Khi tôi đến Sevilla, đó là một ngày tháng 10. Trời mát lạnh và xanh thẳm trong một bầu không khí thật sảng khoái của mùa thu. Cảm giác lúc bước vào căn phòng khách sạn ở trung tâm thành phố là háo hức vô cùng. Háo hức khám phá cái nơi đã được đọc nhiều, nghe nhiều, nhưng giờ mới đặt chân đến. Háo hức bởi có thêm một nơi nữa được ghi trong hành trình lang thang khắp nơi của mình. Đấy là Sevilla, thành phố rất đẹp đẽ và là thủ phủ của xứ Andalucia giàu truyền thống văn hoá và lịch sử ở miền Nam Tây Ban Nha.
Tôi biết đến Sevilla lần đầu nhờ đọc một cuốn sách về lịch sử khi đang học lớp 3. Một trang của cuốn sách viết về việc nhà hàng hải nổi tiếng Christopher Columbus (tên tiếng Anh được gọi rộng rãi của ông, nhưng ông là một người Ý, với tên gốc Cristoforo Colombo) đã khởi hành vào năm 1492 để đi tìm đường sang Châu Á từ Huelva, một cảng của xứ Andalucia đẹp đẽ này. Hồi đó Columbus bị nhầm đường, cứ đi về hướng Tây, và đặt chân đến nơi mà sau này được đặt tên là Châu Mỹ (theo tên của nhà hàng hải người Ý Amerigo Vespucci, người đã khẳng định miền đất mới mà Colombus tìm được là một châu lục hoàn toàn khác Châu Á). Sevilla được hưởng lợi rất lớn từ phát hiện của Colombus và vào cuối thế kỉ 15, đầu 16, thành phố giàu lên nhanh chóng nhờ vàng và gia vị từ Tân thế giới đem về.
Đọc được điều đó, thế là tôi mơ đặt chân đến đây, để thăm đài tưởng niệm ông ở khu San Berardo, thăm mộ ông ở nhà thờ lớn Sevilla. Hơn 20 năm sau ngày đọc cuốn sách ấy, ước mơ trở thành hiện thực. Một phần di cốt của Columbus (chỉ 150 gram) được đặt ở nhà thờ lớn Sevilla, tại một vị trí trang trọng. Hài cốt của ông cũng lang thang giống hệt ông khi còn sống. Sau khi Columbus qua đời ở Valladolid, Tây Ban Nha, vào năm 1506, hài cốt của ông được chuyển đến Sevilla hơn 30 năm sau đó, rồi tới Santo Domingo, một trong những nơi đầu tiên ông đặt chân tới ở biển Caribe vào năm 1492, sau đó tới Cuba, và cuối cùng, năm 1898, đã trở lại Sevilla, chính là nơi ông được triều đình Castilla phái đi tìm Châu Mỹ.
Nhưng Sevilla không chỉ gắn liền với những kí ức về Columbus hay một nhà hàng hải vĩ đại khác là Magellan, người đã cùng hạm đội của mình khởi hành từ Sevilla năm 1519 (ông chết 2 năm sau đó ở Philippines, trong một cuộc nổi loạn) để đi vòng quanh thế giới, và chuyến đi ấy chứng minh rằng, Trái Đất hình cầu chứ không phải phẳng. Sevilla còn là những nét kiến trúc chịu ảnh hưởng của đạo Hồi của cung điện nổi tiếng Alcazar (Andalucia đã từng là lãnh thổ của người Hồi giáo Bắc Phi cho đến thế kỉ 14), những ngôi nhà lát gạch men có những nét pha trộn giữa Công giáo và Hồi giáo ở tường ngoài, con sông Guadalquivir khá đẹp với khu Santa Cruz nằm ở bên kia thành phố, vốn nổi tiếng với các quán ăn truyền trống theo phong cách miền Nam Tây Ban Nha, Plaza de Espana, một khu kiến trúc rộng lớn và rất đẹp kết hợp phong cách Baroque, tân Cổ điển và kiến trúc Hồi giáo, được xây cho Triển lãm bán đảo Iberia-Châu Mỹ năm 1929. Khu kiến trúc Las Setas ở quảng trường trung tâm thành phố (Plaza de la Encarnacion) lại là một viên ngọc của kiến trúc hiện đại.
Sevilla còn đồng nghĩa với điệu nhảy flamenco huyền thoại. Hôm tới đây, tôi rảo bước qua khu Triana, nơi flamenco ra đời trong cộng đồng những người nghèo và bị gạt ra rìa xã hội, những người đã dùng điệu nhảy ấy để thể hiện tình yêu cuộc sống và sự phản kháng xã hội. Có rất nhiều lớp nhảy flamenco cho mọi người, cho cả du khách. Có không ít nhà hát flamenco ở đây. Cộng đồng người Di gan ở Sevilla, được gọi là flamencos, chính là những người đã thúc đẩy điệu nhảy này thành một nghệ thuật đậm nét Andalucia và nay trở thành điệu nhảy truyền thống của Tây Ban Nha.
Ăn ở Sevilla cũng tuyệt lắm. Ngày đầu tiên tôi đến đây, 2 vợ chồng đi bộ đến trung tâm cổ của Sevilla và gọi một đĩa obodo (cá nướng, siêu mặn) và uống cùng bia Cruzcampo. Tapas, những đĩa đồ ăn các kiểu nho nhỏ, với bánh mì, hải sản, ớt nướng, trứng chiên, xúc xích… là một thứ đặc sản ở đây và nhiều nơi khác của Tây Ban Nha. Jamon Iberico (đùi lợn muối và hun khói) ở Sevilla thì chao ôi, ngon tuyệt cú mèo. Tôi đã vào một nhà hàng chuyên phục vụ món này, với chừng trăm cái đùi treo trên trần nhà, gọi những đĩa ngon nhất (và đắt nhất) rồi uống với bia. Chà, thôi không kể nữa, thèm quá.
Tôi cũng đã qua trường đấu bò Maestranza. Tiếc là hôm đó không có trận đấu nào diễn ra, nhưng trường đấu bò được hoàn thành vào năm 1765 này cũng được coi là một điểm mà bất cứ ai đã tới Sevilla phải tới. Đơn giản vì kiến trúc của nó cũng rất tuyệt.
Một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại nơi này lâu hơn, và rồi sẽ đi thăm nhiều nơi tuyệt đẹp khác của xứ Andalucia này nữa. Có thể kể những cái tên nào? Granada, Malaga, Cordoba…
Sân vận động La Cartuja (sức chứa 60 nghìn người) của Sevilla là nơi sẽ diễn ra 3 trận đấu của bảng E tại EURO 2020, với 3 trận đấu của Tây Ban Nha (với Thuỵ Điển lúc 2.00 sáng ngày 15/6, với Ba Lan lúc 2.00 ngày 20/6 và với Slovakia lúc 20.00 ngày 23/6). Sân này cũng đăng cai một trận vòng 1/8 giữa đội nhất bảng B và đội đứng thứ 3 bảng A hoặc D hoặc E hoặc F.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc