Có những lời nói gây tổn thương hơn roi vọt.
Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng họ chưa bao giờ dùng roi đòn trong việc giáo dục con cái nhưng sao giữa họ và các con vẫn có một khoảng cách ngày càng lớn dần. Họ nhận ra con cái mình không thoải mái khi tiếp xúc với ba mẹ và tìm cách né tránh mọi sự tiếp xúc tới mức tối thiểu.
Có người cảm thấy bị tổn thương vì con cái mình nói dối cha mẹ thường xuyên và hết sức tinh vi ngay cả những chuyện không cần phải nói dối. Có những đứa trẻ ngoài mặt tỏ ra ngoan hiền nhưng bên trong luôn phản kháng ngấm ngầm hoặc làm trái ý cha mẹ bất cứ lúc nào chúng có thể. Có những đứa trẻ bên ngoài thì vui vẻ cởi mở với bạn bè nhưng khi về tới nhà thì lập tức chui vào thế giới riêng của mình hoàn toàn cách ly với những người thân.
Bất lực và lo lắng, các bậc phụ huynh đổ thừa cho những yếu tố ngoại cảnh như xã hội, bạn bè hay sự thay đổi tâm sinh lý ở trẻ em tuổi dậy thì. Và vì đã quyết định không dùng roi đòn để dạy con, những lúc nóng giận hoặc mất bình tĩnh khi con cái không vâng lời, những phụ huynh đã chửi mắng con bằng những lời nói cực kỳ gây tổn thương mà họ không biết.
Nếu roi đòn gây ra những vết thương trên da thịt thì những lời nói cay đắng sẽ để lại những tổn thương nặng nề về mặt tâm lý đặc biệt là khi chúng được thốt ra từ những người thân nhất của chúng ta. Cha mẹ có thể cảm thấy đau đớn và tổn thương ghê gớm khi đứa con của mình trong một lúc nóng giận không kiềm chế nói lên những lời vô lễ hoặc đáng buồn thay, đôi khi là những cảm xúc thật của con cái đối với cha mẹ nhưng ít khi nghĩ rằng những lời nói của mình có thể gây đau đớn cho con cái như thế nào. Sau đây là 9 câu nói có tính sát thương lớn mà cha mẹ Việt Nam hay dùng khi nói chuyện với con mình. Đây cũng là những điều thường thấy ở những kiểu cha mẹ độc hại.
1. Tao không có đứa con như mày
Cha mẹ Việt Nam mỗi khi nổi giận thường phun vào mặt con mình những lời cực kỳ cay độc kiểu “cái thứ mày mai mốt có nước đi ăn mày!” “Tao mà biết mày như vậy thà lúc đẻ ra bóp mũi mày chết cho rồi!” “Tao không có thứ con như mày!” “Thà đẻ ra hột gà hột vịt còn mang đi bán được!” Tôi thực sự không hiểu cha mẹ nói ra những câu cạn tàu ráo máng với mục đích làm gì? Để cho hả cơn giận trong lòng mình rồi mặc kệ đứa trẻ cảm thấy đau khổ tủi nhục như thế nào? Hay để chứng tỏ mình làm cha làm mẹ nên có quyền chửi mắng con cái thế nào cũng được?
Đừng bao giờ nghĩ rằng những lời nói kiểu đó sẽ khiến cho con mình hối hận mà nghe lời. Trái lại, những lời như vậy sẽ khiến cho đứa trẻ càng lúc càng lì lợm khó bảo hơn vì cha mẹ nó nếu đã không yêu thương nó thì đứa trẻ còn biết tin tưởng vào tình yêu thương của ai đây?
2. Con nhà người ta
Cái câu cảm thán “con nhà người ta” của cha mẹ Việt Nam nổi tiếng đến mức nó được dùng trong một số truyện Doraemon chế trên facebook mấy năm gần đây. Thành tích học tập kém một tí cũng đem con nhà người ta ra để so sánh. Làm điều gì sai cũng mang con người ta ra so sánh. Nhưng lạ một điều là khi con mình làm được điều gì tốt thì cha mẹ chẳng bao giờ so sánh với con người ta hay bảo con người ta đến học tập con mình.
