Lý giải nguyên nhân Mỹ gán nhãn Việt Nam “thao túng tiền tệ”.
Nguyên nhân Việt Nam bị Mỹ gán nhãn “thao túng tiền tệ”
Từ hôm qua đến nay cư dân mạng bàn tán rầm rộ việc “Việt Nam cùng Thuỵ Sĩ bị Mỹ gán nhãn là quốc gia thao túng tiền tệ”.
Các bàn tán và bình luận rất nhiều, nào là Mỹ và Tổng thống Donald Trump đánh Việt Nam, nào là đợi sau 20/1/2021 Việt Nam sẽ đàm phán với Joe Biden để Biden xoá cho cái nhãn thao túng tiền tệ, rồi dự đoán hàng hoá Việt Nam sẽ bị Mỹ áp mức thuế cao hơn, các nhà máy sản xuất sẽ chuyển sang Campuchia.
Vốn tôn trọng sự thực khách quan, không suy đoán theo cảm tính cá nhân, sau một hồi tìm hiểu thì tôi phát hiện ra rằng các suy đoán của đa số cư dân mạng đều không đúng bản chất.
Thực ra theo Đạo luật Cạnh tranh và Ngoại thương Omnibus được ban hành từ năm 1988 và Đạo luật Tạo thuận lợi Thương mại và Thực thi Thương mại năm 2015, một quốc gia được coi là thao túng tiền tệ nếu có đủ 3 tiêu chí (KPI) sau đây:
- (1) Thặng dư thương mại song phương với Mỹ lớn
- (2) Thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP quốc gia)
- (3) Mua ròng ngoại tệ trong 12 tháng (trên 2% GDP quốc gia)
Kể từ khi Đạo luật năm 1988 được ban hành, Mỹ đã gán nhãn các quốc gia sau đây là nước thao túng tiền tệ: Hàn Quốc năm 1988, Đài Loan năm 1988 và 1992, và Trung Quốc 3 năm 1992-1994 và năm 2019.
Điều đó có nghĩa rằng Mỹ xếp một quốc gia là thao túng tiền tệ theo đúng 3 tiêu chí với con số được công bố công khai rõ ràng, bất cứ quốc gia nào cứ có đủ cả 3 tiêu chí thì bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ, còn có 2/3 tiêu chí thì bị cho vào danh sách giám sát. Trên thực tế Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc cứ có đủ 3 tiêu chí vượt ngưỡng thì bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, khi họ bớt đi một tiêu chí thì được bỏ ra khỏi danh sách.
Việt Nam chúng ta từ tháng 5/2019 bắt đầu bị xếp vào danh sách giám sát do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư thương mại song phương (xuất siêu lớn) và thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP). Tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát.
Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài Chính Mỹ thì Việt Nam (cùng với Thuỵ Sĩ) đã vượt cả 3 tiêu chí đó là:
- (1) Xuất siêu sang Mỹ gấp 2.85 lần ngưỡng qui định
- (2) Thặng dư cán cân vãng lai 4.6% GDP (tiêu chí là 2% GDP)
- (3) Mua ròng ngoại tệ 5.1% GDP (tiêu chí là 2% GDP)
Đấy chính là lý do Việt Nam bị gán nhãn quốc gia thao túng tiền tệ. Cùng với Việt Nam và Thuỵ Sĩ, thì Đài Loan, Thái Lan và Malaysia cũng ở sát ngưỡng thao túng tiền tệ, vì đã vượt 2 tiêu chí xuất siêu và thặng dư cán cân vãng lai, còn mua ròng ngoại tệ đã gần đến 2% GDP.
Hậu quả khi bị Mỹ gán nhãn “thao túng tiền tệ”
Vậy hậu quả việc bị liệt vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ là gì? Trước tiên là sẽ bị loại trừ khỏi các hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ, tiếp theo có thể bị Bộ Thương mại sử dụng các phát hiện định giá thấp tiền tệ để bắt đầu áp thuế chống trợ cấp đối với các ngành được hưởng lợi từ việc định giá thấp (sẽ được dỡ bỏ khi được cho ra khỏi danh sách thao túng).
Thực ra nếu trong năm 2020 Việt Nam không mua dự trữ ngoại tệ nhiều thì chắc chắn vẫn chỉ ở nhóm 10 nước bị giám sát thôi. Lời giải rất đơn giản là trong 1 năm nữa chúng ta mua ròng ngoại tệ dưới 2% GDP thì lại được Mỹ bỏ ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ thôi.
Với những lý giải như trên thì việc suy đoán là Mỹ và Trump đánh Việt Nam, rồi các nhà máy sẽ rời Việt Nam sang các nước khác để tránh bị đánh thuế cao là hoàn toàn sai về bản chất.
Xem thêm
Vì sao đường sắt Cát Linh Hà Đông lỗ mà vẫn hoạt động?
“Đường sắt Cát Linh Hà Đông lỗ 160 tỷ, riêng năm 2021 lỗ 63.73 tỷ đồng” là chủ đề mà...
Read moreTheo Ông Đỗ Cao Bảo