Tại sao chúng ta vẫn kháng cự lại việc thay đổi hành vi của mình, dù những thay đổi đó là lành mạnh và có lợi cho ta?
Giữ vững quyết tâm của chúng ta cho năm mới để tập thể dục hay bắt đầu một chế độ giảm cân có thể mang lại lợi ích cho ta về nhiều phương diện hơn là chỉ giảm một vài cân trọng lượng không mong muốn; tuy nhiên, nhiều quyết tâm và mục tiêu mới của chúng ta chỉ tồn tại ngắn ngủi khi chúng ta phải vật lộn để kết hợp những thay đổi dài hạn trong hành vi của mình.
Chắc chắn sẽ có những lúc mà chúng ta có thể ‘cầm đèn chạy trước ô tô’ và đặt ra những mục tiêu phi thực tế có thể gây khó khăn cho ta để đạt được hay duy trì mục tiêu, và ta phải vượt qua những trở ngại hay rào cản gây bất lợi cho thành công của mình; tuy nhiên, cũng đúng là việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu mới và quyết tâm Năm mới của chúng ta hàm chứa những quá trình phức tạp và lớn lao nhiều hơn những gì ta tưởng.
Là sinh vật sống theo thói quen, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc kết hợp những thay đổi mới vào nếp sống hằng ngày của mình, bất luận chúng có lợi cho ta ra sao, vì chúng ta có xu hướng làm những gì khiến ta cảm thấy tốt, an toàn và thoải mái. Ngay cả khi chúng ta có động lực và nỗ lực hết sức để thay đổi, vậy tại sao chúng ta vẫn kháng cự lại việc thay đổi hành vi của mình, dù những thay đổi đó là lành mạnh và có lợi cho ta?
Sức ì chống lại việc đạt được những mục tiêu của chúng ta
Thật đáng ngạc nhiên, sức ì là một khái niệm bị bỏ qua khi nói đến việc hiểu được sự kháng cự phức tạp cố hữu của chúng ta đối với chuyện giảm cân hay bắt đầu một thói quen tập luyện mới. Sức ì, hay “một khuynh hướng không làm gì cả hoặc không thay đổi,” gây bất lợi cho bất kỳ thay đổi nào mà chúng ta đang thực hiện trong cuộc đời mình. Nó giúp mô tả lý do tại sao cơ thể chúng ta có xu hướng chống lại ta khi chúng ta cố gắng bắt đầu một chế độ ăn uống mới hay một thói quen tập luyện. Khái niệm sức ì và những khó khăn tâm lý của việc thay đổi hành vi của chúng ta đã được xem xét hơn 40 năm trước trong một bài báo trên Psychology Today nói về sự quen thuộc mang lại cảm giác thoải mái hơn là khinh miệt.
Sức ì phức tạp của cơ thể, hay kháng cự thay đổi, đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì được trạng thái cân bằng, còn gọi là cân bằng nội môi. Cân bằng nội môi giúp cơ thể duy trì được nhiệt độ cơ thể, sự trao đổi chất, cân nặng bình thường và những chức năng khác cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta. Hãy nghĩ về sự cân bằng nội môi giống như một máy điều nhiệt sinh lý thần kinh vi phân tử – khi căn phòng trở nên quá nóng hoặc quá lạnh, máy điều nhiệt sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ bằng cách bật điều hòa không khí hoặc lò sưởi tương ứng.
Cũng vậy, sức ì của cơ thể giúp lý giải tại sao nó tích cực chống lại một thói quen tập tành hay một chế độ giảm cân mới, vì việc đó dẫn đến những thay đổi sinh lý có thể nhận thấy được trong nhịp tim, trao đổi chất và hơi thở. Những thay đổi sinh lý này được xem là phá vỡ sự cân bằng nội môi của cơ thể. Scott Jeffrey cho biết, với nỗ lực duy trì sự cân bằng nội môi, sức ì cơ thể chủ động chống lại những thay đổi về sinh lý đó, ngay cả khi chúng là những thay đổi tích cực như những thay đổi nhờ tập thể dục.
Sinh học thần kinh của sự thay đổi
Khá bất ngờ khi biết rằng các bước để tạo ra những thay đổi ý nghĩa trong cuộc đời có thể liên quan đến các vùng não bộ kiểm soát thói quen của chúng ta và khả năng đưa ra quyết định một cách có ý thức. Hạch nền của chúng ta trong bộ não nguyên thủy chịu trách nhiệm cho các thói quen “đang thiết lập”. Cụm các tế bào thần kinh này tham gia vào các chức năng như các hành vi tự động hóa hay lề thói hằng ngày (ví dụ, các thói quen) mà chúng ta quen thuộc hoặc làm ta cảm thấy tốt. Những hành vi đó có thể bao gồm: cắn móng tay, hút thuốc hoặc làm theo cùng một thói quen hằng ngày mà không thay đổi.
Những thói quen như tập thể dục được hình thành khi chúng ta lặp đi lặp lại hành vi tập thể dục hay thực hiện một hành vi nào đó trong một môi trường hay bối cảnh cụ thể. Khi chúng ta làm việc gì đó như thắt dây an toàn (một hành động) khi ta ngồi vào xe hơi (một tín hiệu bối cảnh), chúng ta đã phát triển tự động, hay một hành vi tự động hóa để đáp lại tín hiệu bối cảnh. Trong cuốn “Psychology of Habit,” Wendy Wood và Dennis Rünger đến từ khoa tâm lý học thuộc UCLA viết rằng trong khi một số tín hiệu tự động này có thể là vô tình, song việc chủ động tạo tín hiệu cho bản thân có thể giúp chúng ta tham gia vào thói quen cụ thể nào đó.
