The Great Gatsby là một tấn bi kịch khi nhân vật chính lý tưởng hóa niềm tin của mình để rồi không nhận ra đâu là thật, đâu chỉ là ảo ảnh.
Lần đầu tôi xem The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại / Đại gia Gatsby) có lẽ là 5-6 năm về trước, tuy đã lâu nhưng ấn tượng về câu chuyện đầy tính châm biếm hay cái kết ám ảnh còn đọng lại mãi mãi. Xem lại The Great Gatsby theo dòng thời sự ‘bài thi Văn đại học đạt 10 điểm lấy Gatsby làm đại diện cho người-làm-nên-đất-nước’ (cũng lại là một câu chuyện đáng châm biếm!!!), để nhận ra tại sao quyển tiểu thuyết của F. Scott Fitzgerald xứng danh là một kiệt tác sống mãi với thời gian.
Bài review này sẽ không tóm tắt nội dung phim The Great Gatsby để tránh spoil, khuyến khích các bạn xem phim hoặc đọc sách trước nhé, những cú plot twist trong phim cũng gì và này nọ lắm.
Điều gì làm nên Jay Gatsby?
Chắc chắn không phải là một anh hùng “làm nên đất nước” theo ý nghĩa vĩ đại như thế. Cuộc đời Jay Gatsby là kết quả của những nỗi ám ảnh: ám ảnh về “giấc mơ Mỹ” (American dream) và ám ảnh về tình yêu.
Gatsby mang tính đại diện cho cả một thế hệ sau chiến tranh hay còn gọi là “thế hệ mất mát”: luôn đau đáu đi tìm mục tiêu cuộc sống, gắn nó vào những ảo ảnh lý tưởng rồi mải miết làm giàu bằng mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu ấy.
Xuất thân thấp kém, Gatsby bị ám ảnh bởi việc phải giàu. Tự cho mình là con của Chúa, ở Gatsby, mà theo Nick nhận xét, có niềm tin lạc quan tới mức phi thường, rằng anh sẽ đạt được mọi thứ anh muốn.
“There was something gorgeous about him, some heightened sensitivity to the promises of life.”
“He found that he had committed himself to the following of a grail.”
Cố gắng chen chúc vào tầng lớp thượng lưu bằng con đường làm ăn phi pháp, tổ chức những bữa tiệc xa hoa bậc nhất, có quan hệ với người có địa vị, Gatsby vẫn không thể tránh được thái độ khinh miệt của giới quý tộc giàu từ gốc. Họ chê những người mới phất lên như Gatsby là “giàu xổi”: “Gatsby này là ai?”, “Có phải là một tên buôn lậu nào đó không?”
Daisy – một ảo ảnh đẹp
Nhưng phẩm chất của Gatsby lại phức tạp hơn những gì một kẻ giàu mới phất cần có và làm anh khác xa cái giới thượng lưu giả tạo rỗng tuếch bao quanh.
Anh lãng mạn và ngây thơ đến mức khó tin. Anh yêu Daisy từ lần đầu gặp mặt, tự mơ mộng về một tình yêu lý tưởng – lấy nó làm mục tiêu cả đời mình. Anh gán cho Daisy những đức tính tốt đẹp mà cô không bao giờ có, dành cho cô một tình yêu thuần khiết dẫu cô đã có chồng.
Daisy, ngay từ đầu đã chẳng phải là những gì Gatsby mong đợi, chứ đừng nói đến 5 năm sau đó, khi cô bộc lộ rõ hơn thói đam mê vật chất cũng như những suy nghĩ nông cạn, ích kỷ.
Gatsby có thấy điều đó hay không? Ta không cần bận tâm vì dù có thấy, anh cũng nhắm mắt làm ngơ. Daisy cũng như giấc mơ Mỹ, nó không hơn một nỗi ám ảnh buộc con người phải cố gắng đạt được, bất kể có xứng đáng hay không.
“I hope she’ll be a fool — that’s the best thing a girl can be in this world, a beautiful little fool.”
The Great Gatsby – Phim và sách
Phong cách làm phim không thể lẫn vào đâu của Baz Luhrmann từ thời Moulin Rouge xem ra hơi lệch tông với sắc thái mỉa mai trào phúng của The Great Gatsby. Sự “over” trong bối cảnh, phục trang và cái cách “sến hóa” câu chuyện tình yêu của đạo diễn vô hình trung làm lu mờ một khía cạnh quan trọng khác của tác phẩm – giấc mơ Mỹ của Gatsby.
Quả thật, tiểu thuyết của Fitzgerald nhiều hơn một câu chuyện tình, nhưng ngay cả bản thân tôi khi xem lần đầu cũng chỉ chú ý tới Daisy và Gatsby thế thôi, thảo nào fan nguyên tác gọi bản chuyển thể là một nỗi xấu hổ. Một điểm trừ khác ở phim là âm nhạc, hơi hiện đại quá đà và chưa toát lên được tinh thần nhạc jazz của những năm 20.
Trừ Jay Gatsby không thể hoàn hảo hơn nhờ màn trình diễn bảo chứng bởi Leonardo Dicaprio, thứ người ta đã ca tụng quá nhiều rồi, Daisy do Carey Mulligan và Nick do Tobey Maguire thủ vai làm tôi chưa đủ thỏa mãn.
Nói về Nick trước, Tobey bê nguyên lối diễn ‘anh-hàng-xóm-dễ-thương-nhưng-ngốc-nghếch’ thời Spider-man vào nhân vật vốn xuất thân trâm anh thế phiệt xem chừng không thuyết phục cho lắm.
Sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều nếu Nick trung lập hơn, thờ ơ hơn thay vì cái ánh mắt ngỡ ngàng và sau đấy là bị choáng ngợp với những phù phiếm xa hoa của giới thượng lưu thời ấy, như trong phim.
Hoặc Tobey không phải là một lựa chọn hợp lý chăng? Không hiểu lý do anh được cast vào vai Nick, vì chỉ cần nhìn đôi mắt cún con ấy của anh là tôi chỉ nhớ cái trilogy Spider-man kinh điển xem từ thời còn nhỏ xíu và cứ ngỡ Spider-man nguyên tác phải ngu ngơ như thế…
Daisy Buchanan của Carey, không hẳn là gây thất vọng, nhưng có lẽ vẫn còn thiếu một cái gì đấy để đạt mức tròn trịa, và dĩ nhiên có phần hụt hơi nếu đặt lên bàn cân với diễn xuất của Leo.
Daisy của Carey đủ quyến rũ, đủ ngây thơ, đủ phù phiếm, đủ ích kỷ, đủ vô tình, nhưng còn thiếu một chút lọc lõi và cáo già, như tất thảy những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu như cô và Tom.
Kết
The Great Gatsby là một tấn bi kịch khi nhân vật chính lý tưởng hóa niềm tin của mình để rồi không nhận ra đâu là thật, đâu chỉ là ảo ảnh.
Để review The Great Gatsby thì đây là một bộ phim “nên xem”, một cuốn sách “nên đọc”, chẳng phải là để lấy điểm 10 môn Văn, mà là để du hành ngược về một thời đại “mất mát” và hiểu hơn những lý do gốc rễ dẫn tới cuộc đại suy thoái tại nước Mỹ cuối những năm 20.
Xem thêm:
- [Review phim] “The Package” – Câu chuyện tình yêu ngọt ngào trong vẻ đẹp lãng mạn đậm chất Pháp
- Thông điệp ý nghĩa từ phim Soul – Bom tấn Pixar giành giải Oscar
- Post Series Depression (PSD/Lậm phim): vì sao bạn thấy buồn sau khi xem hết một bộ phim?