Bài viết chi tiết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ công nghệ VAR là gì? Tổ VAR hoạt động như thế nào trong một trận đấu bóng đá?
Cho đến hiện tại, nhiều người vẫn nhầm VAR chỉ là công nghệ video, đại loại có những câu như: “Sao không xem lại VAR?”, đó là 1 sự nhầm lẫn cơ bản. Nên hôm nay, chúng tôi sẽ có một bài viết từ Football Facts giải thích về VAR và cách hoạt động của tổ trọng tài VAR, với chính những thông tin chính thức của FIFA.
1. VAR là gì?
VAR là viết tắt của Video Assistant Referee, có nghĩa là Trợ lý trọng tài video. Họ là 1 tổ trọng tài dùng video để hỗ trợ trọng tài chính, chứ không phải là 1 hệ thống video quay lại. Tổ trọng tài video VAR cũng có 4 người, như tổ trọng tài chính hoạt động trên sân, bao gồm 1 tổ trưởng VAR và 3 trợ lý AVAR (Assistant Video Assistant Referee – trợ lý của trợ lý trọng tài video).
Tất cả những thành viên của tổ này đều là các trọng tài cấp FIFA hàng đầu. Tại kì World Cup 2018, Ủy ban trọng tài FIFA tuyển chọn riêng 13 trọng tài làm nhiệm vụ VAR, những người này được huấn luyện và có kinh nghiệm sử dụng hệ thống video và kĩ thuật hỗ trợ. Ngoài 13 người này, 1 số người trong các trọng tài làm nhiệm vụ điều hành các trận WC cũng được phân công làm thêm nhiệm vụ ở các tổ VAR.
Xin nhắc lại 1 lần nữa 4 người ở tổ VAR là 4 trọng tài, họ không phải hệ thống video cũng như không phải điều khiển máy quay hay video, mà nhiệm vụ của họ là đánh giá tình huống thông qua video. Sẽ có 4 nhân viên kĩ thuật điều khiển các đoạn quay lại (replay). 2 người sẽ chọn sẵn các góc máy camera, trong khi 2 người còn lại cung cấp các góc máy được yêu cầu bởi tổ trưởng VAR và trợ lý AVAR2.
2. Nhiệm vụ của từng thành viên tổ VAR?
Tổ trưởng VAR theo dõi góc máy chính ở màn hình phía trên và kiểm tra, đánh giá lại tình huống thông qua màn hình được chia 4 góc máy ở phía dưới. Tổ trưởng làm nhiệm vụ điều hành tổ VAR và liên lạc với trọng tài chính trên sân, và có thể gọi ngắn gọn là VAR.
AVAR1 tập trung vào camera chính, và đảm bảo cho VAR (tức tổ trưởng) vẫn nắm bắt được tình hình trên sân trong khi đang đánh giá lại 1 tình huống.
AVAR3 tập trung vào các thông tin trên màn hình, hỗ trợ VAR đánh giá tình huống, và đảm bảo sự trao đổi và liên lạc thông suốt giữa VAR và AVAR2.
AVAR2 là trợ lý theo dõi các đường việt vị, dự đoán và kiểm tra các tình huống có khả năng việt vị giúp VAR nhanh chóng kiểm tra và đánh giá tình huống hơn.
3. Tổ VAR làm việc ở đâu?
Tùy từng trận đấu/giải đấu mà tổ VAR có vị trí làm việc khác nhau. Ví dụ gần đây khi đội tuyển Việt Nam gặp Australia tại vòng loại thứ 3 Worldcup 2022, tổ VAR làm việc ngay tại sân Mỹ Đình. Nhưng tại World Cup 2018 diễn ra trên đất Nga, tổ VAR không ở từng sân, mà họ ở phòng Vận hành video (Video Operation Room – VOR) ở trung tâm truyền thông quốc tế (IBC) ở Moscow. Tất cả các dữ liệu của các camera ở 12 sân vận động được gửi đến VOR thông qua mạng cáp quang. Các trọng tài ở trên sân trao đổi với tổ VAR thông qua hệ thống radio tín hiệu, được truyền dẫn bằng đường cáp siêu tốc giữa IBC và trung tâm radio của mỗi sân.
