Bàn về chủ đề này một cách ngắn gọn nhất thì chúng ta chỉ thay đổi khi rơi vào 2 con đường sau: một là đời ép mình phải thay đổi và hai là mình thay đổi trước khi đời ép mình.
Hãy đi vào từng trường hợp để hiểu vì sao chúng ta cần phải thay đổi ngay lúc này.
Đời bắt mình phải thay đổi
Đường số 1, đợi đến khi đời quật te tua, thời thế dập mình bẹp dúm, đau khổ quá, sợ hãi quá nên bắt buộc phải thay đổi thôi.
Đơn cử, một người thích ăn đường, không bao giờ chúng ta có thể khuyên họ bớt ăn ngọt lại được, chỉ đến khi bác sĩ báo nó bị tiểu đường rất nặng, có khả năng bị cưa chân, mù mắt, teo ku… thì tự nhiên họ thấy đường là bỏ chạy ngay.
Đó là tại sao ai mới được chẩn đoán bị tiểu đường thì tự nhiên 2-3 tháng đầu sụt ký kinh hoàng, vì sợ nên không dám ăn gì cả, kèm với tinh thần khủng hoảng, nên sụt cân mất kiểm soát. Thanh niên bây giờ bị tiểu đường, mỡ cao, máu cao, rồi bị gút (acid uric cao) nhiều lắm.
Nó áp dụng đúng với tất cả thứ khác trong cuộc sống, chúng ta chỉ thay đổi, chỉ buông, khi thứ đó làm ta đau khổ đến tận cùng.
- Chia tay, ly dị, đau khổ nên lột xác
- Bệnh tật, đau khổ nên lột xác
- Phá sản, đau khổ nên lột xác
- Mất người thân, mất người yêu, mất con, đau khổ nên lột xác
- Đi tù, đau khổ nên lột xác
Tất nhiên, có nhiều người phải đi tù tận chục lần mới lột xác được, nói chung đời phải làm họ đau khổ đến tận đáy thì mấy cái nhận thức và thói quen chưa đúng tốt mới thực sự gỡ bỏ ra được.
Nói chung, không khổ, không nghịch cảnh thì chúng ta sẽ rất ì ạch và chủ quan. Đời càng quất ta tơi tả chừng nào thì ta càng nên người chừng đấy.
Đó là tại sao, nghịch cảnh là nấc thang của bậc anh tài, không đau khổ thì ít ai thành nhân cả.
Từ đó, mới thấy cuộc đời được thiết kế cực kỳ vi diệu, đời là bể khổ, nhưng lại là liều thuốc bổ cho chúng ta tu tâm dưỡng tính.
Nên ở đời, chúng ta không cần phải cố thay đổi ai hết, khuyên thì cứ khuyên, họ nghe thì tốt, không nghe thì đời sẽ ép họ phải thay đổi thôi, nếu việc họ làm đang trái với vận hành tự nhiên. Vì một nhận thức sai thì chắc chắn phải dẫn đến đau khổ, không thể né tránh được.
Tự mình chủ động thay đổi
Ở con đường số 2, mình thay đổi trước khi đời ép mình thay đổi. Không nhiều người làm được điều này, vì chúng ta phải thấy được cái khổ ở 3 mức độ khác nhau:
- Mức 1: thấy được khổ đang cận kề, dù chưa xảy ra, nhưng nếu không thay đổi kịp thời thì nó sẽ xảy ra sớm trong nay mai thôi.
- Mức 2: thấy khổ sẽ xảy ra trong ít nhất 6 tháng đến 2 năm nữa, dù chưa xảy ra, nhưng chúng ta đã ép mình phải thay đổi trước, để có sự chuẩn bị kỹ càng, có thể ta diệt hẳn cái khổ hoặc ít nhất là giảm nhẹ nó đi rất nhiều.
- Mức 3: thấy được cái khổ có khả năng xảy ra trong 5-10 năm nữa, tầm này thì phải bậc Trí tuệ thực sự, mới thấy rõ được những cái mình cần thay đổi trước cả 5-10 năm.
- Thậm chí có đến mức 4 là nhận thức cái khổ xa đến vô lượng kiếp sau.
