Kịch bản, cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật và các góc nhìn của Dopesick xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa điện ảnh truyền hình làm chuẩn mực.
Dopesick tập trung vào “tâm điểm của cuộc đấu tranh với chứng nghiện opioid” trên khắp nước Mỹ, và vào các cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi nó cũng như vụ kiện pháp lý chống lại Purdue Pharma cùng việc phát triển và quảng bá thuốc OxyContin của họ.
Review phim Dopesick
Dopesick làm mình shock, ấn tượng, ám ảnh và suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid hoành hành và người người nhà nhà, thậm chí là các quốc gia đều trở nên lệ thuộc vào thuốc, vaccine cũng như những ông lớn ngành dược thì kiếm tiền tỉ dễ như bỡn.
Tuy nó không nói về Covid nhưng người xem không thể không rùng mình liên tưởng (mặc dù mình hoàn toàn không hề cổ xuý cho phong trào antivax nha).
Nếu để bình chọn mini series dựa trên sự kiện có thật trong thời gian gần đây, thì mình sẽ để Dopesick hàng top (một cách không lưỡng lự, đắn đo).
Thực sự, cái kịch bản, cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật và các góc nhìn của bộ miniseries này xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa làm chuẩn mực.
Các bạn nhìn dàn diễn viên trong Dopesick nhé, toàn những tên tuổi thực lực có thừa mà đẫn đầu là ‘anh’ Michael Keaton, Rosario Dawson, Peter Sarsgaard, Will Poulter và Kailyn Dever.
Tuy nhiên, dàn chỉ đạo sản xuất mới gọi là khủng khi mà toàn những cái tên lão làng của Hollywood, thậm chí còn dòng dõi đi vào huyền thoại như:
– John Goldwyn: ông là con trai trong một gia đình dòng dõi trong ngành sản xuất phim, ông nội ông là Samuel Goldwyn, nhà sáng lập Samuel Goldwyn Productions – công ty sản xuất độc lập thành công nhất về mặt tài chính và phê bình trong Thời kỳ Hoàng kim của Hollywood. Ông ngoại John là Sidney Howard – người viết kịch bản cho Cuốn theo chiều gió. Sơ lược một chút như vậy chứ viết về gia tộc của ông thì khủng khiếp lắm!
– Warren Littlefield: từng tham gia sản xuất cực nhiều huyền thoại, xưa thì có Cheers, Seinfield, The Cosby Show và The Goldern Girls, sau thì có Fargo, The Handmaid’s Tale; chưa kể giám sát các show hoành tráng của đài NBC như Friends, Frasier, the west wing – toàn kinh điển cả),
– Barry Levinson: bác đạo diễn già gân này vừa làm EP vừa tham gia đạo diễn 2 tập đầu của series. Chắc các fan phim sẽ biết đến bác í nhiều hơn qua Rain Man, Good Morning, Vietnam hay Wag the Dog.
Nhưng mà những cái tên nổi tiếng trên chỉ là phụ thôi, quan trọng nhất với mình vẫn là câu chuyện và kịch bản. Sự thông minh của phim nằm ở chỗ: nó thể hiện 1 sự kiện qua nhiều góc nhìn và mang lại cho người xem 1 bức tranh toàn cảnh.
Cụ thể ở đây là công ty dược Purdue tung ra thị trường thuốc OxyContin chuyên để giảm đau cho những người đau mãn tính (Từ trước đến giờ, đây vẫn là 1 bài toán chưa có lời giải hữu hiệu nhất bởi các cơn đau dai dẳng nhưng tỉ lệ người dùng bị nghiện thuốc cũng rất cao).
Từ góc nhìn của công ty dược thì từ lúc sáng chế, markting sản phẩm, tăng liều lượng thuốc, cách qua mặt FDA để thuốc được phổ biến trên thị trường, cách đối phó với các nhà chức trách, pháp luật khi sản phẩm bị sờ gáy: cực kì mưu mô và tinh xảo.
