Logistics là một ngành thú vị, một sự nghiệp tốt với môi trường làm việc sạch đẹp chuyên nghiệp, đáng để bạn nghiêm túc theo đuổi. Logistics là một nghề mang đến giá trị cho xã hội và lương cao cho bản thân. Nhưng rất nhiều bạn trẻ không hiểu đúng về logistics hoặc thậm trí không quan tâm tìm hiểu trước khi dấn thân vào ngành. Điều này làm cho các bạn cảm thấy vừa bực, vừa tiếc, vừa đau lòng.
Logistics Là Gì?
Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi được tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng. – Theo Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ (LAC- The US. Logistics Administration Council).
Có thể hiểu đơn giản, Logistics là một chuỗi nhiều hoạt động xoay quanh hàng hóa như: đóng gói, bao bì, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa… Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí vận chuyển, tránh việc “đội giá” sản phẩm và tăng mức lợi nhuận thu được nếu thực thi hoạt động Logistics hiệu quả.
6 hiểu lầm về ngành logistics
Bài này viết cho ai? Cho sinh viên hoặc các bạn mới vào ngành logistics, vẫn còn đang tìm hiểu xem ngành Logistics là gì, tuổi đời từ 18-25.
1. Công ty Logistics và công ty Xuất Nhập Khẩu (XNK) là giống nhau: Sai
Công ty Xuất Nhập Khẩu là công ty bán sản phẩm hữu hình (ví dụ gạo, cà phê, máy móc, đèn điện tử…) cho các khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài. Trong công ty XNK sẽ có người phụ trách các hoạt động về Logistics (như book tàu, vận tải, lưu kho, ….), họ có thể tự làm hoặc thuê 1 công ty khác tư vấn, làm thay cho họ.
Còn công ty Logistics là công ty bán Dịch vụ Logistics. Công ty Logistics thì có rất nhiều loại với những lợi thế khác nhau, có công ty có tài sản (xe, kho, cảng…), có công ty thì chỉ có chuyên gia. Nhưng nói chung thì các công ty logistics bán giải pháp, dịch vụ làm logistics thay cho khách hàng. Các bạn có thể hình dung, công ty Logistics giống như công ty Agency trong ngành Marketing ấy.
2. Làm logistics là cao to đen hôi, mồ hôi nhễ nhại, cực: Không hẳn.
Logistics là một ngành rộng, trong đó có rất nhiều công việc khác nhau, dĩ nhiên sẽ có việc this, việc that.
Tôi đồng ý là, có một số job trong ngành logistics phải đi ngoài nắng nhiều, phải ra cảng, mệt, nhọc, đen. Tuy nhiên, số lượng anh em làm trong mảng đó chiếm 1 phần nhỏ của ngành mà thôi.
Khi đi làm ở các vị trí Sales, CS, Procurement, Operations,… cho các tập đoàn Logistics đa quốc gia (như DHL, DB Schenker, K+N, Rhenus…) thì các bạn phải ăn mặc đẹp, sơ mi đóng thùng, ra vào văn phòng có máy lạnh. Đối với vị trí Sales tầm cao thì đôi còn phải đi networking ở các events, workshop trong khách sạn 5 sao… Và những anh chị này đều quần là áo lụa, rất trắng, rất thơm.
Ngày trước tôi từng làm ở RHENUS, văn phòng công ty tôi ở toà nhà Đức mặt tiền đường Lê Duẩn. Đây là 1 building hạng A rất là xịn. Và tôi có thói quen mặc Veston khi đi làm mỗi ngày.
Tóm lại, có rất nhiều vị trí trong ngành Logistics rất sang đẹp, không kém nghề nào cả.
Nhưng mà, các bạn ơi, đi làm công ăn lương, thì có nghề nào mà không CỰC? Sang thì có thể sang, nhưng cực cũng rất cực. Chẳng qua cực kiểu gì mà thôi. Việc nhẹ mà lương cao, chỉ có việc làm con thôi, còn có đường hay không thì tùy.
3. Nghề logistics chỉ dành cho nam: Sai trầm trọng.
Bước vào văn phòng đa số công ty Logistics, bạn sẽ phát hiện ra: Nữ nhiều hơn nam!!!
Trưởng phòng Logistics các nhà máy sản xuất, công ty thương mại, công ty XNK: tỷ lệ nam nữ theo cá nhân tôi quan sát thì thấy là 60 nữ-40 nam
Nhân viên CS, Documents, Operations ở các công ty 3PL (theo cách gọi của các tập đoàn đa quốc gia thì Operations không phải làm giao nhận đâu nha): khoảng 80% là nữ.
Nhân viên Sales: 70 nam – 30 nữ
Giao nhận hiện trường, nhà xe… thì lại thấy nam chiếm đa số.
4. Làm nghề logistics nhàm chán hay thú vị?
Với tình hình ngành logistics ở VN chúng ta vẫn còn rất… loạn, thì thực ra khi đi làm trong ngành logistics, đòi hỏi các bạn phải có khả năng xử lý vấn đề. Và, các vấn đề bạn phải xử lý rất đa dạng, muôn kiểu khó khác nhau. Kỹ năng tự học tập là vô cùng cần thiết vì tuần nào bạn cũng phải học thêm cái gì đó mới để có thể xử lý vấn đề hàng hóa công ty , hoặc xử lý vấn đề cho khách.
Nếu làm cho công ty 3PL thì bạn càng phải sáng tạo và biết cách xử lý vấn đề đa dạng hơn nữa, khôn khéo hơn nữa.
Vận chuyển, lưu trữ mặt hàng Food sẽ khác so với mặt hàng máy móc, lại khác với spare parts linh kiện điện tử…
Làm logistics không hề chán, không học kịp, không xử lý vấn đề được khóc thét lên thì có.
À, và cũng chẳng cần giỏi toán lắm. Cộng trừ nhân chia tốt, đầu óc nhanh nhạy là được. Tôi chưa thấy ai làm nghề này phải dùng ma trận, đạo hàm, tích phân, giải bất đẳng thức bao giờ.
5. Mức lương ngành logistics cao hay thấp?
Nhân viên cấp thấp của ngành nào mà chả nghèo đúng không các bạn? Giàu hay nghèo là do mỗi người thôi, tuy nhiên tôi có thể share 1 ví dụ: Sales cho công ty forwarder MNCs có mức lương cứng khởi điểm vào khoảng 8-12 triệu. 1 năm kinh nghiệm có thể request mức 15 tr. Sau 3 năm phải từ 1,000 USD/month trở lên. Sau 5 năm, lên manager rồi và mức lương cứng khoảng trên 1,500 USD – 2,500 USD/ month.
Đây là trải nghiệm cá nhân của tôi, cũng đã từng đào tạo, dẫn dắt mấy chục bạn vào nghề này, nên tôi rút từ kinh nghiệm thực tế mà nói. Nếu dùng các báo cáo của bên headhunters thì số cao hơn.
Lưu ý, đây là mức lương của vị trí Sales làm cho 1 công ty Logistics MNC. Và đó chỉ là lương cứng, gross salary thôi.
6. Làm ngành Logistics có cần bằng Đại học không?
Ngành Logistics rất chú trọng kỹ năng và kiến thức thực tế, để xử lý các vấn đề thực tế. Vì sao? Vì ngành Logistics ở VN có rất nhiều chuyện không hề được ghi chép trong sách vở nào cả. Nhiều kỹ năng đi làm cần thì không có trường ĐH nào ở cả VN và Thế Giới dạy.
Cho nên, thực tế thì khi tôi tuyển dụng nhân viên, bằng nào cũng như nhau, quan trọng là thái độ và kỹ năng xử lý vấn đề.
Tôi từng làm việc với sếp là người Thụy Sĩ, người Đức, người Nhật, người Singapore. Khi phỏng vấn ứng viên chung với sếp (với tất cả các sếp), tôi chưa bao giờ nghe một ông sếp nào hỏi về bằng cấp ĐH hay là bạn học ở đâu ra cả.
Hi vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trẻ đang tìm hiểu về ngành này.
> Xem thêm: Thế nào là một người “Được Việc”?
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Nguồn: Huynh Song Kha – CEO S.O.C Institute.