Tuần vừa rồi xứ Catalan náo nức kỷ niệm tròn 10 năm ngày Barcelona giành cú ăn 6, kỳ tích có một không hai trong lịch sử túc cầu. Nghĩa khoảng thời gian này kéo dài từ năm 2009 – 2010, nhưng tôi cho rằng, phiên bản xuất sắc nhất trong 10 năm qua của Barcelona nằm ở mùa giải 2010 – 2011. Nhân lúc hứng thú với chủ đề này, hôm nay tôi ngồi xem lại toàn bộ trận chung kết UEFA Champions League ở Wembley giữa Barcelona và Manchester United để thấy hết sự vĩ đại của thế hệ này.
Đội hình của Barcelona trong trận chung kết UEFA Champions League với MU
Ở London, họ gặp lại nhau sau 2 năm kể từ ngày ở Rome. Nhưng xét về tương quan lực lượng, vị thế hai bên đã thay đổi hoàn toàn khi United mất đi Cristiano Ronaldo và Carlos Tevez, nghĩa là đi xuống trong khi Barcelona thâu nạp thêm David Villa và Javier Mascherano, trong đó Villa là quân bài chủ chốt giúp Pep hoàn thiện đội ngũ tấn công mà lão hằng mơ ước, bởi sau những “Ngựa chứng” Samuel Eto’o và Zlatan Ibrahimovic, Villa vừa lành tính lại quen thuộc với hệ thống Tiki Taka ở đội tuyển TBN, nói không ngoa khi El Guaje là chi tiết khắc họa sự tinh xảo nhất của phiên bản này so với các phiên bản Barca còn lại.
Manchester United hiểu mình yếu hơn khi mất đi 2 mẫu ngôi sao như Cristiano và Tevez, điều này khiến Sir Alex Ferguson xoay trục lối chơi khi nhấn mạnh về hàng thủ thay vì hàng tấn công. Thế nên, khác với chuyện Barca hủy diệt đối thủ, phong cách phòng ngự chặt phản công nhanh được Fergie khai thác. Bộ tứ vệ gồm Rafael – Rio Ferdinand – Nemanja Vidic – Patrice Evra trở thành tấm lá chắn thép trước khung thành Edwin Van Der Sar, qua đó làm nền cho khả năng chớp thời cơ của Chicharito và Rooney, cho đến trước trận chung kết 2011, MU chỉ để lọt lưới có 4 bàn, ít nhất giải. Nói nôm na là vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn sẽ được tái hiện ở Wembley. Cách tiếp cận đó phần nào thành công trong hiệp 1, khi Barca mặc dù kiểm soát hoàn toàn thế trận nhưng vấp phải hàng thủ quá già dơ, bàn gỡ hòa 1-1 của Rooney như cô đọng quan điểm của Sir Alex, rằng hãy cứ để đối thủ cầm bóng, còn chúng ta chỉ việc ngồi chờ họ mắc sai lầm và trừng phạt.
Barcelona năm 2011 là một trong những đội bóng mạnh nhất trong lịch sử.
Tuy vậy, để làm nên tầm vóc vĩ đại của thế hệ này thì Barcelona có những con người quá khó đoán, vì thứ bóng đá họ trình diễn vượt mọi khuôn khổ, toan tính của đối thủ. Bàn nâng tỷ số 2-1 của Leo Messi là như vậy, sau hai pha đan bật với Xavi và Iniesta, khi hàng thủ của United lùi sâu để chờ đợi 1 tình huống xuống biên hay đập nhả trung lộ, Leo rướn 2 nhịp để tung ra cú đá trời giáng, khiến cả hệ thống phòng ngự của Quỷ Đỏ bị đánh lừa, mọi thứ diễn ra trong tích tắc và khi Evra nhận ra thì đã quá muộn.
Sau đó, mọi thứ tuột khỏi tầm tay của Manchester United, trạng thái của họ chuyển từ tự tin sang căng cứng như hình ảnh đôi tay run rẩy của Sir Alex. Như thừa nhận của ông trong cuốn hồi ký, rằng xét về trình độ, thì so với đội bóng ở Rome từng thắng United, Barcelona 2011 đã tăng thêm mười phần công lực khi ông bảo nếu thất bại ở Rome còn gây tiếc nuối nào đó, thì chức vô địch ở Wembley của Barcelona 2011 là hoàn toàn vượt trội.
Tôi đã xem lại 2 lần trận chung kết này chỉ trong 1 ngày để nghiền ngẫm cách Barca vận hành lối chơi, và kết luận duy nhất tôi có thể chỉ ra là Barcelona ngày ấy có thể không cần Messi nhưng chắc chắn sẽ vứt bỏ hệ thống này nếu không có Iniesta và đặc biệt là Xavi, bộ não thể hiện mọi ý tưởng tài tình của Pep trên sân. Thực tế này phản chiếu qua việc Tây Ban Nha thống trị tuyệt đối bóng đá thế giới với hệ thống “Barcelona không Messi”, khi Xavi và Iniesta vẫn ở đấy để dẫn dắt cả đội bóng.
Tôi đã nghe kể về giai thoại hào hùng của những Hungary 1954, Brazil 1970, Hà Lan 1974 và AC Milan 1987. Nhưng cảm xúc khi chứng kiến Barcelona 2011 vẫn vượt trên tất cả bởi nét quyến rũ, sự thăng hoa mà họ để lại thật khó để so bì, và quan trọng hơn là nền tư tưởng của Pep và thế hệ này đã tạo ra chuẩn mực mới cho sân cỏ thế giới cho đến tận ngày hôm nay.
>> Xem thêm:
- Manchester United – thất bại đã được dự báo trước
- Không Messi, Barcelona nhận trái đắng ngày mở màn La Liga
—
Theo: Ký ức bóng đá