Năm 1972, nhà thám hiểm và nhà khoa học người Pháp Michel Siffre đã giam mình dưới một hang động ngầm tại Texas suốt sáu tháng ròng, biến mình thành đối tượng của thí nghiệm về sự tự cô lập dài nhất trong lịch sử. Để nghiên cứu về nhịp sinh học của cơ thể người trong điều kiện không có các phương tiện tham chiếu thời gian (đồng hồ, lịch và cả ánh sáng mặt trời), Michel đã cẩn thận theo dõi và ghi chép lại những thay đổi trên chính bản thân ông trong thời gian này: sau vài tháng đầu; ông khó có thể đưa ra những suy nghĩ liền mạch. Đến tháng thứ năm, ông thèm có người bầu bạn đến mức đã cố gắng kết thân với một con chuột, và thất bại trong tuyệt vọng.
Nếu không được nhắc đến nhằm đề cao sự cống hiến thầm lặng của Michel hay những nhà khoa học như ông đang công tác tại Nam Cực lạnh giá, sự cô đơn cùng cực từ lâu đã được thi vị hóa; trở thành đề tài phổ biến trong nghệ thuật. Với quá trình đô thị hóa, thay đổi trong lối sống và công việc, chủ nghĩa cá nhân cùng hàng loạt những biến động khác, sự cô đơn ngày càng trở nên phổ biến; đến mức có thể được xem là điều khó tránh khỏi, là sản phẩm phụ của một xã hội hiện đại và “kết nối” hơn.
Trong một khảo sát được tiến hành tại Anh trên hơn 55.000 đối tượng, có đến 41% cho rằng sự cô đơn đôi khi có thể là một trải nghiệm tích cực. Một vài buổi tối cuối tuần không ra ngoài cùng bạn bè hoặc những bữa ăn một mình có lẽ chẳng phải điều gì quá to tát. Sự cô đơn; bất kể được định nghĩa thế nào, cũng chỉ là một điểm trên dải biến thiên cảm xúc của con người. Và nếu có ai đó cần được quan tâm khi nói về sự cô đơn, đó tốt hơn nên là những người lớn tuổi.
Thực tế cho thấy điều ngược lại: chính trong khảo sát trên, có đến 40% các đối tượng trẻ tuổi cho biết mình cảm thấy cô đơn; so với con số 27% của nhóm đối tượng cao tuổi. Ngạc nhiên hơn, 30% người được hỏi thay đổi câu trả lời “không bao giờ” thành “thỉnh thoảng” khi từ “cô đơn” không xuất hiện trong câu hỏi, cho thấy sự tồn tại của định kiến xã hội khiến người ta không sẵn sàng thừa nhận cảm xúc thật, đặc biệt ở người trẻ.
Và khi biết rằng sự cô đơn cũng gây tác hại đến sức khỏe; thậm chí có khả năng gây chết người chẳng kém gì ung thư, thuốc lá hay béo phì, việc Anh bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Cô đơn thực ra lại là một nước đi tiên phong trong công cuộc chống lại đại dịch cô đơn đang âm ỉ lây lan trong lòng xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Điều đáng lo ngại là, vấn nạn này còn cho thấy chúng ta dường như đang bị đẩy ra xa khỏi bản tính xã hội đặc trưng – bởi chính tiến trình và dòng chảy xã hội nhanh đến chóng mặt.
1. Nhưng, loài người không tiến hóa để cô đơn
Nói cách khác, nhu cầu kết nối xã hội và hợp tác sinh tồn có thể chính là nhân tố tạo ra sự rẽ hướng trên con đường tiến hóa của chúng ta và những họ hàng linh trưởng khác 7 triệu năm về trước. Nhiều nghiên cứu nhân chủng học cho thấy bước chuyển lịch sử này nhắm đến sự hình thành những cộng đồng tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Một trong những bằng chứng sớm nhất của hành vi hợp tác là khi con người chuyển sang di chuyển bằng hai chân. Bên cạnh việc giúp cải thiện khả năng điều hòa thân nhiệt, tăng phạm vi quan sát để đề phòng kẻ săn mồi và nhiều nguyên do khác; nhà nhân chủng học người Mỹ Owen Lovejoy còn cho rằng: tổ tiên chúng ta giải phóng đôi tay để chia sẻ thức ăn, đặc biệt là để những con đực có thể mang thức ăn về cho con cái đang phải chăm sóc những con non của chúng. Trong khi đó, việc di chuyển bằng cả bốn chi như ở loài tinh tinh sẽ gây khá nhiều cản trở cho hành vi này.
Tua nhanh đến thời điểm con người bắt đầu biết chế tạo công cụ, công nghệ này đã mang đến cho chúng ta khả năng chủ động khai thác các nguồn lực sẵn có. Thay vì chờ đợi một quá trình thích nghi sinh học dài hơi để hình thành những đặc điểm phù hợp với môi trường; chúng ta giờ đây đã có thể thay đổi môi trường theo ý muốn.
