Truyện ngôn tình có nhiều tác hại như chúng ta vốn vẫn tưởng?
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết về tác hại của truyện ngôn tình phần lớn đều do các bậc phụ huynh và các giáo viên chia sẻ trên các trang mạng nhưng đồng thời cũng đọc được rất nhiều ý kiến bảo vệ truyện ngôn tình, và dĩ nhiên, những ý kiến này đều từ các “fan cứng” của thể loại tiểu thuyết này. Theo ý kiến riêng của tôi thì cả hai luồng ý kiến mặc dù đều có những điểm đáng ghi nhận nhưng đều không thực sự khách quan và công bằng. Tôi dám cá rằng các phụ huynh hoặc các nhà giáo dục lên án truyện ngôn tình chưa từng thực sự đọc một truyện nào cả mà chỉ xem qua những bài báo phê phán truyện ngôn tình mà từ đó góp thêm ý kiến của mình vào. Và tôi cũng nghĩ rằng các fan cứng tôn sùng thể loại truyện ngôn tình cũng rất hiếm khi hoặc thậm chí chưa bao giờ thực sự đọc những loại sách có giá trị bên cạnh sở thích của mình. Truyện ngôn tình có hại như thế nào? Có nên cấm hay không cấm? Muốn trả lời được câu hỏi này, các bậc phụ huynh cần có một cái nhìn toàn diện về thể loại truyện ngôn tình này. Hãy bắt đầu với bài viết Ngôn tình là gì và sau đó tiếp tục ngay sau đây.
Ngôn tình trung Quốc – Món ăn tinh thần phổ biến
Khách quan mà nói, truyện ngôn tình là một món ăn tinh thần khá phổ biến đối với một bộ phận không nhỏ bạn trẻ Việt Nam ở độ tuổi từ cấp 2 cho tới sau đại học. Nó dễ được đối tượng này chấp nhận vì nó phù hợp với thế giới quan và nhân sinh quan của các bạn ở độ tuổi đó: bắt đầu quan tâm đến chuyện tình cảm trai gái và cả về những vấn đề tình dục, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, thiếu sự định hướng thẩm mỹ và nghệ thuật từ gia đình và nhà trường, rất tò mò muốn tìm hiểu thế giới xung quanh mình và muốn tìm cho mình một phong cách sống hoặc một triết lý sống không quá phức tạp nhưng cũng không quá sáo rỗng. Tất cả những yếu tố này đều có trong những tác phẩm ngôn tình Trung Quốc hiện đại.
Nó cũng như món trà sữa trân châu thơm ngon béo ngậy hay món bánh tráng trộn mà lứa tuổi học sinh mê mẩn không phải vì giá trị dinh dưỡng thực tế chúng mà chỉ vì hợp khẩu vị. Tuy nhiên, khẩu vị của con người sẽ thay đổi theo thời gian. Đến một lúc nào đó các cô bé mộng mơ trưởng thành hơn và có nhiều mối quan hệ khác trong công việc, xã hội và tình cảm, nhận thức về thế giới, họ sẽ không còn yêu thích truyện ngôn tình nữa.
Những câu nói ngôn tình Trung Quốc hay nhất trong truyện và phim
Những câu nói ngôn tình Trung Quốc trích dẫn từ các tác phẩm tiểu thuyết và phim ngôn tình Trung...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read moreTác hại của truyện và phim ngôn tình Trung Quốc
Nói như vậy không có nghĩa là truyện ngôn tình là hoàn toàn vô hại vì nó có những ảnh hưởng tiêu cực đến độc giả nếu bị lạm dụng. Trước hết, các cô nữ sinh mê truyện ngôn tình một cách mù quáng sẽ có nhận thức sai lầm về các mối quan hệ tình cảm nam nữ vì họ học theo nhân vật yêu thích của mình trong truyện ngôn tình. Nếu bắt gặp một hình mẫu soái ca giống trong truyện, các cô có thể sẽ rất dễ bị rơi vào bẫy tình, dâng hiến tất cả thậm chí chịu sự ngược đãi, coi thường, lạm dụng về cả tinh thần lẫn thể xác rồi cuối cùng bị bỏ rơi hoặc bị dụ dỗ làm những chuyện sai lầm. Đã có những trường hợp nhiều cô gái có học thức nghề nghiệp và nhan sắc phải trả những cái giá rất đắt khi si mê những anh chàng soái ca trong chuyện ngôn tình nhưng thực chất lại là những gã đàn ông vũ phu, độc đoán và ích kỷ khi sống chung với nhau.
Những cô cậu mê thể loại truyện đam mỹ hoặc bách hợp (tình yêu đồng tính) hay có khuynh hướng thử cảm giác quen bạn tình đồng giới mặc dù mình không phải là người hoàn toàn bình thường. Có nhiều bạn nữ gọi bản thân là “hủ nữ” tức là những cô gái hoàn toàn bình thường về mặt giới tính nhưng lại tôn sùng tình yêu đồng giới nam và luôn tìm cách gán ghép những đôi bạn thân thành cặp đôi với nhau mặc dù họ đều là trai thẳng.
Một vấn đề mà tôi nghĩ đáng lo ngại hơn là sự xâm lăng mềm của văn hóa Trung Quốc vào cuộc sống của giới trẻ với những câu chuyện dựa trên bối cảnh lịch sử cung đình cũng như đời sống hiện đại của Trung Quốc và một lượng từ vựng đáng kể từ những phim và truyện ngôn tình như “soái ca” (trai đẹp), “tổng tài” (tổng giám đốc), “tiểu gia hỏa”/ “tiểu oa nhi” (thằng nhóc con), “hỗn đản” (đồ khốn nạn), “tiểu thịt tươi” (trai tơ), “phúc hắc” (ranh ma, xảo quyệt, “tiểu tam” (người thứ ba, vợ bé)… Có cả một list hàng trăm thuật ngữ trong đó có rất nhiều thành ngữ tục ngữ Trung Quốc thường dùng trong truyện ngôn tình mà các “fan cứng” của loại truyện này sử dụng còn thành thạo hơn cả tiếng Việt.
Xét về mặt giá trị nghệ thuật, truyện ngôn tình không có giá trị văn học cao vì chúng không hướng con người đến chân thiện mỹ và cũng không có những triết lý sâu xa hoặc nhân văn. Ngoài chủ đề và nội dung chỉ xoay quanh những chuyện tình yêu và tình dục với khuynh hướng cường điệu phi thực tế, cách hành văn của truyện ngôn tình khá thô vụn và đơn giản.
Phần lớn những tác phẩm ngôn tình ngày nay cho dù lấy bối cảnh thời hiện đại hay thời phong kiến thì ngôn ngữ truyện vẫn thẳng thắn, bỗ bã và thô tục do phản ánh cách ăn nói của người Trung Quốc hiện đại. Đặc biệt những trang web truyện ngôn tình trên mạng với phần dịch cẩu thả theo lối chuyển ngữ mang cả văn phong kiểu Trung Quốc hiện đại vào câu tiếng Việt với những từ ngữ nửa Trung nửa Việt rất khó chịu nhưng lại được nhiều fan ngôn tình xem như cách viết văn thời thượng. Dù điều này là vô tình hay cố ý, nó cũng sẽ góp phần làm “Hán hóa” tiếng Việt hiện đại một cách êm thấm nhẹ nhàng.
Có nên cấm truyện ngôn tình?
Vậy có nên cấm truyện ngôn tình hay không? Nếu hỏi ý kiến tôi thì tôi sẽ nói rằng “không nên” vì “không thể” bởi lẽ truyện ngôn tình đâu chỉ được bán trong các nhà sách (thật ra loại truyện ngôn tình bán ở nhà sách là loại nhẹ với nội dung lãng mạn với văn phong còn được trau chuốt cẩn thận). Còn thì trên mạng mọc lên vô số các trang truyện đội lốt ngôn tình miễn phí với nội dung cực kỳ biến thái, văn phong thô tục và lối dịch cẩu thả tối nghĩa với rất nhiều truyện mới được update mỗi ngày.
Thậm chí có những trang fanfic (fan fiction-truyện do người hâm mộ viết thêm, viết tiếp) thu hút rất nhiều bạn trẻ có chút khiếu văn chương tha hồ sáng tác theo ý của mình. Cho dù con bạn không có tiền mua truyện ngôn tình đọc thì chúng vẫn có thể đọc miễn phí trên mạng.
Hơn nữa, môi trường văn hóa hiện tại của các bạn trẻ tràn ngập những thứ giải trí tầm thường, có giá trị nghệ thuật thấp như hài nhảm, nhạc nhảm… thì khả năng cảm thụ văn học của các bạn ở mức độ truyện ngôn tình là hết sức bình thường. Ngay cả khi không đọc truyện ngôn tình thì những bộ phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc và Trung Quốc được chiếu tràn ngập trên các kênh truyền hình Việt Nam và trên mạng internet cũng vẫn là ngôn tình nhưng ở một hình thức khác.
Điều mà các bậc cha mẹ nên nghiêm khắc tự vấn và nhìn nhận sự thiếu trách nhiệm của mình là việc có bao giờ họ bỏ thời gian lựa chọn sách cho con đọc, đọc sách cùng con hoặc giới thiệu cho con những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao chưa hay thả nổi mặc con mình nghe gì xem gì đọc gì cũng được. Tới khi đọc được vài bài báo lên án truyện ngôn tình thì các ông bố bà mẹ bắt đầu lo lắng và quay ra cấm đoán hoặc nặng lời trách móc con mình mà không chịu lắng nghe những gì con muốn nói.
