Nhiều người trong chúng ta làm gì cũng cần phải ‘có hứng’, không thì tinh thần và hiệu suất làm việc rất thấp, từ đó tìm đến những thứ để kích thích chính mình lên. Điều đó không sai, nhưng muốn đạt được sức mạnh tối đa, hãy tự ‘phê’ mà không cần ‘thuốc’.
Câu chuyện cách đây 3 năm, khi vừa đặt chân đến Mỹ, tôi lò mò đi tìm phòng gym để gò body tiếp, dạo quanh cũng 2-3 chỗ rồi mới quyết. Có 4 tiêu chí để tôi chọn: gần nhà, giá ổn áp, đủ máy và… nhiều gymer hàng chiến đa quốc gia. Vì cơ bản tập gần các bác đấy lâu ngày thì cũng hấp thụ được tý tinh hoa nào đó, cứ gần đèn thì sáng, đó là tận dụng luật hấp dẫn.
Tính tôi làm gì thì hay quan sát và hay đặt câu hỏi ‘tại sao’, phòng gym bên đây, mạnh ai nấy tập, không ai ý kiến ai, nói chung rất riêng tư private. Lâu lâu có nhóm 3-4 cậu thanh niên mới tập thì la ó chí chóe, chứ đa phần mọi người đeo headphone im lặng rồi tập riêng một mình.
Trong phòng có 1 bác già tầm hơn 50 tuổi, Mỹ trắng, tôi nghía bác ấy cũng lâu rồi, vì body sắc nét, độ to khủng cũng top 5 trong phòng chứ chẳng vừa. Điều đặc biệt của bác này khiến tôi chú ý hơn là, bác tập rất chậm rãi (dù chơi tạ nặng vl), tập xong, nhẹ nhàng bỏ tạ vễ chỗ cũ, không la hét, không nói chuyện với ai… và đặc biệt là bác không đeo headphone để nghe gì cả.
Cứ mỗi lần tập gần bác này thì tôi cảm nhận một luồng năng lượng rất mạnh, hừng hực, tỏa ra từ bác… rồi thần sắc, dáng đi, oai phong như các TITANs bước ra từ thần thoại hy lạp.
Thế là tôi canh một hôm, đến bắt chuyện, thấy tôi chào, bác cũng vui vẻ chào, rồi tôi thảo mai hỏi mấy cái bài tập, bác cũng nhiệt tình hướng dẫn. Được một lúc thì tôi mồi luôn cái tôi đang thắc mắc bữa giờ, oh sao bác tập không đeo headphone thế?
Bác cười nhẹ rồi nhìn tôi, chú em cứ quan sát thử xem, trong phòng này, có bao nhiêu người tập mà không đeo headphone, tôi đếm nhanh thì tầm 3-4 người gì đấy, trong phòng lúc đấy chắc hơn 50 mạng. tính ra tầm 7-8% không đeo tai nghe.
Rồi bác lại nói thêm, chú em để ý thêm, mấy chú body to to, đeo headphone, nghe nhạc sập sình, mỗi lần tập xong bài nào thì la hét ru rú, dù tập cũng chiến đấy nhưng lại không đáng chú ý lắm đâu.
Nhóm đáng lưu tâm và nguy hiểm thực sự là những chú body rất chiến nhưng nó không nghe gì cả, cứ im im tập, rồi lặng lẽ đi về, nhưng mưa gió bão tuyết gì, nó đều xuất hiện ở phòng tập đúng giờ, rất ít khi bỏ bữa nào.
Tôi thấy lầm lạ, mấy đại ka đấy có gì đặc biệt, không đeo headphone thì liên quan gì ở đây?
Bác lại giải thích thêm, khi ‘định lực’ hay sự tập trung của ta còn yếu thì ta phải dùng rất nhiều động lực bên ngoài để làm chất xúc tác, để kích, để xúc cái tinh thần ta lên, nói đơn giản là kiếm ‘hứng’ từ phương tiện hỗ trợ bên ngoài để lấy đà tập.
Chú em có đồng ý, hôm nào đang buồn ngủ, hay đầu óc đang suy nghĩ vẫn vơ, nghe tý nhạc epic hay motivation hoành tráng vào là có hứng tập ngay không?
Cảm giác nó phê phê, tưởng tượng mình là super hero chuẩn bị giải cứu thế giới, cơ chế là nó kích thích não bộ tiết ra những hocmoon hỗ trợ để sức anh em lúc đấy mạnh và bền hơn.
Đúng thế bác, tôi trả lời… vì tôi cũng có thói quen đeo tai nghe khi tập, nhưng tôi không nghe nhạc epic mà toàn nghe sách kể chuyện êm dịu thôi, rồi theo flow đó mà tập.
Tôi lại quay qua hỏi sâu hơn, thế còn nhóm không đeo thì sao?
Đa phần nhóm đấy thì ngược lại, họ không dùng trợ lực, tha lực hay động lực bên ngoài để kích tinh thần bên trong. Khi định lực đã đủ lớn thì cơ thể chúng ta sẽ là một ‘lò luyện mai-thúy’ tổng hợp, cụ thể chúng ta có thể tự phê mà không cần dùng thuốc nữa.
Cái dippe vkl, nghe đến đây là thực sự ảo ảo ma-ca-rồng, cơ thể ta là một lò luyện mai-thúy tổng hợp, tôi nhấn mạnh lại, ý bác là chúng ta tự tạo ra ‘hứng’ hay ‘động lực’ cho chính mình phê mà không cần đến tác động từ bên ngoài nữa?
Chuẩn cmnr! – bác đáp, chú em thử tập, không nghe nhạc gì hết, không nói chuyện gì hết, bỏ phone ngoài xe hay trong tủ đồ, tập 2-3 tuần đi, sẽ thấy khác.
Cái khác đầu tiên, là chú em không phụ thuộc vào nguồn trợ lực nữa. Chứ chú quen đeo headphone rồi, hôm nào thiếu cái mà tập bớt sung ngay… nó tương tự rất nhiều thứ khác trong cuộc sống.
Tôi lại hỏi thêm, thế không đeo thời gian rồi hôm nào đeo mồi thử được không bác?
Đấy, mấu chốt là ở đây, chú em chỉ nên dùng đến trợ lực vào những thời điểm thực sự cần thiết thôi. Thay vì 100% hiệu suất (không trợ lực) thì chú sẽ có thêm 20%-30% từ trợ lực nữa, là thành 120%-130%! Tuy nhiên, không nên lạm dụng.
Vậy nhóm đeo headphone để tập sung hơn, cũng đâu có gì sai?
Bác cười, chính xác, đó là sự lựa chọn của mỗi người, không có gì sai cả.
Tuy nhiên chú em để ý, khi chú đã nghe nhạc thời gian, ví dụ vài bài nhạc ưa thích cụ thể, nghe mấy hôm là chán ngay, vì não chú nhờn rồi, chú sẽ kiếm những bài hay nguyên liệu mới có độ mạnh hơn, kích thích hơn để nghe. Vì não chúng ta thích nghi với trợ lực rất nhanh, quen rồi thì phải tăng đô, chứ không đủ liều cao hơn thì rất khó phê. Cụ thể là hiện tượng nhờn thuốc.
Khi bỏ hết các trợ lực bên ngoài ra và bắt đầu luyện lại từ đầu thì chú em sẽ thấy như thiếu thuốc, nhưng kiên trì lên, kỷ luật lên, chú em đang từ từ detox thanh lọc tâm trí và trả não chú về trạng thái tự nhiên của nó.
Một thời gian chơi ‘chay’, dù chẳng có ‘hứng’ ban đầu, não chú bắt buộc phải học thích nghi với điều kiện mới, phải tập làm quen với sự nhàm chán.
‘Sự trống không’ hay ‘sự nhàm chán’ sẽ là trợ lực cho não của chú lúc này. Nghe rất phi lý, nhưng cơ chế là thế. Sau một thời gian chơi chay đủ lâu, chỉ cần khởi động một lúc là máu huyết và khí trong cơ thể chú sẽ lưu thông ngay, rồi chú sẽ sung không khác gì dùng thuốc vậy.
Đừng chờ có ‘hứng’ rồi mới ‘làm’, mà hãy kiên trì ‘làm’ thì ‘hứng’ sẽ tự tạo ra sau đó. Có lẽ, đây chính là ‘định lực vô vi’ trong truyền thuyết!
Tôi gần như bừng tỉnh, quay qua thì thấy bác ấy đã biến mất đâu rồi… tôi thẩn thờ nhìn qua gương đối diện thì thấy bác ấy hiện ra trong gương… thì ra nãy giờ tôi đang trò chuyện với chính mình. Haha (dippe… đoạn này là tôi phóng tác vào).
Sau hôm đấy, tôi đến phòng tập thì không thấy bác ấy nữa, nhưng còn một đoạn thêm mà bác có dặn tôi trong buổi trò chuyện hôm đấy…
Không riêng tập tạ, mà ngay cả các task bình thường khác trong cuộc sống, hãy tập làm nó trong không gian vô cùng nhàm chán, chẳng có nhạc hỗ trợ, không có ai làm cùng… cứ kiên trì thời gian rồi chú em sẽ thấy điều kỳ diệu…
Đó là lúc chú có thể phê và có cảm xúc rất mãnh liệt với những cái vô cùng bình thường… mà không cần bất kỳ trợ lực hay động lực nào nữa.
Chú nhớ, trợ lực không xấu, nhưng chỉ dùng nó khi chú em thực sự cần mà thôi !
Sẽ có những trận chiến mang tính quyết định cuộc đời chú, thì lúc đấy chú sẽ thấy những thằng chuyên chơi chay khi có trợ lực thêm… nó sẽ mạnh vl cỡ nào.
Một số bài viết hữu ích bạn nên xem thêm ngay:
- Tuổi đang đẹp, tập luyện ngay đi
- Hình thành những thói quen tốt một cách dễ dàng với ‘quy tắc 2 phút’
- Vì sao nhiều người giỏi nhưng vẫn nghèo?
–
MENBACK.COM
Theo: Nghệ