Nhiều bạn đi làm, thậm chí cả chủ doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa tổ chức thường hay hỏi: có nên coi công ty như một gia đình?
Tôi cho rằng nên.
Vấn đề đó là một gia đình như thế nào thôi.
Có nên coi công ty như một gia đình?
– Không phải gia đình kiểu bố mẹ, anh chị em bao bọc nhau vô điều kiện
– Không phải gia đình kiểu thằng anh giỏi làm mửa mật để đưa tiền cho thằng em dốt lười chảy thây tiêu phè phỡn.
– Càng không phải kiểu gia đình con có hư có kém bố mẹ vẫn bênh chằm chặp.
Vì ở ta từ gia đình đối với nhiều người đồng nghĩa với hy sinh vô điều kiện, với bất bình đẳng giữa đóng góp và quyền lợi. Với gia đình kiểu như vậy thành viên trong gia đình cũng chẳng tiến bộ được. Huống hồ thành viên của một công ty.
Quản lý công ty vẫn có thể như quản lý một gia đình.
Vì gia đình đồng nghĩa với hai chữ yêu thương và trách nhiệm.
Yêu thương để gắn kết.
Trách nhiệm để cùng phát triển.
Đó là một gia đình văn minh.
Yêu thương nhau không đồng nghĩa với không điều kiện về trách nhiệm.
Yêu thương nhau không đồng nghĩa với cào bằng về quyền lợi.
Quản lý công ty như quản lý một gia đình. Một gia đình vận hành như một đội bóng. Một đội bóng mạnh, có chiều sâu luôn hội đủ tất cả: đào thải công bằng nhưng không hề thiếu tình yêu và sự tôn trọng; giữa HLV và cầu thủ; và giữa cầu thủ với nhau.
Đó là cách những tài năng quản lý thể thao như Alex Ferguson, Carlo Ancelotti hay Arsene Wenger quản lý đội bóng của họ – những đội bóng cực thành công về phương diện thể thao lẫn thương mại. Những đội bóng này vận hành theo kiểu mẫu một gia đình hiện đại: Man United, Ac Milan, Real Madrid, Arsenal.
Manchester United vận hành theo kiểu mẫu một gia đình hiện đại.
“Tôi thấy vô cùng may mắn khi phòng thay đồ của Man United luôn có không khí như một gia đình” (Erick Bailly). Các cầu thủ, những thành viên của một tổ chức, đều có cùng suy nghĩ và mong muốn như Erick Bailly. Đúng thôi. Phần lớn thời gian họ ăn ngủ và sinh hoạt ở đội bóng mà.
Tái bút: Gia đình hay không gia đình. Nhân trị hay kỹ trị thực chất còn tuỳ theo quy mô và thực trạng nhân sự. Quản lý một nhà máy 1000 công nhân lao động khác với một công ty tư vấn 10 người. Nhưng mẫu số chung đều cần dựa trên nguyên tắc của bình đẳng, tôn trọng và minh bạch. Nói “quản lý công ty như một gia đình” do vậy cũng chỉ là một cách nói.
>> Xem thêm: Làm thế nào để được yêu mến chốn công sở?
—
Menback.com
Nguồn: Đức Sơn