Một người chưa hề có bệnh tật gì cả, xét nghiệm máu tốt, cũng chưa có đau đớn và khổ gì phát sinh, nhưng vẫn chủ động rèn luyện cơ thể, ngủ sớm, ăn uống healthy, sinh hoạt mọi thứ điều độ… vì họ nhận thức được, nếu không giữ sức khỏe bây giờ thì về sau phải trả giá gấp nhiều lần. Đó là có nhận thức rất sâu sắc về thân và sức khỏe.
Chứ đa phần, chúng ta toàn chờ đến khúc sắp nhập viện cấp cứu rồi mới thay đổi, tuy không quá muộn màng nhưng cơ thể cũng đã lụi tàn đi rất nhiều. Lúc này khổ quá, đau quá, nên quyết tâm thể thao, ngủ sớm, tuy không thể trả lại nguyên trạng thanh xuân tràn trề nhựa sống nhưng cũng vớt lại miếng sức khỏe để tiếp tục chiến game đời.
Trước tôi có quen một ông anh, chủ một công ty cung cấp hệ thống lọc nước công nghiệp, công ty phát triển khá ổn định gần 10 năm rồi. Thế mà ở độ tuổi gần 50, mà tôi thấy ổng vẫn đi học thêm cái bằng MBA. Hỏi ra, ổng nói, ngành anh đang làm cũng không chắc ngon trong 5-10 năm nữa, có gì dẹp công ty thì anh còn đi xin việc quản lý ở chỗ khác. Đó là thấy được cái khổ có thể phát sinh trong 5-10 năm tới.
Có những đau khổ luôn luôn ở dạng ẩn, nó cứ tích tụ từ từ theo năm tháng, rồi dồn một phát 10 năm mới bung ra, lúc đấy thì chúng ta đỡ sao kịp.
Một cái đơn cử mà tôi thấy rõ nhất, đó là chuyện dạy con, có những cái chiều chuộng không đúng, cứ nghĩ nó học giỏi là được, rồi tạo điều kiện tốt nhất, tiện nghi nhất cho nó học thôi, đúng là nó học điểm cao nhưng ngoài cái đó ra thì nó chẳng biết gì khác.
Chính ngay họ hàng nhà tôi cũng có vài trường hợp, giờ cả gia đình khổ sở vì nó, vì cứ nghĩ chỉ cần nó học giỏi thì chắc sẽ thắng game đời, đấy là suy nghĩ quá ngây thơ. Tốn 18-20 năm nuôi dạy con, rồi giờ mới phát hiện mình dạy nó sai đường rồi, thôi thì kiếp này coi như để học bài học về nuôi dạy con.
Chúng ta mà thấy được trước những cái khổ ẩn, từ ngắn hạn đến dài hạn, không phải thấy bình thường mà phải thấy sâu sắc thì sẽ có những thay đổi trước, xây dựng nền móng vững trước, để đủ sức đề kháng và đồ chơi mà đối diện với sự bất ổn liên tục của cuộc đời.
Ông nào thay đổi ở đường 2 thì đa phần sau 10 năm đều có những thành tựu nhất định trong cuộc sống. Cụ thể, thân tâm khỏe mạnh, gia đình nề nếp, sự nghiệp vững vàng, sự học luôn nâng cấp liên tục, có những đầu tư dài hạn với đầu tư dự phòng, kèm luôn cả kịch bản gia đình cần làm gì khi lỡ ổng chết bất đắc kỳ tử.
Như đợt dịch covid-19 vừa qua, chẳng ai dám nghĩ sẽ có một ngày có một con virus tàn phá cơ thể kinh hoàng thế. Tất nhiên, con covid này cũng có duyên nghiệp với từng người khác nhau, nó không phân biệt người khỏe hay yếu, giàu hay nghèo, chỉ cần ai có nợ với nó thì nó quật. Tuy nhiên, nếu bình thường, chúng ta đã có một nền tảng sức khỏe tốt, tinh thần vững trãi thì dù có tới số với nó thật thì chúng ta vẫn có cơ hội sống sót cao hơn.
Vậy nên hãy thay đổi ngay từ bây giờ, từ thân, tâm, tuệ thay vì đợi đời bắt ta phải thay đổi, để sẵn sàng cho những điều phía trước của cuộc đời.
Xem thêm:
- Trượt đại học – tôi đã tiếp tục tương lai phía trước như thế nào?
- Street Smart là gì? Vì sao ai cũng cần phải có kỹ năng Street Smart?
- Hình thành những thói quen tốt một cách dễ dàng với ‘quy tắc 2 phút’
–
MENBACK.COM