HLV chia tay một CLB sẽ có những hình thức nào?
Ngoại hạng Anh, giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh mới đi qua chưa được 1/3 chặng đường, nhưng người hâm mộ đã chứng kiến rất nhiều HLV bị sa thải, trong đó nổi bật và ồn ào nhất có lẽ là câu chuyện của Ole Gunnar Solskjær và Manchester United. Vậy ngoài việc bị câu lạc bộ sa thải, thì một HLV có thể rời đi trong những trường hợp nào?
Dựa vào những từ khoá dưới đây trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể phân biệt được các hình thức này như sau.
1. Hết hợp đồng (Contract End)
Trường hợp này xảy ra khi ít nhất 1 trong 2 bên không muốn gia hạn hoặc không đạt được thoả thuận gia hạn hợp đồng.
Huấn luyện viên sẽ ra đi khi hợp đồng cũ hết hạn và 2 bên không ràng buộc gì với nhau hoặc nghỉ hưu (Retire) cũng có thể xếp vào hình thức này nếu hợp đồng 2 bên kết thúc.
Ví dụ: Pep Guardiola rời Bayern khi hết hạn hợp đồng mùa 2015/16 hay Luis Enrique rời Barcelona khi hết hạn hợp đồng mùa 2016/17.
2. Từ chức (Resign)
HLV đệ đơn từ chức lên Ban lãnh đạo đội bóng và được phê duyệt. Trong trường hợp này, cả HLV và đội bóng đều không mất tiền đền bù hợp đồng. Nghỉ hưu (Retire) khi chưa hết hợp đồng cũng có thể tạm coi là 1 hình thức khác của từ chức (Vì nếu không có sự phê duyệt của lãnh đạo thì muốn nghỉ cũng phải đền hợp đồng do hoàn thành nhiệm vụ, nhưng rất rất hiếm khi BLĐ không phê duyệt).
Một ví dụ là 2 lần Zidane từ chức HLV ở Real Madrid.
3. Bị sa thải (Sacked)
Đây là trường hợp ban lãnh đạo đội bóng đơn phương sa thải HLV. Khi đó đội bóng phải đền bù cho HLV số tiền theo điều khoản đã ghi trong hợp đồng.
Ví dụ: Mourinho bị Chelsea (2 lần), Man Utd và Tottenham sa thải và nhận được số tiền đền bù rất lớn.
4. Được sự đồng thuận đôi bên (Mutual Consent hoặc Mutual Agreement)
Hình thức này là đa dạng nhất, vì nó không chỉ gói gọn trong 1 trường hợp. Có thể đội bóng muốn chấm dứt hợp đồng với HLV và thuyết phục được HLV đồng ý. Hoặc HLV muốn chấm dứt hợp đồng với đội bóng và thuyết phục được đội bóng đồng ý.
Nghe hơi lạ nhưng nó khác với trường hợp HLV từ chức ở trên chủ yếu là do mâu thuẫn hoặc thành tích quá kém, còn ở đây là có nhiều lí do khác.
Những trường hợp này bao gồm cả việc đội bóng muốn sa thải nhưng muốn giữ danh dự cho HLV, hoặc HLV muốn nghỉ việc vì lí do đội bóng mà muốn giữ hình ảnh cho đội bóng.
Những trường hợp này sẽ giữ gìn danh dự cho đôi bên, đổi lại, tiền đền bù hợp đồng cũng ít hơn so với việc sa thải hoặc phá vỡ hợp đồng.
Ví dụ đội bóng thay vì sa thải HLV A đền bù 10 triệu, sẽ bảo HLV A đồng ý nghỉ đi thì tôi sẽ trả ông 8 triệu và công bố là 2 bên đồng thuận để ông giữ được danh dự.
Thường các HLV muốn nghỉ hoặc CLB muốn chấm dứt với HLV sẽ cố gắng để thuyết phục bên còn lại thực hiện hình thức này hơn phương án xấu nhất là từ chức hoặc sa thải.
Tất nhiên là hình thức này chủ yếu rơi vào trường hợp đội bóng muốn chấm dứt với HLV hơn.
Ví dụ trường hợp HLV Sam Allardyce với ĐT Anh sau bê bối, Mourinho với Real Madrid năm 2013, David Wagner với Huddersfield Town giữa mùa 2018/19 (dù Huddersfield thi đấu cực bết bát).
5. Phá vỡ hợp đồng (Release contract)
HLV muốn nghỉ việc nhưng Ban lãnh đạo không chấp nhận từ chức, không chấp nhận kết thúc hợp đồng. Thường xảy ra khi HLV và đội bóng vẫn ổn, nhưng HLV muốn đi đến chỗ khác hấp dẫn hơn. Khi đó HLV sẽ phải bỏ tiền ra đền bù hợp đồng theo điều khoản, số tiền này có thể là tiền túi, hoặc là tiền của CLB mới cấp cho.
Có thể gọi nôm na đây là trường hợp “chuyển nhượng HLV”. Ví dụ: Nagelsmann từ Leipzig về Bayern.
Và hiện tại thế giới bóng đá đang mong ngóng HLV nào sẽ được “chuyển nhượng” tới Manchester United.
Xem thêm:
- VAR là gì? VAR hoạt động như thế nào? Ví dụ về tình huống VAR?
- Hệ thống chiến thuật bóng đá được hình thành như thế nào?
- Làm thế nào để trở thành huấn luyện viên bóng đá tiêu chuẩn châu Âu?