Như từng đề cập trong bài viết về ngôn ngữ; sự truyền dạy lẫn nhau là yếu tố quan trọng nhất để có thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, kể cả đối với một công cụ bằng đá hết sức thô sơ. Việc truyền dạy và chia sẻ kiến thức thực chất chính là một hành vi hợp tác xã hội ở bậc cao, có khả năng chính là nhân tố thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển của ngôn ngữ; một “công cụ” giúp ích rất nhiều cho hành vi hợp tác sau này của con người.
Đến khi loài Homo erectus (người đứng thẳng) xuất hiện, hành vi hợp tác lại tiến lên mức độ phức tạp cao hơn: cơ thể thẳng đứng khiến việc sinh nở những đứa trẻ có phần đầu to trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn với phụ nữ. Nó dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc xã hội; thể hiện rõ nhất ở sự phân công lao động giữa nam và nữ cũng như sự hợp tác nuôi con giữa những bà mẹ với nhau. Thay đổi này biến sự hỗ trợ và gắn kết với cộng đồng trở thành nhân tố chủ chốt, đảm bảo sự sống còn của mỗi cá thể.
Việc tìm thấy dấu hiệu được chăm sóc và chữa trị trên nhiều bộ hài cốt mang chấn thương thuộc nhiều loài vượn cổ cho thấy tổ tiên chúng ta thực sự dành sự quan tâm đến các cá thể khác trong nhóm. Nói ngắn gọn, trong phần lớn thời gian tiến hóa của con người; sự đơn độc cũng đồng nghĩa với cái chết.
Bài liên quan
Keanu Reeves – biểu tượng của đàn ông tự do, tài năng và đức độ
Tôi là kiểu người không thích có Thần Tượng, nhưng hình ảnh Keanu Reeves làm tôi rất thích, và mong muốn mình sẽ thành như vậy! Keanu Reeves - biểu tượng của đàn ông tự...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
2. Và cảm giác cô đơn chính là tín hiệu cảnh báo mối nguy hiểm
Ở phía ngược lại, có quan điểm cho rằng cảm giác nhức nhối tuyệt vọng khi rơi vào cảnh đơn độc, như trong trường hợp của Michel, mới chính là nhân tố thúc đẩy các cá thể đơn lẻ tìm đến nhau, đến các kết nối như một cách “giảm đau về mặt tinh thần”. Từ những sợi chỉ đó, mạng lưới chằng chịt của cộng đồng và tấm vải xã hội nhiều màu sắc đã được dệt thành. Quan hệ gắn kết mang đến những lợi ích to lớn về mặt tiến hóa như sự san sẻ thức ăn, nơi ở, bảo vệ lẫn nhau; và cuối cùng khiến tính xã hội trở thành đặc điểm ăn sâu bén rễ trong hành vi của con người.
Thực chất, quan điểm phổ biến đến nay cũng cho rằng, những “cảm giác”, “cảm xúc” của chúng ta, mục đích chính vẫn là nhằm làm động lực thúc đẩy ta làm gì đó, cũng như rào cản để giữ ta không làm gì đó. Chúng là những phản ứng có chủ đích, một cơ chế phòng vệ đã được lập trình sẵn.
Cơn đói cho ta biết cơ thể đang cần chất dinh dưỡng và hối thúc chúng ta tìm kiếm thức ăn. Những cái ngáp dài cho thấy cơ thể đang mệt mỏi và cần một giấc ngủ. Tương tự với những dấu hiệu thể chất khó chịu kể trên; cảm giác ngột ngạt, buồn bã và tuyệt vọng khi ở một mình quá lâu chính là dấu hiệu nhắc nhở các cá thể đơn độc tìm kiếm các kết nối xã hội. Không chỉ để khỏa lấp về mặt tinh thần, các kết nối đó – như đã trình bày; chính là chiếc phao cứu sinh khi loài người vẫn còn đang chênh vênh trên chặng đường tiến hóa.
Nếu quan điểm trên của cố giáo sư thần kinh nhận thức John Cacioppo là đúng, đồng nghĩa với việc có tồn tại một cơ chế sinh học trong não bộ để thúc ép những cá thể tách biệt phải tìm đến đồng loại. Và có lẽ các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Masachusetts (MIT) đã tìm ra cơ chế này; một cách tình cờ trong lúc thực hiện các thí nghiệm trên loài gặm nhấm có tính xã hội cao là chuột (cũng là loài được chọn làm đối tượng nghiên cứu trong thí nghiệm nổi tiếng về một xã hội không tưởng (Utopia)).