Vô hình trung, những đứa con sẽ cảm thấy trong mắt cha mẹ mình chỉ có con nhà người ta là hoàn hảo, còn mình lúc nào cũng là đứa bất tài vô dụng. Cho dù cố gắng cách mấy đi nữa, những nỗ lực của chúng cũng sẽ không bao giờ được cha mẹ công nhận. Từ đó trong lòng đứa trẻ sẽ nảy sinh tâm lý tự ti mặc cảm và đồng thời không muốn cố gắng. Nếu đứa “con nhà người ta” kia là một đứa bạn của đứa trẻ, tình bạn giữa hai đứa trẻ sẽ vô tình bị người lớn làm tổn thương dẫn đến sự ganh ghét đố kỵ ngấm ngầm của đứa bị so sánh đối với đứa được mang ra làm gương. Và biết đâu, mặc dù không thể nói ra, con của bạn vẫn sẽ bắt chước bạn mà so sánh trong đầu cha mẹ mình với“cha mẹ người ta”?
3. Đừng làm phiền bố mẹ
“Bố mẹ đang bận lắm, con đừng làm phiền bố mẹ được không?” là câu cửa miệng của một số phụ huynh khi con cái muốn hỏi một điều gì đó. Hoặc đối với những vấn đề mà bố mẹ cho là nhạy cảm, câu nói: “Con còn nhỏ, đừng có nhiều chuyện. Lo học đi! Hỏi mấy chuyện đó làm gì?” dường như được lập trình sẵn ngay từ đầu và được phát ra như một phản xạ.
Một đứa trẻ luôn có rất nhiều những tò mò và thắc mắc về mọi thứ xung quanh nó. Khi con bạn hỏi bạn điều gì đó có nghĩa là bé đang học hỏi và bé tin tưởng vào bạn sẽ có thể cho bé câu trả lời. Hãy dành thời gian trả lời những câu hỏi của con mình. Việc dập tắt nhu cầu chính đáng của con sẽ khiến con bạn sau này vừa trở nên thờ ơ với cái mới cái lạ vừa trở nên thiếu tự tin trong giao tiếp. Và khi lớn lên, chúng sẽ ngày càng xa lánh cha mẹ mình. Tới lúc xảy ra những chuyện lớn, đừng ngạc nhiên tại sao mình lại là người biết cuối cùng.
4. Cha/mẹ mày là đồ khốn nạn
Không phải cuộc hôn nhân nào cũng hạnh phúc và cũng không phải người cha người mẹ nào cũng có trách nhiệm thương yêu con cái. Tuy nhiên, nếu mình đã dại dột chọn lầm người để kết hôn hoặc dại dột hơn nữa là tự tay phá hỏng cuộc hôn nhân của mình đừng bao giờ nuôi dưỡng con cái các vị trong sự thù hận cha mẹ nó. Tôi cho đó là một sự suy đồi về mặt đạo đức của người làm cha làm mẹ khi cấy vào đầu óc non trẻ của đứa con mình những tư tưởng thù oán cho dù người kia có vô trách nhiệm thế nào đi nữa. Hãy nhớ rằng những đứa con không phải là công cụ trả thù hay trút giận vì những lỗi lầm mà nó không hề gây ra.
Những đứa trẻ được nuôi lớn bằng sự oán hận của cha mẹ thường có khuynh hướng dẫm phải vết xe đổ của người đi trước mà hủy hoại cuộc sống hôn nhân sau này của mình vì lòng tin đã bị tổn thương sâu sắc đồng thời tiếp tục gây ra thương tổn về tâm lý cho con cái chúng bằng cách mà cha mẹ chúng ta gây ra cho chúng.