4. Các camera của tổ VAR
Tổ VAR có thể truy xuất 33 camera, trong đó có:
- 8 camera siêu chậm (super slow-motion)
- 4 camera cực chậm (ultra slow-motion)
- 2 camera việt vị đặc biệt chỉ dành riêng cho tổ VAR
5. VAR hỗ trợ cho trọng tài chính khi nào?
Họ sẽ hỗ trợ cho trọng tài chính trong các tình huống được đánh giá là thay đổi cục diện trận đấu, mà FIFA liệt kê ra 4 loại chính:
- Bàn thắng và lỗi dẫn đến bàn thắng
- Quyết định thổi phạt đền và pha phạm lỗi dẫn tới phạt đền
- Tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp
- Nhận diện nhầm cầu thủ (ví dụ như phạt nhầm người)
6. Hoạt động của tổ VAR
Tổ VAR sẽ kiểm tra các lỗi rõ ràng liên quan đến 4 tình huống kể trên. Tổ VAR chỉ liên lạc với trọng tài chính trong các tình huống lỗi rõ ràng hoặc những tình huống nghiêm trọng bị bỏ qua.
Ở WC 2018, các trọng tài được hướng dẫn cụ thể khi nào thì chấp nhận thông tin từ tổ VAR, khi nào thì xem lại video ở góc màn hình trên sân trước khi ra quyết định. Cụ thể:
a. Xem lại video để đánh giá khi:
a1. Bàn thắng:
- Có lỗi của cầu thủ tấn công
- Việt vị
a2. Quyết định phạt đền
- Lỗi dẫn đến phạt đền
- Lỗi bởi cầu thủ tấn công
a3. Các tình huống thẻ đỏ trực tiếp
b. Nhận tư vấn từ tổ VAR:
b1. Bàn thắng:
- 1 vị trí việt vị ảnh hưởng đến bàn thắng
- Bóng đã đi ra ngoài sân nhưng dẫn đến bàn thắng
b2. Quyết định phạt đền
- Lỗi dẫn đến phạt đền trong hay ngoài vòng cấm
- Bóng ra ngoài trong tình huống dẫn tới phạt đền
- Việt vị trong tình huống dẫn tới phạt đền
b3. Các trường hợp nhận diện nhầm cầu thủ.
7. Trọng tài chính ở trên sân sẽ làm gì?
a. Khi nhận tín hiệu của tổ VAR, trọng tài chính có 2 lựa chọn
- Nhận tư vấn của tổ VAR để quyết định
- Quyết định ra góc video dành riêng cho trọng tài để xem lại tình huống
b. Trọng tài chính ra dấu
- Tạm dừng trận đấu, đặt tay hoặc chỉ tay lên tai => Trao đổi với tổ VAR, đây không được coi là 1 tình huống đánh giá chính thức của VAR.
- Tạm dừng trận đấu, ra dấu tay vẽ hình chữ nhật lên không trung => Đánh giá lại tình huống khi có tín hiệu của tổ VAR hoặc thay đổi quyết định sau khi xem lại video hoặc tham khảo tư vấn của VAR.
c. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là nằm ở trọng tài chính.
8. VAR hiển thị cho khán giả truyền hình thế nào?
Sẽ có 1 nhân viên FIFA sẽ theo dõi các góc máy, nghe trao đổi giữa trọng tài chính và tổ VAR để đưa lên phần hình ảnh mà tổ VAR đang đề cập. Hệ thống đồ họa này dành riêng cho truyền hình.
Nhân viên này cũng sẽ cung cấp thông tin cho bên truyền hình, BLV, các bên truyền thông về lý do đánh giá tình huống và kết quả đánh giá thông qua 1 tablet.
Làm rõ các hiểu lầm về VAR
Mặc dù đã áp dụng trong bóng đá được vài năm, thế nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến nhầm lẫn về VAR (Video Assistant Referee). Cụ thể như “trọng tài chính mới là người quyết định dùng VAR hay không”, hay “trọng tài ra xem lại VAR”.
Hiểu lầm cơ bản này coi cả 1 hệ thống VAR gồm máy móc và con người thành… việc xem lại video. Nếu chỉ xem lại video thì FIFA đâu cần cả 1 hệ thống phức tạp vậy, bởi nếu vậy chỉ cần đặt 1 chiếc ti vi quay lại trên sân là được rồi.
Phần trên đã nói rất chi tiết VAR là gì, nhưng mà xem ra vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết nên hôm nay tôi sẽ giải thích bằng ví dụ cho dễ hiểu.
