cho thấy có mối liên hệ mật thiết đến cảm giác buồn chán, cô đơn và trầm cảm thông qua nhiều nghiên cứu. Nhưng điều thực sự tệ ở đây, là chúng thậm chí còn đang khiến chúng ta ngày càng cảm thấy ít thỏa mãn hơn, và trải nghiệm cảm giác chán trong lượng thời gian lớn hơn.
Mặc dù bằng tư duy và quan sát thông thường, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhu cầu tăng tiến trong vấn đề tiêu thụ giải trí. Một bài nhạc, dù hay đến cách mấy, nghe quá nhiều lần cũng dẫn đến sự nhàm chán. Tương tự như vậy với các thần tượng, show giải trí, hài độc thoại hay thậm chí phim khiêu dâm. Chúng ta nhanh chóng nắm được những motif, và dần không còn hứng thú với lượng lớn văn hóa phẩm giải trí cùng loại ngay cả khi ta chưa từng xem (vì khi quy về motif, số lượng lớn tác phẩm thực ra cũng chỉ nằm gọn trong một vài nhóm cụ thể).
Tuy vậy, để chắc chắn hơn, tôi đã tìm kiếm các nghiên cứu và nhận thấy rằng, quả thực: chúng ta đang ngày càng tìm kiếm những bộ phim khiêu dâm hardcore hơn kể từ khi ngành công nghiệp này bắt đầu, chúng ta đang muốn nhiều hơn, và nhiều hơn nữa những sản phẩm giải trí đại chúng mới mẻ, chúng ta cũng đang ăn nhiều đường hơn (và việc này có liên quan đến sự nhàm chán đấy)…
Theo một cách nào đó, nếu nhìn nhận việc giải trí vô độ và tiêu thụ đường như chất gây nghiện, thì chúng ta đã là những kẻ lạm dụng. Nhưng có lẽ không ai nghĩ rằng mình bị nghiện hay lệ thuộc bởi chúng, “vì ngày nào cũng dùng mà có thấy nghiện gì đâu”? Nhưng tôi nghĩ sự vật vã và cảm giác khó chịu sẽ xuất hiện khi bạn bị cách ly khỏi chúng trong một vài ngày. Thế thì có gọi là nghiện không?
Có lẽ đã đến lúc kết thúc việc nói về sự suy đồi xã hội dưới lăng kính khá tiêu cực của các nhà lý luận phê bình xã hội, và nên đề cập đến giải pháp. Ngoài việc chờ đợi công nghệ sẽ phát triển để máy móc có thể thay thế con người ở những công việc vô vị tẻ nhạt, chúng ta phải làm gì để giảm thiểu nỗi buồn chán, hoặc làm gì để đối mặt khi chúng xuất hiện?
Đầu tiên, hãy tạo ra sự đa dạng. Việc ăn một món ăn đơn lẻ có thể khiến ta nhanh dẫn đến cảm giác no hơn. Tuy vậy, phối hợp nhiều món trong một bữa lại giúp ta tiêu thụ nhiều hơn ở tất cả các món. Vì vậy, hãy giữ sự đa dạng trong cuộc sống để đảm bảo từng thú vui riêng lẻ bên trong đó đều trở nên thú vị hơn so với thực thế.
Tiếp theo, hãy tạo ra sự tạm ngưng và thay đổi ngẫu nhiên để chống lại sự lờn. Đây nhìn chung là một chiến thuật tốt để giúp giảm sự nhàm chán cho người khác. Cụ thể, việc một người nhắn tin chúc ngủ ngon liên tục vào mỗi tối có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng nếu người đó tạm ngưng một buổi sẽ khiến bạn cảm thấy thắc mắc, và việc họ nhắn tin lại vào hôm sau sẽ giúp bạn cảm thấy hứng thú hơn hẳn. Đây chính là kỹ thuật dishabituation trong tâm lý học.
Cuối cùng, cách bền vững nhất để đỡ nhàm chán, là tuân theo đúng quy luật đã tạo ra sự nhàm chán: hãy hướng thượng. Hãy phát triển bản thân theo hướng có thể hiểu được những thứ hay ho hơn, từ đó bớt đi cảm giác nhàm chán về thực tế và về bản thân. Nếu bạn chán tiểu thuyết ba xu, hãy đọc kinh điển. Chán self help và những cuốn sách vô thưởng vô phạt, hãy thử triết học. Chán nơi này, hãy tìm kiếm nơi khác thú vị hấp dẫn và sâu sắc hơn để cảm thấy đồng cảm và phát triển thêm.
Vì chúng ta không ở đây để giữ chân nhau và cùng mắc kẹt trong sự nhàm chán.
Vì biết đâu một thoáng xa nhau lại là tiền đề tốt để mọi người không chán nhau.
Xem thêm:
Kiến thức đầy đủ về Bệnh Trầm Cảm: triệu chứng và chữa trị
Theo nghiên cứu của các tổ chức Mỹ, hàng năm đất nước này có khoảng 10% hoặc 21 triệu bị chứng trầm cảm, tài liệu Y học gọi là "depression". Các nhà Kinh Tế, giới...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
—
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Monster Box
Ảnh: Pinterest