5. Con có biết ai nuôi con ăn học hay không?
Tục ngữ có câu “Cha mẹ nuôi con như trời như bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.” Điều này chưa chắc đúng với rất nhiều trường hợp của cha mẹ Việt Nam. Tôi đã từng thấy những người đạp xích lô, đổ rác hi sinh cho con họ học hành đỗ đạt bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Nhưng họ chưa bao giờ kể khổ với con mình. Nhưng cũng có rất nhiều phụ huynh mỗi lần la mắng con là lại liên tục kể công trước mặt chúng. “Mày có biết tao nuôi mày ăn học cực khổ thế nào không? Tiền ăn tiền học phí, tiền sách vở của mày từ đâu mà có biết không?” là những câu không thể thiếu trong những lần mắng con của họ như thể họ sợ con mình quên sự thật hiển nhiên này.
Có một điều mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng phải hiểu rõ là con cái là do bạn quyết định đưa chúng vào đời chứ không phải là do chúng ép bạn làm điều đó. Vì thể việc chăm sóc, nuôi dạy con cái tới tuổi trưởng thành là nghĩa vụ của người làm cha làm mẹ được pháp luật quy định rõ ràng. Tôi nhắc lại, việc nuôi dạy con cái cho đến 18 tuổi là bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ chứ không phải là kỳ công hoặc chuyện hi hữu gì trên đời. Nếu nghĩ rằng nuôi con cái quá khổ cực và tốn kém, tốt nhất đừng sinh con đẻ cái (hãy đọc bài: Bạn đã sẵn sàng làm cha mẹ?). Đừng bắt con bạn phải chịu ơn bạn vì những điều vốn là bổn phận và trách nhiệm của bạn.
6. Ngày trước cha/mẹ muốn trở thành… nhưng không được nên bây giờ con phải…
Khi còn trẻ ai cũng có hoài bão và ước mơ, nhưng khi ra đời thì thực tế phũ phàng là không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện như giấc mơ của tuổi trẻ. Một sai lầm lớn của cha mẹ Việt Nam là áp đặt những gì mình muốn nhưng không thực hiện được lên đầu những đứa con của mình biến nó thành trách nhiệm và bổn phận của chúng mà quên đi chúng nó cũng có ước mơ và hoài bão riêng của mình.
Có nhiều bậc phụ huynh nuôi con như một bản sao của bản thân họ và thúc ép con cái làm những gì mà họ không thể làm được bất chấp con mình có năng khiếu hoặc hứng thú hay không. Cũng có nhiều bậc cha mẹ lấy tiền bạc và địa vị làm thước đo của sự thành công và ép con mình phải chọn ngành nghề kiếm được thật nhiều tiền, dễ thăng tiến để mình được nở mặt nở mày với bà con chòm xóm. Đứa con đúng là do cha mẹ tạo ra thật, nhưng hãy nhớ nó là một thực thể riêng biệt, một con người có đầy đủ suy nghĩ, tính cách và những mặt mạnh yếu khác nhau, chứ không phải là bản sao của mình mà mình muốn nhào nặn nó theo ý mình như thế nào thì nhào nặn. Đừng biến con bạn thành bản sao nhân bản vô tính của bạn.
7. Tao chết cho mày vừa lòng
“Nếu mày không nghe lời tao, tao chết cho mày vừa lòng!” hoặc nhẹ hơn là “để tao đi khỏi cái nhà này cho mày vui!” là những câu “kinh điển” mà cha mẹ hay dùng để ép con cái theo ý mình. Đây là một “vũ khí sát thương” hạng nặng có thể vô hiệu hóa mọi sự phản kháng của con bạn cũng như nhanh chóng dập tắt mọi nguyện vọng của chúng cho dù đó là có lý hay vô lý. Dù biết cha mẹ mình sẽ không bao giờ tự tử hoặc bỏ nhà đi nhưng không có đứa con nào đủ máu lạnh để tiếp tục cãi lại cha mẹ mình sau câu nói này.