Ví dụ về tình huống sử dụng công nghệ VAR
Ví dụ khi xảy ra 1 tình huống va chạm giữa cầu thủ 2 đội, trọng tài chính không thổi phạt đền.
A. Khi ý kiến của tổ VAR khác với trọng tài chính
Trường hợp 1:
VAR: Có lỗi đại ca ơi!
Trọng tài chính: Anh nhìn rõ rồi, không có lỗi!
=> Không có phạt đền.
Trường hợp 2:
VAR: Có lỗi đại ca ơi!
Trọng tài chính: Có lỗi à, tuýt!
=> Phạt đền.
Trường hợp 3:
VAR: Có lỗi đại ca ơi!
Trọng tài chính: Lỗi á? Để anh check lại xem!
Trọng tài ra dấu vẽ hình chữ nhật lên không trung, chạy vào lán xem video.
Sau khi xem xong, Trọng tài chính cho rằng không có lỗi, “A lô, anh xem lại rồi, anh thấy không lỗi nhé”
=> Không có phạt đền.
Trường hợp 4:
VAR: Có lỗi đại ca ơi!
Trọng tài chính: Lỗi á? Để anh check lại xem!
Trọng tài ra dấu vẽ hình chữ nhật lên không trung, chạy vào lán xem video.
Sau khi xem xong, TT chính: “A, có lỗi thật, tuýt!”
Ra dấu vẽ hình chữ nhật, chỉ tay vào chấm phạt đền
=> Phạt đền.
B. Khi ý kiến của tổ VAR giống với trọng tài chính
Trọng tài chính và tổ VAR đồng ý kiến rồi thì không có phạt đền luôn.
Có phải trọng tài phải xem video thì mới là dùng VAR?
Nhầm lẫn phổ biến nhất là cho rằng trọng tài chính chạy vào lán xem video mới là dùng VAR.
Điều đó không đúng, vì tổ VAR hoạt động xuyên suốt cả trận, ngay ở trường hợp 1, 2 hay B, bên truyền hình rất hiếm khi đưa nhưng thực tế họ vẫn làm việc
Bởi vì hầu như chỉ khi trọng tài chạy ra xem video, bên truyền hình mới đưa hình ảnh mà cả tổ VAR và trọng tài chính đang nhìn và thảo luận.
Còn nếu trọng tài và tổ VAR chỉ liên lạc qua bộ đàm thì người xem lại ít chú ý, bởi vẫn có hình trọng tài chính trao đổi lâu với tổ VAR nhưng trên hình trình chiếu trên TV lại không có đoạn replay quay lại trên màn hình của tổ VAR.
Điểm qua 1 vài ý kiến của khán giả về VAR
Hãy cùng điểm qua một số phản ứng của khán giả về công nghệ VAR trong trận đấu:
“VAR sao lại hoạt động chậm thế, đang đá tự dưng lại tạm dừng?”
Tổ VAR cũng là 1 tổ trọng tài, họ cần thời gian để xem xét, nhận định. Có những tình huống nhìn video sơ qua là thấy lỗi ngay, nhưng có những tình huống phải xem đi xem lại rất kĩ, bàn bạc với nhau xong mới quyết định là lỗi hay không mới báo trọng tài chính được.
“Có VAR mà vẫn thổi sai, rõ ràng là thiên vị”
Sai đúng là do cảm quan của người nói câu này. Còn nếu tổ VAR nhận định giống trọng tài chính, dĩ nhiên họ không ra tín hiệu.
Trong bóng đá, có rất nhiều trận đấu có những tình huống 50-50, mà khi hết trận, người ta xem đi xem lại rất nhiều góc máy mà vẫn tranh cãi không dứt. Các trọng tài cũng thế, có nhiều pha bóng có 10 trọng tài đánh giá thì 5 người sẽ thổi phạt đền, 5 người không.
Điển hình là chúng ta không ít lần thấy cùng 1 tình huống ở Champions League mà trên báo mỗi anh trọng tài lại có 1 ý kiến khác nhau.
Rõ ràng là những tình huống 50-50 như vậy sẽ phụ thuộc vào trọng tài chính và trọng tài làm ở tổ VAR thuộc nhóm nào.
