Tính từ mùa giải 2006 – 2007, Arsenal đã trải qua đến 9 đời đội trưởng, và người đội trưởng nào cũng dính “lời nguyền”.
Sau những màn trình diễn đáng thất vọng trong những vòng đấu gần đây, đội trưởng hiện tại của Arsenal – Pierre-Emerick Aubameyang đã bị cất lên băng ghế dự bị trong trận thua Everton đêm qua. Trên thực tế thì phong độ của Aubameyang đã bắt đầu đi xuống kể từ sau khi ký vào bản hợp đồng mới với Pháo Thủ hồi tháng 9 năm 2020. Tuy vậy, vẫn có những sự trùng hợp khiến người ta hoài nghi rằng liệu có phải do “lời nguyền” từ chiếc băng đội trưởng của Arsenal mà tiền đạo người Gabon mới trở nên sa sút đến vậy?
Thật vậy, nếu chỉ tính từ mùa giải 2006 – 2007, Arsenal đã trải qua đến 9 đời đội trưởng. Đó là những W. Gallas, Cesc Fabregas, Robin Van Persie, T.Vermaelen, Mikel Arteta, Per Mertesacker, L.Koscielny, Granit Xhaka và đội trưởng đương nhiệm Aubameyang. Trong số 9 cái tên kể trên, dù là vì bất cứ lý do gì thì sau khi đeo lên tay tấm băng đội trưởng của Pháo Thủ, giai đoạn sau của họ tại đội bóng thành London đều không mấy tốt đẹp gì.
Trước hết hãy nói về W. Gallas. Trung vệ người Pháp gia nhập Arsenal vào tháng 9/2006, được trao băng đội trưởng vào tháng 8/2007 và chỉ sau đó 1 năm, anh bị Arsene Wenger tước băng đội trưởng vì những hành xử không đúng đắn ở cả trong và ngoài sân cỏ.
Mãi cho đến khi rời đi vào năm 2010, Gallas cũng tiếp tục để lại ấn tượng không tốt trong mắt các Gooners khi lựa chọn gia nhập đại kình địch Tottenham sau khi không thể đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng với Arsenal.
Sau Gallas, người tiếp quản chiếc băng đội trưởng từ chính trung vệ người Pháp vào mùa đông 2008 là tài năng trẻ đến từ lò đào tạo trẻ của Barcelona – Cesc Fabregas. Có thể nói, đây chính là một trong những người đội trưởng thành công bậc nhất Arsenal trong hơn 10 năm qua.
Cùng Fabregas, dẫu Arsenal không thể chạm tay vào các danh hiệu, tuy vậy họ vẫn luôn được đánh giá một trong những đội bóng có lối chơi đẹp mắt nhất Châu Âu và vẫn luôn có được một suất trong Top 4 tại Premier League qua từng mùa giải. Đáng tiếc là sau tất cả, tình yêu của Fabregas dành cho đội bóng quê hương Barcelona là quá lớn và anh sau cùng cũng lựa chọn rời đi vào mùa hè 2011.
Kế thừa chiếc băng đội trưởng của Fabregas là cái tên thậm chí còn gây ra nhiều tranh cãi hơn sau này – người Hà Lan Bay Robin Van Persie. Trong suốt nhiều năm ở Arsenal tính đến trước mùa 2011 – 2012, chưa một mùa giải nào Persie có hơn 20 bàn tại Premier League.
Mãi cho đến mùa hè năm 2011, sau khi nhận lại chiếc băng tay mà Fabregas để lại, Persie đã trình diễn một phong độ đầy bùng nổ, ghi 30 bàn tại đấu trường quốc nội, một tay gánh cả đội lọt vào Top 3 chung cuộc.
Thế nhưng trớ trêu thay, vào đầu mùa giải sau đó, tiền đạo người Hà Lan lại lựa chọn rũ bỏ chiếc áo đỏ của thành London, để gia nhập đại kình địch Man United và trở thành một phần quan trọng trong chức vô địch của đội bóng này.
Tiếp sau Persie, những người đội trưởng khác nhau của Arsenal lần lượt là những Thomas Vermaelen, Mikel Arteta và Per Mertesacker. Và dù rằng cũng đã ít nhiều có những đóng góp nhất định cho đội bóng trong khoảng thời gian trước đó, thế nhưng những cái tên kể trên sau khi nhận lại chiếc băng tay “bị ám” của đội bóng cũng đều liên tục gặp phải những chấn thương dai dẳng, để rồi sa sút và phải rời đội bóng hoặc giải nghệ.
