Khi câu chuyện giữa Lionel Messi và Barcelona đang dừng lại ở câu hỏi, rằng anh sẽ đến đội bóng nào ở thời điểm hiện tại? Manchester City, Inter hay Newell Old Boys? Thì đề tài hấp dẫn tôi là vì sao một cầu thủ gắn bó trọn đời với Barca, xem Nou Camp và Catalan như máu thịt lại hành động cương quyết đến thế. Bởi nếu hợp đồng chỉ là tờ khế ước rằng buộc về pháp lý thì hành động viện dẫn điều khoản ra đi của Leo như chứng minh, hoàn cảnh đã buộc 2 bên dẫn nhau đến cuộc chiến cuối cùng.
Lionel Messi – Barcelona: ván bài lật ngửa
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh chiếc áo số 10 ở Barcelona được mặc bởi một cầu thủ khác khi Lionel Messi còn chơi bóng, với người Catalan nó còn khủng khiếp hơn thế nhiều lần. Đấy là lý do cho những cuộc biểu tình rầm rộ qua nay trên đường phố Barcelona, bởi các cules không chấp nhận chuyện mất đi Messi trong bối cảnh rối ren của CLB. Sức ép ấy đương nhiên nhắm vào phía Barcelona, chủ tịch Josep Bartomeu và… Ronald Koeman, người mà tôi cho là ít xuất hiện trong câu chuyện này nhưng lại giữ một vai trò tối quan trọng.
“Đặc quyền sẽ không có chỗ trong đội bóng, cậu sẽ phải làm mọi thứ vì CLB”, Marca thuật lại câu nói mà Ronald Koeman dành cho số 10 trong lần đối mặt đầu tiên giữa 2 người. Vài ngày sau, bản Fax được cho của Leo gửi đến CLB thông qua luật sư của mình, như là cách phản ứng nhanh nhất mà Messi muốn chứng minh. Dưới góc nhìn của mình, tôi không quá ngạc nhiên với hành động của Koeman (nếu có thật) như Marca miêu tả, bởi nói về ông nghĩa là bạn đang nói về mẫu HLV quân phiệt điển hình của bóng đá Hà Lan, từ Rinus Michels đến Johan Cruyff, họ đều là mẫu ông chủ của phòng thay đồ và kiểm soát chặt chẽ mọi thứ. Với Koeman, ông xem Cruyff vượt quá vị trí người thầy khi sức ảnh hưởng của tiền bối xâm chiếm trong suy nghĩ và hành động của cựu trung vệ Hà Lan. Thế nên, ở những nơi mà ông kinh qua, Koeman luôn là người có tiếng nói quan trọng nhất và hơn cả, cá tính của ông là không ngại đối đầu nếu cần thiết để giải quyết sự bế tắc. Như ở Valencia chẳng hạn, Koeman đã thẳng tay dẹp bỏ quyền lực của những “Thượng Nghị Sĩ” như Ruben Baraja, David Albelda trong nháy mắt để thiết lập trật tự. Với Messi, ông không ngại nói ra suy nghĩ thật của mình, điều khác hoàn toàn với Valverde, Setien hay cả “Lucho” Enrique. Quyết định đẩy mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát ở đội bóng xứ Catalan.
Thất bại ề chề trước Bayern Munich như lập luận rằng cấu trúc mà Barcelona duy trì 12 năm nay đã lỗi thời, mà cấu trúc ấy là gì? Là chuyện Nou Camp phải phụ thuộc hoàn toàn vào ngẫu hứng và cảm xúc của Lionel Messi. Nghĩa là dù HLV nào đến và đi, thì chuyển động của đội bóng phải xoay quanh ý chí chủ quan của số 10. Ronald Koeman nhận thức rõ rằng quan điểm này cần được thanh tẩy sạch sẽ nếu Barca muốn bước sang một chương mới. Ở đấy, Messi vẫn là phần quan trọng nhưng sẽ phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh, quân bài ngửa mà Koeman không hề e ngại dành cho thủ quân đội bóng khi ông cho là thời thế đã thay đổi.
Đấy không chỉ là ý chí của Koeman mà còn là cả Barcelona và Josep Bartomeu, bởi tôi tin là khi 2 phía ngồi vào bàn đàm phán thì chủ đề làm sao đối diện với Messi sẽ đóng vai trò chủ đạo. Và một khi Barca chuẩn thuận Koeman nghĩa là họ phải chấp nhận quan điểm cứng rắn của ông. Đáp lại, chính là quân bài mong được ra đi từ phía Messi gửi đến Nou Camp.