Từ góc nhìn của mấy nhân viên bán hàng (Sale rep) thì đúng như lũ kền kền háu đói, chúng mời chào bác sĩ, dụ dỗ họ bằng những chuyển du lịch, những món quà xa xỉ, cách ép các tiệm thuốc phải bán hàng mà không có sự lựa chọn nào khác, cách giữ cho KPI luôn cao. Lợi nhuận của Purdue lên đến hơn 3 tỷ đô trong 1 thời gian ngắn nhờ OxyContin.
Từ góc nhìn của bác sĩ thì có người có lương tri, có người dễ dàng bị thuyết phục, ghi đơn cho bệnh nhân.
Còn bệnh nhân thì bỗng nhiên trở thành con nghiện không lối thoát. Và con đường từ nghiện thuốc giảm đau OxyContin tới ma tuý là cực gần – và thực tế là hàng triệu dân Mỹ đã thành con nghiện.
Song song đó là bên công tố viên và cảnh sát loay hoay tìm cách phanh phui vụ án, khi mà họ sờ đâu cũng thấy các đầu mối bị mua chuộc, sự việc rõ ràng ngay trước mắt nhưng lại chẳng có 1 bằng chứng nào để kết tội các bên liên quan.
Thực sự, cái đề tài mà bộ này nói đến nó gây chấn động, gai góc, rất sâu, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cực tốt mới có thể kể lại được sự việc một cách lôi cuốn, hấp dẫn, có cao trào, có thắt mở. Xem phim mà mình học thêm được bao nhiêu điều. Phim vừa thông minh, vừa trí tuệ.
Nhiều góc nhìn, nhiều nhân vật nhưng cách kể chuyện không hề bị rối khi họ tóm gọn lại với những tuyến nhân vật chính và ai cũng làm tròn vai của mình. Dàn Executive Producers lão làng như vậy, cái cách họ chọn đề tài để làm dự án quả không phải tầm thường.
Dự đoán Dopesick sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất cho các giải thưởng truyền hình hạng mục mini drama mùa tới. Còn bác Michael Keaton thì chắc cũng sẽ có 1 năm bận rộn lên bục nhận tượng. Hiện tại, bác đã được 1 quả cầu vàng và 1 giải SAG cho vai diễn trong series này rồi.
Bạn Kaitlyn Dever cũng ngày càng chứng tỏ bản lĩnh làm nghề: nhìn xinh xắn, nhỏ nhắn, dễ thương mà toàn chọn các dự án khó, đề tài khoai và cũng không mấy hút khán giả trẻ – bạn này chắc chắn sẽ còn tiến rất xa!
Phim điện ảnh mấy năm gần đây cứ lờ đờ thì mảng truyền hình lại có rất nhiều đột phá, xem rất sướng!
Dopesick có trên Disney+, chỉ có 8 tập thôi, mỗi tập tầm 50 phút. Điểm rating trên IMDB hiện đang là 8.7/10 – một con số rất khả quan.
Phim được biên tập bổ sung qua đánh giá của Zenith Aya Phuong.
Trailer phim Dopesick
Nếu quan tâm đến chủ đề này, tại Việt Nam, các bạn vẫn có thể mua cuốn “Dopesick: Dealers, Doctors and the Drug Company that Addicted America” để tìm hiểu thêm nhé.
Dopesick: Dealers, Doctors, and the Drug Company that Addicted America
272.000₫ 423.000₫ | Giao nhanh, miễn phí vận chuyển.
- Những câu nói hay trong Peaky Blinders (Bóng ma Anh Quốc)
- 5 series phim hình sự tâm lý tội phạm hay nhất bạn nên xem ngay
- 17 bộ phim Anh Quốc hay nhất bạn nên xem
- [Review phim] Don’t Look Up – Siêu phẩm không dành cho đám đông
- [Review phim] “The Great Gatsby” – Ám ảnh còn đọng lại mãi mãi