Bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của danh họa Johannes Vermee được coi là “Mona Lisa của phương Bắc”.
Có một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mà năm 2006, công chúng Hà Lan đã coi đó là bức tranh đẹp nhất của đất nước họ. Có tựa đề “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”, bức tranh cũng được coi là kiệt tác xuất sắc nhất của danh hoạ Johannes Vermeer, người mà cho đến giờ, sau 4 thế kỷ, nhiều chi tiết của cuộc đời ông vẫn còn trong làn sương mờ bí ẩn, và hiện mới chỉ xác định được 36 bức tranh do ông sáng tác.
Có biệt danh “Mona Lisa của phương Bắc”, bức tranh được xác định vẽ vào khoảng năm 1665, khi Vermeer 33 tuổi và đang có một sự nghiệp thành công. Nhưng không ai biết rõ cô gái trong tranh đang ngoái đầu nhìn người xem tranh là ai.
Cô có thể là con gái Maria của Vermeer hoặc con gái nhà bảo trợ của ông là là tiểu thư Magdalene van Ruijven, cũng có thể là một thành viên nào đó trong gia đình.
Từ bao thế kỷ nay, sự bí ẩn về danh tính của cô gái cũng như của chính Vermeer, người không để lại một ghi chép nào, một bức tranh tự hoạ nào, đã góp phần khiến cho bức tranh trở nên nổi tiếng.
Những yếu tố khác nữa, về bố cục, về ánh sáng, về những nét vẽ cũng là những điều khiến cho bức tranh mãi trường tồn.
Ta thấy gì ở trong bức tranh? Sáng bật trên nền tối sẫm (nền đen có có lẽ chịu ảnh hưởng của phong cách Caravaggio), là đôi mắt đen láy của nàng, là đôi môi đang khẽ mở ra, là chiếc khăn trùm đầu màu xanh được hắt một thứ ánh sáng dìu dịu, những nét chấm phá màu trắng ở cổ áo nàng, và nhỏ thôi, nhưng ở đúng tâm bức tranh là chiếc hoa tai ngọc trai. Nó trở thành điểm nhấn của bức vẽ.
Nàng đang nghĩ gì, đang vui hay đang buồn, hiện tại và quá khứ của nàng ra sao? Không ai biết, nhưng đôi mắt ấy, đôi môi ấy, cái nhìn ấy cho thấy có lẽ là một tâm trạng bình yên và thanh thản vô cùng.
Thật thú vị, khi ta phát hiện ra rằng, những người phụ nữ trong các bức tranh khác của Vermeer cũng luôn ở một trạng thái nhẹ nhõm, gần gũi và dịu dàng. Không có ai trong số những nhân vật ấy là những người giàu có hay quý tộc.
Có cảm tưởng rằng, nhân vật phụ nữ trong các bức tranh của Vermeer là những người ông quen biết trong cuộc sống hàng ngày và hầu hết là trong bếp, trong nhà.
Họ là những cô thợ may, cô thợ dệt đăng ten, một người phụ nữ đang rót sữa, thậm chí có một bức mô tả nhân vật gái làng chơi trong bức tranh “Tú bà” lại hiện ra như là một nạn nhân của lòng tham và sự truỵ lạc của đàn ông hơn là biểu tượng của sự đồi bại theo cách nghĩ đương thời.
Là cha của bảy cô con gái và là người chồng hết mực yêu vợ, Vermeer đã khắc hoạ những người phụ nữ dịu dàng và đẹp theo kiểu bình dân. Nhưng không có cô gái nào trẻ, đáng yêu và đối thoại bằng mắt với người xem như thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai. Cũng có lẽ bởi có quá nhiều điều bí ẩn trong cuộc đời của Vermeer và danh tính cô gái, nên bức tranh đã trở thành chủ đề phản ánh của văn hoá đại chúng.
Cuốn tiểu thuyết “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” (1999) của nữ nhà văn Tracy Chevallier đã được Hollywood dựng thành phim năm 2003, với Vermeer do Colin Firth đóng, còn thiếu nữ đeo hoa tai do Scarlett Johansson đóng.
Đó là một tác phẩm hư cấu, trong đó mô tả thiếu nữ ấy chính là người hầu gái trong gia đình của Vermeer, và người hoạ sĩ, bị bủa vây bởi cuộc sống gia đình buồn tẻ, với một người vợ thiếu lãng mạn, có một chút tình cảm với cô hầu.
Phim dựng lại khá công phu cuộc sống lúc bấy giờ ở thành Delft, nơi Vermeer sống, tái hiện khung cảnh cuộc sống đời thường của Hà Lan vào giữa thế kỷ 17, trong những năm tháng hoàng kim phát triển về mọi mặt, trong đó có thương mại và nghệ thuật.
Hà Lan thời kỳ ấy có rất nhiều hoạ sĩ nổi tiếng, như Rembrandt, van Ruysdael, van Loo hay Hals. Họ có những tuyệt tác về đề tài tôn giáo, tĩnh vật, đời sống thị dân hay phong cảnh, nhưng mình mê nhất Vermeer, và bức vẽ này.
Hiện bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của danh họa Johannes Vermee đang được trưng bày trong bảo tàng Mauritshuis tại Den Haag (tức The Hague), Hà Lan.
- 10 bức tranh đắt nhất thế giới
- Mỹ thuật chân dung: Nơi lưu giữ nguồn cảm xúc vượt thời gian
- Review sách “The story of Art – Câu chuyện nghệ thuật”: hơn cả một cuốn sách