Bất cứ loại thay đổi nào, như kết hợp một hoạt động thể chất vào lề thói hằng ngày của chúng ta sau một giai đoạn sống ù lì ít vận động, có thể chống lại những đường dẫn truyền thần kinh đã trở nên tự động hóa đối với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có xu hướng quay trở lại với hành vi mặc định hay hành vi đã được tự động hóa của mình khi chúng ta tìm cách triển khai những thay đổi chẳng hạn như một chế độ ăn uống mới hay hoạt động thể dục sau một khoảng thời gian không hoạt động.
Mặc dù chúng ta có thể kiểm soát một cách có ý thức quyết định tập thể dục, song đây lại là trách nhiệm của một vùng riêng biệt của não bộ, được gọi là tân vỏ não, nơi kiểm soát việc đưa ra quyết định có ý thức trong não bộ. Những hành động có ý thức của chúng ta còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Nếu chúng ta muốn chiến thắng tình trạng thiếu động lực và những chướng ngại khác đang cản trở thành công của ta, thì việc thường xuyên tập thể dục và lên kế hoạch hành động có ý thức tham gia vào việc tạo lập thói quen tập thể dục, theo Lena Fleig và các cộng sự (2013).
Mắc phải một chứng rối loạn tâm thần cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thay đổi hành vi của chúng ta
Người mắc phải các chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi hành vi của họ, đặc biệt như một khía cạnh của quá trình trị liệu tâm lý, vì tìm thấy động lực để tập thể dục và kết hợp những thay đổi tích cực khác có thể rất khó khăn khi họ thiếu hứng thú với các hoạt động, những thứ mà xưa kia có thể rất thú vị. Những triệu chứng như vậy có thể khiến cho việc thay đổi trạng thái tâm lý thần kinh của sức ì trở nên nên khó khăn.
Việc thay đổi và thay thế “các mạch thần kinh” từ trạng thái bình thường sang trạng thái trầm cảm và ngược lại là một loại quá trình sức ì của của sự kháng cự hóa học-thần kinh của chính nó. Trầm cảm liên quan đến nhiều cơ chế, bao gồm các chất dẫn truyền thần kinh. Những chất dẫn truyền thần kinh này gửi các tín hiệu qua các mạch trong não bộ và tham gia vào các quá trình chẳng hạn như điều chỉnh tâm trạng. Những chất dẫn truyền thần kinh này cũng có thể trở thành mãn tính và kháng điều trị, hoặc ở trạng thái trì trệ tiêu cực. Kết quả được gọi là trầm cảm kháng điều trị, khi một người không đáp ứng với thuốc.
Tương tự vậy, người mắc ADHD có thể gặp vấn đề với sự chú ý và xác định trình tự, điều này có thể góp phần vào tính trì hoãn, và khó thực thi trọn vẹn hành vi của họ. Cùng với sự kháng cự thay đổi cố hữu của cơ thể, các triệu chứng nhận thức-thần kinh và hành vi gắn liền với ADHD có thể tác động đáng kể đến động lực của họ, khả năng lên kế hoạch, hứng thú và sự tập trung khi họ bắt đầu một bài tập luyện mới hay một thói quen ăn kiêng. Như một nỗ lực để vượt qua sức ì của họ, hay khó khăn để thay đổi, những người mắc ADHD có thể được hưởng lợi khi hoạt động chung với một nhóm hay một người bạn.
Vượt qua các chướng ngại để đạt được mục tiêu của chúng ta
Điều quan trọng là cần nhận ra sự kháng cự phức tạp cố hữu của ta đối với việc giảm cân có thể góp phần vào tình trạng thiếu động lực khi chúng ta bắt đầu một chế độ tập luyện hoặc ăn kiêng mới. Bằng cách khiến bản thân phải cam kết với một số hành vi nào đó, chúng ta có thể gia tăng cơ hội thành công của mình. Fleig và các đồng nghiệp cũng gợi ý rằng thường xuyên tập thể dục và lên kế hoạch hành động tham gia vào việc tạo lập thói quen tập luyện.
Vượt qua sức ì hành vi ngăn cản chúng ta triển khai những thay đổi mới, chẳng hạn như tập tành hay ăn uống theo một chế độ lành mạnh, có thể mang lại lợi ích cho chúng ta về lâu về dài và có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Chỉ cần nhớ rằng phần khó nhất chính là bắt đầu hành động và tập thói quen ăn uống hay chế độ tập luyện mới.
Xem thêm:
- Cách từ bỏ thói quen xấu: phương pháp đơn giản ai cũng làm được
- Hình thành những thói quen tốt một cách dễ dàng với ‘quy tắc 2 phút’
- Những thói quen tốt vào buổi sáng giúp bạn thành công
- Chủ nghĩa cá nhân là gì? Đặc điểm và sự khác biệt với chủ nghĩa vị kỷ?
- EQ là gì? Đặc điểm của người có EQ thấp và EQ cao
- Hãy cứ thư giãn, rồi cuộc sống sẽ mở lối cho bạn