Con cái của các bạn không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn dễ dạy và cũng có những lúc chúng sẽ khiến bạn tức điên, nhưng thâm tâm bạn hiểu con cái bạn không bao giờ muốn ép chết cha mẹ mình để “vừa lòng”. Vì vậy, khi mở miệng ra nói câu này, bạn chính là người ép con mình vào chỗ bất hiếu mà nó không muốn. Đã có rất nhiều người con đã phải từ bỏ những ước mơ chính đáng hoặc hạnh phúc cá nhân của mình vì câu nói này để khỏi trở thành đứa con bất hiếu. Có bạn học viên đã từng tâm sự với tôi rằng mỗi lần nghe mẹ mình “đòi chết” để bắt bạn nghe lời, bạn đã ước rằng mẹ bạn ấy chết thật nhưng sau đó lại hối hận vô cùng. Tôi hoàn toàn hiểu và không trách bạn ấy.
8. Con bây giờ sung sướng hơn bố mẹ ngày trước nhiều
“Con bây giờ sướng hơn bố mẹ ngày trước nhiều. Ngày xưa bố mẹ đâu có đầy đủ sung sướng như con bây giờ nhưng mà vẫn học giỏi nên người” cũng là một câu nói ưa thích của nhiều bậc phụ huynh đối với con cái mỗi khi la mắng con. Có hai điều sai ở câu này, trước hết việc bạn khổ cực như thế nào lúc còn nhỏ không phải do con bạn gây ra và chúng không phải chịu trách nhiệm về điều này. Nếu bạn tạo cho con bạn điều kiện sung sướng hơn bạn lúc trước, bạn không có quyền trách chúng vì điều này.
Thứ hai, bạn nghĩ rằng con bạn sẽ tin vào những gì bạn nói sao? Chúng thừa sức hiểu được rằng bố mẹ chúng trước đây cũng đã từng bị ông bà mình mắng bằng những câu này và bây giờ đang lặp lại câu nói này với chúng. Có bao giờ bạn dám nói thật với con rằng lúc trước bạn có lúc còn tệ hơn cả chúng bây giờ hay không? Con bạn tuy không nói ra nhưng không có nghĩa là chúng không biết. Lòng kính trọng đối với bố mẹ chúng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
9. Uổng công tao cho mày ăn học để mày cãi lại tao
Người Việt Nam chúng ta không có văn hóa tranh luận. Khi gặp chuyện cần tranh luận nếu đối thủ có quyền thế hơn thì đa số tìm cách nhẫn nhịn cho qua chuyện mặc dù mình có đủ lý lẽ phản bác còn nếu đối thủ nào dễ đàn áp thì sẽ tìm mọi cách dùng lời lẽ thô tục công kích cá nhân hoặc ngụy biện để giành phần thắng. Nói chung việc tranh luận của người Việt Nam gói gọn trong tám chữ “mạnh được, yếu thua” và “bất chấp lý lẽ”.
Văn hóa tranh luận đã bị giết chết trong từng ngôi nhà khi con cái muốn tranh luận thẳng thắn với bố mẹ thì đón nhận ngay những câu đại loại như “Nuôi cho mày lớn ăn học thành tài để mày giờ đây cãi lại tao!” hay “Áo mặc sao qua khỏi đầu!” hay “Bây giờ các anh các chị khôn lớn đủ lông đủ cánh rồi không coi ông bà già này ra gì nữa phải không?” Đây là một câu nói chứa đầy mâu thuẫn nội tại.
Chúng ta ai cũng mong muốn con mình được ăn học đàng hoàng tử tế để hiểu biết nhiều hơn cha mẹ nhưng lại không chấp nhận được việc con cái mình chỉ ra những sai trái của mình. Thật phi lý khi các bậc cha mẹ hy vọng con cái mình có thể ra ngoài tranh luận đúng sai với thiên hạ nhưng lại cấm con làm việc đó với mình chỉ vì mình đã có công nuôi con cái ăn học. Khi con bạn ngay cả nói lên ý kiến cá nhân với cha mẹ còn không được phép thì ra ngoài chúng sẽ dám tranh luận với ai?
Bạn đã bao giờ làm tổn thương con bằng những câu nói trên chưa, nếu có thì hãy thay đổi ngay nhé.
Xem thêm:
- Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại
- 10 điều cha mẹ tuyệt đối không được làm với con cái
- Cách để trở thành một người bố hoàn hảo