Ở những năm gần đây hơn, các đội trưởng của Pháo Thủ là những L.Koscielny, Granit Xhaka. Cả hai cái tên này đều có một điểm chung đó là hành xử không đúng mực và để lại ấn tượng không đẹp trong mắt các Gooners.
Với trung vệ người Pháp, anh đã từ chối tham gia du đấu cùng đội bóng vào hè 2019 với lý do mong muốn được ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do để hồi hương thi đấu dù vẫn còn thời hạn hợp đồng 1 năm. Và dù sau này đã đăng hẳn 1 video trên MXH để gửi lời xin lỗi đến các CĐV Pháo Thủ thì hành động không đẹp này cũng đã khiến cho các Gooners mất đi hoàn toàn những ấn tượng đẹp về người cựu binh một thời.
Trong khi đó, Granit Xhaka thì vẫn may mắn hơn so với Koscielny đôi chút khi tiền vệ người Thụy Sỹ vẫn còn cơ hội ở lại Emirates sau sự cố ném băng đội trưởng, tỏ thái độ với chính các CĐV nhà cùng nhiều hành động không đẹp trên sân cỏ khác. Tuy vậy, hậu quả dành cho hành động bồng bột kể trên vẫn là tấm băng đội trưởng bị tước bỏ cùng với việc nhiều lần suýt bị đem bán.
Giờ đây, “lời nguyền” về chiếc băng đội trưởng của Arsenal có lẽ đang tiếp tục vận vào Aubameyang, người từng liên tiếp có những mùa giải ấn tượng khi vừa cập bến Pháo Thủ. Thật đáng tiếc khi chiếc băng đầy cao quý tại Arsenal ngày nào, từng được những Tony Adams, Patrick Vieira hay Thierry Henry… mang trên tay, nay lại như thể đang gặp phải một cái dớp gì đó rất khó có thể lý giải.
Hy vọng rằng tiền đạo người Gabon sẽ sớm tìm lại phong độ, hoặc Mikel Arteta có thể sớm tìm cho đội bóng một người đội trưởng mới uy tín hơn, có tố chất thủ lĩnh và điểm rơi phong độ tốt hơn.
Có như vậy thì chiếc băng mang đầy niềm kiêu hãnh này mới có thể trở lại với vị thế vốn có của nó, để cùng với người thủ lĩnh thực thụ đưa Arsenal trở lại với những vinh quang vẫn luôn lảng tránh họ suốt bấy lâu.
Các đội trưởng của Arsenal sau huyền thoại Tony Adams:
- 2002-2005: Patrick Vieira, 2005 sang Juventus.
- 2005-2007: Thierry Henry, 2007 sang Barca.
- 2007-2008: William Gallas, đến tháng 11/2008 mất chức đội trưởng, 2010 sang Tottenham.
- 2008-2011: Cesc Fabregas, 2011 sang Barca.
- 2011-2012: van Persie, 2012 sang Man Utd.
- 2012-2014: Thomas Vermaelen. 2014 sang Barca.
- 2014-2016: Mikel Arteta, 2 mùa này chủ yếu ngồi ngoài, 2016 giải nghệ.
- 2016-2018: Per Mertesacker, 2 mùa này chủ yếu ngồi ngoài, 2018 giải nghệ.
- 2018-2019: Laurent Koscielny, 2019 bỏ tập, bỏ du đấu để sang Bordeaux. Trong clip giới thiệu đội bóng mới còn có cảnh cởi áo Arsenal.
- 2019-2020: Granit Xhaka, Bị CĐV la ó, vừa chửi vừa ném áo khi bị thay ra.
- 2019-2020: Aubameyang, Bị tước băng đội trưởng vì vi phạm kỉ luật.
Patrick Vieira là đội trưởng đầu tiên của Arsenal mà không phải người Vương quốc Anh hoặc Ireland. Và cũng kể từ Vieira trở đi, vẫn chưa có cầu thủ người Vương quốc Anh hoặc Ireland được bổ nhiệm làm đội trưởng Arsenal.
Xem thêm:
- 5 cái tên góp phần kéo Arsenal trở lại đường đua
- Góc khuất kinh tởm của bóng đá: Tiết lộ từ nhà báo Romain Molina
- VAR là gì? VAR hoạt động như thế nào? Ví dụ về tình huống VAR?