Rốt cuộc, đã có một HLV đến và nói những điều như vậy với cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Barcelona, điều mà tôi cho chỉ là sớm hay muộn. Về phía Messi, cảm giác mất đi vị thế ông Vua thật khó để chấp nhận nhưng thực tế thì luôn phũ phàng như vậy. Thế rồi cũng đến một ngày mà Barca hiểu họ sẵn sàng cuộc sống mà không có anh. Không có cuộc cách mạng nào mà không đổ máu, không có chiến thắng nào mà không nếm trải đau thương, phải không Barcelona!
> Xem thêm: Ronald Koeman về Nou Camp, sẵn sàng cho một cuộc thanh trừng
BARCELONA – LIONEL MESSI VÀ NHỮNG CỘT MỐC ĐÁNH DẤU SỰ RẠN VỠ
Tờ Sport điểm lại những cột mốc đánh dấu sự đi xuống trong mối quan hệ giữa Barca và cầu thủ xuất sắc nhất của mình.
• Mọi thứ bắt đầu sau thất bại trước Liverpool khi bắt đầu xuất hiện rạn nứt về niềm tin giữa các thành viên chủ chốt như Leo Messi, Ernesto Valverde và Josep Bartomeu. Các cầu thủ bảo vệ HLV, trong khi chủ tịch CLB giận dữ sau kết quả ở Anfield.
• Barca không thể chiêu mộ Neymar trong khi mang về Griezmann, người được HLV Valverde ngưỡng mộ. Phản ứng của các cầu thủ là không tích cực về chân sút người Pháp. Bản thân Messi cho rằng Neymar phù hợp với Barca hơn ai hết, thất bại này khiến niềm tin của Leo với BLĐ suy giảm, nhất là với Bartomeu người khác với mẫu chủ tịch quyết đoán như Joan Laporta.
• Quyết định sa thải Valverde và bổ nhiệm Quique Setien. Messi không ấn tượng khi bản thân anh không được tham vấn ý kiến. Vị tân HLV và BHL không nhận được sự ủng hộ của các cầu thủ. Như Sport cho hay, Messi và Suarez còn vài lần không góp mặt trong các buổi họp chiến thuật trước các trận đấu. Minh chứng là phản ứng của Suarez khi bị đẩy lên ghế dự bị. Ter Stegen là người nỗ lực làm cầu nối giữa đôi bên. Nhưng bất thành.
• Luis Suarez muốn gia hạn hợp đồng đến năm 2023 nhưng Barca chỉ đề nghị đến năm 2022, khi CLB cho rằng, phong độ của Su thỏ có chiều hướng đi xuống. Trong khi Messi được đề nghị gia hạn thêm 2 năm nhưng anh nói không với viễn cảnh ở Nou Camp.
• Quique Setien gặp không ít áp lực trong việc sắp xếp đội hình ra sân. Một mặt, CLB muốn ông trao cơ hội cho những măng non như Riqui Puig, Ansu Fati. Trong khi áp lực từ những “Thượng Nghị Sĩ” muốn ông dùng nhiều cầu thủ có kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, những ngôi sao gạo cội đóng vai trò quan trọng ở các trận đánh lớn.
• Thất bại trước Osasuna ở vòng 37 giúp Real Madrid vô địch, Messi công khai chỉ trích CLB. Dù sau đó đôi bên đã hạ nhiệt căng thẳng trước trận đấu với Napoli, nhưng thất bại ê chề trước Bayern như khiến vết thương cũ bộc phát, Sport khẳng định Anfield không là gì so với thảm họa ở Lisbon.
• Barca phớt lờ y kiến từ phòng thay đồ về 2 HLV Pochettino và Lopetegui mà bổ nhiệm Koeman. Leo được cho là đứng ngoài quyết định này, vốn đến từ Bartomeu và Abidal. HLV người Hà Lan lập tức lên danh sách một loạt cầu thủ phải ra đi, và hầu hết đều thân thiết với Messi như Suarez, Vidal…
> Xem thêm: Barcelona 2011: đơn giản là vĩ đại
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Nguồn: Ký Ức Bóng Đá