Trong khi khảo sát tác động của cocaine trên não chuột để nghiên cứu tính chất gây nghiện của chất này, nhà khoa học thần kinh Gillian Matthews đã cho các cá thể chuột được tiêm thuốc vào những lồng ngăn riêng biệt. Cùng lúc, một nhóm kiểm soát (control group, các đối tượng không bị tác động để đối chứng trong một thí nghiệm) khác cũng được cho tiêm dung dịch nước muối thay vì cocain.
Sau 24h, cô quay lại để kiểm tra những thay đổi trong tế bào não của chúng, và ngạc nhiên nhận thấy ở cả hai nhóm đối tượng đều xuất hiện sự gia tăng các liên kết thần kinh trong các tế bào thuộc nhân cột giữa (tạm dịch từ “dorsal raphe nucleus”). Tại khu vực não này; 25% số lượng tế bào có chức năng sản sinh hormone hạnh phúc dopamine – hợp chất hóa học điều khiển chúng ta tìm đến những thứ giúp thỏa mãn nhu cầu; trong khi phần còn lại là những tế bào sản xuất hormone serotonin – vốn có quan hệ mật thiết với chứng trầm cảm.
Cho rằng cocaine và dung dịch nước muối không thể có cùng tác động, Matthews và đồng nghiệp kiểm tra lại các yếu tố môi trường trong thí nghiệm. Hóa ra, chính sự cô lập trong 24 giờ, chứ không phải chất kích thích, đã tạo ra sự thay đổi này. Và về biểu hiện hành vi, sau khi kết thúc thời gian bị cô lập, những sinh vật xã hội này đã dành nhiều thời gian hơn để tương tác với những cá thể chuột khác – nhiều hơn hẳn so với trong điều kiện chúng chung sống với các cá thể khác mà không bị cô lập.
Trong những thí nghiệm sâu hơn, bằng kỹ thuật quang di truyền (optogenetics – sử dụng ánh sáng với các bước sóng khác nhau để điều khiển hoạt động của tế bào thần kinh), họ đã kích thích chỉ riêng các tế bào thần kinh sản sinh dopamine trên khu vực nhân cột giữa ở chuột. Kích thích này dường như khiến lũ chuột gặp phải “cảm giác tồi tệ”. Chúng chủ động tránh né nguồn kích thích (bị chiếu sáng) y như khi tránh né nỗi đau thể chất. Thậm chí chúng còn có biểu hiện dành nhiều thời gian hơn để tương tác với những con chuột khác – hệt như đang rơi vào trạng thái cô đơn và bị cô lập.
Giả thuyết của Cacioppo về khía cạnh tiến hóa của sự cô đơn, qua hành vi của những chú chuột, đã càng trở nên thuyết phục hơn. Nhưng chính nó cũng cho thấy chúng ta không tiến hóa để trở thành những cá thể tách biệt; mà trái lại, còn được trang bị những cơ chế bẩm sinh để thúc đẩy tìm kiếm sự kết nối.
Không những vậy, nghiên cứu này còn phát hiện một hiện tượng thú vị khác: những cá thể có thứ bậc xã hội cao hơn – kẻ chiến thắng trong những trận chiến và được ưu tiên tiếp cận thức ăn – lại là những kẻ có phản ứng dữ dội nhất khi các tế bào thần kinh cô đơn của chúng bị kích thích. Hiện tượng này lại tiếp tục là một bằng chứng ủng hộ giải thuyết của Cacioppo, cho rằng sự nhạy cảm với nỗi cô đơn cũng là một tính trạng di truyền, được biểu hiện thành mức độ phản ứng khác biệt của mỗi cá thể trước cảm giác khó chịu này.
Vậy, thứ cảm giác chúng ta thường cảm nhận được mỗi khi một mình, sự bứt rứt, trống rỗng và khát khao kỳ lạ muốn bước ra khỏi phòng và bắt chuyện với bất kỳ ai, chính là tín hiệu não bộ phát ra vì sợ rằng ta đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Nó muốn chúng ta được phát hiện bởi đồng loại, và bộ não thông thái ấy đôi lúc ngu ngốc đến mức không nhận ra được ở xã hội hiện đại, việc ở trong phòng thực chất an toàn hơn rất nhiều so với tiếp xúc người lạ.
Vì thế, chẳng quá khó hiểu nếu đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy trống rỗng và đau khổ, ngay cả khi cuộc sống ở những thời điểm ổn định nhất.
Bài liên quan
Đàn ông càng đẹp trai càng nghèo?