Giả như cả 2 đều nằm ở nhóm có quan điểm thổi phạt đền thì may cho đội được penalty, còn nếu cả 2 ở nhóm nhận định không có pen, thì lại may cho đội thoát phạt đền.
Và dù có ở nhóm quan điểm nào đi nữa, thì họ cũng sẽ bị những khán giả có quan điểm trái ngược phản ứng (vì 50-50 mà).
“VAR chỉ phạt đội này chứ không phạt đội kia?”
Vẫn nhắc lại câu cũ, VAR cũng là 1 tổ trọng tài, nên họ ra tín hiệu cho trọng tài chính nếu nhận định của họ cho rằng có lỗi.
Nhận định của họ để trọng tài chính tham khảo, giống như có người làm thì có người giám sát, chứ không có nghĩa là nhận định của VAR luôn đúng và làm chuẩn mực cho trọng tài chính.
Như trường hợp của Ronaldo trận vừa qua, VAR ra tín hiệu cho rằng 1 tình huống có thể phạt thẻ đỏ (VAR không can thiệp vào những tình huống thẻ vàng), nhưng theo quan điểm của trọng tài chính thì lại chỉ xứng đáng phạt thẻ vàng.
Nếu tình huống này trọng tài chính xử lý sai thì lỗi của trọng tài chính, chứ đâu phải là lỗi của VAR?
“Yêu cầu dùng VAR sao không dùng?”
Thứ nhất, VAR không phải là vật mà dùng hay không. Thứ 2, tổ VAR không ra tín hiệu cho trọng tài chính, tức là cả 2 tổ nhận định giống nhau, tại sao phải xem lại video?
Xem lại video xong mà trọng tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm có phải còn bị chửi ác hơn không (kể cả đúng), trong khi cả tổ VAR cũng giống mình.
“Có VAR thì nhà cái, mafia dễ dàng thao túng trận đấu hơn”
Có VAR tức là có 2 tổ trọng tài, và trọng tài chính là người quyết định. Không lẽ thao túng 2 tổ trọng tài dễ hơn thao túng 1 tổ?
“Trọng tài chính là người quyết chính, thì dẹp VAR đi chứ để làm gì?”
Có thể thấy, trong các trường hợp trên, trọng tài chính vẫn là người quyết định cuối cùng. VAR giống như ban cố vấn, dù trọng tài chính quyết nhưng quyết dựa trên tư vấn vẫn sẽ ít sai sót hơn.
Ví dụ như không có VAR, trọng tài quyết sai 5 lần, thì 5 lần đều sai, nhưng nếu có VAR tư vấn, trọng tài nghe 3 lần, không nghe 2 lần, thì chỉ còn có 2 lần sai.
Giống như vị Nguyên soái ra trận vẫn là người ra lệnh, nhưng chắc chắn khi tham khảo ý kiến của các quân sư giỏi, sẽ cân nhắc và ít sai lầm hơn.
Kết luận
- VAR là 1 tổ trọng tài, không phải là hệ thống máy móc, cũng đủ 4 người như tổ trọng tài chính.
- Không phải trọng tài chính yêu cầu thì mới “dùng” VAR (VAR là người cơ mà?).
- Không phải cứ trọng tài chính chạy ra xem video thì VAR mới làm việc.
- VAR theo dõi xuyên suốt cả trận đấu.
VAR cũng là 1 tổ trọng tài, nên chỉ khi nhận định của tổ VAR khác với tổ trọng tài chính thì họ mới ra tín hiệu.
Trong 4 loại tình huống ở trên, nếu nhận định của tổ VAR khớp với tổ trọng tài chính, thì họ không ra tín hiệu, đồng nghĩa với việc bất chấp ai có ý kiến thế nào thì nhận định của 2 tổ đều so khớp và được coi là chính xác.
Nếu không phải 4 loại tình huống trên hay mức độ không nghiêm trọng, VAR không tư vấn hay ra tín hiệu.
Với bài viết trên từ Football Facts, Menback hi vọng những khán giả xem bóng đá có thể hiểu rõ VAR là gì, những quy định của FIFA về VAR để thưởng thức một trận đấu bóng đá thú vị hơn.
Xem thêm:
- Bóng đá vì sao được yêu thích đến như vậy?
- Hệ thống chiến thuật bóng đá được hình thành như thế nào?
- Phân tích lối chơi của các đội bóng tại Premier League 2021/22
–
MENBACK.COM