Daichi Kamada là tài năng bóng đá người Nhật Bản đang khiến cả châu Âu trầm trồ, nhưng anh đang bị huấn luyện viên trưởng và ĐTQG Nhật Bản bỏ quên.
Tháng 4 vừa qua, khi nói chuyện với báo giới nhân kết quả bốc thăm World Cup 2022, HLV đội tuyển Nhật Bản Hajime Moriyasu có nói sẽ đi Châu Âu để xem “giò cẳng” các học trò. Nhưng nếu mà ông không ghé qua Đức thì xem như chuyến đi ấy sẽ mất hết phân nửa ý nghĩa, có thể ông đã quên Daichi Kamada là ai mất rồi.
Đêm qua, Daichi Kamada cùng Eintracht Frankfurt đánh bại West Ham United 1-0, qua đó giành tấm vé chơi chung kết Cúp Châu Âu sau 42 năm chờ đợi.
Vấn đề là tài năng người Nhật không chỉ góp mặt cho đủ tụ, ngược lại cả Châu Âu kinh ngạc trước tài chơi bóng của Kamada. Khi từ Benito Villamarin đến Nou Camp, Frankfurt liên tiếp gây ra những cơn địa chấn nhờ cảm hứng của một cầu thủ Á Đông.
Cao đến 1.84m, Daichi Kamada có thể hình tương đối vạm vỡ so với 1 tiền vệ tấn công truyền thống Nhật Bản như Hidetoshi Nakata, Shinji Kagawa…, những cầu thủ nhỏ người nhưng nhanh nhẹn.
Cao lớn thế nhưng anh lại rất khéo léo, thần thái chơi bóng của Kamada khiến tôi nghĩ đến những cầu thủ Brazil bị “Nhật hóa”.
Như cựu tuyển thủ Alex chẳng hạn, nghĩa là họ vẫn giữ chất kỹ thuật điển hình của người Brazil nhưng lại được gò vào tính kỷ luật của người Nhật thành ra mọi quyết định đưa ra đều rất hợp lý.
Xem Kamada đến 4 trận ở Europa League, tôi hiếm khi thấy anh để mất bóng, nhịp độ xử lý thì dứt khoát và đặc biệt tinh tế khi lựa chọn quyết định.
Hôm qua, pha phất bóng dài gần 40m từ sân nhà khiến toàn bộ hàng thủ West Ham bị loại bỏ, nhãn quan và kỹ năng phải thật hoàn hảo mới kết hợp thành pha bóng định đoạt trận đấu như thế.
Bởi sau đó, Rafael Borre thoát xuống đối diện với Areola và buộc Cresswell phải phạm lỗi dẫn đến tấm thẻ đỏ trực tiếp. Mọi hi vọng lội ngược dòng của “Búa tạ” tiêu tan sau pha bóng ấy.
Trong sơ đồ 3-4-3 của Frankfurt, Daichi Kamada được bố trí đá lệch trái ở hàng công nhưng thực tế cho thấy, anh có xu hướng bó vào giữa sân, nhận bóng, quan sát và tỉa những đường chuyền chết người.
Thần thái của anh làm tôi nhớ đến mẫu nhạc trưởng đã tuyệt chủng của bóng đá Nhật Bản là Shunsuke Nakamura.
Với 4 bàn thắng mùa này ở Europa League, tính tổng cộng Kamada ghi đến 11 bàn qua 18 trận ở UEL cho Frankfurt. Chỉ kém 1 bàn so với tiền bối Tony Yeboah (12 bàn), người ghi nhiều bàn nhất lịch sử UEL cho Eintracht Frankfurt.
Phong độ đó của Daichi Kamada khiến người Châu Âu lục tung mọi ngóc ngách Internet để tra cứu thông tin chàng trai người Nhật Bản. Nhưng họ kinh ngạc khi biết, Kamada đã không lên đội tuyển quốc gia Nhật Bản từ tháng 11.2021 đến nay.
Khi Nhật thua Arabia Saudi 0-1 tại vòng loại World Cup, Daichi Kamada đá chính ở Jeddah, và đó cũng là lần cuối anh ra sân ở tầm đội tuyển.
Trong trận đấu đó, Nhật đá tệ khi Genki Shibasaki là vết đen trong quyết định lựa chọn của HLV Moriyasu, trong khi Kamada không phát huy được vai trò dẫn dắt như ở Frankfurt.
Thời thế thay đổi khi Nhật phá bỏ sơ đổ 4-2-3-1 để chọn 4-3-3 với sự nổi lên của Hidemasa Morita và Ao Tanaka, thời điểm cái tên Kamada bị bỏ rơi khỏi tâm trí của HLV Moriyasu.
Nhật thắng liền 6 trận sau đó để giành vé đến Qatar, nhưng bây giờ khi cả Châu Âu nói về ngôi sao của Frankfurt, Leeds United thậm chí sẽ đàm phán để chiêu mộ anh nếu trụ hạng bỗng đặt ra lựa chọn quá khó cho ông Moriyasu.
Tính từ khi Shinji Ono cùng Feyenoord vô địch UEFA Cup 2002, Nhật mới có 1 ngôi sao tỏa sáng đến thế ở Cúp Châu Âu, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu cầu thủ xuất sắc nhất Europa League mùa này không thể đến Qatar dự cúp thế giới vào cuối năm.
Bóng đá Nhật Bản, 22 năm một hành trình
Hình ảnh này đến vào ngày 14.6.1998, sân Stade de Toulouse chứng kiến khoảnh khắc lịch sử khi Nhật Bản...
Read more