Một nghiên cứu cho thấy, đàn ông càng đẹp trai thì càng nghèo và khó thành công trong công việc. Sao lại vô lý vậy? Đẹp trai quá là một cái tội! Cái này có khoa...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
3. Khi nỗi cô đơn cũng được di truyền
Hàng loạt nghiên cứu khác đã xác nhận quan điểm của Cacioppo, rằng sự nhạy cảm với cảm giác cô đơn là một tính trạng có thể được di truyền, và đặc biệt còn liên quan đến chứng loạn thần kinh và chứng trầm cảm.
Như từng trình bày trong bài viết trước về sự hình thành nhân cách của người trẻ; việc phải chịu đựng những cảm xúc tồi tệ trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ; vốn chính là nơi sản sinh và đồng thời phải chật vật chống đỡ những cảm xúc tiêu cực đó. Điều tương tự cũng xảy ra khi bộ não bị đắm chìm trong nỗi cô đơn quá lâu.
Nghiên cứu cho thấy những người cô đơn có sự suy giảm khối lượng não bộ tại vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) – đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định và các hành vi xã hội. Các cá thể gặm nhấm bị cô lập cũng cho thấy sự bất ổn trong hoạt động tại khu vực này. Hồi hải mã (hippocampus) cũng có kích thước nhỏ hơn bình thường và có sự suy giảm của các hoạt chất cần thiết cho sự phát triển thần kinh; ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập và trí nhớ, ngoài ra còn khiến nồng độ hormone stress cortisol tăng cao. Với hạch hạnh nhân (amygdala) – nơi điều khiển và xử lý cảm xúc, sự thiếu thốn các kết nối xã hội cũng liên quan đến kích thước nhỏ hơn của vùng não này.
Khi cảm giác về nỗi cô đơn cũng được hình thành phần nào bởi yếu tố di truyền, mở ra một lo ngại về việc những đứa trẻ trong tương lai thực sự sẽ không thể quyết định được việc chúng trở thành người như thế nào. Biết rằng trong những cuộc khảo sát gần đây, giới trẻ cho thấy họ cảm thấy cô đơn hơn hẳn những thế hệ trước, dù đang sống trong một thời kỳ kết nối hơn.
Khoan hãy nói về những khảo sát đầy số liệu, mà có thể nhiều khả năng các bạn sẽ không đụng đến, mối bận tâm về sự cô đơn trong thị hiếu của giới trẻ cũng cho thấy một xu hướng thiếu lành mạnh.
Chẳng hạn, bài viết này sẽ được đọc nhiều hơn những bài khác trên trang vì xuất hiện hai chữ “cô đơn” và nhiều bạn trẻ sẽ click vào hòng tìm được một vài dòng giúp họ cảm thấy đồng cảm. Phong trào viết, đọc và chia sẻ những bài viết về hướng nội, về sự đề cao cảm giác ở một mình, về ý tưởng căm ghét loài người mà bạn thường xuyên bắt gặp cũng là một ví dụ cụ thể khác. Hoặc thực tế hơn, là hiện tượng NEET và hikikomori ở xã hội Nhật Bản, cũng như những trào lưu tương đương nhưng “nhẹ đô” hơn ở nhiều quốc gia khác.
Xã hội chúng ta đang sống giúp cho việc ở một mình dễ dàng hơn, mọi thứ dường như đều xoay quanh trong lúc ta chỉ cần ngồi một chỗ, thậm chí còn tạo cảm giác lười biếng đến mức không muốn bước chân ra khỏi nhà hay gặp gỡ bất kỳ ai.
Nhưng sự tiện lợi, thoải mái nhất thời thường không đồng nghĩa với cảm giác hạnh phúc bền vững, thậm chí hai tính từ được marketing, truyền thông một cách mạnh mẽ ấy còn không đại diện cho sự tốt đẹp hay giá trị đáng để theo đuổi.
Vì suy cho cùng, cả cơ thể sinh học lẫn cấu trúc xã hội chúng ta đang sống, đều không ưu ái cho cuộc đời của những người lựa chọn sống với sự cô đơn. Biết rằng một vài khoảnh khắc một mình sẽ giá trị hơn nếu bạn luôn bên cạnh mọi người.
Hãy cân nhắc, và tự đưa ra quyết định cho riêng bạn.
Bài liên quan
Đàn ông tuổi 30, thanh xuân đã kết thúc?
Đàn ông tuổi 30 - Có gia đình, có con, rồi hàng ngày bạn cũng sẽ trở thành những vị phụ huynh tan sở lái xe tới đón con ở trước cổng trường... Lúc ấy...
Thomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn chui vào bằng đường tai. Với một lời thầm thì”. (Peaky Blinders, Mùa 2, Tập...
Thư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ doanh nhân trẻ. Chúng ta hãy cùng đọc những lời yêu thương trong bức thư...
Những loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một số loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ...
—
TẠP CHÍ MENBACK
Theo: Monter Box
Ảnh: Pinterest
Link nguồn: facebook.com/teammonsterbox/posts/2758320881115327