VAR là viết tắt của Video Assistant Referee – Công nghệ Video hỗ trợ trọng tài. Bỏ đi chữ “A” tức là không còn chữ “Assistant” (trợ lý hay hỗ trợ) ở trong đó nữa. Công nghệ đã đưa ra quyết định thay cho trọng tài.
KHI VAR BỊ LƯỢC BỎ CHỮ “A”
Đó là một nhận xét trên các diễn đàn khi nói về quyết định dở khóc dở cười của trọng tài Mike Dean về quả phạt đền của Man City trong trận đấu đêm qua, quả phạt được quyết định trễ đến 4 phút từ khi pha phạm lỗi xảy ra, đáng nói là bóng vẫn lăn trong 4 phút ấy. 4 phút, hai đội vẫn thi đấu nhiệt tình, trận đấu đầy căng thẳng và một hồi còi cắt ngang được thổi lên để đưa ra quyết định có thể tạo ra bước ngoặt.
Người viết là một người ủng hộ VAR, thậm chí cho rằng VAR là một bước tiến của bóng đá hiện đại, có thể giúp cho bóng đá tốt đẹp hơn. Đồng thời thừa nhận rằng VAR ở Premier League có lẽ là ở mức tốt nhất mà chúng ta được trải nghiệm về công nghệ này, từ hình ảnh chất lượng cho đến sự giải thích tương đối rõ ràng. Nhưng đó là khi VAR là một VAR trọn vẹn, chứ không khuyết đi một phần nào.
Ở tình huống thổi phạt đền đêm qua, chắc chắn Pep đã rất vui khi đội nhà có cơ hội, nhưng hẳn ông cũng không hoàn toàn thoải mái với một quyết định bất chợt và mang tính phụ thuộc công nghệ như thế. Còn Mourinho, cái cười nhạt đã cho thấy sự chán chường của ông.
Và không chỉ có Pep và Mourinho, 20 vị HLV ở Premier League (chưa tính những người đã phải rời ghế sớm), có lẽ không có ai là chưa một lần phản ứng với VAR. Tình huống như quyết định của trọng tài Mike Dean đêm qua có lẽ là lần đầu tiên, nhưng chúng ta đã không ít lần chứng kiến nhiều tình huống dở khóc dở cười tương tự như thế. Việt vị do nách, mông hay đầu gót chân là điều thường xuyên xảy ra, thậm chí là chi li với khoảng cách tính bằng milimet. Và có cả những tình huống rõ ràng nhưng trọng tài không can thiệp chủ động.
Có thể gây tranh cãi, nhưng một trong những quyết định mà người viết thích thú nhất đối với một vị trọng tài là cái xua tay của ông trong một tình huống bóng chạm tay hậu vệ trong vòng cấm. Quyết định lỗi trong bóng đá, bên cạnh luật lệ ra, còn phụ thuộc vào nhận định của trọng tài. Và việc quyết định một hậu vệ có lỗi hay không khi để bóng chạm tay trong vòng cấm sẽ cho thấy sự thấu hiểu tình huống cũng như độ nhạy cảm của vị trọng tài ấy. Dĩ nhiên quyết định đúng hay sai là do chất lượng của ông ta. Nhưng một quyết định độc lập sẽ cho thấy cái uy của vị trọng tài, rằng ông là người làm chủ của cuộc đấu này.
VAR ở Premier League cũng có triết lý khi sử dụng đấy, đó là “can thiệp tối thiểu – hiệu quả tối đa” (minimum interference – maximum benefit). Nhưng có vẻ đêm qua, nó đã đi quá triết lý này.
Dĩ nhiên, trong bóng đá luôn có tranh cãi, kể cả VAR cũng không tránh khỏi điều này. Sẽ có người vui kẻ buồn khi quyết định được đưa ra, và kẻ buồn thì thường than phiền nhiều hơn. Nhưng xét trên một quãng thời gian dài thì có vẻ không mấy HLV ở Premier League có thể vui.
Chúng ta sử dụng công nghệ để hỗ trợ là tốt. Nhưng để công nghệ lấn át thì khá là nguy hiểm.
Dù sao thì đây vẫn là mùa giải đầu tiên Premier League áp dụng VAR. Vẫn có niềm tin rằng tất cả sẽ tích cực hơn trong tương lai.
Xem thêm: Thế giới bóng đá đầu thập niên 2010 như thế nào?
–
Menback.com