Tôi đã từng tư vấn cho một bạn nữ sinh mà theo cha mẹ rằng hết thuốc chữa vì suốt ngày đọc truyện ngôn tình. Bạn ấy nói rằng thật ra bạn đã đọc truyện ngôn tình hơn 2 năm nhưng mẹ bạn chưa bao giờ quan tâm cho tới khi nghe ai đó bảo truyện này độc hại lắm thế rồi không nói không rằng xông vào phòng xé hết mấy bộ truyện và cấm đoán đủ thứ. Đó là một cách nuôi dạy con cực kỳ phản khoa học và phản giáo dục.
Tại sao cha mẹ không giúp con xây dựng một lối tư duy lành mạnh bằng cách tiếp xúc với nhiều loại văn hóa phẩm có giá trị (âm nhạc, văn học, phim ảnh…) từ khi con còn rất nhỏ bằng cách thường xuyên dẫn con đi nhà sách và cùng chọn sách cho con đọc và nói chuyện với con cái để hiểu con cái hơn? [Đọc thêm: Cách tập cho con thói quen đọc sách]. Phần lớn các fan cuồng truyện ngôn tình có một đặc điểm chung là tự ti, cô đơn và thiếu tình cảm. Chính vì thế, họ tìm đến truyện ngôn tình như một sự cứu rỗi về mặt tinh thần để trốn tránh hiện thực. Nếu cần thiết, hãy đọc qua những truyện ngôn tình của con cái mình hay đọc và thảo luận những mặt tốt xấu của nó với con với một góc nhìn của những kinh nghiệm cuộc sống để dạy cho con mình những bài học thực tế trong chuyện yêu đương và các mối quan hệ.
Khi các bạn trẻ có một tư duy lành mạnh và toàn diện, đầu óc của các bạn sẽ không tiếp nhận những điều xấu hoặc không có giá trị hoặc nếu có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì vì nếu cơ thể của bạn khỏe mạnh, các kháng thể sẽ tiêu diệt những vi sinh vật ngoại lai xâm nhập vào. Điều nên làm là xây dựng một cơ thể có kháng thể khỏe mạnh chứ không phải tìm mọi cách tạo nên một cơ thể vô trùng nhưng rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, khi các bạn trẻ đã trưởng thành và có nhiều trách nhiệm hơn, hiểu biết về cuộc sống hơn, họ sẽ tự nhiên không còn sùng bái truyện ngôn tình. Cũng giống như khi lớn lên bạn cũng sẽ chẳng còn đọc truyện tranh hay chơi búp bê mặc dù khi còn là một đứa bé bạn đã từng rất mê mẩn những thứ ấy.
Đối với tôi, truyện ngôn tình cũng như các game online là một phần tất yếu của cuộc sống tinh thần và giải trí của giới trẻ ngày nay. Cho dù bạn có thích chúng hay không thì chúng sẽ vẫn tồn tại không thể phủ nhận. Mục đích của truyện ngôn tình hay game online hay K-pop là để thu lợi nhuận và đối tượng họ nhắm đến là thanh thiếu niên “ăn chưa no, lo chưa tới”. Vì thế họ có rất nhiều cách để tiếp cận đối tượng tuổi teen mà bạn sẽ không bao giờ kiểm soát nổi. Con bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên nếu có thích đọc truyện ngôn tình, chơi game online hoặc nghe K-pop là chuyện bình thường. Nhưng nếu chúng trở nên nghiện những thể loại này thì vấn đề không nằm ở chỗ những sản phẩm này tràn lan mà nằm ở chỗ con bạn thiếu sự quan tâm và hướng dẫn của người lớn và đang sống trong một môi trường văn hóa nghèo nàn.
Cách quản lý “không quản được thì cấm” đã quá lỗi thời và vô dụng rồi. Nếu chúng ta không bỏ được tư duy này ra khỏi đầu, tôi e không chỉ có truyện ngôn tình mà tất cả những gì người lớn cảm thấy không phù hợp với giới trẻ như nhạc Kpop, game online… chẳng những không thể dẹp được mà càng trở nên phổ biến hơn bởi lẽ tuổi trẻ vốn tò mò và thích chống đối: càng cấm thì càng muốn tìm hiểu và càng cấm thì càng nghiện. Nếu bạn không thể tách muối đã hòa tan ra khỏi nước, hãy làm cho nồng độ muối trong nước nhạt đi bằng những cách khác nhau. Đó mới là cách giải quyết vấn đề.
Xem thêm:
- Cách phạt con hiệu quả không dùng đòn roi
- 9 câu nói làm tổn thương con sâu sắc cha mẹ Việt thường mắc phải
- Nguồn gốc trào lưu: ‘Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao’