Đã sinh ra là thân con người thì ai cũng có một bản ngã khác biệt cho riêng mình.
Nói đơn giản, bản ngã – cái tôi, chính là ‘hệ thống niềm tin’ hoặc tổ hợp các thói quen trong suy nghĩ và hành động của chúng ta. Sự khác nhau trong nhận thức và niềm tin đấy sẽ tạo ra hệ tính cách khác nhau trong từng cá thể. Nên không có cái bản ngã nào giống cái bản ngã nào.
Vì nếu mỗi người không có bản ngã riêng thì game đời cực kỳ chán, nó tương tự chúng ta chơi game online nhập vai, login vào server mà thấy đứa nào cũng giống đứa nào, từ giao diện, cách chơi, cách tương tác, mặc đồ, thói quen, kỹ năng, tư duy, tính cách đều y hệt nhau thì game đó chẳng có gì để chơi, để học hay trải nghiệm cả.
Ngẫm sâu cái này, các bạn sẽ hiểu tại sao ‘tạo hóa’ – ‘thượng đế’ – ‘nguồn’, hay ‘chân ngã’ lại tạo ra những bản ngã nhỏ lẻ hoàn toàn khác biệt và đa sắc màu như thế?
Cả tam độc ‘tham-sân-si’, các bạn hãy lại nghĩ sâu hơn, tại sao thượng đế lại tạo ra 3 cái đấy làm gì rồi lại kêu chúng ta đi diệt hay chuyển hóa 3 cái đó. Tại sao ngay từ đầu tạo ra con người thì không bỏ luôn 3 cái tam độc đó ra thì thế giới có vẻ yên bình và tuyệt đẹp hơn không?
Câu trả lời là Không, vì chính tham-sân-si lại là cơ chế để thế giới này vận hành… và để từng bản ngã nhỏ lẻ có thể học và trưởng thành trên chính hành trình của mình. Vì khi không còn tham-sân-si thì cái bản ngã đó cũng sẽ tự động tan biến.
Mỗi bản ngã sẽ có hàm lượng tham-sân-si khác nhau, chính cái tham-sân-si của người này sẽ là ‘THUỐC GIẢI’ cho cái tham-sân-si của người kia. Đó là tại sao tham-sân-si được sinh ra cùng chúng ta.
Cái Tham của anh A sẽ là bài học cho cái Tham của anh B, hoặc cái Sân của Chị C sẽ là bài học cho cái Sân của Chị D, nó vi tế nhưng rất dễ quan sát trong cuộc sống bình thường,
Anh A tham tiền, muốn làm giàu nhanh, nên gom hết tài sản nhà cửa để dồn một cú ăn gấp 5-10 lần. Anh B còn tham hơn, biết Anh A tham nên giăng bẫy Anh A rất công phu. Mấy lần đầu tư chung trước đó, thì chia lợi nhuận đầy đủ cho Anh A, nên cái tham của anh A tăng dần theo thời gian nên mới gom 1 lần cực lớn để đưa Anh B. Đó là tham trị tham. Về mặt nhân quả, thì Anh B cũng sẽ trả lại tất cả theo cách vận hành trên, tham lại gặp đứa tham hơn, hoặc gặp đứa ác hơn.
Sân cũng tương tự, cái sân người C sẽ là thuốc giải cho cái sân của người D. Nên Ông Bà ta có hai câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn’ và “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là như thế, đó là sự cân bằng giữa các bản ngã với nhau, rất sâu sắc.
Đó là một vòng lẩn quẩn, nên vòng luân hồi của các bản ngã trên sẽ liên tục tái sinh không bao giờ có điểm kết thúc… chỉ đến khi cái bản ngã đó có hàm lượng tham-sân-si = 0, đồng thời khi đấy tâm yêu thương cũng đạt đến vô cực, thì vòng lặp luân hồi kết thúc với bản ngã đó.
Khá nhiều bạn trong chúng ta hiểu nhầm, tâm hồn trẻ thơ luôn thuần khiết thì cũng không đúng hẳn. Vì khi một đứa trẻ sinh ra, dù chưa làm gì cả, thậm chí chưa bị tác động gì từ giáo dục luôn, thì nó vẫn có đủ hạt giống tham-sân-si (được tích lũy từ vô lượng kiếp). Chỉ là nó chưa đủ điều kiện (duyên) để kích hoạt các hạt giống đó lên.
Ai có con nhỏ sẽ thấy rõ chuyện này, chưa ai dạy nó cái gì nhưng nó đã biết giành đồ chơi, sân hận và tham lam đầy đủ. Nên nói trẻ em không tham không sân không si thì chưa thực sự sống và nuôi dưỡng một đứa trẻ đủ lâu để quan sát được điều đó.
Tôi từng thấy 1 đứa trẻ 4-5 tuổi, nó lén cắt đôi giày của chị nó vì nó cảm nhận chị nó được bố mẹ nó thương nhiều hơn. Tất nhiên, tác nhân một phần cũng là từ bố mẹ hơi quan tâm Chị hơn thật nhưng không phải đứa nhỏ nào cũng hành động sân hận thù ghét mạnh đến thế. Đó là do hàm lượng tham-sân-si khác nhau ở mỗi đứa trẻ.
Tôi gọi là ‘ma trận bản ngã’, vì nhiều lúc chính sự thông minh của chính chúng ta nghĩ rằng, mình đã ‘vô ngã’ rồi thì đấy lại là lúc bản ngã vi tế của mình đang hoạt động cực mạnh. Nên xưa giờ, nghe ai đã chứng đắc, đã giác ngộ thì đa phần toàn do bản ngã vị tế dựng lên và dắt mũi họ đi. Chứ hàng xịn thì cực hiếm.
Vì logic dễ hiểu, khi đã không còn cái tôi thì không có cái tôi nào để chứng đắc nữa. Nếu còn cái tôi nào đã giác ngộ thì nó chính là cái tôi tâm linh ở tầng cao hơn. Nên các bạn hãy cẩn trọng với chính sự thông minh và hiểu biết của mình.
Động lực lớn nhất của bản ngã, là nó luôn muốn trở thành ‘trung tâm’ của vũ trụ. Tôi là trung tâm, tôi đặc biệt, tôi xịn nhất.
Khi đặt mình ở trung tâm, cái tôi đó sẽ liên tục so sánh với mọi thứ bên ngoài… và bất kỳ điều gì khiến nó không còn là trung tâm nữa thì hạt giống tham-sân-si sẽ được kích hoạt ngay.
Tôi ví dụ, cái tôi rất dễ bị thu hút bởi cái gì ‘đẹp hơn nó’, ‘giàu hơn nó’, ‘sang hơn nó’, ‘giỏi hơn nó’ và ‘ngon hơn nó’.
Chúng ta vừa tậu chiếc Merc E200, cái tôi phê lắm, nhưng chạy được thời gian trên đường, thì cái tôi đấy lại thấy 1 chiếc Bentley hay Porsche lướt qua, đẹp hơn, nhanh hơn cái của tôi… thì cái tôi bị thu hút ngay.
Khi đã bị thu hút thì cái gì sẽ sinh sau đó…. đó là sinh tâm Tham…
Khi Tham không được thì tâm Sân sẽ sinh ra!
Đó là tại sao nhân sinh luôn tràn ngập trong biển khổ, không lối thoát.
Dù các bạn có cố gắng kiểm soát bản ngã cấp mấy, nhưng nếu tần suất của mấy cái đẹp hơn, giàu hơn, ngon hơn, xuất hiện trước mắt bạn liên tục thì bạn sẽ gục ngã ngay.
Nhất là thời mạng xã hội mạnh và nhanh như hiện nay thì bản ngã của chúng ta lại càng bị thu hút, càng bị dắt mũi dã man hơn… vì kéo phây một tý mà thấy ai cũng ngon hơn mình. Trầm cảm thực sự đấy.
Đọc bài viết này để tìm hiểu thêm về: Cái Tôi – cội nguồn của mọi đau khổ và mệt mỏi trong cuộc sống
–
MENBACK.COM